Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

"Qua miền Tây bắc" - Ký sự nhiều kì:


Truyện thứ nhất          


Mình ghét nhất là lặp lại, dù bất cứ là chuyện gì. Thế nên lần này, chuyến đi Tây Bắc, mình chọn con đường theo hướng khác. Không theo hành trình các lần trước: Hà Nội, Hòa Bình, Mai Châu..
 Ông Trần và ông Triệu lúc đầu có vẻ còn lưỡng lự, sau rồi một phần do ngại sự lúng túng khi về Hà thành nhốn nháo không quen, một phần chưa từng đến điểm tập kết, chưa biết đường đi thế nào, cũng đồng tình. Ba người sẽ qua ngả Thu Cúc, Minh Đài, ngang qua vườn quốc gia Xuân Sơn sang Phù Yên, Bắc yên.. Đỗ ở ngã ba Kò Nòi, rồi lộn xuống Châu Mộc.
Ai đã từng qua đây hẳn biết đó là con đường hiểm trở, khó đi. Phải men theo đèo Lũng Lô quanh năm mây mù che phủ. Kể cả khi tiết trời đã vào mùa hanh khô,  đỉnh đèo vẫn lãng đãng cơn mưa.
Không thể không nhắc tới mấy chục cây số quanh co đường lò xo vượt đèo Chẹn. Mấy mươi năm trước thổ phỉ, tặc khấu thường rình rập,  cướp của giết người hay xảy ra, an ninh cực kỳ không đảm bảo.
Cũng là con đường bọn maphia, ma túy, buôn gỗ lậu thường hay qua lại. Khu “tam giác đen”: Nghĩa Lộ, Yên Bái, Sơn La một thủa chính là chỗ này.
Con Đèo này còn có tên nữa gọi là đèo “Đẹn”. Người xưa kinh nghiệm rằng đàn bà con gái qua đây khó sinh nở. Đẻ con hay bị đẹn. Thai nhi khó giữ, có sinh ra hay bị “đẹn”chưa chắc đã nuôi được.  
Đường đi hàng chục cây số vẫn thưa thớt bóng người. Chỉ nhìn thấy xa xa trên sườn núi đá lờ mờ vài nóc “nhà chuồng” của người Khơ Mú, người Mông. Rất hiếm khi thấy những ngôi nhà sàn của bản người Thái đông vui, sung túc.
Vẫn là rừng đại ngàn, nhiều loại gỗ quý. Chim chóc thú rừng nhiều vô kể. Không hiếm và khó tìm. Thợ săn thỉnh thoảng vẫn bắn được hươu nai, hổ báo. Cao hổ bán còn rẻ hơn cao xương ngựa bây giờ. Còn phong lan rừng có chỗ chờm ra cả lối đi, chỉ cần ngồi trong xe, thò tay ra là  với được. Lại muôn màu muôn vẻ, “hồ điệp”, “thạch thảo”, “đuôi chồn” bảo là lan quý so với nhiều chủng loại hồi ấy chả là cái chất quái gì!
Mình có một kỷ niệm buồn mấy chục năm trước, một nghi án không hồi phân giải, một lần qua đây. Chuyến xe đặc cách xuyên qua rừng âm u vắng bóng con người. Lúc đó tâm sự vừa hoang mang vừa buồn,chẳng để ý mấy cảnh vật xung quanh. Lại lâu ngày chỉ nhớ loáng thoáng. Không có nhiều ấn tượng để so sánh. Nhưng rõ ràng cảnh vật đổi khác rất nhiều.
Không cần nhìn, nhắm mắt lại cũng biết. Tiếng xe. Tiếng phố thị. Cả tiếng hàng rong rao bán trên đường.
Mở mắt ra lại càng ngỡ ngàng. Rừng đại ngàn năm xưa hầu như hoàn toàn biến mất. Họa chăng chỉ còn sót lại vài ba đám ở những nơi chênh vênh hiểm trở, người ta không thể khai thác. Hai bên đường bạt ngàn nương ngô, bẹ đã chuyển màu vàng. Ngô miên man, tít tắp. làm như chỉ toàn ngô là ngô dưới gầm trời, lên mãi tới đỉnh non cao. Áp lực dân số tăng cao lấn át rừng.
Đã có nhiều dự án “tái cấu trúc, bảo vệ rừng” vẫn chưa thành hiện thực. Những vạt rừng trồng xem ra có vẻ ngơ ngác, lạc điệu chưa ăn nhịp với núi rừng cũ của miền tây. Người ta kể đã có đợt nhà nước phải dùng đến máy bay trực thăng rải hạt giống cây, mong phục hồi rừng vô cùng tốn kém, mà hậu quả kể như con số không.
Có một ẩn số chung cho toàn xứ sở cần giải đáp.  Đó là dân trí, dân sinh cho người dân sống dựa vào rừng. Chừng nào bài toán này chưa được giải, công cuộc tái thiết rừng bảo vệ rừng vẫn còn nan giải. Đời sống người dân còn khó khăn, người dân chưa hiểu rõ, hiểu đúng giá trị của rừng với môi trường, sinh thái, chừng đấy rừng vẫn còn lâm nguy! Muốn giữ được rừng, tái cấu trúc lại rừng, ngoài việc tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng ra, việc trước tiên là cái ăn cái mặc cho đồng bào các dân tộc. Hợp với tập quán, phong tục của họ.
Chưa bao giờ ở Việt Nam lực lượng Kiểm Lâm mục đích là nhằm bảo vệ rừng, kiểm soát và ngăn chặn nạn phá rừng được chính quy, trang bị đầy đủ như hiện nay. Hầu hết các địa bàn có rừng đều có trạm kiểm soát. Cả một hệ thống đồ sộ từ dưới lên cao, chuẩn mực và bài bản, tiêu tốn ngân sách nhà nước số tiền thuế của dân đóng góp không nhỏ. Vậy mà rừng mỗi ngày mỗi cạn kiệt, tiêu hao dần mòn. Còn chưa kể đến việc tiếp tay, bao che, chống lưng cho các việc làm sai trái của lực lượng này cho lâm tặc. Nói hết sẽ là câu chuyện buồn, khiến người ta bi quan. Nhưng cũng không thể bỏ qua, quay mặt nhìn ra chỗ khác, lẩn tránh hiện thực.
Cần có cái nhìn tỉnh táo, khách quan của người thầy thuốc. Đừng sợ đắng, sợ đau, người bệnh mới mong khỏi bệnh.
Người ta không chuẩn bị từ cái gốc, nặng lo phần ngọn. Đừng đổ tất cả lỗi lầm của “mặt trái kinh tế thị trường”, ý thức của người dân. Căn nguyên sâu xa nhất vẫn là bát cơm, manh áo, sự học của dân mà ra. “Đói thì đầu gối phải bò” Câu ngạn ngữ này cho đến thời điểm hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nhà nước có cấm đoán thế nào chăng nữa, người dân vẫn phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Vẫn đốt rừng làm nương. Vẫn khai thác gỗ trái phép để lo cho con ăn học, chạy theo tiện nghi của lối sống đề cao vật chất đang là cơn sốt li bì bao trùm đời sống cộng đồng.
Chưa kể đến đám “đại gia bạch tuộc” bòn rút tài nguyên rừng mà ở tỉnh nào cũng có. Đây mới là tác nhân ghê gớm nhất, “ác tinh” nặng nề, khốn nạn nhất của rừng.
Phải tính đến chuyện giúp người ta xóa đói giảm nghèo bắt đầu bằng cách nào? Từ những việc cụ thể như thế nào? Thực ra chuyện này chỉ như thò tay vào túi áo với sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu nó không phải từ trên trời rơi xuống, mà từ những nhu cầu bé nhỏ, thiết thực.

Mình có anh bạn quê Trạm Tấu kể cho nghe công cuộc xóa đói giảm nghèo ở quê anh. Nhà nước cấp không cho dân làng mỗi nhà một cái ti vi. Mỗi xóm một máy xay  xát giã gạo. Có nơi đầu tư cả thiết bị chạy năng lượng mặt trời!
Chuyện không thể tin được: Ti vi dân mang về vất ở góc nhà vì không có nguồn điện. Máy xát gạo chạy được đôi ba lần, bị “e” dầu không có thợ biết sửa, lại đắp chiếu bỏ đấy, người ta lại giã gạo bằng tay. Còn thiết bị năng lượng mặt trời vẫn nguyên đai, nguyên kiện như khi mới chuyển về.Thậm chí hòm bao bì đã mục nát mà chưa  có “tí điện” nào!
Lại nữa, chuyện trẻ con đi học đúng là câu chuyện “bây giờ mới kể”! Con cái đi học bố mẹ hàng tháng đến ủy ban nhân dân xã lãnh tiền, như kiểu lãnh “lương học” mà con trẻ vẫn bỏ học không chịu đến trường vì đường xá đi lại khó khăn, trường lớp sơ sài, nắng thì nóng, mưa thì dột. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ, thiếu người làm là hiện tượng, là nỗi khổ phổ biến của con trẻ vùng cao!
Mình tin là bạn nói thật. Khi anh bảo: “Ngoài thị trấn không nói. Làng người H’Mông hầu như làng nào cũng buồn, cũng vắng. Con trai ngoài ba mươi tuổi đã lọ khọ như ông cụ vì nghiện từ ngày trước, uống rượu “thì” bây giờ. Có khách đến nhà, cứ cho chồng nó “ăn rượu”, muốn ngủ với vợ nó cũng được. Nó yếu, “bất lực” từ lâu rồi, có làm gì được đâu mà giữ?
Đàn bà người H’Mông xưa có tiếng là thương chồng, thủy chung nhất mực, mà bây giờ nhiều vợ chồng không ở với nhâu được trọn đời, trọn kiếp. Con gái mới mười ba, mười bốn tuổi đã bỏ nhà đi đâu không biết?
Vận động giải thích mãi cũng thế thôi!” ! Đúng là “Chảy máu chất gái” ở vùng cao đã trở thành vấn nạn. Mình nghĩ mà buồn cho câu chuyện của bạn, mặc dù khi kể anh vẫn hồn nhiền cười nói như chẳng có chuyện gì!
Người H’Mông ngày trước sống nhờ trồng và buôn bán cây thuốc phiện. Nhà nước cấm là chuyện đương nhiên và nhất thiết phải làm. Nhưng chuyển đổi thói quen này bằng canh tác trồng cây khác, xem ra còn lắm vấn đề.
Liệu có cần và nên bắt đầu từ con đường  đi, ánh sáng điện, trang sách học, bát cơm ăn, viên thuốc uống khi có bệnh hàng ngày?
     Những thứ mà ở thế kỷ hai mươi mốt này, không nói các nước văn minh hiện đại nữa, ngay Việt Nam mình, đâu  có còn là việc quá khó khăn??
**
 ( Còn nữa..)




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: