Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Bác sĩ lo bệnh tào lao:

PHÊN GIẬU CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC PHÂN TRANH
Mặc dù lý thuyết cho một thể chế chính trị đa nguyên, tản quyền đặt nền tảng cho chế độ Phong Kiến lui vào quá khứ được ra đời từ cựu lục địa châu Âu vào 1750. Nhưng trong khi châu Âu ngụp lặn với thời kỳ suy tàn của các đế chế đi xâm lược và vơ vét tài nguyên khắp thế giới, thì chỉ 16 năm sau - 1776 - Hoa Kỳ, một tân thế giới đã hình thành một quốc gia non trẻ đầu tiên về một thể chế chính trị đa nguyên, tản quyền hoàn hảo nhất.
Sau Hoa Kỳ 13 năm, mãi đến 1789, Pháp, nơi đã đẻ ra lý thuyết đa nguyên tản quyền mới có cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở cựu lục địa. Thế nhưng, vì quyền lợi của giai cấp cầm quyền, Pháp đã đẻ ra một Napoleon Bonaparte níu kéo quốc gia này trở lại chế độ Phong kiến một lần nữa, và kinh qua với những cái gọi là các nền Đệ nhất, nhị, tam, tứ Cộng hòa Pháp, song dưới hình thái xã hội quân chủ phong kiến chuyên quyền, kể cả đếnchính phủ Vichy do Thống chế Philippe Pétain nắm quyền độc tài từ tháng 7/1940 đến tháng 8/1944 cũng chưa được xem là một nền chính trị đa nguyên tản quyền, mặc dù cũng có tam đầu chế - hành pháp, tư pháp và lập pháp nhưng tất cả các quyền này do Philippe Pétain nắm trọn. Mãi đến khi tướng Charles de Gaulle nắm quyền thành lập nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, nước Pháp mới có được hiến pháp 1958, và thực sự là một quốc gia có chế độ chính trị đa nguyên, tản quyền. Có nghĩa là, châu Âu đi sau Hoa Kỳ đến những 182 năm về sự tiến hóa về chế độ chính trị, nếu lấy Pháp làm mốc!

Khi chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ đa nguyên tản quyền, các đế quốc chuyển hình thức đi xâm lược, và bóc lột tài nguyên các thuộc địa sang hình thức tạo ra phên giậu cho họ. Họ không còn áp đặc con người của mẫu quốc lên ngay trên thuộc địa của mình, mà họ biến thuộc địa thành cái gọi là, đồng minh chiến lược. Họ điều khiển các phên giậu của họ bằng quyền lực mềm - kinh tế, văn hóa và thể chế chính trị giống hoặc một kiểu biến thể chính trị của họ.

Sau Thế chiến thứ II, thế giới thành chân vạc tam cường quốc phân tranh - Hoa Kỳ, Trung Hoa và Liên Xô. Nhưng sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, 3 quốc gia chính phân tranh vẫn còn, với Nga thay thế Liên Xô cũ. Các phên giậu của 3 cường quốc cũng thay đổi theo thời gian.

Cũng chính Hoa Kỳ là quốc gia áp đặt phên giậu rộng khắp thế giới ngay sau Thế chiến thứ II. Bằng cách tạo ra Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương, phên giậu châu Âu của Hoa Kỳ nhằm canh chừng, và tấn công cộng sản châu Âu gồm Liên Xô và Đông Âu. Liên Xô cũng không kém cạnh, khi họ lập ra một phên giậu Đông Âu sau Thế chiến II.

Ở châu Á cũng vậy, Hoa Kỳ thay thế Pháp và miền Nam Việt Nam, Đông Dương và các quốc gia đồng minh ở Đông Nám Á và Đông Bắc Á, để làm phên giậu cho mình và thế giới tự do, nhằm ngăn cản sự bành trướng cộng sản từ Trung Hoa. Trung Hoa cũng không chịu ngồi yên, họ lập ra những phên giậu cho mình: Bắc Hàn, Bắc Việt, Pakistan và cả Lào lẫn Cambodia, trong khi khống chế và răn đe Miến Điện. Nhưng chưa bao giờ chế độ quân chủ độc tài chuyên chế ở Miến Điện chịu khuất phục Trung Hoa, ngay cả trong những lúc nền kinh tế quốc gia này suy sụp nhất, do cấm vận kinh tế lẫn chính trị của Hoa Kỳ và phương Tây.

Phên giậu của một căn nhà là để đề phòng trộm cướp và quy định quyền lãnh thổ của một gia đình. Phên giậu của một quốc gia - một cách nói khác của từ chư hầu - là nơi dùng để truyền bá tư tưởng, văn hóa, kinh tế, chính trị, và nếu cần là tuyên bố chủ quyền bằng vũ lực, bằng cách xuất khẩu chiến tranh sang phên giậu. Khác với phên giậu của một gia đình là, phên giậu của một cường quốc cũng là nơi mà cường quốc lấn chiếm khi có cơ hội.

Những lấn chiếm hoặc mua bán, hoặc ra hiến pháp cho phép sáp nhập những vùng phên giậu cho các cường quốc nới rộng lãnh thổ không thiếu những minh chứng trong lịch sử thế giới cận đại. Ví dụ với Hoa Kỳ thì, Texas, New Mexico, v.v... là những phên giậu đã được sáp nhập theo hiến pháp và chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Với Liên Xô thì nhờ vào Thế chiến II mà, họ nắm cả Đông Âu, kể cả một nửa nước Đức, và lấy cả vùng Siberia rộng lớn giàu tài nguyên mà trước đây là Tây Bá Lợi Á của Mông Cổ. Với Trung Hoa, họ chiếm Tây Tạng của người Tây Tạng; chiếm Tân Cương và Nội Mông của Mông Cổ; lấn chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo, đá ngầm Trường Sa của Việt Nam vào lúc Việt Nam yếu thế và cô độc của những năm 1974 từ Việt Nam Cộng Hòa và năm 1988 của Việt Nam Cộng Sản.

Từ những điểm lịch sử trên, ngày nay 2 cường quốc Nga và Trung Hoa có phên giậu yếu thế hơn Hoa Kỳ rất nhiều. Hai cường quốc này chỉ còn sử dụng vũ khí tối tân, và một phần kinh tế, tài nguyên của họ để kiềm chế Hoa Kỳ.

Sau sụp đổ Liên Xô và Đông Âu làm cho nước Nga mất đi hơn 10 quốc gia Đông Âu làm phên giậu cho mình. Nền kinh tế Nga chỉ còn dựa vào bán tài nguyên giàu có nhất thế giới là khí gas và dầu hỏa ở vùng Siberia chiếm từ Mông Cổ, và quốc phòng Nga tiếp nhận sự hùng cường của Liên Xô cũ để răn đe láng giềng - xưa là phên giậu của mình - hòng phòng thủ và tấn công đến Tây Âu khi cần.

Sau khi lên nắm Trung Hoa, Mao Trạch Đông đã có công lớn cho Trung Hoa khi tăng diện tích lãnh thổ nước này gấp 3 lần so với thời nhà Thanh trở về trước, với lấn chiến Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Nhưng phên giậu của Trung Hoa chỉ rất ít ỏi, yếu hèn, và nghèo khó: Bắc Hàn, Việt Nam, Lào, Cambodia, và Hồi Quốc - Pakistan. Mặc dù vài thập niên gần đây Trung Hoa cố gắng tạo ra phên giậu cho mình ở các châu lục như, Phi, Mỹ La Tinh, nhưng khả năng kiểm soát các phên giậu này của Trung Hoa là ngoài tầm kiểm soát. Điều này được minh chứng khi các cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Bắc Phi Trung Đông xảy ra, Trung Hoa đã mất trắng những gì họ đã cố công đầu tư suốt 2 thập niên qua.

Đối với Hoa Kỳ, phên giậu của họ có khắp mọi nơi, và khả năng kiểm soát của họ cũng chưa bao giờ thất bại, nếu họ không muốn từ bỏ phên giậu như đã từ bỏ Việt Nam Cộng Hòa, biến VNCH và Bắc Việt thành vật thế chấp của ngoại gao bóng bàn thông qua Thông Cáo Thượng Hải 1972 và Hiệp Định Paris 1973, để được cái lớn hơn là Trung Đông, và sụp đổ khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sau đó 17 năm.

Sự khác biệt giữa quyền lực kiểm soát phên giậu của 3 cường quốc - hay nói cách khác là giữa Hoa Kỳ và 2 nước còn lại là Nga và Trung Hoa - là ở quyền lực mềm, và cái cách mà Hoa Kỳ chọn lựa phên giậu trong chiến lược toàn cầu của mình. Nếu Trung Hoa và Nga sử dụng quyền lực mềm là làm sao cho các phên giậu nghèo, hèn, và những lợi ích của chế độ chính trị quay về thời phong kiến, hòng gắn liền với sự ban phát lợi ích cho giai cấp cầm quyền, để ép cho phên giậu trung thành, thì Hoa Kỳ sử dụng tự do, dân chủ và giàu mạnh bằng cách chia bài cho các phên giậu được hưởng, để các phên giậu tự lực tự cường dưới sự bảo trợ an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ.

Hay nói cho dễ hiểu là quyền lực mềm của Hoa Kỳ mang đến cho các phên giậu của mình là cho nhân dân, và cái chung của đất nước đó. Ngược lại quyền lực mềm của Nga và Trung Hoa là mang lại lợi ích cho cái riêng và của giai cấp cầm quyền của quốc gia mà họ chọn làm chư hầu.

Chính vì 2 cách tạo ra phên giậu khác nhau này mà, ngày nay và tương lai xa Hoa Kỳ sẽ ngày càng có nhiều phên giậu đi theo, và sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ là siêu cường số 1 toàn cầu, mà 2 cường quốc còn lại sẽ không thể cạnh tranh. Một minh chừng hùng hồn dễ thấy là, Hoa Kỳ luôn có phên giậu Israel để cai quản Trung Đông Bắc Phi, nhưng ngược lại Trung Hoa trắng tay ở Libya, và Nga cũng khắc khổ với Syria hoặc Ukraina trong hiện tại và tương lai.

Vấn đề đáng lo ngại cho các phên giậu của Nga và Trung Hoa là, 2 cường quốc này sẽ không bao giờ buông các phên giậu ít ỏi của mình, và cũng không bao giờ đủ khả năng tạo điều kiện cho các phên giậu của mình giàu mạnh, mà bòn rút cho các phên giậu thêm nghèo hèn qua chính sách xuất khẩu hàng hóa và vũ khí. Và 2 cường quốc này còn dùng cách làm nghèo kinh tế, và nền chính trị tạo ra lợi ích cho nhóm cầm quyền các phên giậu của mình, để làm cho các phên giậu này không dám bỏ họ. Nhưng khi tức nước vỡ bờ, thì hầu như các phên giậu này phải giải quyết bằng cách các chính khách lấy nhân dân ra làmvật thế chấp chính trị, hoặc đổ máu bằng chính đồng bào của mình như ở Libya hay Syria, mà không thể có cuộc cách mạng êm đẹp như ở Miến Điện hay Nam Phi. Một điều đáng mừng là, Liên Xô cũ đã có một Gorbachev quá nhân bản và xuất chúng, nên phên giậu của Liên Xô đã làm được chuyện thần kỳ trong cuối thập niên 1980s bằng những cuộc cách mạng Hoa Hồng.

Như vậy, trong tương lai gần và xa làm sao những phên giậu của Trung Hoa có thể thoát được Trung Hoalà một vấn đề vô cùng cam go và khó khăn. Vì ba yếu tố, kinh tế nghèo đói, tư tưởng văn hóa lệ thuộc, chế độ chính trị độc tài, và tạo điều kiện cho nhóm cầm quyền giữ súng và nhà tù để kiếm ăn, là ba yếu tố trói buộc phên giậu của Trung Hoa hầu như không có lối thoát.

Lịch sử của Việt Nam đã từng có nhiều lần Thoát Trung Hoa, nhưng cuối cùng cũng phải quay trở lại làm phên giậu cho Trung Hoa. Lần gần đây nhất là từ 1976 đến 1990, Việt Nam đã cố vùng vẫy để Thoát Trung Hoa, nhưng cuối cùng phải chịu làm phên giậu cho Trung Hoa trở lại từ Hội Nghị Thành Đô vào hai ngày 03 và 04/9/1990!

Có chuyên gia cho rằng, muốn thoát Trung Hoa chỉ còn có cách vào đất nước Trung Hoa để đấu tranh, chứ không thể đấu tranh ở tại quốc gia đang là phên giậu của Trung Hoa. Chuyện này còn khó hơn hái sao trên trời!

Asia Clinic, 12h35' ngày thứ Hai, 06/01/2014
BS Hồ Hải

http://bshohai.blogspot.com/2014/01/phen-giau-cua-cac-cuong-quoc-phan-tranh.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: