Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Hoàng Sa - thiên đường của chúng ta!


Bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.
Ngày 11.12.2006, lần đầu tiên, chính quyền Đà Nẵng mở kho tư liệu Hoàng Sa và mời những người từng sinh sống và làm việc ở Hoàng Sa đến gặp mặt và tham quan. Hàng năm, Sở Nội vụ và huyện đảo Hoàng Sa đều tổ chức gặp gỡ những nhân chứng này. Các nhân chứng trong bài viết nay có người còn, người mất. Đây là chứng cứ chân thật nhất về một thời Hoàng Sa.

“Sáng đó (20.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo. Mọi người vội vàng chạy vào lấy ống nhòm ra nhìn và biết đó là tàu của Trung Quốc” – ông Tạ Hồng Tân, một trong những người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhớ lại như vậy.

Bị Trung Quốc bắt làm tù binh

Đó là một ngày không quên trong đời ông Tân. Năm 2006, ông Tân 73 tuổi sống bằng nghề dạy kèm tiếng Anh, tiếng Pháp tại phường An Hải Đông thành phố Đà Nẵng.


Nhân chứng Tạ Hồng Tân (ảnh chụp năm 2006), người bị Trung Quốc bắt làm tù binh sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Ông là người gốc sài Gòn, làm nhân viên quan trắc cho Đài khí tượng Sài Gòn, được điều ra Trung tâm khí tượng Đà Nẵng làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Khi đó, trên đảo có một trung đội Địa phương quân thuộc Đại đội 157, địa phương quân Đà Nẵng của chế độ Sài Gòn và 6 nhân viên thuộc Trạm khí tượng Hoàng Sa.

Ông Tân kể: “Thấy tàu chiến nhiều quá chúng tôi rất lo âu. Nhân viên vô tuyến của trạm liên lạc về Đài khí tượng Đà Nẵng cầu cứu. Kêu thì kêu vậy nhưng biết không làm gì được vì lực lượng bên đó quá đông!”.

Từ sáng sớm đến hết cả ngày 20.1.1974, tàu chiến Trung Quốc án binh bất động. Lúc đó, đã xảy ra hải chiến ngoài khơi, ở các đảo xung quanh, nhưng những nhân viên khí tượng này không biết. Khoảng 5 giờ chiều, sau một đợt pháo kích, Trung Quốc cho quân đổ bộ vào đảo bắt sống toàn bộ trung đội Địa phương quân và 6 nhân viên khí tượng, trong đó có ông Tạ Hồng Tân.

“Họ đưa chúng tôi lên tàu về đảo Hải Nam ngày hôm sau. Chúng tôi được chuyển lên xe bịt bùng về giam ở đâu không biết!” – ông Tân kể.


Hai chiếc vỏ ốc này là kỷ vật của nhân chứng Phạm Khôi. Nay hai vỏ ốc này đã được tặng cho Kho tư liệu Hoàng S.

Chúng tôi xác định được nhà giam ông Tân cũng như các binh lính khác là nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Vào nhà giam, mọi người bị lấy lời khai nhưng được đối xử tử tế.

Khoảng gần 3 tuần sau, ông Tân nói có một cán bộ Trung Quốc tới trại, đem theo người phiên dịch nói cho chúng tôi biết: “Hoàng Sa là đảo của Trung Quốc nhưng Việt Nam chiếm làm đài Khí tượng. Nay Trung Quốc lấy lại và các anh sẽ được trả tự do trong vài ngày tới”. Khoảng gần 1 tuần sau, ông Tân cùng toàn bộ tù binh bị Trung Quốc bắt đưa qua Hồng Kông.

Chính quyền Sài Gòn điều một chiếc máy bay C130 sang Hồng Kông nhận trao trả tù binh. Phần lớn số tù binh sau đó về lại nơi làm việc ở Đà Nẵng.

Tiễn chúng tôi ra về tới cửa, ông Tân còn nheo nheo mắt hỏi: “Không biết bây giờ tên của tôi có còn ngoài Hoàng Sa không?”. Một câu hỏi thật khó trả lời.

Tất cả những binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên khí tượng khi đến Hoàng Sa, những giờ rảnh rỗi họ ra những tảng đá ven biển khắc họ tên và địa chỉ mình lên đó làm kỷ niệm. Khi ông Tân ra thì đã thấy lớp lâu lớp mới tên người Việt Nam trên đá, ở những vị trí tuyệt đẹp.

Thiên đường đã mất

Một trong những người từng làm việc lâu đời ở Hoàng Sa tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn. Đầu năm 1958, ông Phát được điều theo dạng luôn phiên ra Đà Nẵng rồi đi Hoàng Sa. Đó là một thời kỳ đẹp đẽ nhất trong đời của một chàng trai Sài Gòn.


Nhân chứng Nguyễn Tấn Phát (ảnh chụp năm 2006). Đây là người đã nói: "Tôi đã để một phần đời của tôi ở lại Hoàng Sa". Phần đời còn lại của ông là nỗi hoài nhớ về Hoàng Sa, nơi mình đã từng sống.

Ông nói: “Mỗi nhân viên chỉ đi Hoàng Sa luân phiên 3 tháng, mỗi lần đi có 6 người gồm 4 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến và 1 nhân viên phục vụ lo thổi bóng hơi quan trắc cao không đo gió kiêm hậu cần. Tôi lúc đó mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, thấy cảnh sắc thần tiên nên mê và xin ở lại luôn cả nửa năm”.

Nửa năm sống trên đảo trong ký ức của ông Phát bây giờ là nửa năm làm Từ Thức!. Công việc quan trắc cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu vài thời điểm trong ngày. Thời gian còn lại ông cùng những đồng nghiệp mình ngao du khắp đảo Hoàng Sa.

Lâu lâu, ông kể là đi theo xuồng máy của đơn vị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn đi thăm các đảo có chim sinh sống. Đó là những bãi cát vàng rực trong ánh chiều tà. Chân chúng tôi len lỏi giữa những ổ trứng chim. Chim nhiều vô kể, chúng không hề sợ hãi khi thấy người tới gần.

Bình minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.


Nhân chứng Võ Như Dân (ảnh chụp năm 2006). Ông Dân là người có thời gian sống và làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 3 năm rưỡi!

Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim...

“Chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương... Con nào con đó nặng trên 5 – 7 ký” – đó là ký ức của ông Võ Như Dân, người ở Hoàng Sa nhiều nhất.

Ông Dân làm nhân viên hậu cần cho Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1956. Đội hậu cần thời đó chỉ có 3 người luân phiên nhau ra Hoàng Sa.

Chính vì vậy, cho đến ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974, ông Dân có 14 chuyến ra Hoàng Sa, mỗi chuyến 3 tháng, tổng cộng là 3 năm rưỡi sinh sống trên đảo. Cảnh sắc quen thuộc thân thương quá đỗi đến mức ông bảo: “Hôm qua tôi xuống Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nơi có kho tư liệu và hành ảnh về Hoàng Sa, tối về tôi nằm mường tượng nó ở trước mặt tôi. Cả phần đời tôi đã ở đó...”.

Nhiệm vụ là hậu cần nên suốt ngày ông Dân đi câu cá phục vụ thức ăn cho toàn đội. Đồ hộp cũng nhiều nhưng không ai ăn. Khu nhà khí tượng do Pháp xây trên đảo có những hầm chứa nước mưa dùng uống quanh năm.

Khoảng năm 1958, có lần một đoàn tàu Trung Quốc đến gần nhưng bị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn bắn dọa đuổi đi. Tàu cá của Nhật cũng có tới xin nước ngọt. Họ không biết tiếng Việt nhưng ra dấu xin lên đảo lấy nước rồi cúi đầu cảm tạ...

Bao nhiêu kỷ niệm còn sống trong lòng những người đã từng ở Hoàng Sa. Ông Phạm Khôi, nguyên là lính địa phương quân Việt Nam cộng hòa, hiện sống ở Đà Nẵng mở tủ lấy ra hai chiếc vỏ ốc hoa còn khắc ngày ông đặt chân lên Hoàng Sa: 23 tháng chạp năm 1969. Đó là hai chiếc vỏ ốc ông mang về và trở thành báu vật của đời ông!

Huyện đảo Hoàng Sa

Được thành lập từ tháng 01.1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km).

Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.

Huyện Hoàng Sa có diện tích: 305 km2, chiếm 23,76% diện tích thành phố Đà Nẵng.

Ngày 21.4.2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 2009-2014.

Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

Minh Sơn

Ảnh đại diện: Ngư dân Mai Phụng Lưu tại lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa (ảnh chụp tháng 8.2011). Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài sau: Bí mật bộ ảnh duy nhất về Hoàng Sa năm 2011.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: