Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Quá trời sâu!

(ĐSPL) - Mới đây, Chánh án TAND huyện Nam Đàn, Nghệ An bị bắt giữ khi đang nhận tiền “chạy án” càng tạo nên những bất bình trong dư luận.
Liên tiếp những vi phạm pháp luật trong công tác truy tố, xét xử và thi hành án khiến dư luận không khỏi quan ngại về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ ngành tư pháp. Vấn đề này được các ĐBQH đưa ra mổ xẻ, phân tích, lãnh đạo cơ quan tư pháp “hứa rút kinh nghiệm” nhưng dường như chỉ giải quyết được bề nổi. Khi cán cân công lý cũng bị lệch, bị mua chuộc thì sẽ còn nhiều vụ án “con gấu được tuyên là con thỏ”.
Những “con sâu” trong ngành tư pháp khiến công lý nghiêng ngả - Ảnh 1
Cơ quan điều tra VKSNDTC thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Duy Hải (X), nguyên là thư ký tòa để làm rõ hành vi "chạy án".
Từ luật sư đến Chánh án cũng... “chạy án”
Trong ngành nghề nào cũng phát sinh những tiêu cực mà người ta phải che giấu, mua chuộc nên gọi chung là “chạy án”. Thế nhưng ở ngành tư pháp, việc “chạy án” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Việc này dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc giảm nhẹ hình phạt với người phạm tội. Khi những người cầm cán cân công lý mà không có cái tâm, bị tha hóa biến chất thì hệ lụy thật khôn lường!.
Như Đời sống và Pháp luật đã thông tin, liên quan đến vụ việc ông Phan Văn Quang, Chánh án TAND huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) bị bắt giữ khi đang nhận tiền “chạy án”. Với lời hứa sẽ xử một mức án nhẹ cho bị can bị truy tố về tội đánh bạc, ông Quang đã nhận của bị can này (đang được tại ngoại trong quá trình điều tra) 20 triệu đồng (ngày 25/11/2013). Theo người dân địa phương, mặc dù mới giữ cương vị Chánh án TAND huyện Nam Đàn mới 5 năm nhưng ông Quang đã có ô tô riêng và sống cùng gia đình tại thị trấn Nghĩa Đàn.
Trước đó, cũng tại Nghệ An, một thẩm phán của TAND huyện Yên Thành bị bắt giữ trong một vụ cầm đầu đường dây “chạy án”. Theo đó, ông Bùi Anh Đức là Thẩm phán TAND huyện Yên Thành, được giao nhiệm vụ chủ tọa xét xử vụ án hình sự “tham ô tài sản” vào ngày 25/4/2012. Điều đáng nói là bản thân ông Đức đã “gợi ý” gia đình bị cáo chi từ 40 triệu đến 60 triệu đồng để lo việc giảm án. Sau khi sự việc bị tố cáo, Đức cũng đã khai nhận toàn bộ sự việc phạm tội của mình.
Gần đây nhất, tháng 9/2013, một thư ký tòa án cũng bị bắt khẩn cấp khi nhận tiền “chạy án”. Đối tượng là Nguyễn Duy Hải (47 tuổi). Khi phạm tội, Hải là thư ký TAND quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Trước đó, trong một phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “trộm cắp tài sản”, sau khi phiên tòa kết thúc, Hải đã chủ động làm quen với thân nhân bị cáo và đề nghị nếu muốn “chạy án” phúc thẩm (theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo) thì đưa cho Hải 55 triệu đồng.
Vấn nạn “chạy án” không chỉ xuất hiện trong các cơ quan tiến hành tố tụng mà một số luật sư cũng là người cầm đầu các đường dây “chạy án” cho thân chủ. Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra (bộ Công an), đầu năm 2013, cơ quan này đã bắt Lương Anh Tiến, luật sư bào chữa của bị can Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty CP Du lịch Lộc Bình Phú, bị truy tố và xét xử về 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức-PV). Được biết, trong quá trình tiến hành các thủ tục bào chữa, ngoài chi phí theo thỏa thuận là 100 triệu đồng, Tiến chủ động gặp gia đình Tuấn hứa hẹn sẽ tác động với cơ quan tiến hành tố tụng bỏ tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản để Tuấn chỉ nhận mức án thấp nhất. Đổi lại, gia đình Tuấn phải chi 3 tỷ đồng. Thời điểm bị bắt, Tiến đã nhận của gia đình Tuấn 810 triệu đồng.
Một vụ việc khác xảy ra tại TP.HCM. Cơ quan điều tra đã bắt ông Võ Trọng Hiếu, nguyên là thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM. Trong thời gian được phân công giải quyết một hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà, ông Hiếu đã nhận hối lộ 3 lượng vàng và 1 triệu đồng của một bên để hứa hẹn sẽ giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho phía gia đình này...
Trước thực trạng trên, nhiều người tỏ ra bức xúc vì niềm tin của người dân vào pháp luật, lẽ công bằng xã hội vốn đang bị tổn thương. Phân tích nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là sự yếu kém về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, công tác truy tố, xét xử và thi hành án. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nề nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý. Vẫn còn có biểu hiện xử lý không nghiêm minh, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm như lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm pháp luật bằng biện pháp kỷ luật, hành chính.
Có mấy “dạng” chạy án?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Tâm lý của tội phạm thì luôn muốn trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, hoặc được giảm nhẹ nên luôn tìm cách “chạy án”. Tuy nhiên, nếu như các cán bộ ngành tư pháp cũng tiếp tay cho việc này thì không thể chấp nhận được. Phẩm giá cao quý của người “cầm cân” đã bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích vật chất không chính đáng cho riêng mình, vi phạm pháp luật, kỷ luật của ngành tòa án.
“Chỉ vì tiền mà cả người “cầm cân” cho sự công bằng của xã hội cũng bị mua chuộc thì rất đáng lên án. Đây là điều lý giải cho việc tại sao còn tồn tại nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang gần đây. Bản thân tôi cũng như người dân không chấp nhận được việc đòi hỏi về tiền bạc trái pháp luật của những người có thẩm quyền giải quyết vụ án”, luật sư Tiến nói.
Một vị luật sư khác (đề nghị giấu tên) thẳng thắn nói: “Chính việc “chạy án” sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc tìm cách vận dụng pháp luật nhằm giảm nhẹ hình phạt. Những ai thường tham gia tố tụng mới hiểu hết chuyện chạy án. Người có kinh nghiệm có thể “ngửi” được mùi “chạy án” thông qua thái độ của thẩm phán chủ tọa và thư ký trong quá trình tòa chuẩn bị xét xử”.
Theo vị luật sư này, có 2 dạng “chạy án”, dạng thứ nhất là đơn thuần bỏ tiền ra để “chạy án”, còn dạng thứ hai là vừa bỏ tiền vừa kết hợp với chuyện “gửi gắm” từ những vị có vai vế cao hơn cấp tòa đang thụ lý vụ việc. Đối với dạng thứ nhất, nếu có phương pháp bảo vệ quyền lợi tốt thì vẫn còn hy vọng không bị xử oan, nhưng đối với dạng thứ hai thì dù có chứng cứ mạnh như thế nào cũng phải “thúc thủ”. Tòa có thể bỏ hết chứng cứ có lợi ra ngoài, chỉ đưa vào những chứng cứ bất lợi, còn bên được “gửi gắm” thì ngược lại.
Ngay cả khi có luật sư làm người đại diện hay bào chữa, nếu có sự “gửi gắm” từ cấp có quyền lực rằng bằng mọi cách phải “xử thắng” cho bên kia, thì luật sư tha hồ trình bày, tha hồ tranh luận, hội đồng xét xử không ngăn cản, sẵn sàng bỏ nhiều giờ ngồi nghe, phía bên kia cũng chả phải tranh luận nhiều, cuối cùng tòa vẫn tuyên theo ý của người “gửi gắm”?!
Thêm một... "phần nổi của tảng băng"
Ngày 28/11/2013, thẩm phán, Chánh tòa Kinh tế Ngô Văn Anh đã bị TAND TP.Hải Phòng đình chỉ công tác vì nghi nhận hối lộ 130 triệu đồng của ông Đồng Xuân Thép để xử có lợi cho đương sự. Liên quan đến vụ việc này còn có ông Lê Khắc Hạnh - Phó Chánh án TAND TP.Hải Phòng nghi nhận số tiền 80 triệu đồng và ông Khanh bên viện KSND TP.Hải Phòng nghi nhận 30 triệu đồng. Khi TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.Hải Phòng giải quyết lại bản án, mặc dù đã nhận tiền "bôi trơn" nhưng tại bản án sơ thẩm lần 2, thay vì nhận được 1,8 tỷ đồng (theo bản án sơ thẩm lần 1) từ công ty cổ phần 204, ông Thép phải trả cho công ty này gần 6 tỷ đồng. Vì vậy, ông Thép đã đòi lại tiền "bôi trơn", gửi đơn tố cáo và chuyển toàn bộ chứng cứ là những băng ghi âm trao đổi giữa ông và các cán bộ TAND TP.Hải Phòng lên cơ quan phòng chống tham nhũng TP.Hải Phòng. Ông Lê Khắc Hạnh thuộc quyền quản lý của TAND Tối cao nên TAND TP.Hải Phòng sẽ báo cáo cấp trên tìm hướng xử lý.
Minh Khánh – Cao Tuân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: