Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Nghịch lý cuối năm: Thất nghiệp lắm ăn nhậu nhiều


Không phải đợi cận Tết mới có lý do để ăn nhậu, liên hoan mà từ sau Tết dương lịch tại nhiều công ty, văn phòng đã “rã đám trong cơ quan xôm tụ ngoài quán nhậu” bởi tình trạng chung là …không có việc.
Cuối năm, thất nghiệp, ăn nhậu, nhà hàng, công sở
Quán lẩu trên đường Cầu Giấy kín chỗ sau mỗi buổi chiều
Có mặt tại quán nhậu bình dân khá quy mô trên đường Cầu Giấy, Hà Nội từ hơn 4 giờ chiều, Anh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) nói: “Ngồi lắm ở công ty làm gì, có việc gì nữa đâu”.
Theo anh Hà, anh đi làm ở công ty nhập khẩu và phân phối máy móc thiết bị ngành xây dựng 8 tiếng/ngày, tuy nhiên “chỉ giỏi lắm là thực sự làm 3 tiếng, 5 tiếng còn lại ngồi chơi, lướt facebook, đọc tin tức giết thời gian. Tuần 3 buổi đi đá bóng giao lưu, xong xuôi thì đổ bộ ở quán nhậu để tổng kết”.


Lý do anh đưa ra là “công ty làm ăn thua kém, nhân viên trừ lái xe, kế toán còn lại đúng 3 người, chắc sếp cũng chả buồn đuổi việc ai nữa”.

Anh Hà ngồi chờ một lúc đã có thêm 3 người bạn ra góp vui. Một trong số họ giải thích: “Việc chả có gì nhưng cũng phải chờ hết giờ (5 giờ chiều) để chấm công mới được về”.

Một anh khác mặt đỏ gay, ngà ngà say nói: “Trưa mới làm một chầu, say không biết gì, 2 giờ hơn mới bắt taxi về công ty. Xe đang vứt ở quán lát nữa thằng nào đèo tao chạy qua lấy”.

Theo những người này, không có việc đồng nghĩa với việc chấp nhận lương thấp, các khoản trợ cấp bị cắt giảm. Tuy nhiên nhiều người không dám nhảy việc ở thời điểm này.
Họ cố làm nốt để nhận khoản tiền thưởng Tết (âm lịch) dù ít hay nhiều. Hoặc “nghỉ bây giờ nắm chắc thất nghiệp đến tháng 3 năm sau vì giờ có công ty nào tuyển người nữa?”, một  người lập luận và những người bạn khác đồng tình.

Cùng chung tình trạng trên, anh Hải, tổ trưởng một công ty xây dựng nói: “Mình bận nhất là giai đoạn trước Tết dương. Lúc đó phải hoàn tất hồ sơ để chủ đầu tư thanh toán tiền. Sau đó thì chẳng còn việc gì làm coi như nghỉ Tết từ hồi đó rồi”.

Dọc nhiều tuyến phố như Dương Quảng Hàm, Nghĩa Tân, Văn Cao, Kim Mã… chưa hết giờ tan sở nhưng các quán nhậu bình dân đã nhanh chóng có khách gọi bàn. Chỉ với 3-4 trăm nghìn cho một nồi lẩu 4-5 người ăn là họ có thể ngồi đến hết đêm.

Quán nhậu bình dân "hốt bạc"

Trong khi cánh nam giới ngồi "cắm rễ" ở quán nhậu thì chị em công sở cũng có cách để giết thời gian.

Công ty xây dựng M.D có văn phòng tại nhà riêng của giám đốc ở Văn Cao, Ba Đình cũng đang “khan” việc cuối năm. Chị Hải Anh, nhân viên kế toán, nói “Công ty mình từ đầu năm giờ (1/1) ít nhất là 3 buổi liên hoan rồi”.

Được sếp đồng ý, công ty này gọi dịch vụ lẩu tại nhà, nhà hàng sẽ mang đến tận nơi để cả công ty ăn trưa.

Cuối năm, thất nghiệp, ăn nhậu, nhà hàng, công sở
Quán nhậu bình dân, giá rẻ là lựa chọn của nhiều người

Đồng thời nhà hàng cũng cho khách mượn bát đũa, bếp từ, nồi và các dụng cụ ăn uống khác. Khoảng 2-3 tiếng sau khi mang đồ tới, nhà hàng sẽ đến thu dọn dụng cụ ăn uống.
“Ăn uống bét nhè từ 11 giờ trưa đến hơn 2 giờ chiều mới tan tiệc, sếp cũng thoải mái vì cuối năm công việc không nhiều”, chị Hải Anh cho biết thêm.

Mức giá của lẩu giao tại nhà dao động trung bình từ 300.000 - 600.000 đồng/nồi, tùy theo nguyên liệu và số người ăn. Chi phí khá rẻ lại tiết kiệm thời gian đi lại, đặc biệt, trong những ngày vừa qua, thời tiết rét đậm càng giúp dịch vụ này có cơ hội “ăn nên, làm ra”.
Anh Đông chủ một quán lẩu ở Cầu Giấy, cho biết, đây là giai đoạn “hốt tiền” của các quán ăn nhậu bình dân, giá rẻ. Tại quán của anh từ cuối tháng 12/2013 đã rất đông khách. Đặc biệt trong dịp cận Tết dương vừa qua có những thời điểm quán hết chỗ đành phải từ chối khách.

Theo anh này, năm ngoái quán có chính sách “khuyến mãi” một két bia cho nhóm 20 khách trở lên để thu hút, nhưng năm nay không cần khuyến mãi khách hàng vẫn rất đông. Nếu như các năm trước cận Tết dương, Tết âm quán mới có nhiều khách thì năm nay từ sau Tết dương đã rất đắt khách.

“Nhậu ở quán hầu như là khách quen, công ty đối diện với quán của tôi hầu như tuần phải 3 buổi ra ngồi ở đây. Chỉ 300 nghìn một nồi lẩu cho 4, 5 người thì chẳng đáng bao nhiêu. Cuối năm người ta lại có lý do để ngồi quán tụ tập nhiều hơn”, anh Đông cho biết.

Tại quán Vịt 29 ở Nguyễn Thượng Hiền, Hai Bà Trưng, Hà Nội trong ngày 31/12 từ 11 giờ trưa đã kín chỗ. Quán này phải mượn cả địa điểm là quán cafe bên cạnh cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách. Bảo vệ của quán phải ra “nói khéo” để khách thông cảm. Thậm chí, khi hết bàn có khách ngỏ ý mua vịt về liên hoan tại công ty chủ quán cũng đành lắc đầu vì hết hàng.

Khi nhận được điện thoại đặt bàn cho dịp Tết dương của công ty hơn 20 nhân viên, nhân viên phụ trách đặt tiệc của quán vịt này cũng khá băn khoăn. Anh cho biết từ 25 đến 28 Tết khách phải đặt bàn trước 2, 3 ngày bởi số lượng quá đông.

Anh Đức phụ trách đường dây nóng của một quán Lẩu tại nhà ở Thái Hà, Đống Đa cũng cho biết: “Cuối năm đông khách, cửa hàng anh sẽ phục vụ đến tận 28, 29 Tết mới nghỉ”.
Thậm chí anh còn kể: "Có hôm, 2 khách đến đây ăn uống đến say xỉn, lúc đèo nhau về vừa ra khỏi quán được một đoạn thì vấp ổ gà ngã ra đường. 2 người cứ thế ôm vai bá cổ nhau ngồi luôn giữa đường nhìn xe cộ chạy qua chạy lại..."

N.Trang VietnamNet

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: