THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ
1.
Chiếc xe khách cũ kỹ mang dáng vẻ của thời chiến tranh chưa kịp thay vỏ
lay hoay một hồi, rồi đỗ ở góc bến. Nơi có cây xà cừ quanh năm xanh thẫm, lá
xanh loà xoà bên bức tường đổ. Gã cùng mấy chục con người bước xuống, suýt nữa
trượt vào vũng nước còn đọng lại.
Đêm qua trận bão cuối cùng của mùa lũ lụt vừa làm nghiêng ngả bầu trời.
Dấu vết trận cuồng phong còn để lại vương đầy trên những mái nhà góc phố. Những
viên ngói rêu xẫm, ẩm, vỡ vụn rải rác khắp nơi. Gã dừng lại, ngước lên nền trời
xám ngắt.
Mới cuối thu mà sương mù đã giăng kín chân trời, chỉ còn nhìn thấy hình
núi non mờ mờ ảo ảo, ẩn hiện phía xa. Mặc, gã hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực.
Thoang thoảng mùi nồng nồng cay cay trong làn gió từ phía bờ sông đưa lại. Đã
lâu lắm rồi mới có được một không gian thoáng đãng, trong lành đến vậy.
Những kẻ cùng về chuyến xe với gã vào cửa hàng ăn thấp lè tè lợp bằng
phên nứa, xung quanh vách đan phên, duy nhất có cái cánh cửa bằng gỗ sơn xanh. Ở
đó người ta vẫn phải xếp hàng để mua những vé ăn mầu rơm xỉn. Thức ăn cũng chẳng
có nhiều. Một đĩa cơm có đến già nửa là mì sợi luộc, dăm miếng đậu phụ rán dầu,
ma gi và một chút rau muống luộc phủ lên trên.
Thoạt đầu gã có vẻ ngạc
nhiên: Chiến tranh chấm dứt bảy tám năm rồi mà cảnh vật hầu như chẳng có gì
thay đổi. Hồi chưa mất tự do, mười năm trước, gã đã một lần qua đây. Vẫn những
dãy nhà thưa thớt, liêu xiêu tre nứa. Họa hoằn lắm mới thấy một căn nhà xây cát
vôi thấp bé. Tường nhà có những chỗ tróc vữa lộ từng mảng gạch non lở lói. In đậm
trên tường nhà dấu vết ngấn nước của những trận lũ đã qua. Năm này chồng lên
năm khác, vạch ngấn nước ngập đậm, nhạt khác nhau.
Rồi gã cũng hiểu ra rằng:
Thời gian ấy so với đời người quả là dài - Nhưng với bước đi của tháng năm nó lại
chẳng là gì cả.
Lịch sử thường có lúc trầm ngâm, nghĩ ngợi sau những biến cố kinh
hoàng...
Gã không cảm thấy đói. Suất ăn sáng nay gã để lại cho người bạn tù còn ở
lại. Người này hơn gã một tuổi. Đã bốn năm nay, hắn không một lần được gặp người
nhà thăm nuôi, gầy đến mức không thể gầy hơn được nữa. Tay bưng mấy mẩu sắn đựng
trong cái bát men mẻ nham nhở, hắn cảm động ứa nước mắt, không nói được câu nào
chỉ gật gật cái đầu rụng gần hết tóc.
Hôm qua, trước lúc ra tới
đây, gã định sẽ đi một vòng quanh thị xã, sau đó sẽ ở lại chơi một ngày nhà thằng
bạn tù cùng về đợt này. Nhưng khi xuống xe, tự dưng gã thay đổi ý định. Có thể
vì thằng đó khi xe chưa kịp dừng bánh đã vội nhảy xuống lôi gã vào một quán nước.
Gã lấy làm lạ là sắp về tới nhà mà hắn không lấy gì làm vội. Đáng lý lúc này cơn mừng tự do, như chim sổ lồng
phảI quên cả ăn mới đúng chứ? Đằng này hắn gấp gáp như con nghiện vật thuốc, nếu
không ăn ngay sợ sẽ chết mất! Hắn sơi một lúc cả chục trứng vịt và ăn gần hết một
nải chuối, quả nào quả nấy to bằng cổ tay. Làm như chẳng còn khi nào được ăn
thoải mái như thế này nữa? Hoặc sợ lát nữa có người lôi mình đi bắn bỏ ngay
không bằng!
Gã hình dung ra khung cảnh cả nhà hắn ta sẽ tròn mắt nhìn hai con ma đói
ngồi ăn trước mâm cơm sau nhiều ngày xa cách. Ăn như không có người ngồi xung
quanh, không có ai trên đời!
Tất nhiên sẽ chẳng ai dè bỉu gì, dù xấu xa tới đâu thì bạn gã cũng là ruột
thịt, máu mủ của họ. Nhưng gã thấy nhoi nhói trong ngực. Gã không muốn có những
cái nhìn như vậy. Không phải lòng xót thương nào cũng được chấp nhận. Có những
thứ thương hại làm cho con người ta tồi tệ, thảm hại hơn.. Nhất là vào lúc này.
Sau những đói khát, tù túng khổ hạnh đã lùi về phía sau.
Dù rằng không vào đấy, gã cũng không thể đi ngay. Đằng nào cũng phải chờ
cho tới sáng mai mới có chuyến tàu lên Yên Châu. Từ đó đi bộ một quãng mới về tới
nơi gã phải về. Nơi mà bất đắc dĩ đã trở thành quê hương, gã chưa hề nghĩ tới
có một nơi như thế lại dành cho mình bao giờ.
Bởi vì giờ đây, gã đâu
còn quê hương? Nói đúng ra quê hương chẳng mất đi đâu cả, nhưng nơi đó gã không
còn cửa nhà, vườn ruộng. Mẹ gã đã bán cho người ta sau một tai họa gì đó cho tới
giờ gã vẫn chưa rõ. Những việc đó xảy ra ít năm, sau ngày gã gặp nạn.
Ôi, cái làng quê khốn
khó nơi châu thổ sông Hồng! Nơi mà trong số các bạn cũ của gã mô tả trong thi
ca của họ một cách chán chường. “Nơi đồng non bãi nổi, bạc tình, con người khổ
như chó”. Gã thì chưa bao giờ cay nghiệt viết về quê hương bản quán của mình
như họ. Nhưng cũng thấy những lời ta thán ấy có lý phần nào..
Nơi những con đường cát mịn loà xoà bóng tre, cánh đồng bãi mùa nào thức
ấy. Lương thực chủ yếu là ngô, khoai. Cứ nhìn hình thể bề ngoài là nhận được
người của quê mình, con trai mặt vuông hình chữ điền, con gái khuôn mặt tựa
trăng rằm. Có lẽ thức ăn là ngô hạt nên bộ hàm phát triển, chỉ được nước da,
mái tóc và đôi mắt là khác người. Tóc đen, mắt đen còn da thì bánh mật, nơi thiếu
thốn quanh năm mà sức dẻo dai đến kinh ngạc.
Nơi gã có mối tình đầu
nhói đau và cuộc hôn nhân tan nát. Nếu không có cuộc hôn nhân đó, có lẽ cuộc đời
gã sẽ khác và giờ đây gã không có mặt nơi này. Mong mỏi gặp lại người thân đến
cháy ruột gan mà ngập ngừng chưa muốn về
nhà...
Những ý nghĩ miên man ấy
đưa gã tới bờ sông mà không nhớ gì đến việc uống ăn hoặc hút một điếu thuốc.
Ngoài sông dòng nước đục lững lờ chảy, nếu muốn con sông phải một tháng
sau nữa mới kịp trong xanh. Sương khói mơ hồ, thấp thoáng vài chiếc thuyền
nan..
Xa nữa, đoàn xà lan đang cố sức ngược dòng.
Gã bâng khuâng nhìn dòng nước chảy thầm tính độ đường. Từ đây nếu ngồi
thuyền phải mất hai ngày hai đêm mới về tới làng xưa xóm cũ, về đến con ngõ nhỏ
có cây bàng khẳng khiu như một mụ già còm cõi, con ngõ hai bên là những ao
chuôm khi cạn, khi đầy. Đêm đêm đom đóm lập loè bay, inh ỏi tiếng ếch nhái kêu
vang mùa nước. Cùng phảng phất sương mù trên cánh đồng cỏ, những đụn cây ngô
đánh đống chất ngất, nom như những chiếc nồi gốm khổng lồ úp xuống vào những
ngày đông.
Không! Bây giờ không phải
lúc nghĩ lại những chuyện buồn đã qua. Gã thấy thèm chỗ đông người. Nơi có tiếng
cười tiếng nói xung quanh. Dù rằng chỉ là tiếng nói tiếng cười của những người
xa lạ, biết đâu gã chả gặp một người quen? Thậm chí là người nhà vì một việc
nào đó, họ có mặt nơi đây?
Đang còn là thời kỳ miền núi sống dễ chịu hơn mọi nơi, bởi đất rộng người
thưa. Mọi sự quản lý hành chính có phần lỏng lẻo, do đi lại khó khăn, nhà nước
muốn quản kỹ cũng khó. Ít nhất người ta còn có thể trồng thêm vạt sắn, đám ngô
ngoài kế hoạch. Con lợn con gà còn dư ra ngoài phần đóng góp nghĩa vụ hàng năm.
Nghe nói, vùng xuôi bây giờ đời sống khó khăn. Cứ xong ba ngày Tết là những
ai còn khoẻ mạnh đều lên rừng kiếm ăn cả. Đàn ông thì đi đốn gỗ thuê cho lâm
trường. Ngoài tiền công hàng tháng, lâm trường còn cho họ một suất tiêu chuẩn củi,
nứa mang về cải thiện. Cái phần thêm này đôi khi quan trọng hơn cả tiền công.
Nhà nào có người đi làm việc này cũng đều khá.
Ngày gã còn ở nhà cũng từng có việc đó rồi, lâu lâu ngoài bến sông Hồng
lại có một đám bè đỗ lại. Người ta kéo lên bờ ngổn ngang tre nứa. Gọi là củi,
thực ra là những khúc gỗ có thể xẻ ra đóng bàn, đóng tủ. Làm thợ sơn tràng vài
tháng có khi bằng mấy năm ở nhà theo công điểm hợp tác. Chỉ những người không
thể đi được thì mới chịu ở nhà. Chấp nhận công một ngày một hai cân khoai hoặc
hai lạng thóc. Những người có nghề như thợ xẻ, thợ mộc thì quanh năm sống ở
trên rừng. Xa vợ xa con nhưng ngày hai bữa cơm bưng nước rót. Tội gì ở nhà thiếu
từ điếu thuốc lào trở đi, xái hàm nhai ngô vỏ? Đàn bà khoẻ mạnh không vướng bận
chồng con cũng lên rừng làm mướn cho vùng dân tộc. Cũng cấy lúa, làm cỏ gặt hái
ruộng nước như ở đằng xuôi.
Họ làm cuộc hành trình
ngược lại. Nếu hàng ngàn, hàng trăm năm trước tổ tiên theo các triền sông về định
cư vùng châu thổ sông Hồng mầu mỡ thì ngày nay, cháu con lại khăn gói lên rừng.
Với cái ý nghĩ ngàn đời là " tiền rừng bạc biển ". Có những người lấy
vợ lấy chồng ở lại mãi mãi với rừng xanh. Biết đâu gia đình gã cũng nổi trôi
trong dòng lưu tán?
Có lúc gã nghĩ dân tộc gã là dân tộc du cư, tự buổi khai thiên lập địa.
Thời nay còn có nhiều người “đi xa hơn nữa”? Họ đi ra ngoài phần lãnh thổ mù mịt
tăm hơi. Những tin tức ngoài xã hội có nhiều cách lọt vào nơi chật chội, tối
tăm gã vừa trải qua. Gã sẽ không lấy làm lạ nếu như lúc này gặp một người quen ở
nơi xa lạ này.
Người làng gã bây giờ trong
Nam ngoài Bắc không tỉnh nào không có? Người ta đi với nhiều lý do khác nhau.
Nhưng nguyên nhân chính vẫn là quê nhà đất chật người đông. Lại thêm cơ chế ngặt
nghèo. Những quy định “khẩn cấp” thời chiến tranh chưa kịp thay đổi.
Sau ngày Miền Nam giải
phóng. Người ta đổi tên nước và tên các tỉnh. Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra đến
hết xứ Đoài, tận chân núi Ba Vì. Quê gã nghiễm nhiên trở thành vùng ngoại ô. Kẻ
có óc hài hước bảo: “ Bây giờ không còn Hà Tây nữa, Hà Nội cũng chưa phải. Chỉ
nên gọi là Hà Nhì!”.
Đêm đêm nhìn về phương
nam, thấy một quầng trời sáng do ánh đèn thành phố hắt lên trời. Cho dù ở đó
người ta vẫn tằn tiện đèn dầu, chỉ thắp đèn hoa kỳ khi không nom rõ mặt người.
Nó vẫn cách biệt với kinh kỳ với quãng đường hơn hai chục cây số. Vẫn có người
cả đời chưa đặt chân tới Bờ Hồ, chưa bao giờ biết hương vị cốc kem Thuỷ Tạ, hay
bát mì vằn thắn phố Hàng Buồm.
Đời gã tuy khổ từ lúc lọt lòng, nhưng ít ra gã cũng
đã được đi nhiều nơi, nếm trải hương vị của nhiều vùng. Hà Nội với gã cũng
không phải là nơi xa lạ. Có những tháng năm gã ăn học ở chốn này. Cho dù đó là
những năm tháng chiến tranh, Giờ nghĩ lại gã chưa hết bùi ngùi.
Trận bão đêm trước đã
quật đổ hai cây phượng vĩ gần cửa hàng ăn số 1. Chố ấy là gò đất cao, dấu vết
còn sót lại của góc thành cổ. Thường thì những gò đất cao lại là nơi hứng gió
bão dọc triền sông. Hai cây phượng hơn một vòng tay ôm trốc cả gốc, cành lá chắn
ngang hết cả lối vào cửa hàng. Hơn chục con người đang xúm lại dọn dẹp, người ta
cưa cành cây ngắn từng đoạn rồi kéo đánh đống lại một chỗ, lấy lối đi lại.
Cửa hàng mới xây nên hầu như chẳng có suy chuyển gì. Ngoại trừ vỡ vài chục
viên ngói đang được thay lại. đây là một trong những công trình hiếm hoi của thị
xã được xây kiên cố. Một thời gian dài nó tựa như một nơi trung tâm hẹn hò hoặc
ghi địa chỉ cho người quanh vùng. Người ta thường nói " cách cửa hàng số một…
mét ". Khi gã vào cửa hàng đang tầm đông. Khách chủ yếu là khách vùng này,
bộ đội, công nhân hay thợ bè. Vì có hai cửa bán vé nên gã cũng không phải đợi
lâu. Gã mua hai bánh bao và một cốc sữa đậu nành, theo ở đây qui đinh như vậy.
Có muốn mua hơn cũng chẳng được. Nếu muốn mua thêm phải mua lần khác. Không ít
người mua đi, mua lại đến vài ba lần. Sữa thì họ đổ vào bi đông, bánh bao để
vào giỏ xách. Lúc đầu gã lấy làm lạ, chẳng lẽ họ là những người ăn khoẻ như tên
bạn gã? Hắn thì no dồn, đói cóp, lại đói tâm lý nhiều ngày ăn thứ ôi thiu đã
đành, chả lẽ người ở bên ngoài cũng bị cái đói ám ảnh hay sao?
Đến lúc một cô nhân viên
cửa hàng ra giật lấy cái túi định thu lại số bánh của một người đang xếp hàng,
gã mới rõ sự việc. Cô ta bảo: " Cửa hàng không bán cho tư thương tuồn bánh
ra ngoài bán kiếm lời ". Ô hay, kể cũng nực cười! Đời thủa nào người bán
hàng lại sợ bán được nhiều hàng? Thời buổi
nhiều nghịch lý. Mà nghịch lý thì ở đâu cũng vậy, luôn sinh ra nghịch cảnh.
Không phải lúc này gã mới biết.
Đời gã thiếu gì nghịch
lý? Mà rồi vẫn luôn phải chấp nhận đấy thôi. Nghịch lý nho nhỏ này có gì đáng để
tâm?
Có tiếng chó gầm gừ dưới gầm
bàn làm gã giật mình. Thì ra có hai chú một đen một vàng đang giành nhau một mẩu
xương dưới gầm bàn bên cạnh, lạ nỗi là chúng đi lại, thản nhiên trong cửa hàng
như chỗ không người. Thời buổi khó khăn không hiểu sao chúng vẫn béo ú, cao lớn
như những con bê con, khách ra vào hình như quá quen cảnh ấy nên không ai để ý.
Hồi lâu lắm rồi gã cũng thấy cảnh tương tự. Khi ấy gã đang còn là sinh viên,
trường gã sơ tán lên một huyện biên giới mãi trên xứ Lạng. Cũng có một cửa hàng
ăn quốc doanh nuôi rất nhiều chó. Có hôm chúng tranh giành nhau xô đổ cả bàn ghế,
về sau mới biết rằng đó cũng là cách cải thiện của nhân viên cửa hàng. Tiền bán
chó không bị tính vào doanh thu, thành ra số nhân viên nhiều ít có thể biết được
khi nhìn vào đàn chó. Bởi vì ít nhất mỗi người cũng có một con, cơm cháy canh
thừa là thứ không bán được, chăn nuôi chó lại không vất vả gì. Chỉ trừ khi dại...
nhưng bệnh chó dại ở rừng núi ít khi xảy ra. Thời buổi những con chó no đủ béo
tốt, tự do hơn cả con người. Chúng đi lại nghênh ngang mà không sợ bị quát mắng,
chả cần xếp hàng vẫn có thứ để ăn!
Không biết bao nhiêu
lâu rồi, gã không còn nhớ. Giờ gã mới được ăn chiếc bánh bao nóng, tuy không có
nhân nhị gì, thuần chất bột trắng dẻo, bốc lên vị hương khó tả. Một mùi thơm
thơm, dịu ngọt. Khứu giác con người ta rất lạ. Khi đã no sôi chán chè thì mọi
thức ăn ngon chẳng có hương vị gì. Ngược lại khi thiếu dinh dưỡng và thèm ăn
lâu ngày thì kể cả các thức ăn thông thường cũng có hương vị rất thú vị. Năm
đói ở quê gã có người còn khen khoai lang nguội ăn ngọt như bánh khảo. Cảm quan
của con người thật nhiều thang bậc, y như chuyện mầm đá của Trạng Quỳnh trong
truyện dân gian.
Gã chầm chậm nhai, mắt
nhìn lơ đãng ra ngoài bến sông. Từ đây băng qua con đường nhựa ướt át, qua một
bãi cỏ gà là tới bến tàu đỗ. Gần đấy chất đống, từng đám củi cao ngất, thấp
thoáng vài quán nước được che lợp bằng những tấm ni lông và vải đủ mầu. Người
qua kẻ lại, quần sắn tới gối, áo mặc chủ yếu sẫm mầu của các loại vải nâu, chàm
nhưng hết thảy đều rung rúc. Họa hoằn lắm mới thấy tấm áo bộ đội còn mới, bằng
vải Tô Châu.
Lúc này tàu chưa xuôi về,
hành khách vẫn kiên nhẫn ngồi chờ.
Họ ngồi chen chúc nhau
quanh một quán nước sơ sài, vài thứ bánh trái. Hoặc không thì ngồi trên một bó
nứa còn xanh vỏ, một khúc củi mục ẩm ướt nào đó. Có cảm tưởng họ có thể ngồi
như vậy hết ngày này qua ngày khác như đã hóa thành đất, thành đá cả rồi. Như
thuộc tính đợi chờ của nhiều thế kỷ của đất nước này. Chợt có tiếng hỏi sau
lưng làm gã quay lại.
- Chỗ này đã có ai ngồi
chưa anh?
Gã ngửng lên. Đó là hai
bố con một người đứng tuổi, có lẽ ông ta trên dưới năm mươi. Gã đoán như thế vì
thấy cô gái còn khá trẻ, có thể chưa tới hai mươi. Người đàn ông thân hình rắn
rỏi, da nâu xạm mầu. Cô gái ngược lại, trắng trẻo. Cô mặc cái áo sơ mi ngắn cũn
cỡn, chắc là may từ mấy năm trước. Đến tuổi dậy thì còn cố mặc thêm, nên hai
bên nách chỉ có chỗ tuột, để lộ một khoảng da thịt trắng nõn nà. Khuôn mặt cô
không xinh lắm, nhưng cũng dễ coi, chỉ duy mái tóc vẫn ngắn ngủi lù xù, ít khi
dùng đến chiếc lược. Đôi bàn tay dày, các đầu ngón vuông, thô, chứng tỏ cô là
con nhà làm ăn lam lũ.
Cô gái có vẻ ngượng trước
cái nhìn của gã, cô cứ đứng nép vào sau bố, mặt quay về phía sau. Cử chỉ ấy như
nhắc gã không nên nhìn soi vào người ta như thế. Tự nhiên gã thấy lúng túng:
- Dạ chưa có ai, bác và
cô cứ tự nhiên.
Ông khách xếp chiếc ba
lô và cái túi xách vào sát tường lấy ra một bọc lá chuối khô để lên bàn. Mấy
cái bánh bao vừa mua ông bảo con gái để vào túi xách.
Hai bố con giở bọc cơm
ra ăn. Cái bi đông đeo bên người được ông rót ra hai cái bát nhỏ. Mùi rượu thơm
ngào ngạt làm gã để ý. Thời kỳ này các hàng ăn chưa bán rượu vì đang có chính
sách tiết kiệm lương thực. Rượu gần như một thứ xa xỉ ở nơi người ta chỉ cần ăn
no. “Ông khách đây chắc phải là người đang có công việc kiếm được tiền” gã nghĩ
như thế khi thấy ông giở gói thứ hai gói bằng lá dong ra nửa con gà luộc. Lớp
da vàng ươm như tơ tằm, phía trong thịt trắng muốt, nom rất quyến rũ, nhưng khi
được mời, gã lại từ chối. Cũng là cách xã giao thường tình. Dù có ngon lành đến
mấy cũng không thể tự nhiện được. Miếng ăn thời nào cũng quý, nhưng nó cũng là
miếng nhục nếu tuỳ tiện để người đời coi thường. Một chút sĩ diện nhen trong
lòng, khiến da mặt gã nóng bừng bừng.
Cuối cùng ông khách
cũng mời gã được bát rượu, ông yêu cầu gã: “Trăm phần trăm”. Nghĩa là cạn một
hơi hết cả bát.
Mới hôm qua, hôm kia thứ
nước này mà tọng vào, gã có thể bị phạt giam riêng. Nhưng hôm nay đã là một
ngày khác, một ngày tự do với đầy đủ ý nghĩa, ý nghĩa ấy khiến gã thấy khoan
khoái trong lòng. Gã gần như nín thở uống hết bát rượu đầy. Quý khách định mời
bát nữa, gã vội đưa tay từ chối. Động tác như thể người ta giơ tay hàng. Động
tác ấy làm cho cô gái trẻ khúc khích cười. Hai tai gã đỏ dừ, phần vì ngượng, phần
do máu giần giật dồn lên mặt.
Ông khách bảo:
- Trông cậu quen quen.
Không biết tôi gặp cậu ở đâu rồi, cậu cũng chờ tàu sáng mai phải không?
- Vâng, cháu ngược Vân
Sơn.
- Nghe cậu nói tiếng
như người Trung Cốc mà chịu không nhớ cậu là con ông bà nào. Thế lên Vân Sơn có
việc gì?
- Cháu về nhà.
Ông lão trố mắt:
- Có phải cậu là con bà
Thức.
Gã cũng ngạc nhiên
không kém:
- Sao bác biết?
- Bà ấy ở sát nhà tôi,
lên Xuân Quang hơn năm năm rồi mà tôi có gặp cậu đâu? Chỉ nhìn cậu nhang nhác
giống bà ấy, tôi đoán vậy thôi. Hoá ra lại đúng.
Gã toan nói ra hoàn cảnh
của mình, một điều gì đó như là mặc cảm khiến gã ngừng lại.
Gã cũng nhớ người ngồi
trước mặt gã bây giờ là ai. Một dĩ vãng lâu lắm rồi. Từ hồi gã còn nhỏ. Quá khứ
như một lớp sương mờ từ từ hiện ra, nhắc gã nhớ lại.
Hồi đó gã hơn mười tuổi,
cái tuổi mà ký ức thường ghi lại rất lâu. Tưởng như mọi việc mới xảy ra hôm
qua, hôm kia. Kỳ thực có thể qua đi hàng chục năm rồi. Một buổi tối mưa phùn
gió bấc. Gió thổi ù ù đầu hồi nhà. Ông ta lúc bấy giờ trông còn trẻ hơn bây giờ,
tay áo sắn cao để lộ bắp thịt cuồn cuộn. Không có đèn đóm, ông chỉ có chiếc áo
tơi lá bước vào nhà. Dưới ánh đèn bão treo trước cửa nhà gã, nom ông như một
con nhím khổng lồ. Chiếc bao tải ông ta mang theo là một quả mít chín. Gã nhận
ra ngay là nhờ một lỗ chuột khoét ở đáy bao để lộ đám gai nhọn sắc. Cái bao gai
ấy được để góc hiên nhà như một sự vô tình, ông ta cởi áo khoác bước vào, đằng
hắng khe khẽ. Hỏi mẹ gã có nhà không? Gã - thằng bé mười hai tuổi lúc bấy giờ
lí nhí đáp:
- Mẹ cháu đi vắng.
- Thế bao giờ về?
- Cháu cũng không biết.
Chỉ thấy nói đi họp ban quản trị. Chú muốn tìm thì ra trụ sở.
Ông khách không hỏi thêm, lẳng lặng khoác chiếc áo
tơi lá lên người, cúi xuống vận lại hai ống quần, nét mặt đăm chiêu chào gã ra về.
Cái bao gai đựng quả mít chín mang theo như bị bỏ quên. Gã chưa kịp nhắc ông đã
chìm vào bóng tối. Khuya
hôm ấy mẹ gã về. Quả mít chín đã làm gã không ngủ được sớm như mọi khi. Gã kể
cho mẹ việc ông ta đến lúc buổi tối. Mẹ bảo đã gặp, ông ấy ra trụ sở tìm mẹ,
ông ấy muốn xin cắt khẩu chuyển lên rừng. Gã hỏi sao ông lại bỏ làng đi? Mẹ gã
nói trên ấy làm ăn dễ hơn ở đây. Hình như buổi họp ban quản trị hôm ấy có việc
gì khiến mẹ lo lắng không vui. Thấy vậy, gã không hỏi thêm, mặc dù bộ óc non nớt
của gã cứ thắc mắc vì sao mà ông ấy lại ra đi?
Rừng ở đâu? Khó dễ như thế nào mà mẹ gã bảo là dễ sống?
Sau này lớn lên gã biết ông tên là Chỉ. Vì nước da
đen người trong thôn gọi là Chỉ Đen. Hồi chống Pháp có một thời gian ông Chỉ đi
lính nhảy dù. Người ta gọi là lính Com Măng Đô. Đợt học “ba xây ba chống” củng
cố hợp tác xã Nông nghiệp. Ông Chỉ đen phải đi học tập một thời gian ở ngoài
đình. Gã cũng không nhớ ông Chỉ Đen bỏ làng đi tự ngày nào. Tuổi mới lớn của gã
còn bao điều đáng để ý. Với một người làng không sơ, không thân, sự không để
tâm không có gì lạ.
Quả là trái đất tròn, nước non ngàn dặm cũng chỉ là
nhỏ bé. Gã lại gặp ông ở đây.
Hẳn là ông không biết và cũng chẳng để ý đến đoạn
sau này của đời gã. Hơn một chút ngạc nhiên. Thế thôi, với người từng trải gian
truân thế là quá đủ. Họ thừa biết rằng: Tò mò tọc mạch cũng không để làm gì. Có
khi lại sinh ra phiền phức, gã định hỏi thăm đôi chút về mẹ, nhưng nhớ lại chuyện
cũ, lại thôi. Biết đâu ông Chỉ Đen vẫn còn hận chuyện cũ.
Thời thế nó vậy, mẹ gã đâu có muốn, Bà chỉ làm theo
lệnh trên với cái tâm thành thực. Ngày mai, sớm muộn gì gã cũng về tới nhà. Có
biết sớm hơn chuyện nhà cũng chẳng làm gì.
Ông Chỉ vẫn cứ uống thản nhiên như ở nhà, gói cơm nếp
và miếng thịt gà cũng từ nhà mang đi, chỉ có cô con gái là nhỏn nhẻn, cô chưa
quen ở chỗ đông người. Đáng lý cô thỉnh
thoảng phải để mắt đến đám hành lý lại cứ cúi gằm mặt xuống. Mặt đỏ như quả bồ
quân trước người lạ là gã. Ông bố đã đến bát rượu thứ ba, đang mải câu chuyện
bè mảng với một người ngồi sát ngay bàn bên, ông không để ý đến hai gã thanh
niên mặc áo quần bộ đội xách hai cái ba lô cu cũ như của ông xếp vào bên cạnh.
Làm như không mua được món ăn thích hợp, cả hai xách ba lô đi ra cửa. Hai bố
con ông Chỉ Đen không để ý. Người ra vào nơi đây với họ là sự thường. Nhưng gã
thấy ngay là hai gã kia xách nhầm một cái ba lô, còn nhìn thấy cái chuôi dao
thò lên trên miệng túi cóc phía sau. Không biết hai gã vô tình hay cố ý? Đợi cả
hai đi khuất ra cửa gã khẽ nhắc ông Chỉ Đen. Ông vội vàng chạy ra cửa. Gã cũng
đứng lên theo, không quên nhặt một khúc cành phượng tươi người ta vừa mới cắt.
Khi ông Chỉ đuổi kịp hai gã có vẻ lúng túng. Họ thấy gã tay cầm khúc cây không
nói không rằng đi theo thì chúng dừng lại. Một trong hai gã ấy cũng xin lỗi vì
đã cầm nhầm. Chúng trả lại cho ông cái ba lô rồi đi xuống đường, mặt không quay
lại.
Ông Chỉ giở cái ba lô chúng để lại, bên trong toàn
giẻ rách. Chắc chúng nghĩ trong ba lô của ông có tiền. Chúng đã theo ông từ bến
Củi lên đây.
Sự việc đó khiến ông Chỉ Đen tỏ ra thân thiện hơn với
gã, ông bảo ông có người anh em kết nghĩa ở thị xã này. Tối nay hai bố con ông
sẽ tới đó nghỉ. Nhà ông này rộng rãi nên ông mời gã cùng đến nghỉ để mai ngược
tàu. Gã tỏ ý cám ơn mà không nhận lời. Đã lâu lắm rồi gã thèm một khoảng trời
đêm. Một khoảng không gian rộng rãi để nhìn ngắm.
Tự do có sự hấp dẫn riêng của nó. Chỉ khi nào người
ta đánh mất nó đi rồi mới rõ giá trị. Giống như khí trời hằng ngày không nhìn
thấy, nhưng khi bị bức bối trong căm hầm ngột ngạt người ta mới nghĩ đến nó có
ý nghĩa sống còn. Nhiều khi còn cấp thiết hơn nước uống, cơm ăn.
Nếu tự do là lẽ sống thì cũng chính vì nó mà phát
sinh tai họa. Nó luôn là kẻ thù của độc ác, tối tăm và bạo quyền. Nhưng lúc này
gã đang vui. Gã không nghĩ rằng chỉ sau vài tiếng nữa, nếu không nhanh chân gã
bỏ mạng trên bờ sông này. Vào đúng ngày tự do đầu tiên trở về nhà. Gã cũng
không ngờ rằng người làng đầu tiên mình gặp ở đây, lại là người vì một lẽ không
ra gì, sau một năm nữa, lại là nguyên nhân, tai vạ khiến gã lại phải ra đi..
Nếu bây giờ còn sớm sủa và trời tạnh ráo có lẽ gã đã
đi bộ về nhà. Con đường hai chục cây số không lấy gì làm xa. Vừa đi vừa hỏi
thăm, mãi cũng tới nơi. Đường đi ở miệng. Nhưng trời đã xế chiều, âm u như sắp
tối sập xuống, những đám mây mầu chì nặng trĩu trên đầu. Nơi rừng xa mờ mịt
sương khói không hứa hẹn điều gì ngoài màn đêm đen tối. Còn con đường nghe người
ta nói thấy ngại. Vì phải băng qua những đèo dốc um tùm, những khe suối sâu
không bè mảng, có quãng mấy cây số không một bóng nhà, thưa cả tiếng chó sủa,
mèo kêu. Rất dễ bị lạc đường. Gã không lạ những con đường rẽ ngang rẽ dọc trong
rừng. ở đó không có phương hướng cũng không một dấu hiệu nào để nhận ra lối đi.
Thoáng một chút buồn, gã đã lạc khỏi con đường quang
sáng, những khao khát và hy vọng một thời... Để bây giờ trước mặt gã là con đường
này đây. Và rồi cuối cùng sẽ kết thúc ra sao? Tự nhiên như là tủi thân, gã thấy
thương mình. Văng vẳng từ xa có tiếng ca vọng cổ nỉ non, một đám xúm đông xem
hát sẩm, người hát đôi mắt không mù nhưng đờ đẫn, dài dạc như người tâm thần.
Anh ta mặc bộ quần áo bộ đội cũ, áo đại cán toạc một miếng lưng bê bết đất cát,
xung quanh người treo đầy ống bơ với những sợi tua xanh đỏ không biết nhặt ở
đâu?
Người hát tự
xưng là “ca sĩ Thanh Bình”. Hết vọng cổ lại đến hát chèo, lại Tân nhạc, điệu
nào cũng buồn, cũng ai oán thê thiết.
Gã thấy cứ nghe thêm một lúc nữa, gã sẽ khóc mất! Mặc
dù từ lâu gã không còn khóc được. Sự mềm yếu ở đâu và lúc nào cũng không mang lại
điều gì tốt lành. Gã rảo bước đi về phía chợ. Mặc dù lúc này khu chợ người ta
đang dọn dẹp nghỉ tối, những chiếc xe bò, xe ba gác đang vội vã kéo ra đường.
Chỉ còn những người gồng gánh, hoặc đẩy chiếc xe đạp thồ nhem nhuốc. Gã đi ngược
chiều với họ, chốc chốc lại phải nghe tiếng quát nạt của người kéo xe. Phải lúc
khác, gã đã bực mình, Người ta có quyền gì mà quát tháo với gã? Nhưng lúc này
gã không quan tâm. Thậm chí có người cho va cả càng xe vào gã cũng không phàn
nàn. Lúc này gã cảm thấy mình đang như mẩu củi bị xô rúm lại cùng đám rác rều của
dòng chảy cuộc đời. ý nghĩ ảm đạm làm gã mất tỉnh táo.
Gã không biết rằng gã đang bị theo dõi. Hai tên định
tráo chiếc ba lô của ông Chỉ Đen đang theo gã từng bước. Chúng đang nấp sau một
gốc cây. Trong tay mỗi đứa cầm một đoạn gậy. Gã vừa bước sát tới, chúng nhảy ra,
gậy vụt túi bụi. May mà cái mũ cối vật kỷ niệm của một người bạn tù tặng gã lúc
trở về, gã đội trên đầu đã làm cho nhát gậy trượt sang một bên. Chiếc mũ nứt
toác một miếng rơi xuống đường, lăn lông lốc. Một nhát gậy nữa vụt trúng bả vai
làm gã đau nhói. Thoáng chút kinh hoàng, gã hiểu ngay đang xảy ra chuyện gì. Gã
đã phạm phải luật rừng của bọn trộm cướp ở bến sông này.
Chúng không biết gã là ai. Gã cản trở công việc làm
ăn của chúng là chúng đánh. Nói gì với chúng lúc này cũng không kịp. Thói quen
phản ứng những trường hợp như thế này nhắc gã phải chống trả. Gã vớ ngay chiếc
đòn gánh của một bà vừa hốt hoảng quẳng xuống đường. Liều chết chống chọi với
hai tên khủng bố.
Những ngày thất cơ lỡ vận của gã còn có một cái may.
Ông lão người Nùng sa cơ ngày nào dạy gã vài đường quyền khi gã tá túc ở nhà
ông mấy năm trước. Hai thằng bụi đời không ngờ tình thế đột nhiên thay đổi.
Chúng đã mất thế chủ động. Đối thủ trước mặt chúng không dễ ăn như chúng tưởng.
Thêm vào là sự hô hoán ở xung quanh.
Đám đông khi nào cũng vậy. Họ sẵn sàng tát nước theo
mưa. Giả như gã núng thế, chưa chắc đã có ai muốn nhúng tay vào. Nghe tiếng:
" cướp ... cướp ... giết người "
hai tên phóng qua bức tường chạy vào chợ. Một đám đông hăng tiết vẫn hô
hoán đuổi theo. Nhưng vẫn cách một đoạn.
Họ chỉ kêu thế thôi, ai dại gì dồn chúng vào chỗ
cùng đường?
Bây giờ gã mới cảm thấy đau. Cánh tay trái nhói buốt
vào tim. Gã ngoái nhìn thấy áo toạc một miếng dài tới khỉu tay. Cánh tay ao rách dài một miếng độ hai phân. Xung quanh
chỗ đứt tím bầm. Gã thử nhấc tay cử động, thật khó khăn. Lúc hăng máu gã không
cảm thấy gì. Bâygiờ thì cơn đau đã ê ẩm. Đầu gã ong ong như máu tụ cả lại. Gã
đưa tay lên trán thấy u một cục to tướng, cái mũ đỡ được đầu gậy để đầu gã
không bị toác ra, nhưng vẫn sưng lên một đám. Gã như người vừa trải qua trận ốm,
da còn xanh ngái thêm trận đòn bất ngờ. Suýt nữa thì gã gục xuống. Một tia sáng
của sự sống từ đâu len tới, gã gượng dậy.
Dù thế nào cũng không thể gục xuống đây được. Gã lấy
hết sức lết tới, dựa vào một gốc cây ven đường. Có người nào đó nâng cánh tay
gã lên lấy một miếng dù trắng quấn quanh vết thương cho gã. Gã định thần nhìn kỹ:
Là một cô gái, chẳng những trẻ lại còn xinh đẹp nữa!
Gã tưởng như
mình nằm mơ. Không, sự thật một trăm phần trăm! Một kẻ như gã được một người
như cô băng cho vết thương thì thật là lạ?
Hoá ra ở đời
vẫn còn nhiều người tốt, người tử tế. Không hẳn như mặc cảm gã nghĩ những ngày ảm
đạm đã qua.
Gã có gì đáng kể để được người khác quan tâm? Một thằng
tù vừa được ra khỏi trại. Ăn mặc chẳng giống ai, áo quần cũn cỡn vì không phải
của mình, thứ hàng chợ may theo kiểu ăn bớt vải. Trong túi chỉ có dăm đồng bạc.
Có thể mua được một bữa no chứ không thể bữa ngon. Không mua được thứ gì đáng kể.
Một tấm thân vừa trải qua cuộc đầy ải kéo dài, mái tóc nhăn nhở, chân tay cáu bẩn,
mồm miệng râu ria lởm chởm..
Gã thừa biết
vẻ ngoài của gã chẳng dễ coi chút nào. Vậy thì vì cái gì mà người ta săn sóc
gã? Lòng thương hại ư? Hay lòng trắc ẩn của một người xa lạ khiến gã ngại ngùng
xấu hổ? gã không nhận ra rằng cuộc giao tranh vừa rồi, sự cam đảm của gã khiến
cô để ý. Một cái gì tựa như lòng cao thượng, xả thân vì người khác khiến cô nể
trọng? Và, Nếu chỉ thế thôi, thì cũng chẳng có gì đáng nói. Cô cũng quan tâm
chút đỉnh, nếu thêm nữa là buộc lại vết thương cho gã rồi đi. Đằng này, cô lại
nhờ người dìu gã về căn nhà gần đó, ngay kề bến sông, chỗ có bụi chuối um tùm.
Bà mẹ cô gái, người nhỏ nhắn, nhưng nét mặt phúc hậu.
Bà lấy chậu nước pha chút muối, lau rửa lại vết thương cho gã. Cô gái mang chai
thuốc bóp xoa lên chỗ u ở đỉnh đầu. Mấy người đi theo cứ ngỡ gã là người nhà của
bà. Họ đứng lại một lát rồi quay ra.
Trời gần tối. Không ai rỗi rãi quan tâm đến việc của
người khác, vả lại những chuỵên như thế thường xảy ra cơm bữa ở bến sông này.
Nơi mà cuộc sống còn chồng chất khó khăn. Con người với con người như gà nhốt
chung trong chiếc lồng chật hẹp. Miếng cơm manh áo còn là nỗi lo to lớn, che
khuất phần tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người. Cái nghèo nếu không là nguyên
nhân thì cũng là kết quả của những chuyện đau lòng.
Gã cảm thấy ái ngại trước cử chỉ săn sóc của mẹ con
cô gái. Nhà họ cũng nghèo. Cái nghèo dễ nhận thấy ở gia cảnh đập ngay vào mắt:
Một cái tủ tạp kê ở gian giữa vừa làm bàn thờ, vừa để đồ. Một bên là chiếc giường
quầy có một thanh gỗ như tay vịn ở hai đầu, để mộc không đánh véc ni. Một bàn
chữ nhật bào qua loa và mấy chiếc ghế. Cái chăn chiên cũ và cái màn nhuộm nâu để
ở góc giường. Tài sản đáng giá nhất là chiếc xe đạp nữ cô vừa dắt về. Khung xe
là thứ hàng gia công mang từ Sài Gòn ra. Vành bánh, nan hoa cái thì Việt Nam,
cái thì Trung Quốc, chỉ duy nhất cái ghi đông còn sáng, chắc là vừa mới thay.
Các thứ khác đã và đang hoen rỉ. Giọng của bà mẹ trầm trầm khiến gã nhớ tới giọng
nói của mẹ gã. Giọng nói của người sống lâu ở vùng bồi bãi, sông nước.
Bà bảo:
- Tôi cũng có thằng con trai đang ở trong tù. Đáng lẽ
đợt đặc xá này nó cũng được về. Chẳng biết thế nào gần ngày được tha lại bị kỷ
luật. Người ta bảo nó đánh gãy tay một đứa ở cùng. Thế có khổ không!
Gã hỏi:
- Anh ấy bị bắt vì tội gì?
Bà nói:
- Tội đánh nhau. Nó bốc vác ngoài bến. Tranh nhau
khách, không thằng nào chịu thằng nào. Thằng kia cậy to khoẻ bóp cổ nó. Hôm sau
nó rình vụt cho một gậy gẫy chân. Nhà nó kiện, thằng bé bị toà xử hai năm. Thỉnh
thoảng tôi với con Thịnh cũng xuống thăm. Nhưng vụ lũ vừa rồi hại quá. Một đống
lúa mua về trôi mất cả, nên tháng vừa rồi không xuống được.
Bây giờ gã biết tên cô rồi, cô vừa mang chậu nước rửa
vết thương cho gã ra sau nhà, quay ra bảo:
- Anh ở cùng đội với anh Nhân nhà em, anh không biết
à?
Gã nhớ ra. Anh chàng Nhân điển trai, mắt sáng môi hồng
như con gái. Mấy tay anh chị trong đội chiều chuộng gọi là " Chíp "
kiểu như người ta gọi là “Bồ” ngoài xã hội. Gã biết nhưng không thân, lúc này
nhớ lại, tại sao đàn ông con trai với nhau mà lại thành bồ bịch? Kể thật nhảm
nhí.
Cái tay Nhân này cũng tỉa lông mày, đi đánh mông, uốn
éo như con gái, mặc dù không phải “bê đê”. Chẳng qua trong môi trường thiếu thốn
tình cảm, bức bối sinh lý mà sinh ra những việc quái gở. Những chuỵên đó, lúc
này không thể nói với mẹ và em gái của anh ta ở đây được. Họ sẽ buồn biết bao
nhiêu khi biết một đứa con trai biết
cách "đào tơ liễu yếu" mất cả giới tính như thế. Gã chợt thở dài.
Thịnh không hay tâm trạng của gã
lúc này sợ mình vô tình chạm vào nỗi đau dĩ vàng của gã, cô vội nói.
- Tù không phải ai cũng là xấu cả. Có người nhất thời
sa ngã cũng có người vô tình mắc tội oan khiên . Anh buồn làm gì? Anh Nhân em
vô tư lắm, quần áo phạm mà lúc nào cũng giặt xà phòng trắng bong. Lại còn sơn sửa
móng tay nữa chứ, đến như em ở ngoài cũng chẳng có thời gian ngắm vuốt như thế.
Mẹ em thì yếu, các chị lấy chồng xa, còn mỗi thằng út thì như cua bấy ăn còn chẳng
xong thì lấy đâu ra thời gian mà diêm dúa ?
Chỉ một lúc sau cậu út về. Cậu cất cái cặp treo lên
vách, nằm thườn ra giường dáng điệu như
cô chị nói. Cậu cao lêu đêu, chân tay gầy guộc. Kéo lại, cậu có đôi mắt sáng, e
lệ như mắt con gái. Kiểu người này nhạy cảm và cũng hay làm nũng. Nếu không có
khách lạ có thể cậu đã mè nheo mẹ cái gì đó chứ không chịu nằm yên như bây giờ.
Thấy gã, cậu lí nhí chào, e dè lắm.
Xoa bóp thuốc chừng một tiếng sau, gã thấy các chỗ
đau đỡ nhức nhối. Gã thấy đã đến lúc phải chào để ra đi, ở thêm nữa bất tiện
quá. Trời bắt đầu tối. Ngoài đường đèn đã lên. Những bóng đèn điện không đủ vôn
sáng vàng vàng, nhợt nhạt.
Gã vừa dứt lời, bà mẹ đã vội xua tay:
- Không, không được. Anh cũng như thằng Nhân nhà
tôi. Về đến đây cũng như về nhà, không phải e ngại gì cả. Với lại bọn ấy chúng
không vừa, bỏ cuộc ngay đâu, chúng phải tìm anh bằng được mới thôi đấy. Chúng
làm thế để dằn mặt mọi người, ai thấy chúng làm gì cứ lờ đi như không biết.
Tháng trước có anh bộ đội bị nó xiên cả cái lê vào bụng, may mà không chết.
Không khéo bây giờ chúng vẫn lảng vảng bên ngoài cũng nên.. Công an có khi thấy
chúng còn ngại. Chúng có kể ai ra gì đâu? Mà tôi cũng chưa kịp hỏi chuyện em nó
ở trong ấy như thế nào. Tháng trước nom nó không được khoẻ, nó bảo mang xuống
cho nó ít “bít kốt” mà nhà chưa mua được. Con Thịnh đưa anh về đây là có ý hỏi
thăm anh nó đấy. Các anh trong ấy anh nào cũng hao hao giống nhau, tôi chịu,nhận
không ra. Thế mà cô Thịnh này hay đáo để, nó nhận ngay ra anh lúc anh đang đi
ngoài cổng chợ.. Nếu không xảy ra xô xát chưa chắc nó đã dám hỏi. Con gái thị
xã mà dát dát là...
Gã cũng vô tâm thật. Đáng lẽ cũng phải nói đôi điều
về Nhân với bà chứ. Khổ nỗi gã với Nhân lại không thân nhau. Chẳng lẽ lại bày đặt
chuyện tình cảm của hai người sao? Nhân với gã không thành khiến gì. Không gần
nhau vì một lẽ đơn giản. Những tay anh chị quý " Chíp " và rất hay
ghen, Có khi còn ghen hơn trai gái ngoài đời. Chúng sẵn sàng nhường ăn nhường mặc
cho Chíp. Nhưng hễ kẻ nào bén mảng tỏ ra ý thân mật với Chíp của chúng thì liệu
thần hồn. Thực là thứ tình cảm bệnh hoạn đến đáng sợ.
Đành phải nói qua loa vài chuyện. “Nhân được quản
giáo quan tâm, anh em quý”. Chuyện xảy ra vừa rồi chỉ là chuyện hy hữu. “Nhân
là người khéo léo hiếm khi mới xảy ra như vậy. Người ta xử lý kỷ luật để giữ
nghiêm nội quy của trại. ảnh hưởng, không lớn lắm đến việc xét được tha”... Đại
loại như thế, chứ gã còn nói thêm với bà gì nữa?
Bà quay sang hỏi quê quán, gia đình gã. Rõ ràng bà
có ý muốn gữi chân gã lại. Bà muốn tránh cho gã rắc rối sau việc vừa rồi. Chuyện
đời gã là một câu chuyện dài. Nếu có kể chưa chắc người nghe đã tin là thực. Rất
khó giải thích những nghịch lý ở đời bằng câu chuyện có lý.
Gã đã quen với ý nghĩ là những việc đã qua dù sao
thì nó cũng đã qua. Đào sới vào dĩ vãng cũng không mang lại điều gì. Vậy nên
khi được hỏi, gã chỉ vắn tắt đôi điều về chuyện gia đình. Bố gã đã mất. Mẹ gã
đã già. Gã có một đứa con riêng sống với bà. Tuyệt nhiên gã không đả động gì đến
người vợ hờ mà lâu nay gã muốn quên đi... Thị đã mắc một sai lầm không thể chấp
nhận được. Bà đoán rằng gã có điều khó nói. Hỏi căn vặn thêm có thể gã đau
lòng, nghe xong câu chuyện bà chép miệng:
- Thế ra anh cũng có nỗi khổ tâm. Hoàn cảnh các anh
mỗi người đều có sự trắc trở khác nhau. Hoá ra nghe chuyện, tôi mới biết anh là
người cùng quê. Bây giờ khác tỉnh, chứ ngày xưa là cùng một tổng. Thảo nào giọng
nói cũng quen quen. Gã định một lần nữa cáo lui nhưng bà gữi lại. Thịnh đã bưng
mâm lên, một bữa ăn đạm bạc, ngoài đĩa rau muống luộc còn có đĩa thịt kho tàu.
Với gã thì như vậy đã là sang. Nhất là những năm tám mươi này, được như vậy quá
tốt rồi.
Cơm xong cả nhà quay sang chẻ nan cót, gã cũng sốt sắng
góp tay. Nhưng phần vì không quen, phần do tay vẫn còn đau ê ẩm, gã lại bị đứt
tay, may mà vết đứt không sâu. Con dao nan rất mỏng, sắc có thể cạo râu được.
Gã biết thêm đôi điều về Thịnh, ban ngày cô đi gánh cát ngoài bến sông. Tối về
đan cót với mẹ, cót đan được cuộn từng bó mười cái một, người dưới xuôi mua về
đổ mái bê tông. ở tỉnh Xuân Quang này kinh tế chưa kịp phát triển. Thị xã là
trung tâm mà cũng chỉ có vài cơ sở công nghiệp nhỏ bán cơ giới. Xin được việc
làm ở đây thật không đơn giản chút nào. Tiếng là dân thị xã, vẫn có nhiều người
đi làm nương hái củi trên rừng, xa nhà hàng chục cây. Họ đi làm đến mùa thu hoạch
lại làm mảng theo sông trở về. Mọi khác biệt giữa thành thị và nông thôn chưa
rõ lắm. Ngay nhà cửa đất đai giá trị cũng không cách xa nhau là mấy. Thịnh nói
năm trước cô cũng lên chỗ mẹ anh ở bây giờ làm một đám nương. Cô cũng biết mẹ
anh, mẹ anh nói chuyện với cô là bà có người con trai xa nhà. Đi đâu thì bà
không nói. Không ngờ người đó lại là gã. Câu chuyện giữa hai người cứ thế, có
phần gần gũi hơn, dù họ mới gặp nhau lần đầu.
Chính gã cũng không ngờ cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm nay
lại là nguyên cớ cho câu chuyện phiền phức về sau, khởi đầu một chuyện tình dở
dang.
Gã ngồi gợi ý cho cậu út học bài. Thỉnh thoảng cô
gái hướng ánh mắt về phía gã. Không ai nói câu gì. Bà mẹ húng hắng ho, đứng dậy
dặn cậu út lát nữa dọn giường ngủ cùng gã. Gã chưa hết ngần ngại. Ngày đầu tiên
ra tù gã lại nghỉ lại ở nhà một người mới gặp lần đầu. Nếu gã không từ chối lời
mời của ông Chỉ Đen chắc không xảy ra cuộc ẩu đả. Người gã đã không đau nhức
như bây giờ, số máu mất không phải là ít, nó đẫm ướt cái áo đến nỗi không thể
tiếp tục mặc, cái áo gã đang mặc đây là bà mẹ cô gái đưa cho, có thể là áo của
Nhân, người con trai bà đang vắng nhà. Nhưng nếu như gã theo lão tới nhà người
quen của lão thì đã không gặp Thịnh, cô gái đang sống đời lam lũ với những công
việc nặng nhọc mà sao vẫn toát lên vẻ thanh thoát, dịu dàng. Gã không dám nghĩ
tiếp. Hoàn cảnh của gã lúc này không cho phép gã nghĩ thêm điều gì. Cuộc đời gã
giống như cuộn chỉ rối mới vừa tìm được đầu mối. Còn phải gỡ rất nhiều vòng.
Mong mỏi một điều gì lúc này hãy còn quá sớm.
Gã quyết định bước ra đường. Một lần nữa gã không gặp
may. Trận mưa cuối của đợt áp thấp lại vừa ập xuống. Gã không mũ nón, thêm những
vết thương trên người, không còn cách nào khác, gã quay vào nằm bên cậu út.
Cả đêm gã trằn trọc không phải vì chăn không đủ ấm.
Không phải vì tiếng mọt kêu mòn mỏi trên xà nhà, tiếng con tắc kè còn sót lại
kêu trên ngọn một cây khô cuối phố. Một âm ba nào đấy gã không thể gọi tên, khiến
gã không yên giấc. Gã nghe rõ tiếng thở đều đều êm dịu của Thịnh phía sau bức
tường. Quá khứ, hiện tại trộn lẫn nhiều ấn tượng, nhiều ám ảnh khiến gã nôn
nao.
Ngày mai, trên con tàu ngược dòng sông, sẽ đưa gã đến
một cuộc sống mới. Một cuộc sống gã không bao giờ nghĩ tới hoặc hình dung tới
bao giờ.
Vào khoảng canh ba, những làn gió lạnh lùa qua cửa sổ
mong manh của căn nhà. Có những đường sức mơ hồ đưa gã vào giấc ngủ. Có lẽ đường
sức vô hình ấy, nó khởi từ dòng sông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét