Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên buổi chiều hôm ấy. Một buổi
chiều nhuốm màu mỡ gà pha sắc hồng kì dị, khác hẳn ngày thường. Nền trời ráng
đỏ đang hắt xuống dòng sông thứ ánh sáng u buồn, man man khó tả. Những hàng me
dọc bến sông lá nhuốm màu như màu sắt gỉ. Lặng ngắt không một sợi gió ngang qua.
Khung cảnh đột nhiên như chững lại, u trầm. Đường phố đang nhộn nhịp bỗng thanh
vắng khó hiểu, không biết người ta đã về nhà hay còn mải đi đâu?
Có một điều gì đó không gọi thành tên chờ đợi tôi, bởi vì tôi
chính là chàng trai vừa từ phòng ban giám hiệu, gặp thầy hiệu trưởng ra. Chàng
là cái vẻ bề ngoài của tôi và tôi là cốt lõi tâm tư của chàng. Chúng tôi là hai
vòng tròn đồng tâm, rất ít khi lệch nhau, nhưng lúc này bắt đầu xung đột và mâu
thuẫn.
Tôi chỉ muốn phá tan đi vẻ thản nhiên bề ngoài của chàng, còn
chàng lại đang cố kìm nén sự thấp thỏm, vùng vẫy, bứt phá bên trong của tôi..
Bá tôi đang cộng sổ bên quầy hàng. Đó là công việc thường ngày
của bà. Bà cần phải biết mua bán trong ngày lời lỗ ra sao? Dượng tôi đang ngồi
bên chiếc bàn gỗ mộc kê sâu trong nhà. Tay ông
vẫn cầm chiếc điếu ục to tướng vừa mới xì bã thuốc lào. Cả hai người như chả để
ý gì đến tôi cho đến lúc bác dượng để ý nét mặt chàng trai mới bước vào nhà có
vẻ khác thường. Ông dựng lại chiếc điếu và hỏi:
- Có việc gì hả con?
Không hiểu sao lúc đó tôi lại không trả lời ông, đi lại phía sau
cánh cửa, lấy chiếc tay nải, lặng lẽ đi ra, định về.
Thấy vậy bác tôi gặng hỏi:
- Sao tao hỏi mày không nói? Đứa nào đánh hay gây sự với mày mà
mặt mày tái dại thế kia?
Tôi đưa bác tôi tờ giấy thầy hiệu trưởng đưa.
Ông đọc, trầm ngâm một lúc không nói gì. Sau đó ông gọi bá tôi
vào trong nhà. Hai người trao đổi gì đó rất lâu.
Tôi đoán là hai người đang bàn tán sự vụ từ tờ giấy khá đặc biệt
này. Cho đến bấy giờ, thực sự tôi cũng chưa biết đang xảy ra điều gì.
Xong.
Bác tôi bảo:
- Thôi cháu không phải về ngoài nhà nữa. Tao sẽ bảo cái Nhiên nó
ra thu vén và trông nom nhà cho. Cháu cứ ở đây, để bác xem hư thực thế nào?
Người ta đã gọi, cháu phải về, không thể lẩn tránh được. Nhưng mình biết chuyện
gì vẫn tốt hơn. Bây giờ đi tắm rửa, sửa soạn đồ đạc sớm mai đi sớm. Để bác ra
trường gặp ông hiệu trưởng hỏi kỹ lại xem sao?
Nói rồi bác dượng tôi đi luôn. Bá tôi nhìn tôi có vẻ ái ngại.
Sự quan tâm của hai người khiến tôi ứa nước mắt. Tôi tuy là cháu
bên ngoại, nhưng luôn được hai bác coi như con đẻ của mình.
Bác dượng tôi đi, mãi tối một lúc lâu mới về. Ông cũng không hỏi
thêm được điều gì hơn. Không hiểu ông hiệu trưởng không hay biết gì thực, hay
vì nguyên tắc bí mật, chỉ nói mỗi câu:
- Chắc cũng không có chuyện gì đâu. Tính là một trò tốt, không
sai phạm gì ở trường. Hơn nữa còn là học sinh giỏi hàng năm, các thầy cô rất
quý..Cũng có thể ở dưới quê, địa phương muốn triệu tập em về giúp địa phương vì
người có văn hóa hiện nay chỗ nào cũng thiếu. Hoặc người ta cần cử người ra
nước ngoài học tập, đào tạo cán bộ nguồn. Kháng chiến mới thành công, cán bộ
thiếu và đang cần rất nhiều thanh niên như cậu ta. Bác không nên lo lắng quá..
Bác tôi không biết nói sao nữa. Ở tuổi ông, lời giải thích của
thầy hiệu trưởng nghe không được ổn lắm.
Nếu vì những lý do trên, nội dung và lời lẽ trong giấy triệu tập
tôi sẽ khác, không phải khô khan, lạnh lùng như vậy, dù có là cách nói của
chính quyền.
Tôi nhìn vẻ mặt của bác mà đoán vậy, chứ thực ra ông chưa nói gì.
Bác tôi định bảo anh Bình chồng chị nhiên cùng về với tôi. Dù sao
anh ấy bây giờ đang là cán bộ, thông thạo tình hình, biết cách thu xếp. Anh về
cùng tôi các bác sẽ yên tâm hơn. Nhưng anh Bình đang bận một lớp tập huấn cho
cán bộ huyện từ các nơi về. Cách mạng đã thành công, kháng chiến thắng lợi,
nhưng theo chỉ thị của trên vẫn còn nhiều việc phải làm. “Kẻ địch và các thế
lực phản động chưa cam tâm chịu thất bại, vẫn đang nhen nhóm, ngóc đầu dậy
chống phá ở một vài nơi trong tỉnh, nên không thể lơ là. Bọn Quốc Dân Đảng, Đại
Việt, Nhất Tâm Dân Tộc, tổ chức của người Hoa đang tìm cách móc nối với bên
ngoài, hoạt động lật đổ bên trong”. Là cán bộ an ninh, nên anh ấy rất bận vào
lúc này.
Bác tôi cũng vừa được cử làm tổ trưởng dân phố. Một chức danh
không lấy gì làm to tát mà công việc cũng rất bận.
Trong khu của ông vừa xảy ra hiện tượng đáng ngờ. Người ta vừa
bắt đi một ông nhà văn “nghi có chân trong một tổ chức phản động” địch cài lại.
Ông cũng không thể thân chinh đưa tôi về quê.
Thấy cả nhà lo lắng cho tôi như vậy tôi rất cảm động. Nhưng dù
sao, tôi cũng đủ khôn lớn để tự lo cho mình.
Hơn nữa về dưới quê còn có bố mẹ, họ hàng, bà con chòm xóm..chắc
cũng chẳng có gì ghê gớm đến mức phải lo nhiều như vậy.
Tôi nói vậy.. Cuối cùng cả hai bác và anh Bình, chị Nhiên tối hôm
đó đành lòng để tôi sáng hôm nay đi sớm.
Tôi đã đi qua chặng đường chỉ nhớ được những điều vừa kể.
Cuối cùng cũng về đến bến sông, nơi năm xưa ông Tú dừng chân. Chỉ
có điều cây gạo còng đã đổ và quán nước của bà lão gù lưng bây giờ không còn
nữa.
Trước mặt tôi là dòng sông quen thuộc năm nào. Vẫn những cánh
buồm nâu xuôi ngược giữa đôi bờ.
Sao giờ đây tôi thấy nó có vẻ gì khác lạ?
Hình như nó không rộng,
dài miên man như trước. Phải chăng đang mùa nước cạn, tôi có cảm giác đó chăng?
( Còn nữa..)
Đọc thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét