Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Khon luong:

Bút danh Trần Nhật Thi với 8 năm (2002-2010)

1. Một câu trong một cuộc phỏng vấn nhân ngày 30 tháng 4 năm 2013:

Ông vẫn viết báo, viết văn?

Sau tai họa 2002, tôi viết báo với bút danh Trần Nhật Thi. Nhiều bài được dư luận quan tâm: “Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu” (Lao Động); “Nụ cười, nước mắt nông dân”, “Cảm động một dòng chảy thông tin”, “Hãy xử sự vì lợi ích xã hội” và nhiều bài khác trên Báo Tiếng nói Việt Nam, nay là Báo VOV...

Tên Trần Mai Hạnh ký dưới các bài báo và sáng tác văn học được tôi dùng lại từ năm 2010.

2. Đó là cuộc phỏng vấn của nhà báo Đào Quang với nhà báo Trần Mai Hạnh. Cuộc phỏng vấn được xem là dưới chân Cột cờ Hà Nội vào ngày 20 tháng 4 năm nay.


3. Tôi thường nhớ đến dáng lặng lẽ của chú Hạnh trước một bàn viết bằng mây tre đan, nhìn ra mặt hồ Đồng Nhân, trong ngôi nhà ở không xa đền thờ Hai Bà Trưng. Ông kiệm lời hết sức và hầu như lúc nào cũng đang suy nghĩ điều gì đó có lẽ cần phải tập trung tư tưởng cao độ.


Đường "chạy án" của Năm Cam:


Khoảng 57.000 USD đã được “ông trùm” chi ra cho ông Phạm Sĩ Chiến, một số quan chức VKSND Tối cao và ông Trần Mai Hạnh, để chạy tội cho mình trong lần bị bắt cải tạo giam giữ năm 1995. Đây là những gì mà các bị can trong vụ án xã hội đen Năm Cam khai ra hoặc "tâm sự" trong trại tạm giam.
Năm 1993, trong một dịp vào TP HCM “đánh” hàng điện tử cao cấp (mặt hàng kinh doanh chủ yếu của Thuyết “buôn vua”), một chiến hữu ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu Thuyết đến nghỉ tại khách sạn Cam, trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Trong thời gian lưu lại đây, “tình cờ” Năm Cam gặp Thuyết. “Ông trùm” nhanh chóng phát hiện Thuyết là kẻ chuyên nghề vận động hành lang với các quan chức ở Hà Nội và trung ương. Một tháng sau khi quay ra Hà Nội, Thuyết bất ngờ đón tiếp Năm Cam tại nhà riêng. Cùng đi với “ông trùm” là Hồ Việt Sử - chỗ quen thân với ông Bùi Quốc Huy, vừa ra nhậm chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh tại Hà Nội.
Năm Cam nói thẳng với Thuyết là mình sắp bị bắt giữ, và chuyến đi của ông ta không ngoài mục đích “gỡ rối”. Lần ra Bắc này, Năm Cam mang theo hơn 100.000 USD, nhưng đã được Sử và một số người hướng cho “dội bom” vào nhiều mục tiêu, nên đến khi gặp Thuyết, chỉ còn đúng 7.000 USD. “Ông trùm” giao nốt cho Thuyết với lời hứa “sẽ còn nhiều hơn thế”.
Về tới TP HCM, Năm Cam rút luôn vào hẻm 148 Tôn Đản, quận 4, tin rằng mình sẽ thoát nạn. Sau đó, Năm Cam nhận được lời mời đến gặp lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát trụ sở phía Nam để “thương lượng”. Nghĩ là “cá cắn câu”, Năm Cam lập tức theo hai sĩ quan công an là ông Ngọc và ông Giám đến 258 Nguyễn Trãi. Y đã mắc kế “điệu hổ ly sơn”, bị bắt giữ ngay và chuyển ra trại T16 - Hà Tây ngày hôm sau. Tại Hà Nội, Thuyết nhận được “tin dữ” gần như cùng lúc.
Ít lâu sau, Hiệp “phò mã” cùng Long đầu đinh ra Bắc theo lời dặn dò của Năm Cam phòng khi "thọ nạn". Theo hướng dẫn của ông Tư Ánh, nguyên trưởng Công an quận 4 – thày ruột của Năm Cam – hai người tới đặt vấn đề với thiếu tướng Trịnh Thanh Hiệp, người phụ trách chuyên án C5 hồi đó, nhưng vấp phải thái độ kiên quyết của ông này. Hết đường, Hiệp dùng tới phương án dự phòng là Thuyết. Sau khi bàn bạc, Thuyết nghĩ ngay đến Nguyễn Thập Nhất, một quan chức của VKSND Hà Nội có quan hệ với nhiều đầu mối ở trung ương.
Tại trại tạm giam T16, Năm Cam luôn giữ thái độ cố thủ, không khai báo để chờ viện binh. Y tìm mọi cách để liên lạc ra bên ngoài, kể cả đập đầu dọa tự sát. Móc nối được với gia đình, Năm Cam và Thuyết đã thống nhất được phương án. Thuyết cùng nghiên cứu với Thập Nhất về quy trình bắt giữ Năm Cam lúc đó, và đi đến kết luận, Tổng cục Cảnh sát mà cụ thể là chuyên án C5 lúc đó có một số sơ hở khi bắt “ông trùm”. Khai thác điểm này có thể cứu được Năm Cam.
Một lá đơn “kêu oan” của vợ Năm Cam, bà Phan Thị Trúc được đích thân Nguyễn Thập Nhất soạn thảo. Sau đó, Thuyết và Hiệp “phò mã” với sự dẫn dắt của Thập Nhất đã tới “mật đàm” tại nhà riêng ông Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng VKSND Tối cao. Năm Cam "tâm sự" rằng, một túi quà trị giá khoảng 5.000 USD kèm với một phong bì “nặng” chừng ấy đã được Nhất trao cho ông Chiến trước sự chứng kiến của Hiệp “phò mã”. Một “khẩu phần” tương tự cũng được Nhất yêu cầu chuẩn bị để sau đó chuyển một quan chức khác ở VKSND Tối cao, thông qua thư ký riêng của vị đó. Lời khai của Hiệp “phò mã”, Long đầu đinh, Trần Văn Thuyết, Nguyễn Thập Nhất đều khẳng định tình tiết này, song đến nay, vị quan chức đó vẫn khăng khăng phủ nhận...
Để chắc chắn hơn, Thuyết đã hướng dẫn Hiệp trao cho một nhân vật ở Cục Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, một phong bì khoảng 3.000 USD trong một bữa cơm thân mật (đây là người đã trực tiếp hỏi cung Năm Cam, và đã đến nhậu tưng bừng tại nhà hàng Ra Khơi khi “ông trùm” được tha về). Nhưng Năm Cam đã thất bại khi yêu cầu nhân vật này gọi điện mời trung tá Nguyễn Hữu Ngọc, người trực tiếp bắt y. Nhưng ông Ngọc đã không tới với lý do bận công tác ở Tây Nguyên. Thực ra, ông Ngọc đã kiên quyết không dính đến Năm Cam.
Để tạo dư luận thuận lợi, Thuyết bắt đầu sử dụng con bài Trần Mai Hạnh - người có quan hệ với y từ trước. Thông tin từ can phạm này bị lọt ra trong tù cho thấy, một đồng hồ Thuỵ Sĩ trị giá không dưới 3.500 USD, cùng túi quà “chất lượng” như của ông Phạm Sĩ Chiến đã được chuyển đến ông Hạnh, đủ để ông này “an tâm làm việc nghĩa”.
Bằng các túi quà rót đúng nơi, đúng lúc, Năm Cam đã nhận được sự tác động từ VKSND Tối cao (ông Phạm Sĩ Chiến) và tờ Nhà Báo & Công Luận (ông Trần Mai Hạnh). Các văn bản do hai ông này ký đều khẳng định việc bắt giữ Năm Cam của Tổng cục Cảnh sát là sai và cần sớm trả tự do. Và thực tế, Năm Cam đã được ra khỏi trại cải tạo trước thời hạn.
Tất cả những kẻ có công đều được Năm Cam ban thưởng. Ông Chiến tới cửa hàng của Thuyết mua một dàn máy VCD với mức giá 3.000 USD mà hóa đơn thanh toán được gửi cho Hiệp “phò mã”. Hai dàn máy với phương thức thanh toán tương tự đã được lắp đặt cho ông Hạnh và viên thư ký của một quan chức khác. Năm Cam đã từng tâm sự rằng, ông Hạnh còn gợi ý “vay thêm khoảng 140 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa”. Hiệp “phò mã” không chấp nhận, chỉ chi 100 triệu đồng. Do đã lỡ hứa với “chiến hữu lâu năm và toan tính đường dài”, Thuyết đành phải xuất tiền túi để đưa cho ông Hạnh. Tổng số “bom” Năm Cam dội xuống một số quan chức VKSND Tối cao và ông Hạnh vào khoảng 57.000 USD. Nhưng Hiệp “phò mã” đã kê lên hơn 100.000 USD để kiếm chác.
(Theo Tiền Phong)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: