Tranh của Wifredo Lam
Thực ra mà nói, trên sông không hẳn vắng vẻ hoàn toàn. Vẫn thỉnh thoảng có những chiếc thuyền gỗ lớn xuôi ngược. Đó là những thuyền chúng tôi không mong đợi chút gì, thuyền buôn muối, buôn vôi, củ nâu hay song mây qua lại. Những chiếc thuyền có buồm căng mầu nâu, có những chiếc buồm nắng mưa bạc phệch, cột buồm to và vững chãi.
Cho đến lúc ấy tôi chưa hề bước lên những chiếc thuyền như thế
một lần. Chỉ là phỏng đoán thế thôi. Thực sự thuyền chở gì tôi không biết và
không quan tâm. Những chiếc thuyền ít khi ghé vào bờ, chẳng thể hy vọng gì ở
chúng vào lúc này.
Khi chiếc thuyền nan từ xa tới chúng tôi mới thực sự để ý. Càng
mừng hơn khi thấy nó quay mũi nhằm chỗ chúng tôi đang đứng để vào bờ.
Đời người có những khi may mắn bất ngờ, không hẹn trước.
Từ dưới thuyền có ba bốn người đội nón lá rộng vành, áo tả pủ cúc
tết bằng vải bước lên bờ. Ai cũng đeo bao tượng gạo chéo qua vai. Có vẻ như họ
không phải người vùng này. Để phân biệt họ là Việt Minh, thương lái hay Việt
gian rất khó. Họ đều có vẻ ngoài nhang nhác giống nhau. Riêng có một người để
râu dài, đội mũ cát chỉ đeo túi dết không mang ruột tượng gạo.
Người chèo đò hẵng còn trẻ ở lại dưới thuyền. Anh ta tìm chỗ buộc
thuyền. Chợt nhìn thấy chúng tôi người này có vẻ ngần ngại, lưỡng lự một lúc
rồi tiến lại chỗ chúng tôi:
- Các em đang làm gì ở đây?
- Dạ đi lấy củi về ạ!
- Sao không về còn đứng đây?
- Bị trôi mất mảng.. – Chị tôi ngập ngừng trả lời.
Anh ta nhìn chúng tôi một lúc lâu không nói gì rồi quay xuống
thuyền tát nước rò rỉ, đọng trong thuyền.
Tôi đoán đoàn người này vừa qua một chuyến đi dài vì thấy trên
thuyền có cả bếp đun và một ít củi. Còn một mớ rau để trong cái rổ con chỗ cuối
sạp thuyền. Bộ quần áo chưa khô phơi trên sợi dây giáp mui thuyền..
Tôi đoán là anh này ở lại trông thuyền. Mấy người kia lên bờ giải
quyết việc gì đấy, chắc chưa đi ngay.
Một ý nghĩ nảy ra trong đầu. Tôi bảo chị tôi đưa chùm dâu da chị
hái hồi chiều. Chị bảo: “Đừng ăn bây giờ, chưa cơm nước gì ăn vào xót ruột”.
Tôi nói tôi không ăn, cầm chùm dâu da xuống thuyền. Anh trai tôi chưa hiểu
chuyện gì, đi theo.
Tôi đưa mời người khách lạ chùm dâu da. Anh ta bảo tôi cứ giữ
lấy.Tôi nói: “bọn em ăn nhiều rồi. Anh cứ cầm lấy, để em tát nước cho”. Anh ta
cười không nói gì đưa tôi cái bù đề làm bằng mo cau dùng tát nước. Anh trai tôi
thấy vậy cũng mó tay phụ giúp. Một loáng, nước trong lòng thuyền đã cạn. Chúng
tôi ngồi lại gần người chủ thuyền. Tôi lân la hỏi. Anh bảo anh có việc, không
nói việc gì. Tôi cũng không hỏi thêm. Tôi biết người ta đã không muốn nói, thì
đừng gặng hỏi. Bố tôi nhiều lần dặn tôi điều này. Kể cả trước đây bố không dặn,
tôi cũng không hỏi thêm vì tôi đoán người coi thuyền hình như có việc cần giữ
kín.
Tôi lảng ra chuyện khác:
- Em nom anh quen quen?
- Tao cũng nghĩ thế. Ngay từ đầu tao đã ngờ ngợ, lại không tiện
hỏi. Nguyên tắc bí mật bọn mày hiểu không?
Là sao? Đúng là nói phét gặp dịp! Chả nhẽ tôi đã gặp anh ở đâu
rồi?
Chợt anh ta hỏi:
- Chị em tên là gì?
- Dạ chị Nhiên ạ!
- Không lẽ là người quen thật..?
Rồi anh kể, “chục năm trước, anh có theo một ông thầy giáo dạy
học dưới Phong Châu. Anh có quen một gia đình có cô con gái cũng tên Nhiên.
Nhưng lúc đấy cô bé còn nhỏ lắm. Nhưng mà có nét hao hao giống chị em. Không
nhẽ..?”
Tôi hỏi:
- Có phải ở trang Khả Lãm phải không?
- Sao chú em biết?
- Thì chính là làng em mà. Anh bảo anh quen nhà ai ở đó?
- Nhà ông lý Chẩn..
Thì ra anh chính là chú tiểu đồng đi cùng ông giáo Tú ở phần đầu
câu chuyện này, ghé quán bà còng mua ba xu kẹo bột năm xưa.
Chỉ có điều anh giờ đã trở thành chàng trai cứng cáp, dày dạn
phong sương.
Khi anh đến làng cùng ông giáo Tú tôi còn quá nhỏ, không nói làm gì.
Ngay đến chị tôi lúc đấy đã có ý thức, cũng không nhận ra, vì anh thay đổi quá
nhiều.
Mười năm, với một đời người tuy không dài nhưng có biết bao nhiêu
sự kiện? Nhất là trong buổi tao loạn, giặc dã này!
Người ta thường nói trẻ con và thiếu nữ lớn nhanh như cỏ dại, anh
không nhận ra được chúng tôi cũng là chuyện bình thường.
Tôi đang định hỏi tên anh cho dễ nói chuyện, anh như đoán được,
tự nói ngay;
- Anh tên là Bình..
Chúng tôi như kẻ buồn ngủ gặp được chiếu manh. Anh bảo tôi gọi
chị xuống thuyền, anh tranh thủ đưa sang bên kia sông. Phần anh vẫn phải quay
lại chỗ này.. Chúng tôi mừng hết chỗ nói.
Ba chị em xếp củi xuống thuyền. Chị tôi phụ với anh cùng bơi.
Không biết hai người nói chuyện gì, thỉnh thoảng nhìn lại thấy chị thỉnh thoảng
cứ cui cúi đầu, vẻ lúng túng, xấu hổ lắm.
Ngồi đằng mũi thuyền tôi và anh trai tôi thì thầm bàn tán với
nhau.
Thật là may. Gặp được người quen cũ ra tay giúp đỡ, hay vì chị
gái mình có chút nhan sắc nên anh ấy cảm tình? Có đàn ông nào khi gặp người con gái đẹp, lại
dịu dàng mà lại quay mặt đi?
Anh tôi cứ nhất mực kết luận như thế nhưng tôi không đồng tình.
Cũng có thể là do cả hai lý do ấy, nhưng kết luận rằng chỉ vì chị gái mình có
chút nhan sắc mà anh ấy muốn làm quen là hồ đồ. Không có gì tệ bằng lòng tốt bị
hiểu sai, biết đâu người ta chỉ do lòng cảm thông trước cảnh cơ nhỡ vào khi này
của chúng tôi?
Cuộc tranh cãi của anh em tôi chưa kết thúc, thuyền đã sang tới
bến. Không rõ chị tôi nói câu gì đó, thấy anh Bình giở cuốn sổ nhỏ ra ghi. Có
lẽ là địa chỉ chỗ nhà bá tôi ở. Anh bảo khi nào có điều kiện anh sẽ ghé chơi.
Dứt lời anh vội vàng quay thuyền, bơi về phía bên kia.
Lúc bấy giờ tôi không hề biết rằng về sau con người này có tác
động không nhỏ tới số phận của bản thân mình.
Tạo hóa không hiểu vô tình, hay cố ý đã cài cắm, “lập trình” như
cách nói sau này về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh Bình với chúng tôi hôm ấy?
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét