Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Trích TT của một tên hèn:

nhung-buc-anh-hiem-ve-viet-nam-thoi-phap-thuoc
 ( Mài răng cho trắng )


Cảnh hoang tàn bày ra trước mắt hai người không thể tin được. Bố tôi không dám tin ở mắt mình. Không lẽ nơi đây chính là nơi tổ tiên gây dựng, quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình?
Thuyền về đến nơi, bố tôi không cập bến phía làng mình. Ông đỗ thuyền phía bên này sông để nghe ngóng tin tức. Chỗ cây gạo bị bom khoét một hố sâu. Cây gạo bị bom phạt, gục mất một nửa, cành lá xác xơ. Quán của bà cụ còng bán nước ngày trước còn lại dấu cái nền nham nhở. Mấy cái cột cháy dở chỉ còn nhô lên mặt đất vài phân.
Sau này về làng bố tôi mới biết là cụ đã chết bom trong trận càn của giặc lên núi Tam Đảo. Cái chết của cụ thật thê thảm, không có mặt con cháu đưa đám vì họ đã đi tản cư. Người ta tìm thấy xác bà cụ nát bấy, không rõ hình hài, thiếu đôi cánh tay. Tìm khắp xung quanh không thấy phần thi thể ấy của cụ. Người ta phải lấy cánh dâu tượng trưng để thay vào. Bây giờ phần mộ của cỏ đã mọc xanh um, cách lối xuống bến đò ngày xưa một quãng.
Sở dĩ bố mẹ tôi không muốn về làng ngay mặc dù rất nóng ruột, là có lý do. Thiên hạ đồn rằng những người ở vùng tự do về sẽ bị lính đồn bắt lên đồn xét hỏi. Đồn trưởng là tên quan hai người pháp rất sắt máu.
Dưới trướng của y còn có tên thượng sĩ Lâm, vốn là người ở vùng này còn khát máu hơn cả quan thầy..
Trước khi về quê, bố mẹ tôi đã được một người quen thông báo cho chuyện đó, cùng những bất trắc có thể xảy ra ở vùng tề.
Một vùng xôi đỗ, tranh giành ảnh hưởng giữa Việt Minh và quân đội viễn chinh. Ban ngày chính quyền sở tại làm việc cho Pháp, ban đêm che giấu hoạt động của Việt Minh. Tính cách “hai mang” ấy kéo dài cho đến khi chiến tranh Đông Dương lần một kết thúc. Người dân đứng giữa hai làn đạn. Hào lý phải uyển chuyển, tráo đổi như rắn, như lươn để tồn tại qua không biết bao nhiêu ngày khói lửa éo le.
Cũng chính vì lẽ đó, bố mẹ tôi không về nhà của mình, phải đỗ ở bờ bên này sông.
Chả gặp ai để hỏi thăm.
Bốn bề hoang vắng, thê lương không thể tưởng tượng được. Cánh đồng bỏ hoang, có lẽ lâu ngày không ai trồng cấy, cỏ ngập tràn lối đi.
Xa xa làng xóm yên ắng như không người ở.
Đến cả cánh chim bay trên trời cũng vội vã hốt hoảng, không  bay lượn thong thả hót ríu gian như thủa thanh bình. Xa xa đồn bốt tháp canh in bóng nên nền trời đang ngả bóng hoàng hôn.
Vùng tôi là vành đai của thành phố H, đầu mối trung tâm tỏa đi các nơi, cả đường đường sắt, đường bộ và đường thủy.
Trấn giữ được nơi ngã ba sông này cũng đồng nghĩa là kiểm soát được vùng trung du bắc bộ.
Từ đây có thể tấn công lên Tây bắc, Việt bắc, trở lại Hà Nội, Hải Phòng.. Vị trí trọng yếu như thế nên quân Pháp hết sức coi trọng. Hệ thống phòng thủ, đồn bốt dày đặc hơn bất cứ nơi nào.
Ngày đêm các ngả đường bị kiểm soát gắt gao. Đến và đi khỏi nơi này là chuyện tử sinh đối với nhiều hạng người.

Nhà ông thơ ký Long vốn trước ở trong làng. Từ ngày Tây tấn công chuyển ra ngoài bãi. Chỗ này xưa ông làm trại nuôi vịt, nhà cửa tạm bợ sơ sài. Nhưng được cái vắng vẻ ít người qua lại. Ba mặt giáp với hồ nước rộng, sen mọc dày xung quanh bờ, lan cả ra mặt nước.
Ông có chiếc thuyền sắt nhỏ, hễ có động là cả hai vợ chồng lên thuyền bơi ra giữa hồ. Mấy lần cả làng bị lính đồn lùa ra tập trung hết ngoài sân đình phơi nắng từ sáng tới trưa, vợ chồng ông vẫn thoát.
Đàn vịt hơn trăm con cũng không mất con nào. Hễ nghe tiếng súng, hay tiếng mõ, tiếng tù và báo hiệu từ xa chúng đã lục tục nối đuôi nhau núp dưới đám lá sen rậm rịt. Đó là nguồn thu nhập khá chắc chắn của vợ chồng ông vào thời buổi khó khăn này.
Dù thế sự có khốc liệt thế nào, con người ta cũng vẫn phải sống. Vẫn cần đến cái ăn, cái mặc..thậm chí vẫn cần lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái. Vẫn cần những nhu cầu sống khả dĩ nhất không thể thiếu.
Chiến tranh đâu phải ngày một ngày hai? Con người vẫn như cái cây, cần có đất đai để sinh tồn.
Lúc đầu dân làng tao tác theo nhau đi tản cư. Đến nơi ở mới, không phải ai cũng thích nghi và có thể sống được.
Lác đác có người quay về làng làm ăn như cũ.
Người ta gọi những người trở về là kẻ “dinh tê”, những kẻ theo “tề”.
Sự thực không phải hoàn toàn vậy.
Mấy ai ý thức được trong trăm vàn mục đích và lý do để trở về, thực ra nó là cái gì? Những người nông dân chân lấm tay bùn không nghĩ nhiều đến như thế.
Họ cần sống, thế thôi.
Bất cần kẻ cai trị mình là kẻ nào khi không có quyền chọn lựa. Trên thế giới này có lẽ ít có dân tộc nào cam chịu nhẫn nại và cơ khổ hơn dân tộc này.
Người trở lại như một cần thiết không thể khác khi hồi cư.
Nhưng với chính quyền của cả hai bên, sự ấy lại không thường.
Người vùng tự do cho là họ theo giặc nên mới quay đầu trở về. Người vùng tề lại nghi ngờ Việt Minh cho người trà trộn đi về hoạt động bí mật..
Cảnh tranh tối tranh sáng là vô cùng khó khăn, rắc rối cho người trở về nơi vốn là quê hương, bản quán của mình.
Ông thơ ký Loan vốn có họ bên đằng ngoại với mẹ tôi. Bố tôi chọn điểm đến đầu tiên trước lúc về nhà mình là vì lẽ này.

Chạng vạng tối, bố mẹ tôi mới lò mò đến trại của ông. Bao ngày xa cách gặp nhau đáng lẽ mừng mừng tủi tủi. Đằng này ông thơ ký Loan thấy bố tôi đột ngột lùi lại, mặt tái mét. Cứ như bố tôi là hiện thân của tai họa. Cái “tội liên quan” ở đất này chả khác gì tội phản nghịch, bố tôi hiểu điều này nên không lấy gì làm ngạc nhiên. Để ông trấn tĩnh lại bố tôi mới bảo:
- Bác đừng ngại, em định về làng làm ăn. Chỉ định ghé qua thăm, hỏi ý bác. Một chốc là đi ngay. Trước khi vào đây em đã có ý không để ai thấy, bác đừng lo. Hỏi xong là em đi..
Ông thơ ký nghe nói thế, mới lấy lại bình tĩnh, cười gượng:
- Đâu tôi đâu có lo sợ gì.. Chả qua gặp chú đường đột quá. Thế mới về tới à?
- Vâng.
- Còn các cháu?
- Em để chúng nó ở với bà bá trên mạn ngược. Về xem binh tình thế nào đã. Nếu ổn sẽ  đón chúng nó về sau..
- Chú dì tính thế cũng phải. Để tôi rửa qua cái chân rồi anh em nói chuyện.
Bà ký Loan váy nái, thắt bao xanh rung rúc, người phộp phạp, điềm tĩnh hơn chồng. Bà lấy tay quén quyết trầu hai bên mép, cầm miếng trầu ra tay, thong thả nói:
- Mình về nhà mình, có trộm cướp của ai đâu mà sợ? Quan quân có hỏi chán cũng chỉ đến thế, cơm đâu giữ mãi trên đồn, chú dì không phải sợ!
- Bầm mày nói thế không được. Nói thì nói thế chứ vẫn phải lo một tý. Việc này tôi đã có cách. Cứ để chú dì cơm nước nghỉ ngơi đã, bàn sau!
Bố tôi hỏi cách gì, ông không nói.

Sau này bố tôi kể: Tối hôm đó cơm xong, bố tôi theo ông thơ ký Loan đến nhà đoàn Nhiêu, anh em họ cũng là chân tay của thượng sĩ Lâm đóng đồn ở làng. Đoàn nhiêu bảo phải mất hai chục ngàn Đông Dương mới xong việc được.
Bằng số tiền dành dụm còn lại cuối cùng trong bọc mẹ tôi mang từ vùng tự do về.
Sáng hôm sau, đoàn Nhiêu dẫn bố tôi ra nhà hội đồng xin giấy, sau đó lên đồn. Mang theo đôi vịt mua của nhà bác thơ ký Loan.
Thượng sĩ Lâm đầu chải bóng nhẫy bi zăng tin, nhìn bố tôi từ đầu đến chân. Ông ta từng học với bố tôi một trường, đâu có phải người xa lạ? Nhưng lúc này phải thế. Nếu không quyền chức để làm gì?  Bố tôi ký vào tờ cam đoan rồi trở về ngay, đoàn Nhiêu nói là có việc ở lại đến chiều mới về.
Bố mẹ tôi phải dọn mấy ngày mới tàm tạm nhà cửa, bếp núc. Những đồ đạc quý giá hầu như chẳng còn thứ gì. Giường phản bàn ghế không biết ai mang đi đâu hết. Trong chạn còn sót mấy cái bát mẻ, hai cái nồi đất không có vung. Mấy đôi đũa đã mốc xì tự bao giờ..
Người trong xóm nghe tin bố mẹ tôi về đến hỏi thăm, mỗi người giúp cho một chút, cũng tiềm tiệm đủ.
Ông thơ ký Loan bảo:
- Người sống của còn chả việc gì phải lo..
Chợt nhớ mình lỡ lời, ông đến bên bàn thờ đốt cây đèn, thắp nén nhang cho ông bà nội tôi.
Đã lâu lắm nơi này không người hương khói.
Dân làng chỉ đến thắp nhang mấy ngày đầu, khi ông bà tôi mới mất. Người ta còn muôn việc phải lo. Lòng kính trọng, thương xót cũng chỉ cố được đến thế..

Nghe bác thơ ký kể, bố tôi giàn dụa nước mắt, không nói được thành lời.
Tối hôm đó, chờ cho đến khuya, bố tôi một mình lẻn ra vườn, nơi có cái hầm bí mật. May mà chỗ giấu bài vị, sắc phong, bát nhang, bộ cánh cửa của đình làng chưa ai đụng đến. Hồi cất giấu các thứ, bố tôi cẩn thận mang theo cối xay bột, cái nồi đồng điếu dùng làm bánh và vài thứ lạt vặt khác là đồ dùng của nhà.
Nhờ thế chỉ mấy hôm sau mẹ tôi lại có hàng mang ra chợ bán, ngoài cổng đình..


( Còn nữa..)





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: