Mỹ không được khoan nhượng Trung Quốc
Lợi ích an ninh của Mỹ đang bị đe dọa bởi sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc trên các vùng biển có tranh chấp
Phát biểu tại một phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm 14-1, nghị sĩ Steve Chab nhận định Trung Quốc ngày càng “hung hăng một cách nguy hiểm”.
Thông điệp mạnh mẽ
Theo ông Chab, Bắc Kinh đang “tìm cách chiếm các khu vực tranh chấp từng bước một bằng vũ lực với hy vọng sai lầm là Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận điều này”.
Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Dân chủ Ami Bera kêu gọi quốc hội Mỹ phát đi những thông điệp mạnh mẽ bởi “sự đe dọa và hung hăng của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền ở những khu vực tranh chấp là không thể chấp nhận được”.
Nghị sĩ Randy Forbes khẳng định Mỹ “không được khoan nhượng trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục dùng áp lực quân sự để thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Tàu chiến Mỹ ở biển Đông Ảnh: AP
Những lời lẽ trên một lần nữa phản ánh nỗi lo của Mỹ về ý đồ trên biển và sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng cách Mỹ phản ứng trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ là thước đo quan trọng đối với hiệu quả của chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. Các đồng minh cũng sẽ nhìn vào đó để đánh giá sức mạnh của Mỹ tại khu vực.
Philippines, Nhật Bản tăng cường phòng bị
Trước mối đe dọa từ Trung Quốc, Philippines hôm 15-1 cho biết muốn mua thêm 2 tàu hải quân của Mỹ. Tướng Emmanuel Bautista, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, cho đài ANC biết lý tưởng nhất là nước này có thêm 6 tàu khu trục để bảo vệ hiệu quả vùng biển của mình.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng có kế hoạch mua thêm tổng cộng 42 chiến đấu cơ tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu được thông qua, Nhật Bản sẽ có ít nhất 142 máy bay F-35. Nước này hiện sở hữu 60 máy bay chiến đấu F-4, 200 máy bay F-15J và 90 chiếc F-2.
Theo Nhật báo Nikkei, số máy bay F-35 mới nói trên sẽ phối hợp với máy bay F-2 trong sứ mệnh tấn công các lực lượng trên bộ và trên biển của quân đội Trung Quốc nếu xảy ra xung đột. Còn F-15J đối phó với máy bay chiến đấu Trung Quốc trên bầu trời. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét nâng cấp F-15J theo chương trình quốc phòng trung hạn.
5 ngòi nổ xung đột Mỹ -Trung
Phó giáo sư Evan N. Resnick, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rarajatnam ở Singapore, vừa liệt kê 5 lý do chính có thể dẫn đến một cuộc xung đột Mỹ - Trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Viết trên báo New Strait Times (Malaysia) gần đây, ông Resnick cho biết 2 lý do đầu tiên là sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thêm vào đó, những cam kết an ninh của Mỹ với đồng minh ở châu Á đã khuyến khích những nước này quả quyết hơn trong quá trình thương lượng với Trung Quốc. Lý do thứ tư là hầu hết các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự bảo vệ quân sự của Mỹ nhưng lại dựa vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Nguyên nhân cuối cùng, theo ông Resnick, là cả Bắc Kinh và Washington không thiết lập được một bộ quy tắc để dung hòa sự cạnh tranh địa chính trị.
(Người Lao Động )Hoàng Phương
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét