Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Trích TT thằng khờ viết:


( Hà Nội xưa )

Thoạt đầu ai cũng nghĩ chỉ đi tản cư ít năm rồi trở về. Quê hương bản quán mới là nơi người ta sinh sống dài lâu.
Cuộc chiến thời nào cũng nảy sinh ra những ý nghĩ giản đơn như vậy, bởi tự thâm tâm người đương thời, ai cũng cầu sự bình an..
 Rồi kháng chiến trường kì, chưa biết tới khi nào hòa bình, chấm dứt chiến tranh?
Công việc mặc nhiên vẫn phải duy trì, không ai có thể khoanh tay chờ đợi mãi. Cuộc sống giống như một sinh thể, một guồng máy vẫn phải quay, phải tiếp tục tìm cách duy trì sự vận động của mình.
Một lần bố tôi trở lên bàn với bá tôi về chuyện học hành của mấy chị em chúng tôi. Ông chỉ ở chơi một ngày, hôm sau lại trở về xuôi. Bá tôi bảo “đang thời loạn lạc này, dượng cứ để các cháu ở trên này. Ở đâu chẳng đường đất nhà trời? Ở đâu cũng phải ăn phải làm, phải lo cho lũ trẻ..”. Bố tôi bảo “Vợ chồng em cũng biết thế. Các cháu ở với bác bá cũng coi như ở nhà. Nhưng muốn chúng nó về xuôi tiếp tục đi học. Thời thế nào có ăn có học vẫn hơn. Sợ nhất để chúng thất học, sau này thiệt thòi..”. Bá tôi nói trên này cũng có trường. Có khi trường còn đàng hoàng hơn ở dưới quê!
Rồi bá kể bá có quen ông Hạp vốn là hiệu phó trường Canh Nông dưới Hà Nội. Ông này cùng họ Nguyễn với gia đình tôi, cũng tản cư lên đây, được tỉnh mời đứng ra mở lại trường, có đủ các lớp từ tiểu học đến trung học.
Trường này vốn khi xưa do bà  Nguyễn Thị Thục Viên, giáo viên trường Đồng Khánh trong Huế đứng ra mở, chỉ có từ lớp một cho đến lớp năm bên bờ sông Lư. Ngẫu nhiên cả hai vị ấy cùng họ Nguyễn với tôi. Tuy không nói ra nhưng anh em tôi rất lấy làm hãnh diện, chỉ mong sớm được đến trường.
Học để làm gì? Chúng tôi chưa có khái niệm, hay sau này người ta nói là “lí tưởng”rõ ràng.
Thời buổi đổi thay, bom rơi đạn lạc như thế này, học để hòng sau này làm quan là việc không thể và quá mơ hồ.
 “Nhân bất học bất chí lý, ngọc bất trác bất thành khí”, câu này chúng tôi được nghe không biết bao nhiêu lần từ thời ông nội tôi còn sống. Đến đời bố tôi cũng hay nhắc đến, như một khẳng định làm người.
Ngu dốt, tối tăm bao đời đều là nguyên nhân của đói nghèo, đau khổ và tội lỗi.
Còn nhớ chưa quên câu chuyện của ông Tú Ất nói ngày đầu tiên tôi bước chân đến trường.
Ông kể về các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh tâm huyết về sự học của dân mình như thế nào?
Đó là những con người vì “dân trí”, vì sự học sau nữa vì độc lập, tự do, cường thịnh của đất nước này mà dâng hiến cuộc đời mình..
Nghe ông kể, đầu óc còn dại khờ non nớt, tôi chưa hiểu hết. Nhưng nó đã là ánh lửa nhen lên, thổi vào tâm hồn thơ dại của chúng tôi niềm say mê học tập. Dù có thế nào, hoàn cảnh ra sao chăng nữa cũng không thể bỏ lỡ sự học hành!
Anh tôi còn một năm nữa mới hết tiểu học, tôi còn hai năm. Chị Nhiên lúc đấy đã lớn tuổi, muốn ở nhà phụ giúp bá tôi công việc chợ búa.
Thực ra trong việc này có khi chỉ mình tôi biết lý do thực sự của chị: Một là cùng lứa với chị phần đông đã nghỉ học lấy chồng. Hai là chị nghe anh Bình bàn với chị xin đi học một lớp y tá do anh giới thiệu. Lớp này nghe đâu mãi trên Xiêm Hóa. Chị dặn tôi không được kể điều này với ai, vì lý do cần phải giữ “bí mật” lúc bấy giờ.
Thời “Tiêu thổ kháng chiến” trường Thi Sách cũ đã bị phá hủy gần hết chỉ còn ít dấu vết, khu con gái mé phía trong, khu con trai phía ngoài trên con phố nhỏ dọc bờ sông.
Gọi là phố thực ra chỉ là hai dãy dài nhà cất bằng tranh tre, nứa lá. Nhà cửa lụp xụp chả khác gì thôn quê. Chỉ có điều đường rộng và quang đãng hơn.
Vẫn là con đường rải đá, chưa đổ áp phan như bây giờ. Hai bên đường trồng hai dãy cây bàng đã lâu năm, tán lá xum xuê.
Dân phố hãy còn thưa thớt, nhiều quãng hai bên đường vẫn bỏ hoang, nham nhở những  bức tường đổ, không có nhà cửa. Ban ngày gần như không có người.
Tiếng là thị xã, cư dân vẫn phải đi nơi khác làm nương trồng lúa, tỉa bắp kiếm kế sinh nhai. Chỉ có buổi tối mới có người về tá túc trong những căn nhà tạm bợ, thắp ngọn đèn dầu một lúc, sáng sớm hôm sau đã lại đi từ sớm tinh mơ.
Tôi đi học ngang qua là lúc nhà nào nhà đấy đóng cửa im lìm. Không tiếng chó cắn, mèo kêu, như đi qua chốn không người..
Chỉ khu quanh thành Nhà Mạc là có cái chợ nhỏ nằm khuất sâu trong cổng thành. Hàng họ cũng chẳng có gì nhiều. Mấy thứ hàng hóa thiết yếu được bày ra chõng tre, hay phản gỗ nhỏ, chưa có kệ hay tủ đựng hàng đồ sộ như thời bây giờ.
Toàn hàng người buôn phải trốn tránh khó khăn lắm mới mang từ vùng địch hậu lên đây. Hết tây lại đến ta, kiểm soát rất ngặt nghèo, nhiêu khê hạch họe..
Ta thì “cảnh giác đề phòng địch cho người giả danh xâm nhập vùng tự do thám thính  tình hình”. Địch ngăn trở nhằm “bao vây kinh tế vùng Việt Minh”.
Lại thêm nạn cướp bóc dọc đường.
Hết quan tha lại ma làm..
Một hạt muối, viên đá lửa, một tờ giấy, cái thông phong đèn.. ra đến vùng tự do có khi phải đổi bằng xương máu, bằng mạng sống của người đi buôn..
Giả dụ hàng hóa có nhiều hơn cũng không ai có tiền để mua. Làm đủ miếng ăn đã khó, mấy ai có tiền dư dật?
Bố tôi định kết hợp việc mua bán qua lại, lên xuống trông nom, thêm thắt cho chị em tôi bớt thiếu thốn, sau đành phải bỏ.
Ông mất một chuyến hàng gần đồi Cây Me, phía dưới Phủ Đoan. Hôm ấy trời đã nhá nhem tối..





( Còn nữa..)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: