Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Trương Tửu tự bạch

Trương Tửu tự bạch [1]


*1954; Sau năm 1952-53 dạy ở Thanh Hóa đến Hội nghi Giơnevơ 1954. Về Hà Nội tôi dạy ở Lê Thánh tông 3 năm. Lứa anh Văn Tâm tốt nghiệp ở đấy. Lứa sau là anh Hà Minh Đức, Nguyễn Đình Chú…

Trở về Hà Nội tôi nghiên cứu lại, định viết bộ Văn học sử Việt Nam, dành hết thời giờ vào đấy, chẳng để ý đến ai. Chỉ có học trò đến hỏi những gì chưa rõ để về các anh ấy viết báo. Thời gian này sau khi bị đấu, tôi thôi dạy. Anh Đức có đến tôi chơi một lần. Tôi bảo anh không nên đến, có hại cho anh chẳng có lợi gì cho tôi. Anh hãy còn trẻ.  Anh cứ về chịu khó học hành chăm chỉ, cố gắng giữ được tư cách làm người. Anh ấy cảm động lắm, từ đó anh ấy không đến. Cách nay mấy năm các anh ấy họp lớp thầy trò mới gặp lại. Ba mươi mấy năm… Tôi nói với anh em vấn đề suốt mấy chục năm thầy trò không gặp nhau không nên để ý làm gì. Cái gì xảy ra thì nó đã phải xảy ra. Nó qua rồi. Cũng như thầy trò chúng ta xuống thăm một cái mỏ, lên thì mặt ai cũng nhọ, than nó bay vào nhưng không xấu hổ. Chỉ có khi nào lên khỏi mỏ rồi mà chưa rửa mặt thì mới xấu hổ. Anh em cảm động lắm. Nên bây giờ mình đối với thanh niên phải hiểu họ, không nên quá đáng. Hồi ấy cái thế nó như vậy, nó phải như vậy. Không phải xấu. Các anh ấy cứ bảo tôi kể chuyện. Tôi hỏi các anh đọc Tây du ký chưa. Ở đó có đoạn lấy được Kinh rồi, con rùa làm ướt hết. Thầy trò Đường Tăng lội xuống nhặt lên bóc từng tờ…bóc đến tờ cuối cùng thì rách mất. Đường Tăng cứ khóc bảo: Thôi, tiếng nói cuối cùng của Phật chúng ta không nghe được rồi. Đến lúc Tôn Ngộ Không nó vỗ vai nó bảo sư phụ xem có cái gì trên đời là hoàn hảo đâu, Đường Tăng mới thôi khóc đấy…Con người là người đều đáng quý cả, kể cả kẻ xấu, kẻ cắp, tội lỗi cũng nên tha thứ. Có điều nếu trời sinh nó thanh ra con rắn độc thì kệ nó, phải tránh đi, không chơi. Vì nó có thể mổ mình mà. Thái độ tôi như thế.
Về Hà Nội 1954, quyển đầu tiên tôi viết là cuốn Chỉnh huấn là gì. Anh đọc cuốn ấy là mê lắm. Viết phương pháp chỉnh huấn tuyệt vời.
Sau năm 1955 tôi viết Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Nxb. Minh Đức có in tiểu luận Chỉnh huấn là gì? của tôi. Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam là mở đầu cho bộ Văn học sử Việt Nam. Cũng nhà xuất bản ấy in. Sau đó viết mấy bài trong Giai phẩm. Lúc đó xảy ra vấn đề Giai phẩm bị cấm.
Trong lúc cấm Giai phẩm, có hai ông ở NXB Sự thật là Hồng Phong và Văn Tân (ông Văn tân làm trị sự) có viết một quyển sách nhan đề: Lập trường văn nghệ vô sản của Trương Tửu. Sách ra tôi có viết những bức thư ngỏ gửi ông Văn Tân. Chưa gửi chưa ai biết cả. Tôi có viết thư cho ông Trường Chinh (ông Trường Chinh lúc ấy phụ trách văn hóa của Đảng). Tôi nói: Nhà xuất bản của các ông có in một cuốn sách viết về tôi như thế. Xét về luật báo chí tôi có quyền trả lời. Yêu cầu ông cho tôi viết một quyển để trả lời. Tôi sẽ viết rất đứng đắn, để công chúng đọc và so sánh hai cuốn sách. Nếu không thì dư luận sẽ sai đi. Không thấy ông trả lời. Tôi viết cuốn sách gồm 10 bức thư hay lắm. Tôi không bác ý kiến ông Văn Tân, Hồng Phong. Hai ông bảo lập trường tôi phi vô sản, không Mácxit. Tôi viết theo cách tôi chỉ trích điều ông nói về tôi và trích Mác-Ănghen-Lênin nói về vấn đề ấy ở quyển nào. Thế thôi. Tôi không phê bình. Ví như ông Trương Tửu nói giai cấp vô sản một mình không thể đến được chủ nghĩa xã hội….Tôi sẽ nói tư tưởng của tôi về vấn đề này, tư tưởng Mác-Ănghen-Lênin về vấn đề này và tư tưởng của ông Văn Tân, Hồng Phong. Xem 3 tư tưởng, cái nào đúng, cái nào sai. Sách không được in.
Viết về tôi cố gắng đọc hết những cái tôi đã viết. Chưa đọc thì đến hỏi, nhớ gì tôi sẽ  nói. Từ Những bức thư ngỏ gửi ông Văn Tân, tôi không viết gì nữa, đóng cửa làm nghề khác.
Tôi đắc ý là quyển Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, 1957, lúc đang đánh Nhân văn-Giai phẩm. Hay lắm đấy.
…Tôi có một kinh nghiệm là lịch sử Việt Nam khi đổi mới căn bản toàn là trong. Người đầu tiên đổi mới xứ sở mình là Mã Viện. Trước kia toàn là điền thổ, nó đổi mới rõ ràng, cơ bản. Lịch sử cơ bản thứ hai là thằng Pháp đến, nó đổi mới hoàn toàn. Thứ ba là anh Nga. Mình theo nó đổi mới toàn bộ chế độ, đến tư tưởng, tình cảm con người.  Cả Nga lẫn Trung Quốc thắm thiết tình Việt-Trung-Xô. Bây giờ là Mỹ nó đổi mới mình chứ không phải mình đổi mới mình. Nó không nói nhưng ra lệnh ngầm bằng lịch sử, bí quá anh phải đồng ý. Lênin nói một câu hay lắm, rằng những sự kiện nó cứng đầu cứng cổ lắm, không như lý thuyết. Nhìn vào xu hướng khách quan ta thấy chưa đổi được nhưng nó cứ bị đẩy vào.
Ông Đỗ Mười có công rất lớn. Ông ấy thấy nước ngoài nó hay, ông đem so với thực tiễn của mình mà làm, mới lắm. Vấn đề cứ theo thực tế. Hay là ở chỗ đó.
Có vấn đề cần nói là ý kiến của tôi đối với Truyện Kiều có thay đổi. Thực ra nó không mâu thuẫn gì nhau nhưng có thay đổi.  Bởi mình không lường được Truyện Kiều nó sâu sắc như thế. Trước chỉ nhìn được một mặt, không nhìn được mặt khác. Sau cứ thấy những mặt khác nữa. Mình thêm vào thì cứ thấy như nó phẩn đối những đoạn trước kia mình đã nói.
Quyển đầu năm 1942 viết theo phương pháp và quan điểm chủ nghĩa Mác: tính giai cấp của tác phẩm, khuynh hướng giai cấp của tác phẩm một cách rõ rệt. Sau này mới thấy quan điểm ấy đúng, nhưng thiếu, chưa đầy đủ.
Đứng về phương diện nào mà nói thì Truyện Kiều cũng không tốt. Nhưng đứng về một phương diện nào đó thì nó tốt. Tốt như thế nào chỗ đó mình chưa luận ra được. Sau thì luận ra được. Quyển đầu viết năm 1942 tôi kết luận: một tâm hồn ốm, một đẳng cấp ốm, một xã hội ốm-tất cảTruyện Kiều là ở đó. Đúng một phần chứ không phải không đúng. Riêng có một điểm đánh giá Nguyễn Du là một tâm hồn ốm thì không đúng. Tâm hồn ông không phải là ốm, nó súc tích lắm. Mình không đọc được kĩ hết tất cả các phương diện của nó nên mình tưởng thế. Bây giờ tôi vẫn còn muốn viết về Truyện Kiều nữa, chưa nói hết được.
Ví như yếu tố trong Truyện Kiều tôi chưa nói được. Cơ sở của Truyện Kiều đó là yếu tố thần bí từ đầu đến cuối. Rất hay. Mấy cuộc đời trong đó là yếu tố thần bí hết.
Thứ hai là con người ngoài tính giai cấp ra nó còn có cái chung cho tất cả-có tính nhân văn, muốn sống lương thiện, yên vui hạnh phúc. Nó là để danh cho các giai cấp chứu không riêng cho giai cấp nào. Còn yếu tố nữa là cô Kiều tiêu biểu cho con người cận đại, con người muôn mặt. Nó phức tạp quá. Vừa mới anh hùng xong bây giờ lại cúi xuống lạy người ta. Một con người như thế-thà tự tử chứ không chịu làm đĩ. Nhưng lúc bị Sở Khanh nó lừa rồi, con mụ Tú Bà nó đánh cho lại lạy nó “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Khổ thế là cùng chứ gì. Nó rất phức tạp, lúc hèn kém lúc táo bạo… Tôi cũng chưa nói được hết. Con người cận đại mình chưa nói được.
Thứ 3, yếu tố chân lí. Cái này mới hay. Trên thế giới có nước nào có có cuốn tiểu thuyết mà toàn dân đem ra để bói không. Bói mà đúng. Đó là chỗ rất hay chưa ai khám phá ra. Cũng như tử vi nó chứa một chân lí gì thì bói mới được chứ.
Thứ 4, quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Du. Ông Ngô Đức Kế bác Kiều bằng mấy chữ ai dâm sầu oán đại dục căn bi, tồi lắm không nên đọc. Chính ông Nguyễn Du cũng nói cuộc đời trong này đoạn trường khổ lắm. Thế rồi suốt một quyển kể những đau khổ hết của người này đến của người khác-Cuối quyển thì bảo “mua vui cũng được một vài trống canh”. Lạ không. Hay không nào. Mục đích của nghệ thuật là mua vui. Lạ thế. Nói cái khổ của người ta để mua vui cho thiên hạ. Từ trước có ai nghĩ như thế không. Tôi nói nước mình chứ chưa nói nước ngoài. Quan điểm đó phải phát triển. Thế mới lạ bởi vì quan điểm đó nó lại có nghệ thuật kèm theo. Có nhiều cái ở trong đó không làm thế nào mà cắt nghĩa được. Nó chứa đựng cái chân lý huyền ảo trong cuộc sống. Có luật nhân quả, luật nhân duyên của nhà Phật. Ông Nguyễn Du là một nhà phật học. Điều này “nguy hiểm lắm”. Tôi đã uống phải cái đó tôi biết. Lắm chỗ tôi bác ý kiến của Nguyễn Du đi bây giờ thấy sai hoàn toàn. Ông ấy nói tu là cõi phúc tình là dây oan. Mình bác. Mình không biết phải hiểu chữ tu, tình, phúc là theo đạo Phật chứ không phải theo ngôn ngữ của chúng mình thì mình mới hiểu được. Tất cả những danh từ trong đó đều do thuật ngữ mà ra mà mình không hiểu. Đến bây giờ tôi vẫn chưa viết hết, vẫn còn nợ cô Kiều. Văn học sau 1955 tôi không để ý một tí gì. Không đọc nữa, không biết. Có 2 chương trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (chương cuối) tôi có nói vấn đề ấy: điều kiện lịch sử mới của nền văn học mới, hướng đi như thế nào. Bỏ 30 năm nay chẳng để ý đến văn học, chẳng biết có cái gì hay (Ví như trước kia tôi nói được ngay thích Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Trọng Phụng,…). Còn văn học lúc sau năm 1955 tôi không dám có ý kiến. Có thể do sự lãnh đạo của Đảng tập trung vào khu vực khác. Liệu mà viết thế nào cho sát thực tế. Đừng có rơi vào những cái cũ.
Về Nhân văn Giai phẩm sau bao nhiêu năm nhìn lại thấy rằng: Lúc ấy phong trào chống Stalin lan ra ở khắp thế giới, khắp nơi. Bởi đó là điều vướng nhất trong sự tiến bộ của chế độ Xô viết và con người. Khắp các nước XHCN đều nổi dậy chống Stalin. Ít nhất là trong văn học. Riêng tôi là người Mácxit, tôi nghĩ không hưởng ứng phong trào này thì mình có xứng đáng là người trí thức Mácxit không? Cho nên phải viết. Viết bởi trong Đảng mình cũng có những cái tôn sùng cá nhân. Mình thấy mình cần viết để gõ một tiếng chuông báo động và đưa ra một yêu cầu đòi tự do tư tưởng cho người văn nghệ sĩ.  Thứ 2 là bỏ cái đảng trị đi. Anh em văn nghệ tin ở phương diện tài và đức, người ta bầu ra ai thì người ấy lãnh đạo, không kể đảng hay không đảng. Thứ 3, những người văn nghệ sĩ đứng đắn bao giờ cũng tôn trọng sự thật. Tôi tôn trọng Đảng, quí Đảng, nhưng tôi quí sự thật hơn Đảng. Nếu Đảng xúc phạm đến sự thật thì tôi sẽ phê bình. Tôi viết mấy ý kiến táo bạo như thế, không có hối hận gì cả, bao giờ cũng thấy đúng. Có điều giá viết một cách ôn tồn tí nữa thì hơn. Bây giờ ngoảnh lại nhìn cuộc đời mình không thấy chỗ nào mình xấu hổ cả. Cuộc đời mình mình mở đường mà đi. Trong sự đóng góp ình có đóng góp cá nhân, có sai lầm nhưng có tiến bộ. Trong cuộc đời nghệ sĩ, lúc nào, việc nào, mình cũng bênh vực sự thật, lương tâm trong sạch. Không sa đà vào ăn chơi, vào tư tưởng này tư tưởng nọ. Chỉ khổ là cái mắt bay giờ không còn nhìn rõ nữa.
Trước khi chết, thế nào tôi cũng viết quan điểm của tôi bây giờ đối với chủ nghĩa Mác. Bởi cả cuộc đời mình ở trong đó. Cái bột mình làm từ đó ra. Mà nó cũng có ích. Nó phải có ý nghĩa nào đó chứ. Mọi việc đã diễn ra như thế. Đó là cái nợ đối với ông Mác. Cái nợ phải trả. Nhiều người còn thắc mắc lắm, kể cả đảng viên kỳ cựu nữa chứ không phải thường đâu. Một chủ nghĩa ra đời năm 18, lập nên một chế độ Xô viết thế giới trong suốt 70 năm. Chẳng lẽ nó sai à. Như thế chẳng thể nói nó là sai, là vứt đi cả. Nó phải có cái gì được chứ. Chẳng lẽ ông Mao Trạch Đông là vứt đi à! Nó phải có công lao quá đi ấy chứ. Cho nên phê bình lịch sử là việc khó nhất. Phải có một con mắt chân chính, rộng lượng, vì nhân loại, không thiên vị. Không phải ai cũng đúng cả đâu. Đến như Mác cũng có chỗ sai chứ không phải là không sai. Nhưng một người như Mác là người tuyệt vời. Cái sai của họ cũng khác, cái sai của họ cũng là bài học lớn cho mình. Nó có ích. Nên ông Mác bảo rằng lịch sử loài người có phải chỉ là lịch sử các chế độ đâu, còn là lịch sử phát triển nhân tính nữa. Nên văn hóa là một sự liên tục. Tôi còn nhớ chuyện một ông người Pháp ông ấy mặc áo, cài khuy áo, ông ấy nghĩ đến ai là người làm ra cái khuy áo thế này, cách cài thế này. Phải biết thật đúng. Biết nửa vời thì cái gì cũng sai. Phải biết ơn những người đi trước với tất cả những lầm lẫn không thể tránh khỏi của họ. Phải rộng lượng tha thứ, hiểu biết. Thế mới là người.
-VẤN ĐỀ TÍNH CHẤT DÂN TỘC
Vấn đề này tôi chỉ nói ngắn gọn:
Anh là người Việt Nam, anh thuần túy Việt Nam, thế là anh tự nhiên có cái năng khiếu phản ánh, thể hiện những cái gì của dân tộc mà chính anh cũng không biết. Khi viết, khi nói thì nó ra tự nhiên. Thế thôi.
Cho nên ông Trường Chinh không đồng ý với tôi về quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam. Ông cho văn hóa phải có 3 nguyên tắc lớn là: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Tôi đưa ra 4 yếu tố, không có dân tộc tính.
Bởi nói văn nghệ là phải có tính cách mạng liên tục. Văn nghệ phải cách mạng, cả trào lưu cứ đi mãi không bao giờ đứng cả. Đó là 1.
Thứ 2, nói cách mạng theo hướng xã hội chủ nghĩa. Trong “Tương lai văn nghệ Việt Nam” tôi đã chứng minh như thế.
Thứ 3, phải có tính khoa học. Không có tính khoa học thì không mang tính thời đại.
Thứ 4 là tính đại chúng.
Ông Trường Chinh phê bình tôi là không nói tính dân tộc không được.
-Ý KIẾN VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Hồi mặt trận bình dân ở Pháp, sách sang ta rất nhiều. Toàn sách Mác-Lênin. Bây giờ mới được đọc. trước Pháp cấm, không có mà đọc. Thời gian đó được 2-3 năm, tôi đọc được nhiều, mua hoặc ra hiệu sách ở chợ Đồng Xuân ngồi đọc. Nhiều quyển quý lắm, thư viện cũng không có, như cuốn Duy vật lịch sử của ông Bukharin.
Sách Mác Ănghen Bukharin tôi đọc nhiều lắm và bị chủ nghĩa Mác cuốn hút mình. Nó hay quá. Đó là nói về quan điểm và phương pháp của nó. Cái này có gây tai hại cho tôi đấy.
Tôi bảo phải dùng phương pháp này mới nghiên cứu được. Nên phải cố nghiên cứu tiếng Pháp để đọc nhiều điểm ý kiến của Mác-Lênin. Như: ở những nước thuộc địa lạc hậu đế quốc cai trị thì giai cấp tư sản yếu lắm không đủ tư cách làm cách mạng dân chủ. Một mặt bị nó chèn ép, một mặt chạy theo xu hướng trụy lạc ăn chơi của đế quốc tư bản.
Điều đó ảnh hưởng đến cách mình nhìn và đánh giá sách của Tự lực Văn đoàn như là cái giấy bổn: nó ca ngợi cô Tuyết làm đĩ, đời mưa gió thơ mộng, ca tụng những cái xác thịt, ca ngợi những cái cải cách chỉ làm cản trở, chậm tiến hóa. Thế là mình quay lại chống Tự lực Văn đoàn mà vừa trước đó mình ca tụng nó. Trước kia mình viết những bài ca tụng rất hay, nổi tiếng khắp nước. Có người ở Sài Gòn viết bài trên báo Sài Gòn “Ngòi bút Trương Tửu không thành thật”. Trước ca tụng giờ lại công kích nó bảo rằng khuynh hướng tư sản làm cản trở sự tiến hóa của xã hội. Tôi bị cái tiếng làm thay đổi tư tưởng vì lúc đó tôi bắt đầu đi vào chủ nghĩa Mác. Tôi thấy nó mới, hay quá. Lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm gì về đời sống bên Liên Xô.
Năm 1936 có vụ án Matxcơva xử những Trung ương ủy viên trong Bộ Chính trị như Camơnốp Bukharin…đó là những bạn thân của Lênin-họ bị coi như phản động hết. Hồi ấy thế giới tổ chức phiên tòa ở Paris để phát những điều của Nga ở Moscou. Mình mới thấy ra những cái gì mình đọc trong lý thuyết là như thế nào; còn những cái trong thực tế của Stalin là như thế nào, đó là dân khổ, trí thức mất quyền như thế nào. Không biết con đường Stalin đúng hay sai. Đến năm 1991 Gorbachop tuyên bố bỏ giai cấp công nhân lãnh đạo, Đảng lãnh đạo, bỏ chế độ Xô viết. Mình nghĩ những cái đó nhưng chỉ nghĩ ở trong đầu mình, thế mà trên thực tế nó đã đến cả, Nó độc tài quá. Qua thực tiễn thấy như thế.
Tôi định viết quyển Tôi đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin như thế nào.
Có người Việt Nam ở Mĩ viết rất táo bạo: 100 năm nước Pháp đô hộ nước ta đã để lại dấu vết ghê ghớm lắm. Nhìn lai văn học thế kỉ XX, các nhà văn đều từ Tây học ra cả. Như trongHồn bướm mơ tiên: :Lá rơi, lá rơi,…là lấy ở văn học Pháp. Rất nhiều tứ thơ của Xuân Diệu toàn ở thơ Pháp. Trí thức như ông Quỳnh, ông Vĩnh ảnh hưởng Pháp ghê ghớm. Dân cũng ảnh hưởng Pháp không kém đâu.
Ảnh hưởng ấy là tốt, đó là Tây phương, là Hi Lạp, La Mã. Tôi biết đến dân chủ là nhờ Rútxô, Vonte, tư tưởng thế kỷ XVIII ở Pháp. Khi tôi đọc lý thuyết văn học là biểu thị của xã hội thì chính nó đã cho tôi biết lối mà đi. Cái ấy đúng thế mà là sai. Sau đó mình “nhảy” thêm bước nữa khi mình biết điều Mác bảo văn học biểu thị giai cấp đấu tranh. Và tôi viết về Truyện Kiều xét về mặt tính giai cấp. Xét lại thấy đúng một phần sai một phần. Gần như ngược lại cái mình viết năm 1942.
TRƯƠNG TỬU
Tiểu sử
-Sinh năm 1913 ở làng Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, trong một gia đình dân nghèo thành thị.
-Viết báo, viết văn từ năm 18 tuổi (1931)
- Tham gia kháng chiến từ 12-1046 ở Liên khu 4 (Thanh Hóa)
- 1952 được bổ nhiệm làm giáo sư dạy dự bị đại học (ở Liên khu 4)
Từ 1954 là giáo sư đại học Sư phạm.
Nghỉ viết văn từ thời kỳ Nhân văn Giai phẩm 
....................
Pgs Tôn Thảo Miên và Ts Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm KHXHVN]. Hà Nội 1997


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: