14.
Mẹ tôi là một người mẹ cứng cỏi. Có lẽ sau này tôi thừa hưởng
được tính cách ấy từ trong dòng máu của bà. Một tính cách mà nhờ nó tôi đi hết,
vượt qua được những khúc quanh của số phận mình.
Lúc tôi về đến nhà, thấy mẹ tôi đang ngồi lặng yên như hóa đá bên
bếp lửa đã tắt tự bao giờ.
Tôi đứng ngoài sân mà mẹ không biết. Không còn con chó nào để
sủa, để mừng quấn quýt chào đón tôi như mọi lần. Người ta đã đập chết chúng và
mang đi từ mấy hôm trước khi tôi về.
Tôi cất tiếng gọi, mẹ mới quay lại, nhìn tôi
không nói câu nào. Mặt mẹ đen xạm lại, đôi mắt trũng sâu, một mớ tóc bạc rối bù
lộ dưới vành khăn mỏ quạ mẹ tôi đội trên đầu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nét
mặt mẹ như vậy bao giờ!
Linh tính báo cho tôi biết đã xảy ra việc không hay, chẳng lành
với gia đình bấy lâu xa cách của mình.
Tôi chưa hết thảng thốt thì mẹ từ trong bếp ra, ôm lấy kéo đầu
tôi vào ngực mình. Không thấy mẹ khóc, chỉ những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ
lăn xuống cổ, xuống vai áo tôi. Mẹ nói như nói thầm:
- Con đã về.. Nhà mình gặp tai họa rồi!
- Chuyện gì hả mẹ?
Bàn tay xương xẩu của mẹ chỉ lên phía nhà trên, chỗ hai cánh cửa
có dán hai tờ giấy màu đen xỉn dán chéo nhau. Tôi vẫn chưa rõ chuyện gì? Mẹ tôi
lại nói:
- Nhà mình bị quy thành phần, bố con đang bị nhốt ngoài đình, còn
nhà cửa bị niêm phong, con vào đây, không lên chỗ đấy được đâu.
Mẹ tôi nói đến đấy, tai tôi đã ù đi. Tôi thực sự choáng váng,
không nghe được những câu sau mẹ nói gì? Đất dưới chân tôi như chao đảo. Tôi
nhìn thấy xung quanh như nhòa đi. Có lẽ tôi đã khóc.
Tôi không ngờ mẹ tôi vẫn đủ bình tĩnh, bà bảo:
- Con về được tới đây mẹ đỡ lo rồi. Mọi sự rồi cũng sẽ qua thôi
con ạ, có cơn mưa cơn bão nào kéo dài được mãi đâu!
Mẹ nói vậy, nhưng làm sao tôi an tâm được vào lúc này?
Tôi hỏi mẹ anh tôi đã về chưa? Mẹ bảo có lẽ
đơn vị người ta không báo cho anh biết.
Trong ba chị em, tôi là người duy nhất được hay tin này. Anh tôi
đang trong quân đội, có thể người ta sợ ảnh hưởng công tác của đơn vị, nên
không ai báo tin này.
Chị Nhiên tôi chồng đang có cương vị đặc biệt, cũng không ngoài
tình trạng ấy. Còn tôi người ta báo vì lý do gì?
Tôi chưa kịp hỏi, mẹ tôi đã nói:
- Thôi, cất túi nải vào trong kia. Hai mẹ con mang cơm ra cho bố
con rồi về ăn sau. Nếu con mệt thì ở nhà cũng được, mẹ đi một tí rồi về.
- Không, con đi cùng mẹ.
Tự nhiên tôi không còn thấy đôi chân mỏi nhừ như lúc ngồi thuyền
sang sông. Lạ một nỗi cái đói cồn cào khi nãy tan biến. Chỉ còn nỗi thắc thỏm
làm tôi quên hết mọi cảm giác lúc mới bước chân về đến nhà.
Mẹ tôi sơi cơm ra cái liễn bằng xứ có nắp đậy, gói chút muối vừng
vào mảnh lá chuối khô đặt lên trên. Còn có thêm một chiếc chai đựng nước uống
và cái khăn mặt mang cho bố tôi.
Tôi hỏi chỉ có bây nhiêu thôi ư? Mẹ bảo ừ. Có mang thêm gì người
ta cũng không cho nhận vì đang quá trình hỏi cung.
Tôi hỏi mẹ bố mắc tội gì mà bị người ta hỏi? Mẹ tôi nói đến mẹ
cũng không biết tội gì. Thời buổi này cái tóc cái tội, con đừng hỏi nhiều,
không có lợi cho bản thân.
Hai mẹ con đi theo lối nhỏ vòng phía sau đình. Hình như mẹ cố ý
tránh con đường rộng phía trước cửa. Ở đấy lố nhố thấy mấy người cầm súng đứng
gác. Đàn ông, đàn bà người nào người nấy ngang lưng đều thắt dây lưng to bản
mang bao đạn xề xệ một bên, nét mặt ai cũng đanh lại vì nghiêm nghị thái quá.
Tôi nhận ra Cu tèo em anh cu tý. Nó hơn tôi hai tuổi nhưng đã có
vẻ người lớn, trán thót, má bạnh ra như hổ mang bành, cặp lông mày xếch, nom
rất dữ tướng. Nó làm như không biết mẹ tôi là ai, quát:
- Ê mụ kia, đến đây có việc gì?
Không hiểu sao lúc đấy mẹ tôi có vẻ luống cuống ( cũng có thể mẹ
cố ý làm ra vẻ sợ sệt như thế để lấy lòng nó? ):
- Xin phép ông, tôi mang tý cơm lên cho chồng tôi ạ!
Nó quát:
- Chưa đến giờ, cơm nước cái gì, mang về đi!
Mẹ tôi khẩn khoản:
- Ông ấy ngày hôm qua sốt cao, chưa ăn tý gì vào bụng. Các ông
thể tình thương cho tôi vào một tý rồi tôi ra ngay, không dám ở lâu..
Mấy người dân quân đưa mắt nhìn nhau, như thể hội ý.
Một chị có tuổi, chân tay dóng một, ngực lép có vẻ chần chừ, lúc
sau gật đầu:
- Thôi mụ ấy đã mang ra, trước sau cũng một lần, cho nó vào đi.
Nhưng đồng chí nào kiểm tra xem mang những gì vào? Có giấy tờ gì hay dụng cụ để
trốn không?
Một tay mặt gãy hất hàm nói trống không bảo mẹ tôi:
- Mang lại đây xem nào?
Hắn bẻ cái que bờ rào gần đấy, bới liễn cơm, ngó chai nước, nói
với người kia:
- Báo cáo chị, không có gì ạ!
Người đó nói:
- Chỉ được mười lăm phút thôi đấy. Nếu vi phạm ngày mai cắt không
cho gặp, mụ rõ chưa?
Mẹ tôi từ tốn:
- Thưa rõ ạ!
Mẹ tôi đậy điệm lại, cui cúi đi vào. Tôi theo mẹ tôi được mấy
bước có tiếng quát, gọi giật lại:
- Này thằng kia, ai cho mày vào đấy mà vào?!
Tôi cố lấy vẻ bình tĩnh:
- Dạ em đây, anh Tèo không nhận ra em sao?
Cu tèo trừng mắt:
- Ai anh em với nhà mày? Từ nay cấm chỉ không được gọi như vậy
nghe chưa? Thành phần phức tạp, anh em với chúng mày liên quan để chết ông à?
Tôi sững người, choáng váng vì câu nói của anh ta. Nhà anh ta có
bảy anh chị em thì có đến năm người sinh ra và lớn lên trong nhà tôi. Bố mẹ tôi
cho ăn, cho ở từng ấy năm trời. Không ai ngờ sự thể bây giờ lại xảy ra như thế
này. Có cái gì uất ức, tủi cực dồn lên cổ khiến tôi nghẹn thở. Chân tay túa mồ
hôi như bị cảm đột ngột.
Tôi nằn nì một lúc, cũng không có kết quả gì. Chợt từ phía trong
đình có tiếng gọi của một người mặc áo sơ mi màu xanh sĩ lâm vọng ra:
- Đồng chí nào ở ngoài đó đưa tên Tính vào gặp tôi!
Cu Tèo bỗng trở nên phấn chấn:
- Báo cáo thượng cấp, tôi nghe rõ!
Quay sang tôi, anh ta bảo:
- Đi theo tao, thượng cấp muốn gặp mày!
Tôi chưa biết thượng cấp là ai? Gọi tôi về việc gì?
Còn đang ngơ ngác, cu Tèo đẩy mạnh vào vai làm tôi suýt ngã:
- Đi!
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét