( Vị nào muốn sở hữu xin liên hệ )
....Giờ thì ba đứa chúng tôi đang ngồi bên bờ sông Lư. Con sông vừa chứng kiến những trận đánh kinh hoàng giữa ta và địch. Giữa những người lính mặc quần sooc, áo trấn thủ vá vai với lính thủy, lính dù mũ sắt, giày đinh.
Có những quãng sông từng loang đỏ máu pha lẫn phù sa. Những xóm
làng bình yên bỗng chốc một chiều khói đen mù mịt, cuộn thành cột tủa nấm ngang
trời. Những gềnh đá còn vắt ngang tàu giặc, vạt lau cháy xém bởi bom đạn.
Chúng tôi nhìn sang bên kia núi Dùm. Nơi có thác nước ào ạt chảy
giữa lòng khe, hai bên chằng chịt dây leo quấn quanh bờ đá. Vào sâu nữa phía
bên trong còn có cả một hang đá chứa vừa vặn một lớp học. Thầy Sản từng dẫn
chúng tôi đến đó chạy giặc trước khi tản vào rừng sâu..
Bây giờ thì thanh bình trở lại.
Dòng sông mùa này nước trong. Thấp thoáng hai bên bờ nếp nhà bè
bé nhỏ của dân chài. Thỉnh thoảng xuất hiện chiếc thuyền nan qua lại đôi bờ.
Ánh nắng chiều lấp loáng trải mãi tới vô cùng, nơi có những đỉnh núi nhấp nhô,
tim tím màu lam phủ.
Thằng Khánh người Hà Nội học cùng lớp chúng tôi. Nó trắng nhễ
trắng nhại, tay mềm và hồng như tay con gái. Được gái nó học toán rất giỏi. Hầu
như bài tập nào khó đến đâu nó cũng giải được. Chỉ phải tội ít nói, có đứa bảo
nó kiêu ngầm.
Thằng Hạnh người Thổ thì ngược lại. Thằng này chân tay to, “lò xo
ngắn” bọn con gái hay trêu nó thế, vì tính cả thẹn.
Hạnh học gạo, sử địa nó thuộc vanh vách nhưng lại kém toán, văn
vào loại xoàng nhất lớp.
Nhà nó ở mãi trên Xiêm Hóa, từ đây lên đấy gần bằng nửa từ đây về
Hà Nội. Trên đấy chỉ có cấp một, nên nó phải về đây học cấp hai. Nó ngại mỗi
khi về nhà hơn là từ nhà nó xuống trường. Phải đi bộ mất một ngày cật lực mới
lên tới nơi. Còn khi xuống coi như không thành vấn đề. Chỉ cần cái mảng nứa nhỏ
là có thể “yên trí lớn”, không cần lo nghĩ. Mỗi bận nó về, bố mẹ nó xếp cho đủ
thứ. Nào gạo nào gà, thịt lợn kho trám ăn cả tháng mới hết.
Trong ba đứa chơi với nhau, nó là đứa có sức khỏe nhất. Tôi thì
làng nhàng, không ốm đau vặt nhưng không bền sức. Thằng Khánh èo uột như con
gái, đi chân đất một quãng là kêu oai oái. Quanh năm nó xỏ chân vào đôi giày
mang từ Hà Nội lên tróc hết xi, có lỗ thủng ở chỗ mắt cá chân. Nó là thằng duy
nhất mang giày và biết đi xe đạp của lớp. Nó hay được thầy giáo sai ra chợ mua
thứ gì đấy cho thầy. Bố mẹ nó ở cả dưới huyện “Con Dê”, nơi đầu não kháng
chiến. Thỉnh thoảng ông bà ấy cho người mang cho nó gạo, tiền.
Chỉ có tôi là “kinh tế” kém nhất. Nhưng chẳng đứa nào suy bì hơn
thiệt. Chúng tôi ở chung một phòng và thổi cơm chung. Ban đầu nhà trường cũng có
bếp ăn tập thể, sau đợt chạy tản cư mới phải tự túc nấu nướng. Nhà ăn, đồ đạc
của trường bị phá hủy, một cái bát ăn cơm cũng không còn nguyên vẹn.
Ban giám hiệu nói phải thời gian nữa mới củng cố nhà ăn tập thể.
Không hề gì. Chúng tôi nấu
lấy ăn lại có có vẻ khoái hơn vì được ăn no, được cải thiện thêm nếu biết kiếm thêm
được rau cỏ.
Về mặt này thằng “Hạnh Thổ” là bậc kỳ tài. Nó biết nhiều loại rau
mà chúng tôi nghĩ không thể ăn được mọc trong rừng, ven bờ sông. Tài tôm cá của
nó lại càng không cần nói. Nó là “bậc thiên tài” bẩm sinh về mặt này.
Nó nói: “Tao ở vùng cao, nhưng nhà gần sông, đầu nguồn con sông
này nên giỏi bơi lội từ bé. Sông chỗ tao nước chảy xiết lắm, chứ sông ở quãng
này ăn thua gì?”.
Tôi chưa lên nhà nó lần nào, nhưng tin là nó nói thật. Người Thổ
ít khi nói sai bao giờ.
Thằng Khánh đi theo chúng tôi chẳng qua cốt để vui bạn. Nó rất
ngại lội xuống nước vì không biết bơi. Có tắm sông cũng ngồi trên bờ lấy cái
chậu múc đổ lên người, kì cọ rất cẩn thận.
Có lần chúng tôi nghịch ác xô nó xuống nước, ngụ ý để nó quen dần
rồi tập bơi. Nó giãy giụa, kêu gào thảm thiết như bị người ta làm thịt, làm bọn
tôi áy náy ân hận mãi. Nó giận đến cả tháng mới lại chơi cùng. Chả bao giờ tôi
và Hạnh dám nghĩ đến chuyện tập bơi của nó nữa.
Hôm nay nó kiếm đâu được quyển sách mang theo. Nó dựng xe gần chỗ
chúng tôi cất quần áo, mải miết đọc. Chắc là cuốn sách hay lắm, tôi đoán thế,
nhưng lúc này tôi chú tâm chuyện khác.
Quãng sông này nước lặng. Bờ sông chỗ mép nước rặt đất gan gà dẻo
quẹo. Cỏ mọc xòa cả ra mặt nước. Những chỗ như thế thường có hang tôm, hang cá
làm tổ. Có cả rắn nữa. Nhưng rắn nước chúng tôi không sợ. Cả tôi và thằng Hạnh
đều bị rắn cắn vài lần. Chỉ bị đau, ngứa mất mấy hôm vì rắn nước không độc. Tôi
từng bắt bỏ vào ống nứa để trêu bọn con trai nhát gan trong lớp.
Thằng Hạnh không mò tôm hú họa như tôi. Chiều hôm trước nó đã thả
xuống những chỗ kín đáo chỉ mình nó biết, bây giờ là việc ra nhắc lên. Toàn
những chú tôm càng đen rức, lưng xanh xám màu rêu, to bằng ngón tay.
Tôi đến phát ghen với nó nhưng lại không biết đan lờ. Vài lần
định học mót nghề của nó, không thành. Cái lờ tôi đan dúm dó, méo xẹo, có chỗ
hở nghiêng bàn tay lọt qua. Thế thì đơm tôm làm sao được?
Ông trời hình như rất có ý. Chỉ cho mỗi người hay một số nghề,
chứ không cho tất cả. Tỷ như nghề cắm cần của anh trai tôi, tôi học mãi có được
đâu?
Bố tôi hay triết lý. Ông
bảo “Đấy là đức hiếu sinh của trời đất dành cho mỗi con người”. Để ai cũng có
thể sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tôi lần đến mấy cái hang mà chưa bắt được chú tôm nào. Bất chợt
thàng Hạnh kêu rú lên:
- Tính ơi ( Tính là tên tôi), lại đây mau!
Tôi tưởng nó bị rắn hay con gì cắn, hóa ra không phải. Thằng Hạnh
mò từ dưới nước lên tay cầm vật gì đó giơ lên cao:
- Có cái gì đây này!
Thì ra đấy là cái bình gốm nhỏ, màu lam, thuôn thuôn giống cái
chai, hai bên có hai cái quai liền với bình, nom rất ngộ. Tôi chưa thấy cái
chai hay cái bình như thế bao giờ. Bình được gắn xi rất kỹ. Chúng tôi vội lên
bờ gọi thằng Khánh. Nó cầm xoay ngang xoay dọc một lúc, xem xét chưa khám phá
ra chuyện gì, bảo thằng Hạnh đưa con dao nhọn mang theo. Khánh khéo léo cạy cái
nút cũng bằng gốm được gắn xi ra. Bên trong chẳng có gì, ngoài chút nước lõng
bõng, một tờ giấy nan nát, có chữ đã nhòe hết không đọc được. Rồi làm như am
hiểu nó bảo:
- Tao có nghe bố tao kể chuyện hồi quân Pháp bị quân Cờ đen vây
hãm trong thành. Bọn chúng không làm sao liên lạc được với bên ngoài để xin
quân ứng cứu. Có một sĩ quan nảy ra sáng kiến. Ông ta viết những lá thư bỏ vào
trong chai, thả xuống cống ngầm từ thành nhà Mạc chảy ra sông. Quân Pháp ở Hạc
Trì nhờ thế mới biết tin đêm quân lên giải vây.. Chẳng nhẽ cái bình này là một
trong số đó?
Hạnh hỏi:
- Nếu vậy nó phải nổi chứ sao lại chìm..
Khánh cười nhếch mép ra vẻ:
- Có thể trong lúc vội vã, tên sĩ quan đó không nghĩ rằng cái
bình này nặng không thể nổi được? Tao nghĩ có lẽ là thế!
Tôi thì tôi không tin. Quãng này là phía trên thành nhà Mạc, chả
nhẽ cái bình trôi ngược lên đây hay sao? Mảnh giấy trong bình có thể là văn bản
hay giấy tờ đặc biệt người ta cất giấu, hoặc bị trôi dạt từ đâu về thì đúng
hơn.
Những trận lũ đường rừng còn cuốn trôi cả bia đá, chuông đồng từ
những chùa chiền mạn nược về đây. Có lẽ cái bình cũng trong trường hợp ấy.
Chúng tôi cãi nhau một thôi một hồi, không đi đến ngã ngũ.
Thằng Hạnh không tham gia. Nó lẳng lặng tiếp tục công việc vớt
lờ.
Chiều hôm ấy tôi mang cái bình về nhà bá tôi. Ông bác dượng rất
thích. Ông lấy cát đánh cho nó bóng lên rồi cất kỹ trong tủ.
Từ hôm ấy nhà bá tôi hay có chuyện lục đục. Những chuyện cãi nhau
với người xung quanh mà nguyên nhân không đâu vào đâu. Tôi nghĩ có thể tại cái
bình có ám khí, hay sự rắc rối nào đấy, nhưng không dám kể với ai.
Không biết có phải lỗi từ việc mang cái bình bí ẩn về hay không?
Sau này tôi gặp nhiều ái oăm chắc trở?
Tôi định mang ý nghĩ này hỏi thầy Sản. Thầy lúc đấy hình như có
chuyện không vui.
Tôi đứng lưỡng lự trước cửa phòng thầy một lúc rồi quay ra..
Câu chuyện về cái bình cứ làm tôi day dứt mãi một thời gian dài.
Có lúc tôi muốn tìm cách trả nó về với khúc sông, nhưng không được. Tủ khóa,
bác dượng tôi lúc nào cũng kè kè chùm chìa khóa bên mình..
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét