Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

DÙ NGHÈO NHƯNG TẾT VẪN VUI!

Tết sớm của người Mông ở Mộc Châu
Trò đánh quay ngày Tết của người Mông
Theo phong tục người Mông, ngày mùng Một chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền.
Người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp. Ảnh: Bằng Việt.
Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn… đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. 

Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.

Gạo nếp nương thơm ngâm và đồ thành xôi đổ vào một máng gỗ, các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.

Bánh dày không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông. Ảnh: pystravel.

Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.

Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân...

Một nghi lễ cúng của người Mông trong ngày Tết. Ảnh: tienphong.

Tết cũng là dịp người Mông Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Nếu có dịp vào các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Cành ở thị trấn Nông trường và xã Tân Lập, bạn hãy tìm đến các sân vận động rộng, nơi bà con tập trung để chơi xuân. Trong không khí rộn ràng đầu năm, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa ngày Tết của người Mông thông qua điệu múa xòe ô và tiếng khèn réo rắt.

Vy An
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/moc-chau/tet-som-cua-nguoi-mong-o-moc-chau-2931695.html

Trò đánh quay ngày Tết của người Mông

Cũng như bắn cung, bắn nỏ, cưỡi ngựa, đánh tu lu, rồng ấp trứng… đánh quay là trò chơi để đàn ông người Mông ở Mộc Châu khoe tài khéo cùng sức mạnh.
Người đàn ông Mông ở Mộc Châu từ khi lẫm chẫm biết đi đã có con quay làm bạn. Đó là món đồ chơi mà anh hoặc bố làm cho để lẽo đẽo theo họ trong mỗi ngày tết đến xuân về. Lớn thêm ít nữa, khi tự biết cầm dao khéo léo đẽo quay, thì họ đã trở nên thành thục với trò chơi tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn này.
Mỗi bộ quay gồm sợi dây dài chừng 2 m gắn cố định một đầu vào thanh gỗ nhỏ dài chừng 0,5 m và con quay đẽo hình đầu đạn, bán kính 3-5 cm, làm bằng gỗ tốt, cứng, nặng (thường là gỗ trai). Bộ đồ chơi ấy thường được dùng trên sân vận động của bản cùng những trò chơi khác như đá bóng, ném pao…
Danh-quay-1-JPG-6822-1389323924.jpg
Sân vận động tập trung đàn ông Mông chơi đánh quay.
Nhiều người thường nghĩ đánh quay là hai bên cùng ném con quay xuống đất, bên nào bị đổ trước là thua, nhưng bản Hua Tạt, Vân Hồ, lại có luật lệ riêng. Nhóm người chơi sẽ chia làm hai đội không hạn chế thành viên. Đội thứ nhất thả quay, đội thứ hai đứng ở vạch, tìm cách ném con quay của mình trúng và làm đổ các con quay của đội thứ nhất. Nếu ném trúng và con quay còn tiếp tục quay là thắng cuộc, ném trượt tất nhiên sẽ thua.
Danh-quay-6-JPG-8332-1389323925.jpg
Một chú bé người Mông đang đánh quay đội bạn.
Cái thú vị nhất của cuộc chơi chính là việc thả quay và đánh quay diễn ra qua ba vòng. Vòng thứ nhất thả quay cách vạch ném chỉ chừng 3 m, vòng thứ hai thả quay cách vạch đến 10 m, vòng thứ ba quay thả cách vạch ném đến 20 m. Vòng ném thứ ba bao giờ cũng là vòng thử thách nhất, và cái tài khéo cùng sức mạnh của người đàn ông Mông được chứng tỏ chính là ở vòng này.
Khi đội thả quay xong, tất cả đứng dạt ra nhìn những con quay đang quay tít trong mảnh đất rộng, tất cả ánh mắt của cổ động viên, của khán giả, của những cô gái mười tám, đôi mươi dồn cả vào những cánh tay chắc nịch phía đội đánh quay. Những chàng trai thân hình vạm vỡ thoăn thoắt quấn quay, chạy đà, vung tay thả, giật que đánh con quay thật mạnh, thật xa. Không phải con quay nào cũng trúng đích. Có con lao thẳng vào khe giữa 4-5 con quay khác ra ngoài, có con chỉ cách quay đối thủ một chút xíu thì lại tiếp đất rồi xoay tít văng lên cao. Chỉ vài con quay trúng đích, khiến quay đối thủ văng xa mới được tung hô, cả người chơi lẫn khán giả đều thích thú cười rạng rỡ.
Danh-quay-7-JPG-3517-1389323926.jpg
Các em bé đã được dạy chơi quay từ khi còn rất nhỏ.
Anh Tráng A Chu hả hê sau chiến thắng bảo: "Chơi đánh quay không biết chán". Hai đội cứ thế đổi vị trí ném và đánh cho nhau, ai mệt thì ra nghỉ, ai mới đến lại đem quay nhập bọn, đến bữa thì nghỉ uống rượu rồi lại chơi. Cho nên, những ai chơi không quen về sẽ đau chân và hai bả vai. Thế mới biết, tại sao người Mông lại khỏe mạnh, dẻo dai, bền bỉ đến thế.
Sân vận động bản Hua Tạt, Vân Hồ, buổi chiều ồn ã, nhộn nhịp bởi tiếng khèn mùa xuân, tiếng bạc trắng hoa xòe tinh tang trên bộ quần áo xanh, đỏ vàng lên sau mỗi bước chạy và bởi cả tiếng con quay va vào nhau, tiếng hò reo, cười nói khi kết thúc mỗi vòng quay.
Xuân đã về với người Mông Mộc Châu vui tươi và nhộn nhịp.
Bài và ảnh: Thành Đạo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: