Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Đăng lại thì đọc lại, sao không?

GÁI ĐỒ SƠN, CẶP BA CHỤC 
(Nhớ anh Định quá đưa lại bài cũ)
----
Khi tôi trở thành phóng viên báo Lao Động thì anh Nguyễn An Định ( tên bút danh là Chu Thượng chuyên giữ mục Sự kiện bình luận) đã là một nhà báo lừng lững, lừng lững với cả nghĩa bóng và nghĩa thực về thân xác.
Lần nào ra Hầ Nội tôi cũng ghé phòng nhỏ của ông ở 51 Hàng Bồ. Lần nào cũng thấy ông đang hý hoáy viết. Ổng ngẩng lên, nhướn đôi mắt sau chiếc kính trắng hỏi nhạt phèo:- Bọ đấy à. Ra lúc nào hả mày.
Rồi cũng những động tác được coi là rất nhạt phèo, ông gấp giấy tờ, nhìn tôi, lại những câu hỏi nhạt phèo và tiếng cười khùng khục:- Đéo mẹ. Chú mày vào ra liên tục ấy nhỉ.
Nhưng sau đó, tiếng ông bỗng ấm áp hẳn lại:
-Này. Chú mày sướng nhỉ. Chơi gái miền cát chán lại ra chơi gái Hà Nội. Trông ấy, một nhát bao nhiêu ấy nhỉ? Phải rồi, tao nghe chúng nó kháo nhau, mày quảng bá rằng, trong quê mày, 500 ngàn làm được gái nửa làng. Hục Hục Hục..
Ông cười trong cổ họng.
-Rượu nhá.
Ông coi tôi như em, có khi như đồng nghiệp ngang bằng phải lứa. Có hôm ông hỏi:
-Mày thấy tao mần Sự kiện bình luận thế nào? Mỗi ngày một nhát trông được đấy chứ. Nhẩy?
Tôi nói tỉnh queo:
-Cũng là hóng hớt thế sự.
Anh Chu Thượng phì một tiếng:
-Đéo mẹ. Báo nước mình thế thôi. Phục vụ tuyên truyền mà, nói theo ý mình răng được? Mà thằng Hoàn ( Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn) nhát bỏ mẹ. Đọc của tao xong, gọi :- Định ơi, hãm cái mồm mày xuống chút đi. Bài này in nguyên xi, ngày mai nó đâm tao thủng mặt.
Anh Định cười:-Cái thằng Hoàn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt, lại còn sợ đâm cho rỗ thêm...Uống đi chú. Rượu này lão Duyệt ( Ông Phạm Thế Duyệt khi đó đang là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) bạn rượu của tao, hôm qua cho đấy. Lão Duyệt này giỏi lắm, vụ nào khó gỡ, Trung ương cử lão đi, êm ả ngay. Như vụ nổi loạn ở Thái Bình, không có lão xuống, ăn cứt. Tao muốn viết chân dung về lão, một vị lãnh đạo cao cấp nhưng đến với dân rất ngọt, rất chân thành mày ạ. Hôm nào tao đưa mày đến nhà lão uống rượu.
Có bữa ông dẫn tôi về nhà, cho lên gác hai. Ông mang ra từng tập báo Lao Động dày cộp lưu trữ nhiều năm rồi, lần giở cho tôi xem những bài ông viết. Lần đầu tiên tôi ngồi với ông cả buổi để nghe ông khoe về nghề. "Mày thấy tao viết thế nào?". Tôi gật gù:" Bác là một cây bút lớn'. Ông nheo mắt nhìn tôi:"Mày học cái lối nói ấy từ bao giờ. Tao không thích."Tôi cười:" Trong những cái bác viết, em thích nhất là Tản mạn...". Ông đăm chiều:" Ừ..Tản mạn là viết cho mình mày ạ...".Ông hẹn tôi sẽ vào Quảng Bình chơi."Trong đó ăn cái gì là ngon hả mày?". Tôi khoe, nếu ông vào, tôi sẽ mời ông lên thuyền , đi ngược sông Son, nướng cá chình trên thuyền, nhậu. Ông hất mặt lên:"Chúng mày biết đéo gì món ăn. Miền Trung tao quý mày và thằng Trần Đăng. Nhưng cả hai thằng chúng mày lại đếch biết nhậu. Chán chết. Nhẩy?". Rồi cuối buổi chia tay, tôi xịu mặt với ông:"Anh chẳng khen bài em viết bao giờ...". Ông nhìn khói thuôc đang bay lòng vòng trong phòng, lẩm bẩm:"Viết cho mình chứ viết cho ai mà đòi người khác phải khen mới có hứng. Đừng cơ hội".
Một lần khác, tôi ra, anh Định kéo vào phòng, chốt cửa cẩn thận. Tôi chột dạ. Bỏ mẹ, chắc là có đứa thối mồm nào trong cơ quan nói xấu tôi rồi.
Anh Định rót rượu, im lặng nhìn tôi:
-Mày năm nay bao nhiêu tuổi Vinh?
-Dạ em 45
-Tuổi này, hồi đó, tao đánh chết tươi tay Hải Bộ trưởng Bộ công nghiệp vì tham ô, sau đó tao lại đứng ra chỉ huy đánh tiếp vụ lão Ngô Xuân Lộc phó Thủ tướng, cứ là giãy đành đạch. Mày biết vụ đó chứ, nhẩy.
-Dạ biết chứ.
-Bây giờ chúng mày hèn bỏ mẹ. Thằng nào cũng hèn. Điều tra đéo gì toàn mấy vụ lẻ tẻ. Phóng viên đéo gì gặp mấy lão chức to tham nhũng lại thưa anh là sao. Phải đập bàn với chúng nó, trợn mắt trợn mũi với chúng nó. Sợ đéo gì. Nó sai, phải vạch mặt. Cùng lắm nó trù mình, nó cho mình rời cơ quan thì mình cứ viết, ngon. Chúng nó rời khỏi ghế, làm được đéo gì mà sống.
Tôi ngờ ngợ hôm nay anh Định có vẻ nói hơi hơi bất mãn. Anh hạ giọng:
-Tao sắp chết. Thằng Tôn Thất Bách nói tao sống khoảng 2 năm nữa. Ung thư rồi mày ạ. Buồn nhỉ.
Tôi thấy miệng đắng chát. Giọng tôi run bắn:
-Không cách gì chữa được sao anh. Rồi chết à?
-Đéo mẹ. Thằng này hỏi ngu thế. Ung thư thì chữa thế chó nào được.
Im lặng.
Rồi anh bật lên một tiếng:
-Buồn nhỉ.
Một năm sau.
Tôi đang lặn lội giữa vùng lũ quét huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh thì nghe anh gọi điện thoại:
-Bọ đấy à. Mày viết gì viết kinh thế. Vào vùng lũ, ngày nào cũng có bài, kinh nhỉ? Xong việc chưa. Ngày mai sinh nhật tao 60. Đéo gì đâu, chẳng qua anh em thấy tao sắp chết nên quyết định tổ chức sinh nhật cũng là chia tay tao về hưu. Mày ra được không?
Tôi như chực khóc:
-Em ra...
-Tao ăn chơi cả đời, món nào cũng xơi, nhưng vẫn chưa nghe con lợn rừng khi chọc tiết nó kêu thế nào mày ạ...Một bát tiết canh lợn rừng cũng hay, nhỉ.
-Em sẽ xách lợn rừng còn sống ra.
-Đéo mẹ. Nói thế thôi, đem cả con lợn rừng ra thì cực lắm mày ạ.
Tôi nhảy xe đò vào Đồng Hới. Mua vé tàu xong, tôi tìm đến quán thịt rừng. May quá, vẫn còn một con lợn rừng chừng 20 kg nhốt trong chuồng. Tôi mua, cho vào bao tải, lên xe ôm đến ga.
Tàu SE đến.
Tôi xách cái bao đựng con lợn lên tàu. Từ khi bắt lợn đến khi ra sân ga, con lợn ngủ im. Nhưng chẳng hiểu sao, khi bước vào dãy toa sáng boong, con lợn bắt đầu kêu rú lên. Tôi hoảng hốt và ngượng. Thôi kệ. Nhưng sau đó nhân viên lái tàu kéo cổ tôi xuống, cùng với câu chửi:
-Địt mẹ mày... Tàu du lịch chứ có phải tàu chợ đâu mà mày xách cả lợn lên hả.
Tôi nhẹ nhàng:
-Anh ạ. Anh thông cảm. Em sẽ đưa xuống toa ăn cũng được. Anh thông cảm cho em.
-Thông cảm con cặc.
-Anh ạ. Em là Nguyễn Quang Vinh.
-Vinh Vinh con cặc. Biến
-Dạ. Em là phóng viên báo Lao Động.
Nhân viên sững lại nhìn tôi rồi nhảy vào toa ngay. Chưa đến một phút, trưởng tàu xuống. Tôi nói luôn:
-Thưa anh. Tôi quá biết tàu du lịch không thể đưa lợn lên được. Nhưng anh có biết tác giả Chu Thượng ở mục Sự kiện bình luận không?
-Biết. Thằng này trẻ mà. Em nó năm nay bao nhiêu tuổi ấy nhỉ? Em mày à?
-Dạ không. Bác Chu Thương năm nay 60.
-Úi giời
-Bác ấy bị ung thư. Ngày mai là ngày sinh nhật cuối cùng của bác ấy, tròn 60...Bác ấy rất muốn được nhìn thấy con lợn rừng bị chọc tiết. Em là phóng viện lớp sau, em thương bác ấy, em đề nghị...
Trưởng tàu nói to với nhân viên:
-Mang con lợn này xuống toa ăn. Quà cho bác Chu Thượng thì con voi cũng chở. Chúng mày không biết Chu Thương à.
Một nhân viên láu táu:
-Dạ biết. Bác ấy chuyên làm thơ châm biếm phải không ạ.
Thoát. Con lợn nằm trong bếp tàu du lịch. Còn tôi thì lẻn ngay vào toa lét tàu, cởi bộ áo quần đang mang trong người vì con lợn đái ướt từ thân người xuống chân, hôi òm.
Hôm sau, anh Định đã nghe tiếng lợn rừng kêu khi bị chọc tiết, đã ăn bát tiết canh lợn rừng nóng hổi cùng anh em trong cơ quan.
Anh Định nheo nheo mắt nhìn tôi, lại đưa cho tôi điếu xì gà:
-Đéo mẹ, thằng Bọ này, ngu thế, lại mang cả lợn rừng ra cho tao...
Anh nói vậy nhưng ánh mắt anh vui đáo để.
Bữa nhậu đó chúng tôi ăn nhậu với anh Định, hát hò với anh Định, rồi ôm anh Định khóc như mưa. Tôi lại nghe tiếng anh Định chửi:
-Đéo mẹ chúng mày, khóc chó gì khóc lắm thế...Sinh-nhật-tao-cơ-mà ...
Nhưng lần này thì tiếng anh nghẹn lại.
Anh Định về hưu nhưng hàng ngày vẫn đến tòa soạn tiếp tục chuyên mục Sự kiện bình luận. Anh giữ chuyên mục này cho đến ngày ra đi mãi mãi.
Trước ngày anh mất khoảng một tháng, tôi ra.
Anh nhìn tôi cười khù khụ. Tôi thì thấy buồn vì trông anh hốc hác vô cùng.
-Tao vừa đi nghỉ Đồ Sơn lên mày ạ. Gái dưới đó nhiều lắm. Sắp chết rồi, đéo làm gì được nhưng vẫn hỏi giá. Hóa ra rất rẻ. Chúng mày nói thế nào, làm đéo gì có chuyện một nhát trăm này trăm nọ. Tao vừa khoe với thằng Chính Béo ( tức Nguyễn Đức Chính- Bút danh Lý Sinh Sự- Phó tổng biên tập Lao Động), tao bảo thằng Chính Béo khi nào xuống Đồ Sơn thì cứ mạnh dạn chơi gái, rẻ lắm, gái dưới đó một cặp có ba chục mày ạ.
Rồi anh cười khùng khục.
Đó là tiếng cười cuối cùng tôi nghe thấy ở anh.
Tháng sau anh đi. Tôi không kịp ra với anh.
Mỗi lần nhớ anh tôi lại tự nói với mình:-Phải viết đến lúc chết như anh Định.
Nhưng lại nghe anh nói bên tai:
-Chết thế đéo nào được, chúng mày hèn lắm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: