Với ba tiểu thuyết "Vụ Án", "Lâu Đài", "Hóa Thân", Franz Kafka đã trở thành một nhà văn lớn của thế kỷ 20, bên cạnh James Joyce, Marcel Proust. Ông tin chắc rằng có nhiều thế lực vô hình giấu mình trong tâm thức nhà văn và một khi "biển cả đã đóng băng" bị nứt nẻ ra, các hồn vía không tên, bức bách chiếm lĩnh lại ngòi bút của nhà văn.
Trong một lá thư gửi người bạn vào tháng giêng năm 1904, Kafka viết : «Tác phẩm là nhát búa phá vỡ biển cả đã đóng băng trong chúng ta». Kafka đã lấy cuộc đời đặt cược cho văn học như vậy.
Không lấy vợ, đẻ con, không suy tính đến tương lai, mỗi đêm ngồi viết đến tảng sáng, mắc bệnh lao, thổ huyết đều đều, cũng chẳng màng đến hư danh, khi chết để lại chúc thư uỷ thác cho người bạn Max Brod việc thiêu đốt tất cả những sáng tác mà Kafka chưa hoàn tất, chưa ưng ý.
Nhưng may mắn thay, di chúc của Kafka đã bị phản bội. Max Brod đã không ném vào thần lửa các tiểu thuyết như «Vụ Án» và «Lâu Đài». Cùng với truyện ngắn «Hóa Thân», hai truyện dài vừa kể đã bảo đảm cho Kafka vị trí nhà văn lớn nhất thế kỷ 20, bên cạnh James Joyce và Marcel Proust.
Kafka người dò tìm những mạch ngầm
Trong số ba nhà văn lớn được công nhận là người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại, Kafka mang nhiều ẩn số nhất, cho dù các tác phẩm của ông dễ đọc hơn nhiều trường thiên tiểu thuyết của Proust hay truyện «Ulysse» của Joyce. Bí ẩn của trường hợp Kafka suốt một thế kỷ vừa qua đã rõ, khi hàng vạn bài viết và tập sách nghiên cứu đề nghị diễn giải ý nghĩa của các tiểu thuyết như «Vụ Án» và «Lâu Đài». Tuy nhiên, đằng sau các bài phê bình uyên bác, thường phản ảnh dấu ấn những ý thức hệ đương thời, dường như Kafka chỉ nói về mình, về các giấc mộng kinh hoàng của kẻ ngoại cuộc, mãi mãi đi tìm một chỗ đứng trong cuộc đời để viết văn.
Tháng 7 vừa qua, 125 năm sau ngày sinh của Kafka, thế giới kỷ niệm sự kiện này, xem đó là một món nợ phải trả đầy đủ cho một nhà văn đã bắt mạch thời thế, chiêm nghiệm trước những khổ đau của thế kỷ vừa qua, mở đường cho đông đảo các tiểu thuyết gia năm châu. Gabriel Garcia Márquez đã từng tiết lộ, ông đã khám phá được cách viết văn mới khi phát hiện Kafka.
Franz Kafka sinh ngày mồng 3 tháng 7 năm 1883, tại Praha, lúc đó thuộc đế chế Áo Hung, nay là thủ đô cộng hòa Tiệp. Ông mất năm 1924, gần Vienna, thọ 41 tuổi. Cột mốc đánh dấu sự nghiệp của Kafka diễn ra vào buổi tối ngày 22 tháng 9 năm 1912. Lúc ấy, ông dự định viết về một chủ đề khác, nhưng theo lời tường thuật của chính ông, ngòi bút của ông như thần nhập, như lên đồng, ông viết một mạch như ma đuổi truyện ngắn đặt tên là «Bản Án». Chỉ trong một đêm, đến tảng sáng, truyện ngắn này đã hoàn tất. Phải nói ngay rằng «Bản Án» không phải là bản nháp của «Vụ Án», nhưng ngay từ lúc đó, Kafka như người phá vỡ được ức chế nội tâm, đã kể một câu chuyện về mâu thuẫn giữa cha và con, về sự tàn nhẫn và sự hy sinh, về những bí mật phải che giấu và mặc cảm tội lỗi. Quan trọng hơn cả, kể từ lúc đó, Kafka đã sáng tạo được cho mình phương pháp chấp bút. Ông đã nắm bắt được một chân lý. Ông tin chắc là có nhiều thế lực vô hình, giấu mình trong tâm thức nhà văn. Chưa biết chừng, đó là vị thần nặc danh hay ác quỷ hay chăng đây chỉ là những bóng ma trong đêm khuya hiện về ? Tầm thường hơn, có lẽ đấy chỉ là thế giới nội tâm, một khi « biển cả đã đóng băng » bị nứt nẻ, các hồn vía không tên, bức bách chiếm lĩnh lại ngòi bút của nhà văn.
Cứ như vậy, Kafka tin chắc vào chính mình để sáng tác và ông đã vắt kiệt sức mình để lại ba tác phẩm được biết đến nhiều nhất là «Hóa Thân», «Vụ Án» và «Lâu Đài».
Trong ba tác phẩm vừa kể, «Hóa Thân», xuất bản năm 1915, đã trở thành kinh điển với nhân vật Grégoire Samsa, một sớm thức giấc, chợt thấy mình hóa thân thành một con bọ cồng kềnh.
«Vụ Án» thì đau xót, dữ dội, với lần đầu tiên trong lịch sử văn học xuất hiện thân phận một con người bị buộc tội oan, mà nạn nhân lại không biết tội danh là gì. Nhưng pháp lệnh không thể nhầm lẫn. Joseph K nhân vật ở đây sẽ bị hai kẻ lạ mặt đến cắt cổ mà anh ta vẫn không ngừng kêu oan. Ngay từ trang đầu, Kafka thu hút độc giả với câu : «Chắc hẳn có người bôi nhọ Joseph K, bởi vì chẳng làm điều gì nên tội, nhưng ông ta đã bị bắt vào một buổi sáng».
«Lâu Đài», truyện dài viết dở dang. Mở đầu ở trang nhất như sau : «Đó là vào một chiều tối, khi K đã đến đây. Ngôi làng phủ đầy tuyết. Không thể nhìn thấy ngọn đồi toà Lâu Đài với sương mù và bóng tối vây quanh. Không có dù chỉ một đốm sáng nào cho biết sự hiện hữu của một tòa lâu đài to lớn. K dừng lại một hồi lâu bên chiếc cầu gỗ trên con đường dẫn đến ngôi làng và ngẩng nhìn về phía có thể tưởng chừng chỉ là một khoảng không».
Câu chuyện «Lâu Đài» của Kafka mở màn như vậy, đơn giản, nhẹ nhàng, khúc chiết. Tất cả đều bình dị, ngoại trừ nhân vật ở đây lại không có tên hay nói đúng hơn, người này chỉ được nêu danh bằng ký hiệu chữ K. Đêm đó, K trú ngụ tại ngôi làng. Hôm sau, K hỏi han, tìm cách tiếp xúc với Lâu Đài. Là người đạc điền, K nói đã nhận được hợp đồng để làm việc tại Lâu Đài. Tuy nhiên, suốt thời gian sau, mặc dù kiên định đến đâu, K vẫn không được phép băng qua cửa tòa Lâu Đài để yết kiến chủ nhân của nó.
Hoàn cảnh của K, cả làng ai cũng biết. Lâu Đài gửi những trợ lý xuống làng, tiếp chuyện với K, thậm chí có cả hai gã thanh niên được phái xuống làng để giúp đỡ K, nhưng thâu nhận K thì điều này chẳng bao giờ Lâu Đài chấp thuận. Ngày tháng qua, K sinh hoạt ở ngôi làng dưới chân đồi, chờ đợi cơ hội, ngóng trông một tín hiệu của Lâu Đài, sẽ không bao giờ đến. Thế giới của Lâu Đài, anh ta chỉ biết qua trung gian hay những phản ảnh gián tiếp. Cửa Lâu Đài vẫn đóng. Kể đến đây, chưa đủ thời gian kết thúc tiểu thuyết, Franz Kafka đã qua đời.
Đi tìm Lâu Đài của Kafka (Phần 2) Mê Cung
Không thể tách rời ý nghĩa những tác phẩm của Kafka ra khỏi mảnh đất chúng sinh sôi nẩy nở. Cũng không thể « đọc » Kafka mà quên đi chúng ta đang đứng ở đâu, tại những điểm nhìn nào. Vì vậy, phải trở ngược về đầu thế kỷ 20, quãng thời gian đã được nhà sử học Eric J.Hobsbawm mệnh danh là kỷ nguyên của những Đại Họa.
Kafka sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái, tại Praha, thủ đô Tiệp ngày nay, thuộc đế chế Áo Hung lúc đó. Nhưng ông được đào tạo tại những ngôi trường Đức, ông tiếp thu văn hóa Đức và sáng tác bằng tiếng Đức. Như vậy, Kafka mang trong mình sự cộng hưởng của ba nền văn hóa : Văn hóa Do Thái, văn hóa Tiệp và văn hóa Đức. Sau này, giá trị tinh thần của sự nghiệp Kafka trở thành một di sản được cả ba nền văn hóa này khẳng định sở hữu và tranh giành bản quyền, hay ít nhất là đòi áp đặt một cách diễn giải riêng. Có lẽ, ảnh hưởng của ba nền văn hóa này vừa là chìa khóa của các tác phẩm, vừa là nguyên nhân gây xung đột trong tâm thức nhà văn.
Do đó, trước khi xem xét các cách tiếp cận, cách « đọc » Kafka, thiết tưởng nên tìm hiểu tiểu sử độc đáo của một nhà văn bị giằng co giữa nhiều « bản sắc », mà hơn nữa, vào thời điểm tài năng chín mùi, đứng ở vị trí bản lề lịch sử của châu Âu giữa thế kỷ 19 hòa bình và thế kỷ 20 kinh thiên động địa.
Kafka, đứa trẻ của chính sách đồng hóa người Do Thái
Kafka sinh năm 1883 trong một gia đình gốc Do Thái đã bắt đầu được đồng hóa. Lúc trẻ, Kafka không mấy quan tâm đến gốc rễ Do Thái của mình, cho dù gia đình ông vẫn vào đền tham dự các buổi lễ quan trọng của Do Thái giáo. Nhưng, theo đa số các nhà nghiên cứu Do Thái hiện nay, Kafka càng trưởng thành càng cảm thấy mình lạc loài, như người mất gốc, mất lai lịch.
Phải nói thêm, cho dù người Do Thái đã di dân sang châu Âu từ ngàn năm trưóc, nhưng trong đế chế Áo - Hung, phải đợi đến 1848, tức là 35 năm trước khi Franz Kafka ra đời, cộng đồng người Do Thái mới được công nhận quyền bình đẳng. Trước 1848, người Do Thái bị đàn áp, khống chế rất dã man. Ví dụ điển hình là chẳng những họ bị đẩy ra sống ở ngoài lề xã hội, mà hơn vậy nữa, nhà chức trách giới hạn gắt gao việc tăng trưởng dân số người Do Thái với đạo luật : Chỉ có con trai đầu lòng của gia đình người Do Thái được quyền kết hôn và lập gia đình. Điểm quan trọng ở đây là Kafka đại diện cho thế hệ thứ hai, kể từ khi người Do Thái được đồng hóa, trong khi ông cụ nội của Kafka còn phải bị lưu đầy, suýt không được quyền lập gia đình, nếu sự kiện 1848 không diễn ra. Hoàn cảnh này cũng đáng lưu ý trong sự hình thành của tâm thức Kafka. Gốc gác này còn hiển hiện trong Nhật ký của Kafka. Năm 1911, ông viết : « Tôi tên là Amschel trong tiếng Hebreu (Do Thái) như ông cụ nội của mẹ tôi ».
Praha vào đầu thế kỷ 20 cũng là một thủ đô đa sắc tộc với ba cộng đồng chung sống tại đây. Đông nhất là người Tiệp, cư dân Đức thì giàu có và thiểu số người Do Thái. Nhưng tiếng Đức là ngôn ngữ chính thống của đế chế Áo - Hung. Bởi vậy, người Do Thái Praha thuộc thành phần khá giả, như gia đình Kafka, cho con học tiếng Đức hầu thăng tiến trong xã hội.
Tuy nhiên, sự kỳ thị, bài xích người Do Thái vẫn tiềm ẩn trong các xã hội Âu châu đương thời. Lâu lâu lại nổi lên các tin đồn là dân Do Thái giết người để tế lễ. Vì vậy, tại Praha, năm 1901, diễn ra nhiều cuộc biểu tình ầm ĩ chống Do Thái, hay tại Pháp, nổ ra vụ án Dreyfuss cuối thế kỷ 19. Phải đợi đến đầu thế kỷ 20, năm 1906, sĩ quan này mới được phục hồi tại Pháp.
Một dấu hiệu khác cần quan tâm là Kafka về cuối đời, nảy sinh ý định di tản sang Palestine, nơi người Do Thái xem là quê hương lịch sử của mình. Tất cả những người bạn của Kafka đều mang gốc gác Do Thái, như Max Brod. Sau này, Max Brod đã định cư tạ Palestine và viết lời đề bạt cho những tác phẩm của Kafka. Theo người đã được Kafka ủy thác thực hiện di chúc, đồng thời là người bạn tâm giao, hiểu biết cặn kẽ nhất về Kafka, đã cùng với Kafka chu du Âu châu, thậm chí dẫn dắt nhau vào các nhà thổ hưởng lạc, thì «Vụ Án» và «Lâu Đài» là hai tác phẩm anh em sinh đôi. «Vụ Án» là hành trình đi tìm công lý, trong khi «Lâu Đài» là biểu tượng của «Phúc Phận», biểu tượng của «Ân Huệ», tiếng Pháp : La Grâce). Đó là hai khái niệm thần học của Do Thái giáo mà theo sách thánh Kabbale, cho phép con người cảm nhận được sự hiện diện của Thượng Đế.
Mê cung của lịch sử
Bên cạnh ý nghĩa mang tính tâm linh vừa kể, tiểu thuyết và cả truyện ngắn của Kafka nữa hàm chứa rất nhiều ẩn dụ. Đó là những văn bản đa nghĩa – textes polysémiques – thúc đẩy các thế hệ độc giả bốn phương đi tìm lời giải.
Nhưng quan trọng không kém là khung cảnh lịch sử đầu thế kỷ 20 và đặc biệt là 20 năm đầu tiên, thời gian Kafka cầm bút trước khi qua đời năm 1924. Trong giai đoạn này, điều chưa từng thấy tại châu Âu là đại họa Thế Chiến. Đây là khái niệm chiến tranh toàn diện giữa các cường quốc như Nga, Pháp, Áo – Hung, Phổ, Ý và Anh Quốc. Bởi vậy, theo tất cả những chứng từ còn lưu lại từ ấy cho đến nay, con ngưòi Tây phương vào thời điểm đó có cảm giác lâm vào một mê cung thăm thẳm, trong khi cùng lúc sụp đổ tan tành ba đế chế vĩ đại : Đế chế Nga, đế chế Áo – Hung và đế chế Ottoman, tức Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Vienna, thủ đô Áo – Hung, nhà văn Karl Kraus xuất bản quyển sách dài tựa đề : «Những ngày cuối cùng của loài người». Còn ngoại trưởng Anh, ông Edward Grey, vào lúc mà nước ông và Đức tham chiến, đã thốt rằng : «Các ngọn đèn đã chợt tắt trên toàn lục địa châu Âu. Chúng ta sẽ không thấy đèn bật sáng trở lại trước khi chúng ta nhắm mắt». Điều này cần nhấn mạnh. Đặc điểm chung của thế hệ trưởng thành những năm đệ nhất Thế Chiến, đó là họ đều linh cảm ít nhiều thế giới thân quen, gần gũi của họ một sớm mai đã tan vỡ, nhường chỗ cho bạo lực ở một chiều kích chưa từng thấy, báo hiệu những cuộc tàn sát tập thể dã man, phản nhân văn. Phải chăng nên nhắc lại ở đây những người đương thời không thể tin vào những điều họ nhìn thấy trước mắt và họ sẽ chứng kiến trong suốt nửa thế kỷ : 10 triệu người bỏ mạng trong cuộc chiến 1914 – 1919 và ít nhất là 54 triệu người chết trong cuộc chiến 20 năm sau đó. Còn bao nhiêu trăm triệu người lưu lạc trên toàn thế giới ?
Loài người tất nhiên đã sống sót sau Đại Họa. Thế nhưng, từ lúc đó, các nhà trí thức châu Âu phỏng đoán toà kiến trúc kiên cố bảo vệ hòa bình của thế kỷ qua đã bị triệt hạ trong khói lửa. Sự an toàn không còn nữa trên thế giới này. Ở điểm này, Kafka hơn cả Joyce hay Proust, đã ghi chép lại cái không khí lo âu, sợ hãi bao trùm, sự mất mát nhân tính và những nẻo đường vô vọng của con người đi tìm sự cứu chuộc, điều sẽ diễn ra từ đệ nhất đến đệ nhị Thế Chiến, khiến cho sau này, ông được nhiều thế hệ tôn làm bậc thầy, vị tiên tri, cười ra nước mắt, báo hiệu con người sẽ không tài nào giải mã nổi thân phận chính mình.
Nhà văn Milan Kundera đánh giá : «Với Kafka, tiểu thuyết không còn là điều tự bạch của tác giả. Tiểu thuyết là cơ hội thăm dò ý nghĩa cuộc sống, khi thế giới đã trở thành mọt cái bẫy giam hãm con người».
Phần ba và cũng là phần chót của loạt bài về Kafka, với chủ đề : Tranh giành di sản Kafka.
Đi tìm lâu đài của Kafka (Phần 3) Tranh giành di sản của Kafka
Đứng ở lằn ranh giữa ba nền văn hóa, ở khúc gẫy giữa hai thế kỷ, Kafka mất năm 1924. Phải đợi khoảng 20 năm, sau khi ông qua đời, thế giới mới sửng sốt phát hiện dòng văn được xem như lời sấm truyền.
Kafka, nhà tiên tri của chế độ toàn trị hay của địa ngục tư bản
Cách đọc Kafka của đông đảo độc giả hậu chiến từ những năm 40 có thể được xem là diễn giải chính trị. Người ta đã tiếp cận với Kafka như thể tiếp cận với một nhà tiên tri. Ở trung tâm các mạch ngầm tạo nên tác phẩm, dường như đã hiện hữu những điềm dự báo khốc liệt về một sự tiền định không lối thoát.
Văn chương của Kafka thôi thúc và cảnh tỉnh độc giả trưóc đại họa và mê cung. Sau đệ nhị thế chiến, không thể đọc «Vụ Án» mà không liên tưởng đến chế độ toàn trị, nơi công an, cảnh sát ngày ngày thẩm vấn bị can mà không cần đưa ra lời buộc tội. Từ Đông Âu sang Liên Xô và Trung Quốc, biết bao các vụ án dàn dựng, biết bao nạn nhân phải chứng minh mình vô tội, chứ không phải như thông lệ, guồng máy tư pháp chứng minh bị can phạm tội.
Có một nhà phê bình đã chua chát nhận xét : Dưới chế độ Staline, người dân Liên Xô không cần phải được diễn giải Kafka, mỗi khi về đêm khi họ nghe tiếng người lạ mặt đến xô cửa.
Nghịch lý ở đây, một lần nữa, bao trùm lên di sản Kafka khi quan sát thấy rằng Liên Xô đã kiểm duyệt tác phẩm của Kafka mãi đến cuối thế kỷ. Còn tại Tiệp và Đông Âu, văn chương Kafka hoàn toàn bị cấm đoán. Trong khi ở Tây Âu, Kafka được xem là « phản ứng đối với quyền lực vô hạn », lời của Theodor Adorno, thì tại các nưóc xã hội chủ nghĩa, Kafka bị các nhà mác-xít gán cho nhãn hiệu ngòi bút thể hiện sự « tha hóa của con người, trong một xã hội tư bản trì trệ, tù đọng », theo lời Georg Lukacs. Nói cách khác, các mâu thuẫn của đế chế Áo – Hung suy tàn, theo họ, đã phản ảnh vào các tác phẩm của Kafka để thể hiện « địa ngục tư bản ».
Các nhà sử học ghi nhận, năm 1963, nước Tiệp Khắc của thời kỳ chuyển tiếp sang chủ nghĩa xã hội mang gương mặt nhân bản đã toan phục hồi cho Kafka. Họ đã tổ chức một hội nghị thảo luận về Kafka. Trong không khí «tan băng», một số nhà tư tưởng như Roger Garaudy của Pháp, thuộc đảng cộng sản, nhưng chủ trương «đổi mới» đã bênh vực cho Kafka, xem các tác phẩm như «Vụ Án» và «Lâu Đài» là chim én báo hiệu mùa xuân. Ngay tức khắc, nhà tư tưởng Đông Đức của đảng cộng sản nước này, ông Alfred Kurella, đã bác bỏ và nói móc : «Đồng chí Garaudy đừng nhầm lẫn chim én với loài dơi ngủ ngáy suốt ngày trong các hành lang và tầng trệt của các lâu đài xưa cũ và các tòa án ». Ông Kurella gạt phắt mọi ý định phục hồi cho Kafka khi kết luận : «Kafka là nhà văn của sự tha hóa. Trong các nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta, không còn sự tha hóa của con người. Bởi vậy, không cần đến Kafka ».
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, theo tạp chí Literarny Noviny của Tiệp Khắc, hàng ngàn người dân Tiệp, trong sở làm, trong các cửa hàng, trên xe điện, mỗi khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trắc trở hàng ngày, trong một xã hội tha hóa và bị thao túng, họ thủ thỉ thầm thì với người lạ mặt đứng gần : «Đúng là Kafka » và họ ngẩng mặt lên trời như tìm ngưòi làm chứng.
Còn người dân Liên Xô khi đọc được Kafka qua những văn bản truyền tay, ngay từ dòng đầu của «Vụ Án» : « Chắc hẳn có người bôi nhọ Joseph K, bởi vì chẳng làm điều gì nên tội, nhưng ông ta đã bị bắt vào một buổi sáng », thì họ đã tưởng rằng Kafka là nhà văn Nga đấy.
Kafka và lời sấm truyền về số phận nghiệt ngã của người Do Thái
Không chỉ ở Đông Âu, lối kiến giải chính trị cũng thịnh hành ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt là người Do Thái sống sót sau khi Đức quốc xã đã lùa vào lò thiêu 6 triệu đồng bào của họ và chửi rủa rằng «Chúng mày là loài sâu bọ». Người Do Thái cũng như đông đảo độc giả hậu chiến không thể đọc «Hóa Thân» và «Lâu Đài» mà không soi gương, ngỡ ngàng tìm thấy ở hành trình vô vọng của K định mệnh của dân tộc Do Thái truyền kiếp, vẫn là kẻ ngoại cuộc, người lưu vong không thấy nơi đâu chốn an toàn.
Ác mộng của Kafka đã biến thành sự thật. Nhiều người thân của Kafka đã không tránh khỏi lò thiêu Đức quốc xã. Milena, người tình của Kafka đã chết trong một trại tập trung của phát xít Đức. Mối đe dọa diệt chủng trong những bức thư của Kafka gửi đến Milena và Max Brod sau này được công bố, cho thấy Kafka đã ít nhiều linh cảm được tai họa này. Ở đây, các phê bình thuộc trường phái này còn minh chứng truyện ngắn «Trại Tù» - «La colonie pénitentiaire», báo hiệu cho thời đại diệt chủng mà Kafka đã tỉnh táo giải mã.
Tại Pháp, một Kafka siêu thực, hiện sinh
Tại Pháp, bản dịch đầu tiên của «Vụ Án» ra mắt vào năm 1933. «Lâu Đài» được xuất bản năm 1938. Phải đợi đến năm 1946, độc giả Pháp mới được thưởng thức tác phẩm «Châu Mỹ» sau nay được đổi tên là «Người mất tích». Còn tập «Hóa Thân» thì đến tay, độc giả Pháp năm 1938, sau khi đã được đăng trích đoạn trong 3 số của tập san Nouvelle Revue Française 1928.
Ngược dòng ngoảnh nhìn về mốc thời gian Kafka xuất hiện tại Pháp, có thể khẳng định bóng nhà văn này thật to lớn, bởi nó phủ lên hai trào lưu nghệ thuật mãnh liệt, sung sức nhất thế kỷ 20, đó là chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện sinh. Kafka đã mất quá sớm để có thể tiếp xúc với các bậc thủy tổ của hai trào lưu này : André Breton thuộc phái siêu thực, Jean Paul Sartre hay Albert Camus thuộc phái hiện sinh. Thế nhưng, ông đã báo hiệu sức bật của siêu thực, khi ông kết hợp ảo và thực, khi ông hòa nhập giấc mộng vào cuộc sống đời thường.
Điều này đã quá rõ trong văn chương Kafka. Ví dụ như trong «Lâu Đài», tòa nhà cứ sờ sờ trước mắt, nhưng K không tài nào tìm được ngõ vào. Lần đầu, con đưòng tưởng chừng dẫn vào cổng Lâu Đài, thì quanh co lại đưa K trở về khởi điểm. Có lần, tìm được người chỉ đường, thì K quá mệt mỏi, chợp mắt ngủ một giấc. Càng tìm hiểu và quan sát Lâu Đài, K càng cảm thấy mình lạc lối trong mờ bòng bong nghi vấn và lời nói dối.
Ở đây, bài học siêu thực đã được minh họa tài tình, khi cái nhìn về hiện thực trước mắt từ từ buộc K đạp đổ mọi điều khả tín. Với Kafka cũng như với các tín đồ siêu thực sau này, ranh giới giữa thực và ảo không còn nữa, trong tiểu thuyết. Sau trường phái siêu thực, những nỗ lực vô vọng của K được thế hệ hiện sinh hậu chiến của Pháp xem là biểu tượng của sự phi lý. Albert Camus đã giải mã Kafka như những ngụ ngôn của thân phận con người trở thành kẻ xa lạ trên thế giới này. Những mối lo âu, ám ảnh của Kafka được mô tả như nhịp cầu nối kết thế kỷ 20 hiện sinh với các bậc tiền bối như nhà triết học Kierkegaard, người đã cảnh báo : «Con người không còn khả năng trợ giúp hay cứu chuộc thời đại mình, mà chỉ còn có thể chứng kiến cái mất mát».
Từ Max Brod với «Phúc Phận» cho đến cái mất mát của thời đại, theo phái hiện sinh, đó là những dòng diễn giải chính yếu về Kafka. Nhưng còn vô số các học giả khác đề nghị xem xét Kafka theo lăng kính phân tâm học, hoặc ngược lại, giải phóng Kafka khỏi cứu cánh tôn giáo hay chính trị, trở về với một Kafka thuần thẩm mỹ. Hiện nay, có thể tập hợp hàng chục ngàn quyển sách nghiên cứu Kafka trong một thư viện khổng lồ. W.H.Auden, nhà thơ vĩ đại Anh Quốc đánh giá rằng : «Nêu danh một nhà văn mà vai trò đã ảnh hưởng sâu đậm đến thời đại của chúng ta không kém gì dấu ấn của Dante, Shakespeare hay Goethe, với các thế hệ đưong thời, thì người đó sẽ là Kafka».
Nếu chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của tiểu thuyết, một nghệ thuật mà mỗi vùng tối được phát hiện đều trở thành cái đẹp, thì hôm nay hay ngày mai, mặc ai cứ thuyết giảng, độc giả thế kỷ 21 cứ lần giở Kafka để nghe ngân vang trong lòng những ý tưởng được đánh thức, những tiềm năng được thúc giục. «Hãy cất bước tìm Lâu Đài, mặc dù đường đời nhiều nguy nan».
Bảo Thạch
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét