Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Chỉ nên coi như "một tín hiệu":


Luật sư Nguyễn Tiến Tài, Tuổi trẻ
Tin hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (với bị cáo Dương Tự Trọng - em Dương Chí Dũng - và các đồng phạm) quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm lộ bí mật nhà nước khiến nhiều người quan tâm bất ngờ, lâng lâng.
Bất ngờ trước hết vì việc hội đồng xét xử áp dụng điều 13, điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự để trực tiếp khởi tố vụ án hình sự tại tòa là một điều hiếm thấy.
Thật vậy, Bộ luật tố tụng hình sự quy định nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra thì hội đồng xét xử có quyền ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử hầu như rất ít khi quyền này được áp dụng. Thường thì hội đồng xét xử sẽ yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hoặc đề nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố.

Như vậy, điều thú vị nữa trong phiên tòa này là hội đồng xét xử không “đá” trách nhiệm sang viện kiểm sát cho dù luật cho phép mà tự mình trực tiếp khởi tố, tự mình chịu trách nhiệm về quyết định đó!

Nhưng bất ngờ hơn cả là việc khởi tố vụ án trên nhằm điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trong đó liên quan đến một thứ trưởng Bộ Công an. Thời gian gần đây, ít ai có thể tưởng tượng nổi một quan chức vai vế như vậy lại có thể trở thành đối tượng bị điều tra trong nay mai.

Quyết định của hội đồng xét xử phải chăng đang phát đi một tín hiệu mạnh mẽ của Đảng rằng không một thế lực nào có thể đứng trên pháp luật, rằng phải bắt cho bằng được những “con sâu” tham nhũng bự? Đây quả thật là một tín hiệu đáng mừng

Đọc thêm: Không đủ căn cứ để khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ

C. Mai- T. Lụa, Tuổi trẻ 

Thẩm phán Trương Việt Toàn

Có ý kiến đặt ra là tại sao không khởi tố thêm vụ án “đưa, nhận hối lộ”, bởi Dương Chí Dũng cũng có khai đưa hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD cho một số cán bộ công an?

Từ những lời khai chấn động của Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN, bị kết án tử hình trong vụ sai phạm tại Vinalines) tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (em Dương Chí Dũng, nguyên phó giám đốc Công an Hải phòng) tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Tuy nhiên, có ý kiến đặt ra là tại sao không khởi tố thêm vụ án “đưa, nhận hối lộ”, bởi Dương Chí Dũng cũng có khai đưa hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD cho một số cán bộ công an.

Trả lời câu hỏi này, thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, nói: “Mọi quan điểm của HĐXX được thể hiện rất rõ ràng bằng bản án. Từ lời khai của Dương Chí Dũng và bị cáo Vũ Tiến Sơn tại cơ quan điều tra và tại tòa, HĐXX quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.:

Ông Toàn nói: "Riêng về hành vi đưa và nhận hối lộ mà Dương Chí Dũng khai tại tòa, HĐXX nhận định không có đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Dù vậy, trên cơ sở xem xét các lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa, HĐXX có yêu cầu viện kiểm sát điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines và hành vi nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát. Nếu có căn cứ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tương tự, kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung, viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), cho rằng qua phiên tòa xét xử và những lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng cho thấy so với dấu hiệu của tội đưa, nhận hối lộ thì dấu hiệu của tội “cố ý làm lộ bí mật của Nhà nước” rõ ràng hơn, đủ căn cứ để khởi tố vụ án.

Nhưng mọi lời khai của Dương Chí Dũng vẫn được xem là một nguồn tin tố giác tội phạm theo điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự. Tố giác tội phạm đó phải được chuyển cho cơ quan điều tra xem xét.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: