Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Bài trang bạn:


Dương Tố Đào (sinh viên Đại học Công nghệ Sài Gòn) – tác giả clip lịch sử đang gây sốt cư dân mạng “Việt Nam hình hài một chữ S” đã thừa nhận mình dốt sử: 
Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn nhận gì về một người dốt sử nhưng lại làm clip về lịch sử?  Có một số điểm sai về kiến thức trong clip này, một số điểm tác giả không thể biết hết về các kiến thức văn hóa lịch sử. Nhưng không thể phủ nhận clip có tính hấp dẫn cao, có tư duy và cách khám phá của riêng tác giả.
Điều này có được là bởi Dương Tố Đào trắng về Lịch sử, làm clip Lịch sử như một đề tài ứng dụng công nghệ. Sự "trắng kiến thức" cho phép Đào có một cái nhìn khách quan và dũng cảm hơn.
Tất nhiên ta có thể hiểu dũng cảm ở điểm nào? Dũng cảm trước hết vì sinh viên công nghệ mà làm đồ án về Lịch sử. Cái dũng cảm thứ hai là nhìn nhận công bằng và khách quan hơn về lịch sử mở nước của người Việt.
Những cái sai như Lai Châu, Điện Biên được cắt từ Trung Quốc về Việt Nam theo công ước Pháp - Thanh thì rõ ràng là phải sửa lại.... Riêng cuộc chiến Pháp - Thanh (1884 - 1885) diễn ra trên khu vực phía Đông Bắc của Bắc Bộ hiện nay, rồi lan dần ra cả hải chiến., trực tiếp dẫn tới Công ước 1887 không có chuyện cắt đất Trung Quốc về cho Việt Nam mà nước ta vì Công ước này mà đã mất đi một diện tích lãnh thổ không nhỏ của mình. 
Một cột mốc biên giới được dựng lên từ thời Pháp thuộc
Đối với khu vực Tây Bắc thì phải đến mãi sau này khi chống lại phong trào Cần Vương (vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết) quân Pháp mới tiến chiếm Tây Bắc thu nạp lãnh chúa người Thái là Điêu Văn Trì. Vị lãnh chúa này sau khi không còn lựa chọn nào khác đã buộc về hàng Pháp và được người Pháp phong làm lãnh chúa toàn xứ Thái, ông được người dân các bản mường khá kính trọng.

Các cuộc chiến mở rộng lãnh thổ của người Việt
Người Việt không phải là dân tộc bạch y. Trái lại chúng ta là một dân tộc thực dân rất thành công. Lịch sử mở rộng cương giới lãnh thổ của người Việt là Nam chinh, Bắc chiến, Tây thảo. Cha ông chúng ta từng có những cuộc chiến mang tính hủy diệt đối với một số quốc gia lân cận.
Tất nhiên căn nguyên của những cuộc chiến mở rộng lãnh thổ nằm ngay ở bản thân sự phát triển nội tại của người  Việt thôi thúc phải làm như vậy và chỉ có cách làm như vậy người Việt mới có thể tự bảo tồn được trước thế lực phương Bắc lớn gấp hàng chục lần.
Để có hình chữ S như hôm nay, Đại Việt rồi sau đó là Đại Nam đã lần lượt bắc phạt, dẹp hết các thế lực mưu cầu độc lập của người Nùng. Sau cái chết của nhân vật lẫy lừng Nùng Trí cao (1055), Đại Việt cơ bản đã thực hiện rất thành công chính sách kimi đối với các tộc người ở khu vực Đông Bắc, theo thời gian, chính sách này dần được thay đổi bằng bổ nhiệm quan lại, cai trị trực tiếp. Cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Đại Việt - với Trung Quốc trên vùng Cao - Bắc - Lạng kết thúc với thắng lợi nghiêng về phía người Việt.
Ở phía Nam, ngoài món quà hồi môn Ô - Lý (1306) thì các vương triều Đại Việt và cả các vị Chúa Nguyễn đã tổ chức không dưới một chục cuộc hành quân lớn để thảo phạt và dần bình định toàn bộ vương quốc Chiêm Thành. Người bắt đầu cho cuộc chinh Nam là vua Lê Hoàn (Lê Đại Hành - nhà Tiền Lê) với chiếm dịch phạt Chiêm năm 982. Kể từ sau đó đến Lý, Trần, Hồ, Lê và cả các chúa Nguyễn không triều đại nào là không tấn công về phương Nam, lý do có khi rất đơn giản là Chiêm Thành không chịu cống nộp hay thừa nhận cương vị bá chủ của Đại Việt.
Ở phía Tây quốc gia Ngưu Hống (Ngù Háu) (mà vị chúa nổi tiếng nhất của người Thái là Lạng Chượng khai mở, thống nhất, thịnh vượng dưới thời Lò Lẹt) vốn là vùng đất triều cống Đại Việt dần dần đã trở thành đất kimi và cuối cùng là đất trực trị. Trong cuộc Tây tiến vĩ đại này người Việt từng vấp phải những trở lực không đáng kể từ Siam hay cuộc cát cứ của Hoàng Công Chất (chúa Bàu). 
Tiểu quốc Bồn Man ở khu vực phía Tây Nghệ An và Trung Lào thì gần như bị vị hoàng đế Lê Thánh Tông xóa sổ sau cuộc Tây chinh (1479 - 1480) kết cục cuộc chiến này là phần phía Tây Nghệ An hoàn toàn thuộc về Đại Việt. Vùng ảnh hưởng và cai trị của Đại Việt lan đến tận Trung Lào.
Tây Nguyên với Thủy Xá Quốc và Hỏa Xá Quốc trở thành chư hậu nội thuộc với Việt Nam thời Gia Long. Vị vua này đã thống kê cả thảy 14 nước chư hầu (có cả nước Pháp) trong đó có Thủy Xá Quốc và Hỏa Xá Quốc, chính sách kimi tiếp tục được Nguyễn Triều áp dụng đối với Tây Nguyên cho đến khi người Pháp đặt ách thống trị trên toàn Đông Dương.
Với trường hợp của vùng Nam Bộ rất khó để nói rằng vùng đất này vô chủ cho tới khi người Việt vào khai phá. Sau sự tiêu vong của đế quốc Phù Nam, vùng đất này thuộc về Chân Lạp (Chân Lạp thủy) có thể người Chân Lạp (tức đế quốc Angko) không chú ý nhiều đến "vùng lãnh thổ của nước" cộng thêm việc họ càng ngày càng phải dồn sức chống lại sự xâm lăng của người Siam nên đất Nam bộ đã không quản trị tốt. 
Nhưng thế không có nghĩa đất Nam bộ là vô chủ. Bằng chứng là đến giờ đất Nam Bộ vẫn còn cả triệu người Khmer sinh sống.
Có hay không việc Pháp cắt đất thuộc Trung Quốc cho Việt Nam?
Tìm hiểu về việc có hay không việc "Việt Nam dựa hơi Pháp xâm lược Trung Quốc chiếm lấy Điện Biên và Lai Châu"? Trong clip kể trên cô sinh viên Dương Tố Đào có nói tới Công ước Pháp - Thanh 1887, người Thanh cắt cho Pháp hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

Vậy thực hư sự thực thế nào?

Trước hết mốc thời gian là sai, Công ước Pháp - Thanh 1887 không hề có việc cắt Trung Quốc cắt Lai Châu - Điện Biên cho người Pháp quản lý (sáp nhập vào Bắc Kỳ). Tuy nhiên có một điều khá lý thú là khi tìm hiểu mối quan hệ và sự đối đầu giữa Pháp - Đại Nam - Thanh triều ta có thêm một tư liệu lịch sử là Công ước Pháp - Thanh năm 1895.

Công ước này có đề cập tới việc người Trung Quốc phải cắt một phần diện tích khá lớn của tỉnh Vân Nam cho người Pháp để người Pháp sáp nhập vào Bắc Kỳ và Ai Lao.

1. Với Bắc Kỳ: Trung Quốc cắt phần lớn vùng đất gồm các huyện Mường TèPhong ThổSìn HồTam Đường (nay thuộc tỉnh Lai Châu), các huyện Mường ChàMường NhéTủa Chùa (nay thuộc tỉnh Điện Biên) về cho người Pháp quản lý, sáp nhập vào Bắc Kỳ.
2. Với Ai Lao: Trung Quốc cắt vùng đất nay là Phong Xa Lỳ đang thuộc quyền quản lý của Vân Nam về cho người Pháp nhập vào lãnh thổ Ai Lao.

Quả có thật việc Pháp cắt đất Vân Nam đưa về Đông Dương, với một diện tích không hề nhỏ.  Một tư liệu lịch sử đầy lý thú. 

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Lực, trường Đại học Tây Bắc thì đây là hành động cắt trả những đất đai mà người Pháp đã nhượng cho người Trung Quốc theo Công ước Pháp - Thanh 1887. Trong bài viết của mình, Ts Phạm Văn Lực đã dùng từ "chuyển trả cho về Bắc Kỳ như cũ"

Tiếp tục truy tìm ta có Công ước Pháp Thanh 1887 với nội dung cắt đất như sau. 
  1. Cắt 3/4 đất tổng Tụ Long thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750km2 cho tỉnh Vân Nam - Trung Quốc
  2. Cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc.
Trên trang của Trương Nhân Tuấn cung cấp những tư liệu về Công ước 1887, theo đó thì: "Để nhận được ưu đãi về thuơng mại, ông Constans đã nhượng bộ cho Trung Hoa tất cả những đòi hỏi của ủy ban Trung Hoa về lãnh thổ.... Biên giới Vân Nam thì nhượng tổng Tụ Long và toàn vùng lãnh thổ hở hữu ngạn sông Đà (tức toàn vùng Lai Châu, là vùng đất chịu ảnh hưởng của các thổ ti người Thái như Đèo (Điêu) Văn Trị). Vùng đất này chỉ lấy lại được qua công ước bổ túc về biên giới 1895..."

Như vậy năm 1895 là cái mốc để Việt Nam sở hữu hoàn toàn vùng Tây Bắc ngày nay theo đúng như những ký kết giữa các cường quốc (ở đây là nước Pháp và Trung Quốc dưới triều nhà Thanh). Qua Công ước 1895, Việt Nam (mà chính xác là người Pháp đã lập công đoái tội) lấy lại từ tay người Trung Quốc một diện tích lãnh thổ rộng mười mấy ngàn km2.

Có thể nói gì?
Đã xuất hiện khá nhiều những bình phẩm, thóa mạ sinh viên Dương Tố Đào và đặc biệt là ông Dương Trung Quốc bán nước, "bồi lưỡi, bồi mõm thuê cho giặc", "xuyên tạc lịch sử".... Nguồn cơn có lẽ bắt đầu từ bài báo "10 phút lịch sử Việt Nam đánh thức Bộ Giáo Dục" trên Vn Ex. Bài báo này dẫn lời ông Dương Trung Quốc cho biết:

"Công nghệ nghe nhìn hiện đại có tác động to lớn đến học sinh, tuy nhiên kiến thức trong đó phải chuẩn mực như sách giáo khoa mới có thể đưa vào chương trình giảng dạy", ông Quốc nói và cho hay đang xem lại các mốc lịch sử để giúp nhóm bạn trẻ hoàn thiện kiến thức, đảm bảo tính chính xác".

Đối chiếu với những phân tích ở trên ta có thể rút ra ba điều. 

1. Ông Dương Trung Quốc cổ động việc đưa công nghệ hiện đại với những kiến thức chuẩn mực "như sách giáo khoa" vào giảng dạy. "đánh thức Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến việc giảng dạy trực quan trong các môn học" - Lời ông Dương Trung Quốc theo Vn Ex.

2. Cần xem lại mốc lịch sử  Ví dụ Mốc lịch sử của việc chuyển giao đất từ Vân Nam vào Bắc Kỳ  (đối  với bẩy huyện thuộc hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) là thời điểm năm 1895 chứ không phải là 1887 như Dương Tố Đào nhầm lẫn.

3. Bào đảm tính chính xác của sự kiện: Nhà Thanh buộc phải trả lại đất do mánh khóe mà lấy được của Việt Nam qua Công ước Pháp - Thanh 1887.

Đến đây, ta có thể bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc, vu khống của một số người nhằm vào Dương Tố Đào và ông Dương Trung Quốc là những kẻ bán nước, giúp giặc, xuyên tạc lịch sử...

Đánh giá nhìn nhận về Lịch sử thì nên công bằng khách quan bởi đó là một bộ môn khoa học. Cũng không nên vì clip của một cô sinh viên mà thổi vống lên thành âm mưu nham hiểm hay làm công cụ để tiến hành đấu tố sỉ nhục bất cứ một người nào. Việc mượn danh như vậy cũng chỉ là hành động hèn hạ của những kẻ tầm thường.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: