Tháng 6 21, 2013
Ph. Th. H.
Em đến nước Đức như một dãy số không dàn hàng ngang. Không gia đình. Không nghề nghiệp. Không bằng cấp. Không học vấn. Không ngoại ngữ. Không một xu dính túi. Tất nhiên là không hộ chiếu, không thị thực nhập cảnh. Không cả nhan sắc. Đến chơi nhà, tôi còn thấy em không giỏi việc nội trợ; bồn tắm thì vương mấy cọng rau, tủ lạnh vướng vài sợi tóc. Khi đã tàn nhẫn thì tạo hóa tàn nhẫn triệt để. Tất cả 50 hạt trên 10 gióng của chiếc bàn tính gẩy là số phận em đều đứng im.
Cho nên gặp lại em bốn năm sau trong một cửa hàng bán đồ 99 xu mà em là bà chủ, tôi sững sờ. Ở đó em là nô lệ của chính mình, từ tám giờ đến tám giờ; nhưng những người Việt tay không đi bắt giấc mơ Đức cặm cụi mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ là bình thường. Em đã nói được chút tiếng Đức, vừa có bằng lái và sở hữu một chiếc xe đã chạy hơn một trăm ngàn cây số, nhưng là Mercedes. Thân hình gầy guộc năm nào đã đẫy đà, tóc nhộm hoe vàng, lông mày xăm nâu, da dẻ bớt mầu nắng gió Quảng Bình. Tôi đoán em cũng đã trả hết tiền vé hai trăm triệu cho chuyến vượt biên bất hợp pháp vào Đức. Tất cả như một câu chuyện thành đạt ngoài sức tưởng tượng. Em có quyền tự hào. Có lẽ em cũng may mắn.
Chẳng hạn may mắn hơn một chị Nghệ An đứng tuổi, có lẽ đã gần sáu mươi, cả ngày chực ở bãi đậu xe của một siêu thị giấm dúi bán thuốc lá lậu. Có lần chị khoe với tôi là con trai ở nhà vừa vào đại học. Trong vài phút, người phụ nữ ấy quên rằng mình đang chui lủi kiếm những đồng tiền phạm pháp, nhớn nhác chạy cảnh sát, đã bị bắt dăm bảy lần, sắp bị tòa phạt và sớm muộn cũng bị trục xuất. Chị chỉ còn là một người mẹ đầy tự hào. Thời trẻ tôi thấy những bà mẹ suốt ngày khoe con là lố bịch. Sau này tôi mới thấy điều đáng kiêu hãnh nhất của cuộc đời mình là đứa con. Riêng em không thế.
Công nghệ chạy giấy tờ để trở thành “người của nước Đức, có gì nước Đức lo cho hết”, như người Việt sang đây bất hợp pháp ao ước, hiện nay không quá khó. Chìa khóa để đổi đời là những đứa con. Đứa thứ nhất trên danh nghĩa có quốc tịch Đức để người mẹ “ăn theo”. Danh nghĩa ấy theo thời giá hiện nay lên tới ba chục ngàn Euro. Đứa thứ hai “ăn theo” mẹ và người bố lại “ăn theo” nó. Đứa thứ ba để cấp danh nghĩa cho một người bố khác, lấy lại vốn. Giấy khai sinh của trẻ em gốc Việt thế hệ tị nạn kinh tế ở Đức bây giờ là một mê hồn trận với những ông bố thật và những ông bố giả chồng lên nhau. Nhưng nhiều năm trước, em không có cơ hội đó. Chiếc chìa khóa của em mầu đen. Em sinh con với một chàng Mozambique, công nhân hợp tác lao động ở CHDC Đức cũ, đã nhập tịch, mà em gọi là “thằng mọi”. Khi “thằng mọi” bỏ đi với một “con Mông Cổ mắt híp”, còn lại hai mẹ con. Em bảo giấy tờ mình xong rồi, tiếc gì thằng Tây hôi. Về thăm gia đình em đi một mình. Em bảo đem thằng “Oẳn tà roằn” về Quảng Bình, cha mạ ra đường không dám nhìn ai nữa.
Obama đến. Obama đi. Em không lây những cơn sốt vừa kể. Em sắp nhượng lại cửa hàng 99 xu, mở tiệm bán hoa. Tôi hỏi thăm, đã dẫn con về thăm nhà chưa. Em lắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét