Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

“Điểm yếu của biên tập viên là sợ bóng sợ gió”


TT thực hiện

Nhà văn Tạ Duy Anh
Trả lời phỏng của Tia Sáng, nhà văn Tạ Duy Anh, đồng thời là biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ 13 năm nay, cho rằng, với quy định về việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề, Luật Xuất bản mới chỉ làm trầm trọng thêm căn bệnh sợ bóng sợ gió của các biên tập viên.

Xin ông cho biết, Luật Xuất bản 2012 có điểm gì mới mà ông quan tâm, từ góc độ người làm công tác biên tập?

Có một vài điểm mới, nhưng tôi chỉ quan tâm đến điều khoản quy định trách nhiệm cho biên tập viên. Quy định mới là biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. 

Điểm mới này sẽ tác động như thế nào đến công việc biên tập của ông ở nhà xuất bản hiện nay?
Luật Xuất bản, in, phát hành, hay còn gọi là Luật Xuất bản 2012 (danh mục Luật số: 19/2012/QH13) được thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực từ 1/7/2013, thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12.
Sẽ chẳng có tác động tích cực nào, nếu những người làm luật mong muốn điều đó theo cách của họ. Nó chỉ khiến công việc biên tập thêm khó khăn, phiền nhiễu. Chứng chỉ nghề biên tập là cái gì? Chẳng nhẽ nghề biên tập cũng giống như nghề lái xe, thợ cơ khí. Thực lòng thì tôi cũng chưa biết cái chứng chỉ đó đáp ứng yêu cầu gì, phục vụ mục đích gì. Nếu yêu cầu có chứng chỉ hành nghề với hy vọng nâng cao chất lượng biên tập thì tôi không hiểu. Còn nếu coi đó là cái vòng kim cô đội lên đầu biên tập, để dễ quản lý, dễ dọa nạt thì cách đó quá nghiệp dư. 


Theo ông, điểm yếu của công tác biên tập trong lĩnh vực xuất bản sách hiện nay là gì?
Điểm yếu của biên tập viên là sợ bóng sợ gió những cấm kị đôi khi không hề tồn tại, là không đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm về tác phẩm mình biên tập. Trong trường hợp ấy biên tập viên thường chọn giải pháp an toàn và kết quả là tạo ra một sự bất công cho tác giả, ngăn cản quyền in tác phẩm của họ như luật pháp cho phép. Những điểm yếu này sẽ càng tệ hại hơn nếu có thêm đòi hỏi bên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề. Chỉ có một cách chuẩn hóa biên tập viên đơn giản mà hiệu quả nhất là yêu cầu mọi người đều phải học hỏi nâng cao trình độ và làm theo luật pháp. Chúng ta có đủ các loại luật để biên tập viên có thể dựa vào, không cần phải thêm một quy định dưới luật nào nữa.

Ông có biết thêm thông tin gì về các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập như Luật nêu ra không, chẳng hạn như ai sẽ đứng ra tổ chức, học phí ra sao, ai trả…?

Tôi không biết và không có nhu cầu phải biết ai sẽ dạy và dạy cái gì. Nhưng tôi biết chắc chắn học phí là do cá nhân hoặc cơ quan xuất bản trả. Như vậy thì có thể coi việc đào tạo để cấp chứng chỉ biên tập là việc kinh doanh, một hình thức xin cho tinh vi và nhất định là có tiêu cực.

Quan điểm của ông về công việc của người biên tập trong lĩnh vực xuất bản sách?

Trước hết phải yêu nghề, có trách nhiệm cao và phải tinh thông nghiệp vụ, chấp hành tốt những quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và kiên quyết từ chối thực hiện những quyết định vi hiến, đấu tranh thẳng thừng với những quyết định như vậy, dù nó được ban ra từ cấp nào. Biên tập phải có tấm lòng với sách, với người viết sách và với bạn đọc.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực biên tập sách, ông thường thấy “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra với các biên tập viên trong những trường hợp nào? Riêng với cá nhân ông thì sao?

Tai nạn thường xảy ra khi biên tập quyết định cho ra đời một cuốn sách mà cấp trên thì bảo “chưa cần thiết” (mặc dù không phạm luật) nhưng độc giả thì háo hức đón chờ. Tôi là biên tập viên gặp tai nạn vào loại nhiều nhất, quãng hơn chục lần, nhưng chưa bao giờ có ai kết luận được tôi làm sai luật pháp, vì thế mọi chuyện đều qua. Vả lại mọi biên độ cũng đang cởi mở dần ra và các nhà quản lý buộc phải có cái nhìn thông thoáng hơn.

Những tai nạn đó theo ông có thể tránh được không, nếu được thì bằng cách nào?

Tránh hay không còn tùy người, tùy ở tính toán của họ. Tôi không bao giờ tránh những tai nạn như vậy, những tai nạn có lợi cho tác giả, cho sự nghiệp xuất bản và cho chính bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn ông.


Điều 19. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên
1. Tiêu chuẩn của biên tập viên:

a) Là công dân Việt Nam; thường trú tại Việt Nam; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên;
c) Hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

2. Biên tập viên có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện biên tập bản thảo;
b) Được từ chối biên tập bản thảo tác phẩm, tài liệu mà nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này và phải báo cáo với tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản bằng văn bản;
c) Đứng tên trên xuất bản phẩm do mình biên tập;
d) Tham gia các lớp tập huấn định kỳ kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức;
đ) Không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
e) Chịu trách nhiệm trước tổng biên tập nhà xuất bản và trước pháp luật về phần nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập.

Điều 20. Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập

1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề biên tập bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề biên tập theo mẫu quy định;
b) Sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định;
c) Bản sao có chứng thực văn bằng;
d) Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng chỉ hành nghề biên tập; trường hợp không cấp chứng chỉ phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Biên tập viên có xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy;
b) Biên tập viên trong 01 năm có hai xuất bản phẩm hoặc trong 02 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà bị buộc phải sửa chữa mới được phát hành;
c) Biên tập viên bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

4. Biên tập viên có chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi thì sau 02 năm mới được xét cấp lại, trừ trường hợp biên tập viên bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án về các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

5. Chứng chỉ hành nghề biên tập được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng.

Trích Luật Xuất bản 2012

 Nguồn: Tia sáng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: