Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

"Qua miền Tây Bắc" Ký sự tiếp theo:



..Chiều hôm trước ba anh em được đãi cơm một nhà hàng mới mở, trên con phố mình mới đến đây lần đầu. Ông nhà văn già từng qua ngành an ninh chả hiểu sao lại chọn nhà hàng này? Quán có tên rất lạ : “Mạnh Hoạch quán – Gà sạch”?
Chủ quán là một doanh nhân trẻ, có công ty “ẩm thực” liên tỉnh. Ở tỉnh nào cũng biển hiệu đề tên như thế cả.
Giới trẻ bây giờ giỏi làm ăn, ít đọc sách chăng?
Sau này mình mới biết ý nghĩ này của mình là một sai lầm.
Lúc vào mâm anh chàng thay mặt chủ quán đến chúc rượu. Nhân tiện mình hỏi y về chuyện này.
Chàng ta kể vanh vách “Mạnh Hoạch” là ai, từng bảy lần bị Gia Cát Lượng bắt rồi lại tha, cuối cùng mới chịu quy thuận Lưu Bị thời Tam Quốc như thế nào? Hóa ra anh chàng cố ý đặt tên nhà hàng như vậy, chả hiểu có dụng ý gì? Hay là muốn học tập nghĩa cử phục quốc của Việt Vương Câu Tiễn thời Chiến quốc xuân thu. Nếm mật nằm gai, nếm cả cứt miễn rằng được việc? Hay dở đã nhiều người bàn. Chẳng nên “tham” luận làm chi cho thêm mệt, phải không bạn?
Lại còn cái tên đường, tên phố cũng còn lắm vấn đề. Đây là con đường mới mở từ ngày cơi nới thị xã bé nhỏ này lên thành phố rộng rãi như ngày hôm nay.
Đã có Lê Lợi 1 rồi, lại Lê Lợi 2, Lê Lợi 3? Chả nhẽ không còn tên nào nữa sao, hay tiện đâu đặt đấy?
Vinh danh người anh hùng dân tộc đánh đuổi giặc Minh cứu nước rất là nên làm. Không có nghĩa cứ “tiệm tiến” đặt tên như thế. Nó thành ra mất hay, thêm khó quản lý hành chính địa dư. Vừa khô khan vừa khó hiểu!
Lúc ngồi trên xe mình đem thắc mắc này hỏi ông Trần. Ông vốn là nhà giáo dạy sử, cổ kim đông tây làu làu. Lịch sử nước Nga, nước Mỹ, nước Trung Quốc qua các thời đại như thế nào, ông rõ như lòng bàn tay.. vậy mà ông cũng chịu chết, không hiểu ý tứ cái “dị danh” ấy ý tứ ra làm sao, vì sao mà có?
Thiếu gì tên danh nhân, anh hùng dân tộc, tên địa danh, lại lấy cái tên quái gở của thủ lĩnh “Nam man”, từng cai quản một vùng suốt tỉnh Vân Nam, Quảng Tây Trung quốc bây giờ để đặt tên cho một nhà hàng mới khai sinh?
Sao không đặt tên cho con đường mới, con phố mới này là “Lan Khai”? “Nhà văn đường rừng”  sinh ra ở đây, gắn bó với quê hương mình, có những đóng góp đáng kể cho văn hóa, văn học nước nhà?
Ông giáo kiêm nhà văn lảng sang chuyện khác. Nhân nhìn thấy góc núi sạt lở một đống đất đá choán ngang đường, ông nói:
 “Mô hình Trung Quốc không phải cái nào cũng hay cả. Thậm chí nếu áp dụng ở ta có cái sẽ có tác dụng rất tai hại. Nhưng riêng kinh nghiệm làm đường miền núi của họ rất hay. Không hiểu ở ta sao chưa có ai nghiên cứu, áp dụng thử?” Mình hỏi ra làm sao? Ông rằng: “Người ta bây giờ không xẻ núi mở đường như ngày trước. Phàm là đường rừng, cứ “kẻ chỉ”, bắc “cầu cạn”, vượt mà đi, kiểu như “Cầu vượt” của ta ở những nút giao thông”. Mình nói: “Như vậy tốn kém lắm?”. “Tất nhiên là đầu tư ban đầu rất tốn kém. Nhưng xét về mặt tổng thể lâu dài lại là ưu điểm, giảm chi phí hơn rất nhiều”. Ông dẫn giải cho mình nào là giữ được môi trường không bị xâm hại. Rừng cây chịu ít ảnh hưởng. Không có nạn sạt lở núi tắc đường. Khi duy tu và bảo dưỡng đỡ vất vả. vv
Mình không phải là nhà đầu tư. Kiến thức về giao thông đường bộ chỉ hạn chế trong cái khung tàm tạm của điều lệ “Giao thông đường bộ”. Nói thực ra, chỉ là thằng mù ngắm voi, nên chẳng thể tranh luận với ông về việc này!
Còn dùng đến óc tưởng tưởng thì mình hình dung tham gia giao thông theo cách khác. Hoặc là dùng đường hầm như con đường xuyên biển bắt chước người Anh, người Pháp từ thế kỷ trước. Hoặc dùng đường không, cứ bay nhảy trên mấy từng trời. Phương tiện lớn như máy bay yêu cầu cảng hàng không phức tạp mình không nói.
Chỉ cần một kiểu xe bay cỡ nhỏ lên xuống bất kỳ chỗ nào là khắc phục được chuyện đi lại vất vả của khách bộ hành. Ý tưởng này của mình liền bị ông Triệu bác bỏ. Ông xuất thân từ nhà báo “chuyển” sang làm văn nên cơ chế, chính sách luôn là cái ưu tiên hàng đầu trong ý nghĩ. Ông bảo: “Điên à? Nói như ông nhà nước quản lý mọi mặt sẽ ra làm sao? Chưa nói đến an toàn lãnh thổ, biên giới quốc gia. Chỉ quản lý trong nước, cơ quan chức năng làm cách nào để quản lý xã hội khi mà vù một cái là “đương sự” cất cánh biến mất?. Chính phủ có ba đầu sáu tay, “huyền diệu” thế đâu mà nói như vậy?
Mình bảo ông đừng có lo bò trắng răng! Nhà nước vẫn có cách quản lý. Khi xưa xuất cảnh ra nước ngoài khó khăn là thế, bây giờ ra vào lãnh thổ dễ hơn rất nhiều, vẫn quản lý tốt có sao đâu?
Ông lại nói: “Nhưng mờ “Khắc nhập, khắc xuất” vẫn có nơi chốn quy định, kiểm soát vẫn duy trì được. Còn kiểu như đằng ấy nói, búa xua khắp nơi, có mà loạn”.
Mình ngẫm cũng phải. Mà thực ra mình chưa nghĩ sâu vào chuyện này. Thế nào chẳng có một cơ chế mới? Có cái gì sinh ra ở đời mà không có cách khả ứng, đối phó được bao giờ đâu? Nhưng mà thôi. “Chuyện con cá dưới sông”. Có tranh luận “Đến rằm tây đen” cũng chẳng thể kết thúc!
Đã được nửa chặng đường.
Đây đó phơi ra những hồ nước rộng hai bên đường. Hỏi lái xe anh ta bảo “Không phải hồ của thủy điện Sơn La. Đây là hồ chứa nước của những thủy điện nhỏ tư nhân”.
Năm 2005 mình có lên dự khởi công thủy điện Mường La. Nhưng chưa khi nào mình lại nghĩ có những thủy điện “mi ni” tư nhân làm như thế này.
Đúng là “nhà nước và nhân dân cùng làm” hay và tài thật!
Chuyện thủy điện lợi hại, tác động đến môi sinh, xã hội như thế nào không phải câu chuyện bàn ở trang này. Có lẽ phải ít năm nữa mới có thể được chứng kiến, hiểu sâu và cặn kẽ hơn!

Truyện Thứ hai

Xe đang chạy ngon trớn, bỗng dưng chựng lại..

( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: