Không có gì thú vị bằng theo dõi một cuộc thảo luận văn chương (link) mà … không đi tới đâu hết. Người tham dự không ai muốn thắng ai, cũng không muốn đi đến một “chân lý” vĩnh viễn, áp dụng cho mọi trường hợp. Việc trao đổi ý kiến về vấn đề tiểu thuyết lịch sử giữa Nguyễn Mộng Giác và Nam Dao, từ chỗ khác biệt giữa hai quan điểm viết về lịch sử đã đưa đến nhiều đề tài văn chương thú vị khác, tuy đã cũ nhưng vẫn luôn luôn mới. Mới, có lẽ vì chúng gợi cho ta nhiều suy nghĩ, loay hoay tìm cách giải quyết để rồi tìm ra rằng không bao giờ có một dứt điểm. Vì nếu dứt điểm thì …buồn quá!
Tôi có một số suy nghĩ sau, gợi lên từ ý kiến của hai anh.
1. Tiểu thuyết/lịch sử
Thực tình mà nói, tôi không mấy thích từ “tiểu thuyết lịch sử”, mặc dù đây chỉ là một cách định danh để phân biệt với các thể loại tiểu thuyết khác. Tiểu thuyết là tiểu thuyết, lịch sử là lịch sử. Tiểu thuyết thì hư cấu mà lịch sử thì đòi hỏi sự xác thực. Nếu trong tiểu thuyết, ta có lấy một khung cảnh lịch sử với những nhân vật lịch sử và một số biến cố lịch sử, thì đó vẫn cứ là tiểu thuyết, nghĩa là vẫn là một tác phẩm hư cấu.
Nếu viết về một nhân vật lịch sử, biến nó thành ra một câu chuyện, nhằm mục đích động viên, giáo dục về lòng yêu nước chẳng hạn thì lại là một việc khác. Lúc đó, không ai xem nó là một tiểu thuyết. Mà chỉ là một loại “non-fiction” viết về một danh nhân.
Hai cuốn “Sông Côn mùa lũ” và “Gió Lửa” là những tác phẩm hư cấu theo nghĩa đúng nhất của từ này. Những nhân vật hiện diện và các sự kiện lịch sử xoay quanh các nhân vật đó chẳng có ý nghĩa gì về sử học để cho chúng ta phải bận tâm. Do đó, không thấy một nhà sử học nào lên tiếng để cải chính hay bài bác các tình huống diễn ra trong truyện. Một nhân vật lịch sử, dưới mắt một người viết tiểu thuyết, là một nhân vật y như bất cứ nhân vật nào khác mà người ta dựng nên. Quang Trung trong hai tiểu thuyết nói trên, chẳng khác gì những Tường, Ngô trong Mùa Biển Động hay Trọng Thức trong Gió Lửa. Người ta sử dụng những chi tiết của những nhân vật có thật để xây dựng một nhân vật hư cấu là chuyện bình thường. Đã vậy, người ta có quyền mượn những sự kiện lịch sử và thay đổi chúng (bằng cách dùng lại toàn phần hay một phần), thay đổi bản chất của biến cố. Nói một cách khác, trên lý thuyết, tác giả có quyền hư cấu lại toàn bộ các sự kiện lịch sử và quyền đó, theo tôi, là vô hạn. Chẳng khác gì lúc ta viết về một nhân vật vô danh, bình thường nào đó trong xã hội. Nếu phải đề ra một giới hạn thì giới hạn đó xuất phát từ cấu trúc nội tại của chính tác phẩm hơn là từ tính chính xác hay không của các nhân vật và sự kiện. Thay đổi một chi tiết lịch sử hay một nhân vật lịch sử, theo tôi, cũng nằm trong lãnh vực sáng tạo. Cái để ta phê phán ở đây không thuộc thẩm quyền của những sử gia. Tôn trọng hoàn toàn hay một phần như Nguyễn Mộng Giác hay không tôn trọng như Nguyễn Huy Thiệp hay Trần Vũ là quyền của mỗi tác giả trong khi viết. Tác giả có quyền hư cấu gia đình mình, bạn bè mình và xã hội mình đang sống cũng như chính mình, thì tại sao lại không có quyền hư cấu các biến cố và nhân vật lịch sử. Một nhân vật tiểu thuyết là một nhân vật hư cấu. Nó ra đời trong khung cảnh của tác phẩm và chỉ hiện hữu trong môi trường tác phẩm. Lôi “nó” ra khỏi tác phẩm để tra xét “nó” như tra xét một chi tiết cụ thể là hoàn toàn không thích hợp.
2. Tiểu thuyết và lịch sử
Nam Dao có một quan niệm chắc nịch về viết tiểu thuyết/lịch sử. Anh nói “Tiêu chuẩn hàng đầu của tôi là Tiểu thuyết. Sau là Lịch sử với bối cảnh và những con người của quá khứ” (14) (*). Theo anh, “trong Gió Lửa, cái khung lịch sử đã được sử dụng như phương tiện cấu tạo tiểu thuyết, và sau đó thì tiểu thuyết lại là phương tiện để tác giả thể hiện những tư duy, biện minh và dự phóng cho chủ đề trên lịch sử (Gió Lửa nhằm giải thích một trong những nguyên nhân của những cuộc nội chiến là cái tương quan giữa con người VN và quyền lực)…” (13). Trong một đoạn khác, anh nói rõ hơn chủ đích của mình: “Còn viết tiểu thuyết lịch sử, có nghĩa là ít nhất đối với người viết, lịch sử chưa cáo chung: quá khứ còn mù mờ, hiện tại không chấp nhận được, và cái tương lai mong ước không chỉ là sự nối dài đơn điệu của hiện tại. Với tôi, tiểu thuyết lịch sử là một phản kháng toàn bộ và có ý thức của những cái đã thành lịch sử, để nhằm đến một tương lai khác với cái nối dài của quá khứ, kiểu nối đơn điệu máy móc, thụ động, không sinh khí” (15). Giải pháp thế nào? Nam Dao cho biết trong Gió Lửa, anh “bị những cơn nội chiến Việt Nam ám ảnh, và đề nghị tránh cái thảm họa đó trong tương lai bằng cách “cắt bỏ phần nhiễm độc trong tâm thức”, tức là một giải pháp văn hóa” (15). Nhà văn nhảy ra làm chính trị chăng? Anh không nói rõ. Nhưng theo tôi hiểu thì có lẽ: “không”. Anh nói: “Lẩn vào quá khứ để chiếm hữu và tái tạo lịch sử, tiểu thuyết là sự dấn thân của nhà văn nhăm phục sinh một hiện tại cần tháo gỡ hầu thoát khỏi những bế tắc tiêu vong. Vì thế, tiểu thuyết lịch sử hóa ra một tập hợp những dự phóng về một tương lai có thể có được”. Mặt khác, tiểu thuyết/lịch sử “tìm cách (những từ in nghiêng là do ND nhấn mạnh) đến với độc giả, thuyết phục họ, nếu không được thì quyến rũ, kích động suy tư, gây ra những nghi vấn để tạo cái nhu cầu xét lại những điều tưởng đã là “đinh đóng cột” cho độc giả, không chỉ bằng và qua lý luận, mà vận dụng tất cả, từ cảm xúc đến trực giác, thậm chí từ những yếu tố siêu linh đến những cái ta thường gọi là mê tín dị đoan, nghĩa là bằng tổng hợp những chất người, thứ chỉ tiểu thuyết mới chuyên chở nổi” (13). Nam Dao không nhận mình “văn dĩ tải đạo” khi viết tiểu thuyết nhưng nhấn mạnh rằng “văn chương không chỉ phục vụ cho nhu cầu ngóng chuyện thiên hạ, giải trí” (7). Hiểu một cách nào đó, theo tôi, nói như thế cũng là “văn dĩ tải đạo”. Chữ “đạo” ở đây, tôi hiểu là đường, nghĩa là một giải pháp, một lý thuyết cho những bế tắc hiện tại chứ không phải chỉ là chuyện luân lý, đạo đức.
Theo tôi, lịch sử (viết thường chứ không Lịch Sử viết hoa) không phải là một thực thể, mà là một giòng chảy liên tục, tự nhiên của cuộc sống con người. Sự va chạm giữa con người và con người tạo nên những biến cố. Lịch sử là tập hợp của vô vàn biến cố xảy ra, chứ không chỉ là những biến cố điển hình (được mệnh danh là biến cố lịch sử). Chúng có tác dụng xấu hay tốt, đối với cá nhân này, cá nhân khác, tập thể này hay tập thể khác, giai đoạn này hay giai đoạn khác, đó là việc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi giai đoạn. Bất chấp chúng ta chống lại, chấp nhận hoặc phản kháng chúng hay không, thì chúng vẫn “thệ giả như tư phù bất xả trú dạ”. Các biến cố vẫn cứ tiếp tục xảy ra, hàng tháng, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, hàng phút. Một biến cố điển hình, thực ra, là tổng hợp của bao nhiêu “biến cố” vô danh trước đó. Chẳng hạn như sự kiện 11/9 ở Hoa Kỳ vừa rồi: nó đâu có phải là một biến cố độc lập, một biến cố tự-nó, mà là hậu quả của một chuỗi những hành vi “bình thường” hay “bất thường” trước đó. Bất chấp khát vọng triền miên của con người về hòa bình, hạnh phúc trên trần gian, những chế độ độc tài vẫn cứ nảy sinh, tồn tại; những cuộc chiến tranh vẫn cứ xảy ra; những âm mưu vẫn cứ tiếp diễn; những tranh chấp vẫn cứ khai sinh. Ngay cả những người nắm quyền lực trong tay, có thể làm nên những quyết định “lịch sử”, vẫn chịu sự chi phối của vô số yếu tố không kiểm soát được. Với lượng thông tin giới hạn, ai mà biết động lực nào nằm đằng sau quyết định cấm đạo của vua Minh mạng? Ai biết cái gì nằm đàng sau bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ? Ai biết cái gì nằm đàng sau những quyết định “lịch sử ” của vua Quang Trung? Biết đâu, trong những quyết định về chiến tranh, hòa bình, cấm đạo, tàn sát, lại chẳng do những yếu tố tình cờ, nhỏ nhặt đúc kết lại (chẳng hạn một mối thù cá nhân, một cơn giận vợ, một cơn đau, một sự ích kỷ, một thái độ anh hùng rơm hay một cơn cao hứng…). Ai mà biết được công cuộc vận động của tổng thống Bush hiện nay để lật đổ Sadam Hussein thực sự xuất phát từ động cơ nào, trả thù cho cha hay bị áp lực từ một thế lực nào đó? Nếu người ta có thể xoay dòng lịch sử, ngay hiện nay, ai dám tiên đoán cái gì sẽ xảy ra nếu có chiến tranh với Irak? Và nếu có thì có thể tránh được không? Tóm lại, nói như Nam Dao – và tôi hoàn toàn đồng ý -, biến cố bị chi phối bởi những yếu tố ngẫu nhiên.
Vả lại, đàng sau mỗi một chiến công hiển hách, một sự nghiệp lẫy lừng bao giờ cũng chứa đựng một hay nhiều hay rất nhiều bi kịch. Và ngược lại, đàng sau những đau thương, tan nát của một thời kỳ lịch sử bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố tích cực hướng tới tương lai. Biến cố 30/4/1975 cho ta thấy rõ điều đó. Hay nói như Nam Dao, hiện tại nào cũng là “tổng hợp những thành tựu và những thất bại trong quá khứ” (16). Nói khác đi, hiện tại nào cũng là hậu quả của toàn bộ giòng lịch sử. Hiện tại không là nối dài của một hay hai hay một số quá khứ nào mà là nối dài của tất cả quá khứ. Nam Dao “phản kháng toàn bộ” những gì “đã thành lịch sử”. Nhưng trong lúc đó, nếu tiểu thuyết lịch sử chỉ có thể chọn một thời điểm lịch sử (như Gió Lửa chẳng hạn chỉ đề cập đến thời Quang Trung), liệu có phiến diện chăng? Phải chăng bây giờ đất nước trải qua cuộc nội chiến nên anh chọn thời điểm đó là thời điểm có nội chiến để đưa ra một lời giải cho hiện tại? Thực ra, như ta thấy, tuy cũng là nội chiến, nhưng tình hình hoàn toàn khác nhau. Cuộc nội chiến ngày xưa xuất phát từ những nguyên nhân khác. Cuộc nội chiến hiện nay do những yếu tố khác và sẽ dẫn đến một tương lai khác. Vậy hà cớ gì phải đi ngược lại quá khứ để tìm một giải pháp cho hiện tại? Và liệu chọn chỉ một quá khứ thôi có đủ để đưa ra một lời giải cho vấn nạn bức xúc hiện nay không? Và tôi tự hỏi, đã chắc gì những vấn nạn mà mỗi người chúng ta tự đặt ra (và tìm cách giải quyết) có thực sự phù hợp với những vấn nạn thực sự của xã hội và thời đại hay không?
Vả lại, giòng lịch sử, do mối liên hệ chằng chịt – hậu quả trực tiếp của văn minh và tiến bộ- biến chuyển cực kỳ nhanh chóng. So với thế giới rộng lớn ngày nay, thì hoàn cảnh lịch sử thời Quang Trung chẳng hạn, chẳng khác gì một loại “chuyện thường ngày ở huyện”. Một giấc mộng con. Trải qua hàng ngàn năm, bao nhiêu lý thuyết nhân văn, cứ theo giòng lịch sử, lần lượt trở nên những tờ giấy vụn, những công trình hư cấu thuần túy. Chúng có thể thúc đẩy giòng lịch sử nhưng giải quyết những vấn đề căn bản của lịch sử thì hầu như là điều bất khả. Giấc mộng bình đẳng của con người nhường bước cho những âm mưu trải dài trên giòng chảy lạnh lùng của lịch sử. Số phận của thế giới hiện nay tùy thuộc vào những tập đoàn tư bản, những tổ hợp kỹ thuật, chẳng còn nằm trong đầu óc chân chính của những triết gia, những nhà tư tưởng, những giáo chủ và các nhà văn. Trước tình huống đó, khái niệm lịch sử (như ta thường hiểu) dường như mất hết ý nghĩa của nó. Lịch sử (cái mà đôi khi ta tưởng có thể nắm bắt được) cứ hùng hục tiến tới, để lại đàng sau nó những tang thương dâu biển, những biến cố, những phẫn hận, những huy hoàng. Đồng thời “nó” cũng để lại cho chúng ta những anh hùng, những kẻ phản trắc, những nạn nhân và những kẻ cơ hội. Dường như “nó” mù lòa, điếc lác trước những kêu gào thống thiết của những nhà văn, nhà thơ, những nhà làm văn hóa, những nhà tư tưởng.
Nam Dao nhắc đến một giải pháp văn hóa. Theo tôi, có một tranh chấp giữa con người chính trị và con người văn hóa. Với tư cách là một con người văn hóa, tôi yêu sự công chính (và sự công chính áp dụng ngay cả đối với kẻ thù), yêu hòa bình, yêu sự hòa giải. Nhưng với tư cách chính trị gia (dù chọn lựa hay bắt buộc), công chính, hòa bình, hòa giải chỉ còn là chiêu bài, thủ đoạn. Những gì chúng ta chiêm ngưỡng về người anh hùng Quang Trung, thực tế, là những công trình chính trị của ông vì những gì ông thực hiện là thực hiện trong tư cách của một nhà chính trị.
Nói không quá, những quyết định lịch sử, thường là những quyết định “phi-văn hóa”. Một quyết định chiến tranh chẳng hạn thường được cân nhắc ngoài các tiêu chuẩn văn hóa và đạo đức thông thường. Bởi thế, thật khó mà đem tiêu chuẩn văn hóa để đánh giá những quyết định lịch sử. Lại càng khó nói đến chuyện mang văn hóa để tác động vào hướng đi của lịch sử. Tôi không tin một nhà văn hay nhà tư tưởng lại có thể vạch đường đi cho lịch sử. Cứ nghiệm lại những Marx, những Angel thì đã rõ.
Rốt cuộc, có lẽ cái thú của nhà văn chỉ còn là vọc giỡn trên sinh mệnh của những cá nhân, dù những cá nhân đó đã từng “làm nên lịch sử”. Kinh nghiệm sáng tác cũng như kinh nghiệm thưởng ngoạn văn chương, rốt cuộc, vẫn chỉ là những kinh nghiệm ảo. Nhà văn có thể để vào đó vô vàn mơ ước, vô vàn giải pháp, vô vàn cao vọng, nhưng lịch sử được quyết định bởi những yếu tố hoàn toàn khác. Đáng buồn thật, nhưng được cái, nhờ vậy mà nhà văn tự do. Những anh hùng, liệt nữ – những kẻ làm nên lịch sử (hay bị lịch sử “làm nên”) – không bao giờ có được cái tự do đó. Họ đáng được chiêm ngưỡng, nhưng thực tế, họ bị ràng buộc một cách nghiệt ngã vào giòng chảy của lịch sử, bị thúc đẩy bởi vô số yếu tố bất khả cưỡng chống. Dẫu sao, xin cảm ơn những anh hùng, những liệt nữ vô danh hay hữu danh – những người đã lưu lại bao nhiêu vết hằn bi tráng trên giòng lịch sử (Việt Nam và nhân loại). Nam Dao viết “Còn tôi, phải chăng tôi viết về một quê hương huyễn tưởng (ND nhấn mạnh), thứ quê hương của đứa con lãng tử trên bước đi hoang không có ngày về?” (22).
Thì thế, tiểu thuyết mà!
3. Nhà văn và nhân vật
Sau khi nhìn nhận mình là một con người ” thường thường bậc trung”, Nguyễn Mộng Giác viết : “Một người (…) như thế khó lòng sáng tạo ra những mẫu đời phi thường. Thay vì rán rướn lên tầm cao của những anh hùng liệt nữ, tôi lại kéo họ xuống thấp ngang tầm của tôi. Điều đó không tránh được. Dù tác giả có ngụy trang khéo léo cách nào, nhân vật tiểu thuyết vẫn luôn luôn là bản sao của chính người viết. Thế giới tiểu thuyết là bản ngã tác giả phóng chiếu ra ngoại giới, tạo thành một thế giới mang trọn bản ngã ấy. (…) Trong khi nhiều nhà văn khác thích chọn những mẫu người phi thường, khác thường, dị thường, bản tính khiến tôi thích chọn những mẫu người, mẫu đời bình thường, tầm thường” (11).
Tôi phần nào đồng ý với lời nhận xét của Nam Dao: “…nếu nhân vật tiểu thuyết lúc nào cũng là sự phóng chiếu của tác giả thì tôi e rằng không tránh được sự đơn điệu bởi tác giả thì chỉ là một cá thể với một số cá tính nhất định. Dĩ nhiên, tiểu thuyết là 100% chủ quan, người viết thể hiện cái Tôi (…). Nhưng cứ đơn cử Dos, ông ta đâu có đơn điệu. Thế có nghĩa là ông ta không chỉ phóng chiếu tính chất cá nhân của riêng mình lên nhân vật. Trong toàn bộ tác phẩm của nhà văn kỳ tài này, nhân vật đi từ mức thiên thần xuống mức quỷ sứ, lúc thế này, lúc thế khác, cứ như con thoi chạy giữa những thái cực của sự khả thể trong đời sống của con người nói rộng, chứ không bó vào một cái khung nào, kể cả phong cách tác giả” (19)
Thực ra, trong một đoạn sau, Nguyễn Mộng Giác lại nói: “Tôi cho các “ngài” tai to mặt lớn có tên trong lịch sử thực chất cũng chỉ là người tầm tầm như đa số chúng ta thôi, cái hào quang họ có không do thực chất của họ, mà do thứ quyền lực xã hội họ có trong tay, làm người khác phải run sợ khép nép” (19). Rõ ra là không phải Nguyễn Mộng Giác phóng chiếu cái “thường thường bậc trung” vào các danh nhân mà là do quan niệm của anh về các danh nhân. Chẳng phải anh muốn kéo họ về phe với mình mà là muốn đưa họ trở lại với vị trí mà họ có. Riêng người đọc như tôi thì nhìn khác. Nhà văn của chúng ta không “kéo” Nguyễn Huệ xuống mà chính là muốn ngấm ngầm “nâng” ông lên. Thay vì khoác cho ông một vòng hào quang của các chiến công, biến ông thành một thần tượng khô chết (đôi khi được dựng ngoài công viên) với những mỹ từ như hiển hách, phi thường, hoặc thành một siêu nhân xa cách với cuộc sống đáng có của một con người (như các bộ máy tuyên truyền chính trị thường làm), Nguyễn Mộng Giác “thường hóa” vị anh hùng của chúng ta, chí ít cũng để cho chúng ta hiểu được cái bi kịch gia đình mà ông phải đánh đổi để đứng trong cơn biến động lịch sử. Nguyễn Huệ ở đây mang dáng dấp của một trí thức bình dân hơn là phong cách của một anh hùng/áo vải/cờ đào như được mô tả đâu đó. Có thể đó là message tiềm ẩn trong “Sông Côn mùa lũ” chăng? (Tác phẩm văn chương nào, theo tôi, cũng chứa đựng ít nhiều message, có khi lộ rõ, có khi tiềm ẩn, lại có khi quanh co lắt léo và cũng đôi khi chẳng có gì . Nhưng chẳng có gì cũng có thể là một message!).
Trở lại vấn đề “phóng chiếu bản ngã”. Tất nhiên, một tác phẩm văn chương bao giờ cũng phảng phất cá tính, tâm hồn và cuộc sống của tác giả biểu lộ qua nhiều hình thái khác nhau: hơi văn, không khí truyện, tâm lý nhân vật, đối thoại và nhiều kết cấu vô thức khác xuyên suốt mạch văn. Cứ cho như thế giới tiểu thuyết “mang trọn bản ngã” ấy đi. Nhưng bản ngã -cái tôi ấy – là gì? Bản ngã của một cá nhân không phải là cái gì hoàn toàn sở hữu riêng biệt của cá nhân đó. Mà là một tổng hợp của nhiều yếu tố trong + ngoài: truyền thống gia đình, địa phương, văn hóa, học tập, môi trường, bạn hữu, hoàn cảnh, kinh nghiệm giao tiếp ngoại giới, vân vân. Bởi thế mà cái “chủ quan” của mỗi người bao giờ cũng chứa đựng một phần nào đó cái “khách quan”. Cái tôi vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phi-tôi. Nhờ thế mà tôi có thể “nội hóa” một nhân vật lịch sử, hay một người quen nào đó thành “tôi” và ngược lại “ngoại hóa” tôi thành một anh A, chị C nào đó. Thậm chí, chia cắt tôi thành nhiều mảnh, mỗi mảnh là một nhân vật khác nhau. Sáng tác văn chương thường diễn ra như một cuộc nội chiến trong bản thân tác giả: một dành giựt giữa các yếu tố bản ngã và phi bản ngã. Về điểm này tôi có phân tích khá kỹ trong bài “(Những) nhân vật của tôi và tôi” (tạp chí Văn số 63&64, tháng 3&4/2002). Từ đó, mới có chuyện người đọc “chia xẻ” quan điểm, tâm tư, tình cảm cũng như nỗi đớn đau, phẫn hận – nghĩa là chia xẻ cái bản ngã hay phần nào cái bản ngã ấy của tác giả. Message của một tác phẩm, chính là phần đất chung ấy, cái phần phi-bản ngã ấy.
Lại cũng có trường hợp tôi gọi là hiện tượng “phóng rọi ngược” trong tác phẩm. Thay vì phóng rọi bản ngã, tác giả lại phóng rọi (nhiều khi là vô thức) cái phản-bản-ngã của mình vào tác phẩm. Kết quả là: (những) nhân vật trở nên khác hoặc đối nghịch – có khi đối nghịch hoàn toàn – với cá tính, nhân cách và quan điểm riêng tư của tác giả. Nhân vật thì anh hùng, cao thượng mà tác giả lại có cuộc sống hèn hạ, đê tiện; nhân vật thì hiền lương mà tác giả lại hung ác, bạo ngược; nhân vật thì bạo mà tác giả lại hiền…Không thiếu trường hợp, khi đọc truyện, ta hình dung tác giả là một con người như thế này, đến khi gặp lại tìm thấy tác giả là một con người hoàn toàn khác. Có thể tác giả khéo ngụy trang. Nhưng cũng có thể sự hình thành tác phẩm là một quá trình vô thức: bù đắp sự thiếu hụt của cuộc sống hay cá tính hay khát vọng của tác giả bằng cách tạo ra những nhân vật mà mình mong được trở thành nhưng vì một lý do nào đó, không thể hoàn tất ước nguyện trong đời sống thực. (Về điểm này, Nam Dao có bàn qua một vài khái niệm tương tự ở tr. 21)
Vả lại, dù có chủ đề như Gió Lửa hay “khơi khơi” như Sông Côn mùa lũ, quá trình hình thành một tác phẩm văn chương là một quá trình thuần lý. Mỗi tình tiết, mỗi nhân vật đều được chuẩn bị và chọn lựa kỹ càng. Nó khả tri. Và do đó, nó mới truyền đạt được. Và nhất định nó hàm chứa những yếu tố khách quan, đôi khi nằm ngoài cả ý định của chính tác giả.
4. Văn chương hiện thực và văn chương hư cấu
Định kết thúc phần góp ý ở đây thì tình cờ được đọc bài “Truth is another country” của Timothy Garton Ash in trên tạp chí “The Guardian” (có thể xem nguyên văn bài này trên mạng: nhanvan.com/tinvan). Bài viết nêu lên một số điểm khá lý thú dính dáng ít nhiều đến đề tài đang viết, nên tôi ghi lại vài ý chính sau đây.
Ash cho rằng tất cả những gì liên quan đến lãnh vực sự kiện và lãnh vực hư cấu đều thuộc về văn chương cũng như nước Đức và nước Pháp đều thuộc về Châu Âu vậy. Ông gọi lãnh vực sự kiện là “literature of fact” (văn chương hiện thực) thay vì từ “non-fiction” thường dùng vì có chữ “fact” trong đó khiến cho cụm từ rõ nghĩa hơn và lãnh vực hư cấu là “literature of fiction” (văn chương hư cấu). Biên giới giữa hai lãnh vực đó là biên giới mở, không cắm mốc, không vạch đường biên.
Lịch sử hay phóng sự thuộc loại văn chương hiện thực vì giá trị của chúng hoàn toàn căn cứ trên các sự kiện thu tóm được. Để tạo ra thứ văn chương hiện thực, những người viết sử hay phóng sự thường phải làm việc chẳng khác gì những nhà viết tiểu thuyết. Họ chọn lọc. Họ soi sáng sự kiện này nhưng bỏ qua sự kiện khác. Họ tưởng tượng. Không có một tác phẩm lịch sử hay phóng sự nào hay mà lại không được viết ra bằng một thứ tình cảm tưởng tượng nào đó đối với những người (hay những việc) mà họ viết về. Những người họ đề cập đến đều là những người có trong thực tế, nhưng họ nặn những người đó thành nhân vật với cá tính và nhân cách theo cách minh giải riêng của họ. Thành thử, khi viết một cái gì, tất cả chúng ta đều có một tiểu thuyết gia ở trong đầu (we all have a novelist in our heads).
Tóm lại, theo Ash, văn chương nằm ở hai bên biên giới phân chia hiện thực và hư cấu. Và người viết (nhà văn, sử gia…) thường đứng ở ngay đường biên.
Phải chăng, viết là một cách vượt biên?
Vậy thì: tiểu thuyết/lịch sử hay tiểu thuyết-lịch sử hay tiểu thuyết lịch sử? Hay chỉ là tiểu thuyết?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét