Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013
ÔNG TƯỢNG ĐÁ
Thái bá Tân
Thơ cổ Triều Tiên có một bài thâm thúy, khiến đọc xong, ta cứ suy nghĩ lan man mãi.
Một ông mù
Dắt một ông mù khác qua cầu.
Cầu thì hẹp, sông thì sâu
Nhiều lần suýt ngã.
Thế mà bên đường, ông tượng đá
Còn ngửa mặt lên cười.
Tôi cũng thế. Không chỉ vì tôi là người đọc mà còn là người dịch nó ra tiếng Việt cách đây mấy chục năm. Thỉnh thoảng đọc lại, tôi thường nghĩ lan man đủ chuyện, tùy hoàn cảnh, tâm trạng và mức độ cảm nhận. Lúc đầu tôi nghĩ về sự không hoàn thiện của cuộc đời, về sự nhạo báng trâng tráo của con người với nỗi đau đồng loại. Rồi tôi nghĩ có thể ông tượng đá chỉ cười trời, cười chính bản thân mình, hay đơn giản bỗng dưng thích thì cười chứ chẳng liên quan gì đến việc hai ông già mù dắt nhau qua chiếc cầu chênh vênh, phía dưới là dòng nước xiết. Còn hôm nay đọc lại lần nữa trước khi đưa bài thơ yêu thích vào cuốn sách sắp in, tôi chợt thấy những kiểu suy luận trên chỉ mang tính chủ quan áp đặt. Thay vào đó, nó bỗng gợi tôi nhớ (không hiểu sao mãi đến giờ tôi mới nhớ) rằng ở quê tôi, ngay đầu làng, cũng có một ông tượng đá như thế. Cũng ngửa mặt lên trời và cười. Cũng bên chiếc cầu và dòng sông.
Thực ra, gọi sông thì hơi quá. Nó chỉ là con kênh nhỏ, Kênh Nhà Lê, chạy suốt từ phía nam Bắc Bộ tới Hà Tĩnh. Lòng kênh hẹp, lại nông nên chỉ khi nước lên thuyền mới đi lại được. Ðoạn chảy qua làng tôi có những hai chiếc cầu, cầu Thượng và cầu Hạ. Cầu Thượng được đổ xi măng từ lâu để ô tô ngược lên các huyện phía trên. Còn cầu Hạ trước chỉ là chiếc cầu khỉ với dăm cây phi-lao bắc ngang trên những thanh ray cắm đứng xuống nước làm giá đỡ. Gần đây nó được xây lại, có hai trụ hẳn hoi, nhưng lòng cầu chỉ rộng khoảng mét rưỡi.
Ông tượng đá đứng không xa cầu Hạ, trên nền một ngôi đền cổ bị người ta phá làm trụ sở ủy ban xã cái thời rộ lên phong trào chống mê tín dị đoan. Có lẽ trước đây ông mang một ý nghĩa thiêng liêng nào đó, một vị thần hay phật chẳng hạn mà bây giờ đời sống mới chẳng ai còn nhớ. Dân làng, nhất là bọn trẻ, chỉ đơn giản gọi ông là "ông tượng đá". Cạnh ông có một con voi, một con ngựa cũng bằng đá nguyên khối. Cả ba cùng hướng về dòng sông và chiếc cầu. Ðó là tất cả những gì sót lại từ ngôi chùa mà người ta không thể hoặc chưa kịp đập đi lấy đá xây nhà. Sau này, khi có chủ trương khôi phục lại chùa chiền, lễ hội, người ta định đưa ông cùng con voi, con ngựa về đặt trên sân trụ sở ủy ban xã làm vật trang trí, nhưng thấy nặng quá nên thôi.
Con voi và con ngựa trông thật buồn, dường như chúng đang thiu thiu ngủ và chẳng mấy quan tâm đến thời cuộc, cũng chẳng khó chịu khi bọn trẻ trong làng hàng ngày cưỡi, ném đất bùn hay vẽ bậy lên người chúng. Con voi ở tư thế quì, cụt cả hai ngà, bên hông phải có vết sứt lớn. Con ngựa thì đứng, cái đuôi cụp vào bụng do vậy còn nguyên, hai tai vểnh lên, lại mảnh nên tất nhiên bị mất từ lâu. Ông tượng đá cũng bị bôi bẩn đầy người. Chim còn đến ỉa cả lên đầu. May người ông cao vượt quá tầm với, đứng khoanh tay ôm chiếc bụng phệ, mũi lại tẹt nên còn nguyên vẹn, ngoại trừ ít vết xước nhỏ phía dưới.
Ở ông, ít ra trong tình trạng hiện nay, chẳng toát lên điều gì linh thiêng. Mọi người chỉ coi ông là phiến đá dựng đứng có hình người ngồ ngộ. Nếu quả linh thiêng thần thánh thì chắc ông đã chẳng cho phá ngôi đền thờ ông, hoặc chí ít cũng cưỡi lên voi ngựa bỏ đi từ lâu để khỏi chịu cảnh ngày đêm mưa nắng và lũ dân làng vô lễ xúc phạm. Cũng có thể ông từ bi, thoát tục đến mức không thèm để ý những điều vụn vặt ấy, nên chỉ ngửa mặt lên trời mà cười. Cười gì thì không ai biết, có lẽ cả người tạc ra ông cũng vậy. Trông ông có vẻ hiền, không xỏ xiên thâm ác. Ít ra không cười những người đi qua cầu Hạ chẳng may rơi xuống sông. Ngày xưa điều này thường xảy ra, đặc biệt với lũ trẻ chúng tôi khi mỗi ngày hai lần đi học phải qua nó. Ðược cái cầu không cao, nước lại nông nên chẳng đứa nào chết đuối.
Tôi chưa đến Cămpuchia để biết nụ cười bí ẩn của tượng đá Bayon thế nào, chứ cái cách cười của ông tượng đá làng tôi thì chẳng có gì đặc biệt. Thậm chí nhạt phèo. Có kẻ tục tĩu còn bảo cười đểu. Ai nghĩ gì, mặc, bao năm nay ông đã và chắc sẽ còn tiếp tục nhiều năm nữa đứng đấy, và cười. Chẳng sao. Người ta tạc ông để cười thì ông cứ việc cười. Một nụ cười vô hại. Dần dần chẳng mấy ai quan tâm đến ông, kể cả việc vì sao ông cứ ngửa mặt lên trời mà cười mãi.
Vậy mà ở làng tôi lại có người luôn bị ám ảnh và khó chịu bởi nụ cười vô hại ấy.
Ðó là lão Kền. Lão sống một mình, không vợ con, thân thích, không nhà cửa, và ăn uống cũng không nốt. Vì lão sống bằng rượu. Không thể để trong làng có người chết đói, người ta dựng cho lão chiếc chòi giữa đồng để trông hoa màu và ao cá hợp tác. Hàng tháng lão đến ủy ban xã nhận mấy cân gạo, gọi là tiền công cũng được mà trợ cấp nghèo đói cũng được. Phần lớn số gạo ấy lão đem đổi lấy rượu ở cửa hàng mụ Tám Béo. Cần thức ăn, lão xuống sông mò hến, bắt tôm. Không có gạo thì lão ra cánh đồng mà lão được giao nhiệm vụ canh giữ để bẻ ngô, moi khoai về ăn. Vì vậy lão cứ sống bình yên như mọi người lương thiện khác.
Gọi là "lão" vì vẻ ngoài tiều tụy và lối sống bê tha chứ không hẳn vì tuổi tác. Lão chưa đến năm lăm, tức cùng tuổi tôi và từng cùng tôi học hết cấp hai. Sau đó tôi lên tỉnh học tiếp, còn lão thì ở nhà giúp ông bố làm ruộng. Mẹ lão chết từ lâu, để bố lão, cũng nghiện rượu nặng, sống một mình với thằng con duy nhất. Trước lão cũng bình thường như bao người khác, không hiểu do đâu nên cơ sự này. Có người bảo vì lão không lấy được cô Mật làng bên mà thất tình, đâm ra rượu chè. Có người lại nói lão bị quỷ ám, bằng chứng là không chỉ bê tha mà còn dở người, thường nói những câu rất kì cục. Lão thích trích dẫn lời người xưa và rất mê đọc sách, một việc lạ với những người như lão ở vùng quê heo hút thế này. Nhưng có một nguyên nhân hiển nhiên mà ai cũng biết, đó là cái chết của bố lão. Mà lão thì yêu bố lắm. Sau khi bố chết, dường như lão không muốn sống nữa. Thế là bắt đầu buông thả.
Thỉnh thoảng về quê, tôi có gặp lão. Theo phép lịch sự, tôi thường dừng lại chuyện trò với lão một chốc. Dẫu sao cũng là bạn học cũ với nhau. Lão còn học giỏi hơn tôi cơ đấy. Lão hay nói, không ít câu chí lý. Thực tình tôi thấy ở lão chẳng có gì khác thường ngoài mùi rượu, mùi mồ hôi nồng nặc và đôi mắt lúc đờ đẫn lúc chợt lóe sáng như mắt người điên. Một lần lão mời tôi "vào nhà" uống rượu, và tôi đã ngồi với lão trong cái chòi chơ vơ giữa đồng cả tiếng đồng hồ. Lão thắp nến, rót rượu ra hai chiếc bát mẻ. Lúc ấy mới xế chiều và trời còn nắng. Tôi hỏi sao phải thắp nến, lão bảo thế uống rượu ngon hơn, mới đúng kiểu người xưa. Chúng tôi chỉ nói chuyện tào lao. Tôi né tránh đời riêng của lão, còn lão thì cố lái câu chuyện sang văn chương. Hóa ra lão biết khá nhiều điển tích cũ, cả ta lẫn tàu, không hiểu đọc được ở đâu. Thấy vậy, tôi tặng lão tập Thơ cổ phương đông tôi mới in, làm lão cuống lên vì mừng. Bài thơ cổ Triều Tiên kia lão đọc từ đấy, và cũng từ đấy mới xảy ra những chuyện rắc rối sau này.
Chắc bài thơ phải tác động lên lão mạnh lắm. Suốt ngày hôm ấy và liên tiếp mấy ngày sau lão chỉ đọc và suy nghĩ về nó. Lão nghĩ tới cái đêm xa xưa nọ, khi bố lão uống rượu say đi qua cầu Hạ ngã xuống sông chết đuối, mấy ngày sau người ta mới thấy xác nổi lên. Lão hình dung hai ông già mù trong bài thơ Triều Tiên cũng có thể dễ dàng rơi xuống sông và chết như bố lão. Rồi lão nghĩ tới sự đểu cáng của ông tượng đá thấy vậy còn "ngửa mặt lên cười". "Ðồ mất dạy, - lão lầm bầm. - Ông mà ở đó thì ông đập vỡ mặt, xem còn cười nữa không". Bỗng dưng lão nghĩ tới ông tượng đá bên cầu Hạ, cách chòi của lão không xa. Cũng chiếc cầu, dòng sông. Cũng ông tượng đá ngửa mặt cười. Chỉ khác là bố lão không mù và một mình khi qua cầu. Nhưng bố lão lại chết. Thế mà thằng người đá này còn cười. Ðến bây giờ vẫn cười. "Ðồ đểu! Ðồ bất nhân! - lão chửi to thành tiếng. - Không biết từ ngày ấy đến nay bố mày khổ chưa đủ hay sao mà mày còn cười?"
Rồi lão ngất ngưỡng ra sông, đến đứng trước bức tượng. Ðể tỏ thái độ khinh bỉ, lão tụt quần tè luôn một bãi, còn cố vẩy thật cao cho nước đái té lên. Nhưng ông tượng đá không thèm để ý, vẫn ngửa mặt lên trời cười như bao năm nay. Ðiều này càng làm lão càng thêm tức. Trên trời là khoảng không bao la màu xám, chẳng có gì đáng cười.
- Mày cười bố mày đó hả? - lão quát to vào cái mặt phè phè, má xệ, mũi tẹt và cái miệng cười ngoác đến mang tai của ông tượng. Ông không thèm đáp. Lão lần nữa nhắc lại câu hỏi hỗn xược của mình, trừng trừng nhìn lên với vẻ đầy hăm dọa. Bất chợt lão thấy bức tượng khẽ nhíu mày gật đầu. Lão giật mình. Hay lão nhầm? - Sao, mày thật sự cười bố mày đó hả? - lão lại hỏi, cốt để kiểm tra điều vừa phát hiện. Thật lạ lùng, lần này lão cũng thấy bức tượng gật đầu.
Lão đứng đớ người một lúc, không biết phải làm gì. Rồi như một thằng điên thực sự, lão vừa luôn tay ném đất đá vào ông tượng, vừa chửi bới ầm ĩ:
- Ðược lắm. Thế thì cười đi, cười nữa đi này! Chắc ngày xưa mày cũng cười đểu như thế khi bố tao rơi xuống sông! Này, này, cười nữa đi! Không khéo chính mày làm bố tao chết. Thế mà giờ còn dám ngửa mặt cười!
Một lúc sau, phần vì thấm mệt, phần tỉnh rượu không còn hăng như trước, lão hổn hển bỏ về chòi, vẫn không ngớt lảm nhảm chửi. Bây giờ thì lão tin chắc cách này hay cách nọ thằng người đá kia có liên quan đến cái chết của bố lão.
Ðêm ấy lão đem hai cân gạo cuối cùng đến cửa hàng mụ Tám Béo đổi lấy rượu, uống say khướt rồi lại ra sông. "Chuyến này phải cho hắn biết tay!" Lão thủ sẵn chiếc gậy tre khá dài. Tới nơi, sau khi quát hỏi lại những câu ban chiều và tưởng (vì trời tối lão không nhìn thấy) ông tượng đá vẫn gật đầu, lão liền lấy gậy vụt lia lịa, chốc chốc dừng lại chửi rủa hoặc nhổ nước bọt vào ông, hệt như ngày xưa người ta đánh và nhổ nước bọt vào tượng đồng vợ chồng Tần Cối trong tư thế quì trước mộ Nhạc Phi cạnh chân núi Thê Hà, ở Hàng Châu bên Trung Quốc. Tượng Tần Cối được dựng lên để người đời làm nhục tên gian thần. Còn người ta tạc ông người đá này để ông cười, thế mà lão lại đánh ông.
Suốt mấy đêm liền lão đánh ông như thế, nhưng sáng nào ra nhìn, lão vẫn thấy ông thản nhiên cười như không có gì xảy ra. Mặc dù tự lão cũng nhận thấy phần nào sự phi lí của việc mình làm, nhưng lâu dần thành quen, lão cứ bị nụ cười hồn nhiên kia ám ảnh, ngày càng tức giận một cách vô lối. Cuối cùng một tối nọ, thay cho việc mang gậy như mọi lần, lão đem theo một chiếc búa và cứ nhè vào cái miệng đang cười của ông tượng mà đập. "Cho mày hết cười nhé! Hết cười con nhé!"
Hôm sau lão dậy sớm ra xem thế nào. Ông tượng đá tội nghiệp đã bị đánh một trận nên thân. Cái miệng bao năm nay cười vô tư đến thế bây giờ bị dập nát, rách một miếng sâu nghiêng xuống bên phải, trông như ông đang khóc. Mà quả thật ông đang khóc. Vậy là ông tượng cười bị lão biến thành ông tượng khóc. Ngửa mặt lên trời mà khóc. Suốt đời phải khóc.
- Cười nữa đi con! Cứ cười nữa cho bố mày xem nào! - lão nói với vẻ thích thú cay độc.
Lão hả hê lắm. Nụ cười mà lão cho là cười đểu nay không còn ám ảnh lão nữa. Thậm chí lão coi như trả được món thù cho bố. Rồi lão tụt quần, tè một bãi, loạng choạng bước về chòi.
Lũ trẻ chăn trâu là những người đầu tiên phát hiện ra ông tượng khóc. Lúc đầu chúng thấy buồn cười, sau đoán có chuyện nghiêm trọng, bèn chạy báo với ông công an xã. Ông này nhanh chóng tìm ra thủ phạm là lão Kền.
Một chốc sau thì gần nửa làng có mặt, tò mò ngắm nhìn ông tượng với nụ cười quen thuộc bây giờ đang khóc. Trông ông thật tội. Cảnh vật xung quanh ông, cả con voi và con ngựa đá, vì thế mà trở nên buồn hơn rất nhiều. Dân làng cũng vậy. Họ bắt đầu nguyền rủa lão già gàn dở. Có người đề nghị đập nát mặt lão. Mụ Tám Béo thì tuyên bố từ nay không cho lão uống rượu nữa. Bây giờ mọi người mới nhận thấy việc hàng chục hay thậm chí hàng trăm năm nay có ông tượng đá đứng cười trên đất làng mình kể cũng vui, chí ít chẳng hại gì. Nay bỗng dưng ông ấy khóc, khóc một cách thê thảm, lại không biết bao năm nữa mới thôi, mà ở ngay trên chính mảnh đất vốn chẳng có nhiều điều vui này. Thế thì thật không ổn. Không coi được. Ðó là điềm gở. Biết đâu tai họa sẽ chẳng thi nhau ập xuống làng?
Ðể trừng phạt lão Kền cái tội "Phá hoại di tích văn hóa tín ngưỡng", người ta quyết định từ tháng tới sẽ cắt phần gạo trợ cấp cho lão. Nhưng lão chẳng sống đến cái "tháng tới" ấy để chịu hình phạt nghiêm khắc của làng. Chưa đầy mười ngày sau người ta thấy lão nằm chết còng queo trên cầu Hạ (chứ không phải rơi xuống sông, vì hai bên cầu có thanh chắn). Bà y sĩ trưởng trạm y tế xã đến khám, kết luận lão đột tử khoảng mười hai giờ đêm tối hôm trước, do uống quá nhiều rượu, lại bị cảm lạnh đột ngột. Cô hộ lý đi cùng bà, về đồn khắp làng rằng lúc chết, miệng lão méo xệch, giống hệt miệng ông tượng đá. Có thể đúng thế thật, mà cũng có thể cô phịa ra để răn đe mọi người đừng làm điều ác, ít ra cũng đừng bao giờ tìm cách xóa đi một nụ cười. Ấy là người ta suy diễn thế thôi chứ cô này, với học vấn lớp bảy cộng hai, chưa chắc có được cách tư duy triết lí kiểu ân oán như vậy.
Phần tôi, tôi cũng thấy mình phần nào có lỗi trong việc này. Ðáng lẽ tôi không nên tặng lão Kền tập thơ kia để đầu óc bệnh hoạn của lão có cớ suy luận theo cách tai hại ấy. Suy cho cùng, đó chỉ là một trong biết bao bài thơ khác trong tập. Nó là tác phẩm xinh xắn, đẹp một cách cổ điển và gợi đôi chút triết lí nhẹ nhàng, nhưng chẳng đáng suy diễn những điều đao to búa lớn. Lại càng chẳng đáng vì nó mà để mất một nụ cười, dù chỉ là nụ cười của một ông tượng đá. Các bạn thử đọc lại xem nhé:
Một ông mù
Dắt một ông mù khác qua cầu.
Cầu thì hẹp, sông thì sâu,
Nhiều lần suýt ngã.
Thế mà bên đường, ông tượng đá
Còn ngửa mặt lên cười.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét