( Hà Nội xưa )
Ông mất một chuyến hàng gần đồi Cây Me, phía dưới Phủ Đoan. Hôm
ấy trời đã nhá nhem tối. Như mọi lần bố tôi còn phải đi bộ gần chục cây số nữa
mới đến nhà quen, nghỉ lại qua đêm, sáng mai đi sớm. Đột nhiên đoàn Nhiêu kêu
đau bụng. Bố tôi đoán tại ông ta tiếc rẻ, cố ăn chiếc bánh chưng mang theo đã
bị thiu. Bánh do mẹ tôi gói, rất cẩn thận. Nếu để bên ngoài thoáng gió, bánh ít
nhất cũng được hai ba ngày. Đằng này gói kỹ để trong bọc nên mới chóng thiu như
vậy. Bố tôi đã bảo bỏ, ông Nhiêu không nghe. Đúng là
“Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”. Đau bụng giữa
chốn đồng không mông quạnh thế này, thuốc kiếm đâu bây giờ? Hộp dầu cù là mọi
lần mang theo, giờ tìm không thấy. Chả biết rơi chỗ nào? Bố tôi hỏi: “Liệu có
cố đi thêm quãng nữa được không?” Ông ta bảo: “Đau cứng ruột thế này, không đi
được đâu. Ông để ý xem có nhà nào gần đây, tôi nghỉ đỡ đau rồi mới đi tiếp
được”. Nhìn quanh, làng xóm cách một quãng khá xa. Cơn đau của ông Nhiêu mỗi
lúc một dữ dội, không thể đứng lên được nữa. Bố tôi dìu ông vào một gốc cây gần
đấy. Ông vơ nắm lá khô nhen lửa. Đây là việc cấm kị trong lúc đi đường, nhưng
không thể làm khác được. Có tý lửa cơn đau của ông ấy sẽ đỡ hơn. Ông tìm xung
quanh xem có thứ lá cây gì có thể đỡ cơn đau cho người bạn đường.Tuyệt nhiên
chỉ toàn cây cơm nguội, cây chó đẻ..những thứ cây không làm thuốc được. Giá như
có đám ngải cứu rừng, hay cây máu chó.. thì chả cần đi đâu xa, bố tôi khắc biết
cách..
Đành để ông Nhiêu nằm lại bên gốc cây gạo gần đó, bố tôi tìm
đường vào làng phía xa kia.
Vào xóm bố tôi may mắn tìm được nhà một bà cụ ở một mình ngay
cuối làng. Bà lão ở một mình, nom phúc hậu, đưa bố tôi hộp dầu cù là dùng dở
của bà. Lại còn bới thêm nhánh gừng, vặt nắm lá trầu không bảo mang ra đánh
gió.
Các chuyến trước bố tôi mang thuốc tây lại không xảy ra chuyện.
Lần này sợ bọn lính làm khó dễ dọc đường hai người lại không mang. Thuốc tây
bấy giờ là thứ hàng cấm không được mang vào vùng tự do. Nếu bị tây bắt dọc
đường, coi như gặp án tử hình. Chuyến này đi chỉ có vải vóc, xà phòng, kim chỉ
lặt vặt với mấy cây thuốc lá đựng trong tay nải. Bố tôi không ngờ chính vì mấy
cây thuốc lá này, khi trở ra bố tôi không thấy đoàn Nhiêu đâu. Nếu chỉ có kim
chỉ một ít vải không đáng tiền, chưa chắc bọn lính đã để mắt đến. Thuốc lá bấy
giờ là thứ quý, lại là thuốc lá ngoại, đắt tiền làm gì chúng bỏ qua?
Chỗ gốc cây ông Nhiêu nằm giờ người không thấy đâu, cả hai cái
tay nải màu gụ cũng biến mất!
Chuyện gì đã xảy ra?
Bố tôi thấy tiếng quát tháo, kêu khóc văng vẳng phía xa. Đèn đuốc
sáng rực phía ấy. Thì ra đoàn Nhiêu gặp đám lính đi tuần. Ông ta bị chúng lôi
về đồn. Vừa bị đau bụng lại thêm đau đòn, ông ta vừa van lạy vừa kêu la thảm
thiết. “Bất nhân như lính..”, ông có kêu thế chứ kêu nữa đâu có ích gì? Chúng
vẫn lôi xềnh xệch, quật báng súng túi bụi vào lưng, vào mông ông ta.
Bố tôi hớt hải, lọ mọ đi theo sau, cách xa tụi lính một quãng.
Ông nghe rõ tiếng tên sĩ quan nói mồn một:
- Bố đợi con mãi, bõ công phục mấy ngày hôm nay. Đúng mày là
“giao thông” cho Việt Minh, chúng ông bắt được còn kêu la nỗi gì?
Đoàn Nhiêu vẫn “Con cắn rơm cắn cỏ lạy các quan, con chỉ đi buôn
kiếm thêm đồng mua gạo cho các cháu, quan thương tình tha cho. Con còn ít
tiền..”
Tên quan cười ha hả:
- Định đút lót quan đồn kia đấy, cứ về đồn ta nhận cả thể..”
Bố tôi lặng lễ đi theo một quãng nữa, theo bản năng, không chủ
đích.. Chợt nhớ có đi theo đến đồn chắc cũng không làm cách nào cứu được đoàn
Nhiêu ra..
Hàng họ coi như đã mất. Rơi vào tay bọn này khác nào cá bón miệng
mèo? Vào thời buổi khan hiếm khó khăn này, cầm chắc là mất đứt.
Thôi thì người sống của còn, chỉ mong đoàn Nhiêu không bị làm
sao. Nếu có chuyện gì về làng bố tôi biết ăn nói với vợ con ông ta thế nào? Hai
người cùng đi với nhau, giò còn một người trở về là nghĩa làm sao?
Bố tôi không ngờ sự việc này, đến cải cách ruộng đất biến thành cái
tội nặng. Đoàn Nhiêu bấy giờ trong ban cốt cán. Ông ta buộc cho bố tôi cái tội
“ Thông đồng với giặc, báo tây phục bắt giao thông của ta tiếp tế cho vùng tự
do”.
Ở đời có những khi trớ trêu đến như vậy, gắp lửa bỏ bàn tay như
thể chuyện đùa. Lòng tốt, lòng tin chả là gì nếu gửi không đúng chỗ. Nó trở
thành tai họa cho chính mình. Ông ta năn nỉ mãi bố tôi mới cho đi. Nghĩ là có
bạn đi đường, vợ con ông ấy có thêm đồng tiền bát gạo, ngờ đâu nông nỗi?
Đêm đó bố tôi xin nghỉ nhờ nhà bà cụ vừa nói để nghe ngóng tình
hình. Bà cụ mang trong buồng ra cái nồi đất nhỏ, không có vung:
- Nhỡ bữa, nhà chả còn gì, còn mấy củ khoai thày ăn cho đỡ dạ..
Bố tôi cảm động ứa nước mắt. Ông chỉ là người qua đường, đâu có
quen biết bà lão dù chỉ một lần?
Đây có lẽ là phần ăn của cụ để dành đến sáng hôm sau? Bố tôi ngần
ngại chưa dám ăn. Bà nói mãi ông mới cầm lên một củ. Miếng khoai tắc nghẹn
trong cổ, không sao nuốt được.
Bố tôi kể cho bà cụ nghe chuyện xảy ra vừa rồi.
Bà lão cứ lẩm bẩm “rõ khổ”, “rõ khổ..”.
Mãi sau bà mới kể, lính đồn đã phục suốt mấy ngày nay. Có kẻ nào
đó báo “sắp có chuyến hàng lớn tiếp tế lên vùng tự do”. Kẻ đó còn nói đấy là
chuyến hàng cực kỳ quan trọng. Có một ông Việt Minh cấp gì đấy to lắm, chuyên
hút thuốc lá loại sang, Cáp tan hay salem
gì đấy. Việt Minh phải cử một tổ, cứ hai tháng một kì chuyển từ vùng tề lên cho
ông ấy nên chúng mới phục. Có lẽ hai người bị chúng nó theo từ mãi dưới kia rồi
cũng nên..”
Bố tôi bảo:
- Không phải đâu cụ ạ. Chắc bọn chúng tung tin để dễ bề ăn cướp
của người buôn. Chắc gì đã phải như họ nói?
Bà cụ chẹp miệng:
- Có hay không người như già, như các ông chả thể nào biết được.
Có điều tai vạ rơi vào ai người đó phải chịu. Cái tóc cái tội mà, thời loạn này
biết cái nào đúng cái nào sai? Thôi cứ để sớm mai, già có đứa cháu bị bắt lính
đóng trên đồn, nhờ nó dò hỏi xem binh tình thế nào?
Bố tôi cả đêm không chợp được mắt dù cả ngày đi đường rất mệt.
Ông chỉ mong sao cho trời chóng sáng. Còn ít tiền mang theo trong người, bố tôi
đưa cả cho cụ, nhờ người lính kia nói khéo, bảo lãnh cho đoàn Nhiêu ra.
Gần trưa hôm ấy, bà lão dẫn đoàn Nhiêu về, mặt mày xưng húp. Quần
áo ông ta bết máu, hàng bị tịch thu hết, chỉ về có người không!
Tuy vậy bố tôi rất mừng, cảm ơn bà lão rối rít. Sau này bà cụ là
chỗ thân tình, bố tôi lâu lâu lại lên thăm,coi như mẹ của mình.
Chờ trời tối hẳn, bố tôi và đoàn Nhiêu mới quay trở về làng. Đấy
là chuyến cuối cùng bố tôi lên rừng Việt
Bắc.
Ở trên này, may nhờ bá tôi thương, tôi và anh trai vẫn cắp sách
tới trường. Chị Nhiên tôi lấy chồng cách đó ít lâu, trước khi quân Pháp mở cuộc
tấn công vào mùa thu năm ấy ít ngày.
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét