Mai Văn Phấn
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc sinh năm 1958 tại Sơn Tây (Hà Tây cũ), giã biệt thế gian năm 2001. Thời khắc ông bước sang đời sống khác, là lúc đang căng tràn sức sáng tạo, để lại bao dự định ngổn ngang cho những cuộc khởi hành kế tiếp. Bạn đọc khi ấy đang chờ đợi thơ Nguyễn Lương Ngọc hiển lộ thêm, độc sáng hơn, có người còn dự đoán ông sẽ “bẻ ghi” sau 3 tập thơ đã xuất bản: “Từ nước” (Nxb. Hội Nhà văn VN, 1991), “Ngày sinh lại” (Nxb. Thanh niên, 1991) và “Lời trong lời” (Nxb. Văn học, 1994). Nhưng hành trình thơ ấy đã dừng lại khi nhà thơ mới vào tuổi 43.
Ông cùng quê, xuất hiện cùng thời với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Dương Kiều Minh. Họ thuộc trong số những tác giả quan trọng, sớm tìm ra con đường của mình trong hành trình đổi mới, cách tân thơ, từ sau thời điểm năm 1975. Bài viết này của tôi nhằm đánh giá và tưởng nhớ một tài năng, sáng tạo với tinh thần tiền phong (avant-garde), đã ra đi trong đa chiều những tranh cãi, bàn luận của người đọc về giá trị đích thực cũng như còn mơ hồ của đổi mới, cách tân thi pháp.
*
Thơ Nguyễn Lương Ngọc thể hiện bút pháp tài hoa, mang định mệnh lớn ngay từ những bài thơ đầu tiên được ông công bố trong tập “Từ nước”. Ngắm mặt sông mà tỏ lòng sông/ Vuốt tóc lòng tay gặp vầng trán/ Ấm, mát, một phần mùa đông (Mùa đông). Cũng như một số nhà thơ khởi nghiệp vào đầu thời kỳ Đổi mới (1986), thơ Nguyễn Lương Ngọc xuất hiện trong từ trường của thơ hậu chiến tranh. Theo tôi, đây là giai đoạn chững lại, gần như đông cứng của đời sống thi ca lúc đó. Những tác giả mới xuất hiện chưa đủ nội lực để chinh phục người đọc, và, những nhà thơ thành danh còn lúng túng khi vừa đi qua cuộc chiến. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc khi mới xuất hiện cũng là “một phần mùa đông” năm ấy. Thơ ông tựa mầm lá tơ non, run rẩy trong gió lạnh: Tung tăng có em gái nhỏ/ Ô xanh bóng mỏng theo sau (Em gái trên đường). Câu hát mảnh tơ giữa miền quánh gió (Tương quan).
Thơ ông giai đoạn này như vết nứt trên bề mặt của tảng băng báo hiệu mùa xuân. Câu thơ sau đây thể hiện áp lực chuyển vần bên trong con người thơ giàu nội lực và ý chí bứt phá: Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu (Hội họa lập thể).
Trong tập thơ đầu tay, bạn đọc thấy được nỗ lực và sức bền của một mầm cây vừa bật lên trong mùa đông khắc nghiệt, và, cũng thấy được cả sự rướn sức, lấy đà và hụt hơi trong một số câu thơ, bài thơ. Bài thơ “Vẽ chim” là một ví dụ cho thấy tác giả đã cố tình triết lý một hiện tượng vốn rất tự nhiên và hồn nhiên trong đời sống “Hai chú cháu thi nhau chấm những dấu ngày càng bé tí. Không hiểu sao, sau hôm đó, chẳng bao giờ bé còn nhờ tôi vẽ.”
*
Tập thơ “Ngày sinh lại” là bước vượt lên của thi pháp thơ Nguyễn Lương Ngọc, dù xuất bản cùng năm (1991) với tập thơ “Từ nước”. Đây là giai đoạn phồn sinh của một thân cây đã trưởng thành, có vóc dáng cao lớn, sum suê, và ẩn chứa nhiều mặt khuất lấp.
Nếu thiết kế không gian trong tập thơ “Từ nước” có thể ví với hình học phẳng, thì một số bài thơ trong tập thơ “Ngày sinh lại” tạo cảm giác về hình học không gian. Những thi ảnh trong đó thường đứt đoạn, cắt nhỏ, biệt lập… để ráp nối lại trong không gian trừu tượng với nhiều góc nhìn. Nhà thơ không quan sát đối tượng ở một góc cố định mà đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, tạo những liên tưởng phức hợp, cho bạn đọc cảm giác như đang xem một bức tranh lập thể: Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người (Tiên cảm).
Câu thơ sau đây trong bài thơ “Đừng” đã phần nào lý giải cách kết nối không gian trong thơ Nguyễn Lương Ngọc: Trong căn phòng muốn gọn gàng/ Những đối thoại không lời. Không gian của căn phòng “muốn” gọn gàng đã gợi ý những cuộc đối thoại “vô ngôn” cho người đọc, đưa họ trở về với ký ức, những không gian tưởng tượng. Nếu trong tranh lập thể, các bề mặt của hình họa, mặt phẳng giao nhau không theo quy tắc phối cảnh, làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh, thì trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, những chuyển động của hình ảnh thường đứt quãng, đột ngột, mở ra nhiều liên tưởng bất ngờ, gợi nhiều chiều kích của cảm xúc, mở thêm những biên độ tưởng tượng phong phú và mới lạ.
Trong tập thơ “Ngày sinh lại” tác giả không đề ngày tháng sáng tác, nhưng tôi cho rằng “Đàn giang” là bài thơ mở đầu cho lối viết mới, riêng biệt của ông. Này, đàn giang trắng/ Khoảnh khắc/ Từ đất rạch lên trời/ Từ trời buông xuống đất. Ở đây, trong một không gian đã được cắt nhỏ theo “quy ước” riêng, trong đó chỉ dung chứa một loại hình ảnh, cụ thể là “đàn giang trắng”. Tôi gọi đó là cách kết nối những hình ảnh “đơn phương” (chữ “đơn phương” dùng với hàm nghĩa một chiều, chứ không phải đơn giản), khác với cách kết nối hình ảnh “phức điệu”, hay còn gọi là kết nối "lập thể tổng hợp" ở một số bài thơ tiêu biểu trong tập thơ “Lời trong lời” sau này. Câu thơ tiếp theo Các vị đến cùng chúng ta/ Các vị rời bỏ chúng ta, là cuộc đối thoại hoàn toàn khác với những đối tượng tham dự vô hình, không phải những sự vật vừa được nhà thơ đưa ra. Và, những hình ảnh “Em”, “đàn giang”, “đám mây vàng” trong khổ thơ cuối là những kết nối rời, xa nhau, chưa từng thấy trong tập thơ “Từ nước”: Em đang nói về tương lai ư/ Đàn giang bay mải miết/ Chẳng lẽ anh ngắt lời em/ Em đang nói về tương lai à/ Trên cao, đám mây vàng sững sờ.
Không gian đa chiều đã thiết lập trong thơ Nguyễn Lương Ngọc thế giới sống động và kỳ ảo, khiến người đọc như đang được xem một bộ phim 3D. Trong đó, một thế giới được thi sỹ hóa thân, “hóa kiếp”, đã đem lại cho bạn đọc cảm giác sống động, rờn rợn: Em dựng dậy trong tôi một người trinh nữ/ Lâu nay nằm ủ rũ…/ Sám hối cùng rễ cỏ/ Chờ một ngày tái sinh (Trinh nữ). Sinh ra từ nước/ Em dịu dàng mỉm cười/ ánh sáng từ đâu, ai biết (Từ nước).
Ông đã ra đi từ cách hành ngôn quen thuộc trong thơ truyền thống, như cách ẩn dụ, ví von của ngôi thứ ba trong vai trò người quan sát trong tập thơ “Từ nước”, như:
Hạt phấn vàng nhẹ như không có (Tương quan).
Mưa cuồng nộ ngoài kia chỉ còn như điệp khúc (Hy vọng).
Người lớn như suối sông, lũ trẻ thì như nước (Đường và trẻ).
Đến cách nói mặc nhiên, ngẫu nhiên trong ngôi thứ nhất, nhân vật đang trực tiếp cảm nhận, hành động:
Nhà thơ cúi đầu/ Môi dầy lụi lửa/ Bỏ đi/ Những bó cơ tan rữa (Nhà thơ).
Em mỉm cười từ đâu/ đá Bay-on chao chát/ Đăm đắm nhìn từ đâu/ Sương Tây Hồ ngột ngạt (Lời hát).
Từ “tôi như, tôi là…” đến “chính tôi…” là cách chuyển đổi chủ thể quan trọng của thơ cách tân sau 1975, mà thơ Nguyễn Lương Ngọc là một dẫn chiếu. Đó là sự khác biệt căn bản so với thế hệ thơ trước đó về cách xác định cái tôi chủ thể ở ngôi thứ nhất và cách thiết lập không gian thơ. Xin dẫn chứng cách quan sát sự vật và góc nhìn từ bên ngoài của nhà thơ Xuân Diệu:
Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (Chiều).
Và của nhà thơ Huy Cận:
Những ngôi sao cũng lần lượt hòa tan/ Làm thành rạng đông như màu lơ thoảng nhẹ (Một ngày lên).
Mặt trời xuống biển như hòn lửa (Đoàn thuyền đánh cá).
Đến thơ Nguyễn Lương Ngọc đã khác:
Tôi đã rón rén từng bước, nín thở/ Mong giữ được một cơ thể biết bay/ Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió/ Mát mát đầu ngón tay (Tìm gặp).
Nhận thức và linh cảm được bản chất và chuyển động của vạn vật, nhà thơ đã tri nhận được tính “hợp nhất” của thế giới, vũ trụ: Cái trước ở trên đầu giờ chìm vào trong ngực/ Chỉ một/ Tất cả chúng ta chỉ một (Chỉ một).
“Ngày sinh lại” đã được nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc thi triển đúng với tinh thần tên gọi tập thơ này. Đó là sự khai sáng, tiên cảm một thế giới thơ đang hồi sinh với dáng vẻ non tơ và thơ ngây: Nhưng sợi tơ đã tan trong cổ họng chim và tiếng hót như tơ cuốn mọi người vào thế giới thanh âm/ Nhưng vầng trăng đẫm nước đã rơi xuống/ đáy sông khô và làm đầy nó bằng/ cơ thể mềm mại của mình (Cảm nhận). Thế giới ấy đã hồi sinh, sinh lại cho trần thế những vẻ đẹp hiển linh và bí ẩn: Anh tới khi nào tôi không được biết/ Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi/ Còn lại màng tơ đẫm nắng/ Và dòng kiến ngược xuôi (Tìm gặp). Cả mặt đất và khoảng không trong câu thơ trên vừa chuyển động, vừa khép cánh đậu xuống. Nhà thơ đã bất ngờ đưa bạn đọc đến một bến đỗ trừu tượng, nhà ga của những chuyến bay của vạn vật. Mọi người đang chuyển động, cả những ai đọc đoạn thơ này cũng được ngỡ như vừa “khép cánh” đậu xuống sau đường bay bí ẩn của riêng mình, để rồi lại bình tĩnh sống, bình tĩnh chiêm nghiệm khi biết Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi…
*
Thi pháp Nguyễn Lương Ngọc trong hai tập thơ đầu, “Từ nước” và “Ngày sinh lại” là con đường đổi mới từ kết cấu hình ảnh đơn tuyến đến đa tuyến, từ đơn phương đến phức điệu, từ hiển ngôn đến linh ẩn, vô ngôn.
Nếu lấy “Mùa đông”, bài thơ đầu tiên trong tập thơ “Từ nước” làm nơi khởi đầu góc mở, thì càng về sau, góc mở ấy càng rộng, cũng như ánh sáng của thi pháp truyền thống càng thấm sâu, nhòa đi trong không gian mới mẻ và đa cực.
Nhưng đến tập thơ “Lời trong lời”, tôi thấy có sự phân tán trong cách lập tứ, ở một số bài cho thấy, tác giả có nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí có lúc còn hời hợt, mờ nhạt. Một số bài trong tập thơ thứ 3 này vẫn tiếp tục nằm trong góc mở của thi pháp cách tân như, “Hòa thanh”, “Gọi hạc”, “Đồng hồ vĩnh cửu”, “Liên bút từ sen”… Những bài thơ này mang đặc trưng cách viết phức điệu, phối bè của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.
Bài thơ “Gọi hạc” trở lại cách lập tứ gần giống bài “Đàn giang”. Những hình ảnh “đơn phương” chuyển động trong những mặt cắt “lập thể”. Nhưng ranh giới những mặt cắt ấy trong “Gọi hạc” được đặt biệt lập, tách rời nhau hơn: Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng. Có thể ví khổ thơ trên là hoàn thiện 1 trong 4 bức của bộ tranh “tứ bình”, nó được treo bên cạnh 3 bức tranh kia: Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ. Và 1 bức tranh tiếp theo nữa trong bộ tranh đó: Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng. Bắt đầu khổ kết là tiếng gọi hạc của nhà thơ: Hạc trắng! Hạc trắng! Đó là tín hiệu của nhạc trưởng cho bản hòa tấu bắt đầu: những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra. Đây là hai câu thơ tài hoa, mang vẻ đẹp linh ẩn trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Bạn đọc như nghe được tiếng những sinh linh từ hai cõi âm dương đang chuyển động qua bức màn vô minh, nghe được những cánh hạc đập vào khoảng không rộng mở xao xác và hiu quạnh. Nghe và cảm được những âm thanh hòa quyện và cả những nốt nhạc lẻ loi, đơn độc trong đó. Nhưng chúng ta khó có thể ước lượng, đếm được bao nhiêu “con hạc” trong đàn hạc đang chuyển động kia. Cách “hòa âm” của câu thơ trên đem cho người nghe cảm giác một chút vui xen lẫn nỗi buồn, niềm hy vọng vừa được nhen lên trong sự cô lạnh, sự tự tin trong an phận, cam chịu…
Bài thơ “Đồng hồ vĩnh cửu” cho thấy, nhà thơ quan sát đời sống hiện hữu từ hệ quy chiếu khác, ngắm nhìn và thấy được ý nghĩa cùng vẻ đẹp của đời sống nơi trần thế. Đây là bài thơ văn xuôi có lối kể chậm rãi và trầm tĩnh, ngôn ngữ thơ gần với cách nói, đời thường: Trên tường, trước mặt, có cái đồng hồ ba kim cứ giật giật chạy. Nhưng bạn đọc bất ngờ khi nhà thơ nhìn chiếc đồng hồ một cách chăm chú, không rời mắt, và “liền nhấc xuống”. Tác giả đã cho xuất hiện “một cửa sổ tròn”, đưa bạn đọc vào một thế giới khác lạ vừa được tạo ra: Mấy ngôi sao đang tắm, bầy đom đóm, một đứa trẻ giữa bể đang kêu cứu… Đến đây, Nguyễn Lương Ngọc đã tự do chuyển dịch mọi hình ảnh trong khoảng không riêng biệt của ông, cho chúng bay lượn trong mộng tưởng, trong cơn mộng mị thi sỹ: cửa đã mở cho thấy cửa. Ta không đóng lại nữa. Mọi thi ảnh trong bài thơ như được chuyển động trên ranh giới giữa thực và ảo, thông tuệ và lú lẫn…, dẫn bạn đọc đến những tình huống kỳ lạ, bất ngờ, nhưng chấp nhận được: Mèo dạy tôi cách rơi, và đứng lên, một bông sen nở. Hình ảnh bông hoa sen bật dậy trong câu thơ, mà trước đấy không có gì báo hiệu hay liên quan, phát ra quầng sáng thanh khiết từ bản thể thi sỹ. Câu thơ gợi liên tưởng tới một cá thể đơn độc, quay cuồng trong gió bụi của đời sống trần tục, bỗng có lúc vụt đứng lên như bông sen nở. Bông hoa sen tiếp tục được hiện ra trong đoạn 3 của bài thơ giữa tiết điệu phối bè tự nhiên và rất đỗi khiêm nhường. Đây là một trong những đoạn thơ văn xuôi hay nhất của Nguyễn Lương Ngọc. Ông tiết giảm tối đa tính từ, giới từ, đồng thời gia tăng những động từ, trạng từ trong câu thơ, làm những hình ảnh xuất hiện nhanh, thoáng chốc, lại nhường chỗ cho những hình ảnh kế tiếp: Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái về nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở. Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết. Ông cũng nhắc tới “cuộc chết”, một “váng vất” thường trực trong thơ Nguyễn Lương Ngọc. Kế tiếp, ta bắt gặp một câu thơ lạ, hay đến thảng thốt: Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông. “Tiếng chuông” báo hiệu thời khắc của sự đốn ngộ, nhập định, được giải thoát đã đến. Xin mượn lời của Thượng tọa Thích Thông Phương: “Đây là phá tan cái thấy còn kẹt trên thứ lớp, vượt qua giáo nghĩa phân biệt, ngộ thẳng tự tâm”. Sau “Tiếng chuông” huyền diệu ấy, hình ảnh “sư nữ” như được chính nhà thơ hóa thân, hiện ra trên phông nền nửa sáng nửa tối, ngập ngừng giữa không gian thanh tĩnh và nuối tiếc những khát vọng thế tục: Bên chùa, sư nữ thở dài, người tỉnh dậy tụng kinh, lần tràng hạt, nghĩ thế nào lại thôi. Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối. Tóc là gì? Câu hỏi Tóc là gì đã biến nhà thơ thành người thứ ba, kẻ khác… ngơ ngẩn nhìn lại cuộc trở về nguồn an lạc giải thoát, cuộc hoán chuyển từ chốn trần gian vừa xẩy ra.
Nguyễn Lương Ngọc thường liên tưởng, nhắc tới hoa sen, loài hoa mang vẻ đẹp cao sang và thanh khiết. Hoa sen còn biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thánh thiện, biểu trưng cho trí tuệ siêu việt, thể hiện niềm khao khát giác ngộ của con người. Trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, hoa sen thường xuất hiện trong tinh thần cứu rỗi, thanh tẩy những tục lụy dơ bẩn trong đời sống thế tục: Một gương sen trong vòng tay của nhụy vàng…/Những nhụy sen dặn dò ta, giọng đượm hy vọng (Liên bút từ sen). Nhớ câu thơ của vua Tự Đức, chợt có “dư âm sen” vọng về trong thơ Nguyễn Lương Ngọc: Thi nhân một nòi huyễn ảnh/ Dư âm sen trắng nở người (Dư âm).
Bên cạnh một số bài thơ trong tập thơ “Lời trong lời” quy tụ tài năng, điểm hội tụ của lộ trình cách tân thi pháp của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ta gặp khá nhiều bài thơ còn nông cạn ý tưởng, hời hợt, mờ nhạt cảm xúc. Có cả những bài như ông cố tình buông lỏng dây cương cho ngựa quay về đường cũ, có thể điểm tên như: “Nhịp nhàng”, “Vào hạ”, “Một vòng Hà Nội”, “Quanh quẩn”, “Dịu dàng ở nguồn suối”, “Tiếng yêu”, “Trong tinh mơ Cam Ranh”, “Thao thức cùng Phan Thiết”, “Sóng lăn tăn bình minh”… Đọc những bài thơ này, tôi liên tưởng nhà thơ giống như một phi công, khi lấy được độ cao cho máy bay thì ông đã cài tự động hệ thống điều khiển. Có lúc ngỡ ông như còn lơ là ngồi uống cafe, rồi nghĩ lan man mà ít chú ý tới đường bay có gặp nguy hiểm hay không…
*
Khi xếp những tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc cạnh nhau, “Từ nước” – “Ngày sinh lại” – “Lời trong lời”, tôi nhận ra những cột mốc của một hành trình, một lý tưởng thi ca xuyên suốt: sáng tạo chính là sự lột xác, hoài thai, sự tái sinh…
Phần 4 “Trong sổ tay của vợ” trong tuyển tập “Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và Người” (Nxb. Hội Nhà văn, 2006, do nhà văn Tạ Duy Anh sưu tầm và tuyển chọn) là những vĩ thanh của 3 tập thơ trên.
Lần theo lộ trình thơ Nguyễn Lương Ngọc, ta bắt gặp trong thơ ông nhiều lần nhắc đến cái chết, như là điểm nút của những vòng tuần hoàn, như cửa sông của những đợt thủy triều lên xuống. Cái chết với ông không phải nỗi sợ hãi, chỉ là điểm dừng trong quy luật vận động bất tận của vạn vật, để từ đó bắt đầu “sinh lại” trong những chu trình khác: Ai đi cùng tôi, được cứu vớt/ Ai đi cùng ta, được chết/ Em yêu, hãy hôn (Cứu vớt). Ông quan sát “điểm nút” ấy với thái độ bình thản pha chút lạnh lùng: Ai bắt anh chăm chút cái chết ngày mai/ từ gói kẹo cho con hôm nay (Viết cho mình). Đôi khi ông phân thân thành “kẻ khác” nhìn lại đời sống trần gian với thái độ tiếc nuối da diết, mang ý nghĩa nhân văn cao cả: Hôn lên đôi môi hồng của thần chết/ và nghe nàng dấm dứt khóc/ ta chẳng đến được nhau/ trên môi anh còn giọt nước mắt của trẻ (Viết cho mình). Hoặc như kẻ mộng du giữa đôi bờ ảo và thực, sinh sôi và hủy diệt…: Em người trong tranh/ không sống không chết/ hình như giống anh/ cơn cơn váng vất (Giao cảm). Ông cảm được “cuộc chết” là chu trình tất yếu của cuộc sống; nó đến với thái độ thanh thản và thậm chí rất yên bình trong Lời hát của ông: Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao.
Và đây là bài thơ 2 câu thăng hoa, xuất thần viết về cuộc hóa thân kỳ vĩ của một nhà thơ danh tiếng: mai ngày về với Cửu Long/ chảy hoài rồi nước cũng trong như người (Thu Bồn).
Bài thơ “Ở lại”, một trong chùm bài in ở Phần 4 “Trong sổ tay của vợ” trong tuyển tập “Nguyễn Lương Ngọc, Thơ và Người”, đã phát những tia sáng mãnh liệt cuối cùng trước lúc nhà thơ giã biệt thế gian. Nỗi khát khao được sống, được hiến dâng tài năng và phẩm hạnh nơi dương thế trong ông lúc này vô cùng cháy bỏng, khắc khoải khôn cùng: Muốn ở lại cùng mặt trời/ Mỗi con người/ Phải tỏa sáng. Nhưng bóng tối của đời sống phía bên kia đã dìm ông quá sâu; hơi lạnh của nó đã tràn vào khoảng cách những câu thơ của ông. Đoạn thơ sau đây cho thấy bàn tay của ông như đã buông ra khỏi người thân, hơi thở ông không còn lan xa sưởi ấm vạn hữu, và, ông đã cách chúng ta một khoảng cách khá xa: Muốn ở lại cùng em/ Bài thơ của anh/ phải cách nhau/ một cơn gió/ lạnh.
*
Thơ Nguyễn Lương Ngọc đã xuất hiện trong đời sống văn học chúng ta tựa “Những mầm hy vọng lên nhiều” trong bài thơ “Mùa đông” của ông trong thập niên 90 của thế kỷ vừa qua. “Những mầm hy vọng” ấy đã lên xanh một vùng thi ca đương đại. Bạn đọc giờ đây bình tĩnh chiêm ngưỡng thế giới thơ riêng biệt và độc đáo của ông, thấy được ông là “con chim lấy cát làm trời xanh”, là “sự sống hát lời lửa nước”. Đọc bài thơ “Áo xanh”, tôi liên tưởng thơ Nguyễn Lương Ngọc lúc mới xuất hiện tựa “một trứng tròn thở lẻ” giữa “đảo xa kia, đèn biển tắt rồi”. Nhưng “trứng tròn” ấy đã sản sinh đàn đàn chim én cùng vạn vật làm nên những mùa xuân sau này. Thời gian đã đi qua và đủ để lắng lại những giá trị đích thực. Thơ Nguyễn Lương Ngọc mãi còn đó một dấu mốc quan trọng trong lộ trình cách tân thơ Việt hiện nay và cả sau này.
Hải Phòng, 2/1/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét