Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Trích tt "Mây ngàn"


Thực ra, trong việc chuyển về xuôi của bố mẹ tôi còn một lý do khác, mà lúc bấy giờ hai người không nói. Nhưng bá tôi biết. Bà bảo:
- Trước sau gì bố mẹ chúng mày cũng phải về. “Cò ăn từng thung”, con người cũng vậy. Không phải ai cứ muốn ở đâu thì ở. Quan trọng là cái kế sinh nhai. Bơi đò và bán quán chẳng qua là vạn bất đắc dĩ với bố mẹ các cháu phải làm. Nghề làm thuốc phải có đất mới sống được. Ở quê người ta biết tiếng lâu rồi, mới sống nổi. Bố chúng mày ở đây ai người ta biết? Bơi đò cũng chỉ trợ thời. Mấy đứa ở đây với bác bá, ổn ổn bố mẹ các cháu sẽ lên đón.
Lý do đơn giản ấy, vậy mà chúng tôi đâu có biết? Chỉ thấy bấy giờ bố mẹ chúng tôi hay phàn này về làm ăn, cuộc sống khó khăn. Không đả động gì đến nghề thuốc gia truyền chữa bệnh lòi dom, chữa sâu quảng, hắc lào, thuốc cam có từ thời các cụ tổ ngày xưa.

Chị cả tôi năm ấy đã mười bảy tuổi. Chị thường gánh gồng giúp bá tôi mang hàng ra chợ Tam Kỳ, họp ở trong thành cổ.
Hàng họ cũng chẳng gì nhiều. Toàn kim chỉ, bấc đèn, mấy thứ tạp hóa vằn vặt.
Có một anh vệ quốc mê chị lắm. Thỉnh thoảng ngang qua ghé thăm nói vài câu, mặt đỏ dừ, vội vàng đi ngay. Chị thức mấy đêm thêu tặng anh chiếc khăn tay có hình bông hồng và đôi chim hòa bình.
Đấy là biểu tượng tình yêu thời đấy, không biết ai mách cho chị tôi.
Anh này về sau chuyển sang công an xung phong đóng ngay ở thị xã. Tình duyên của họ cũng nhiều trắc trở. Không ai ngờ anh cu Tý nhà ông cả Tõm lại cùng đơn vị với anh người yêu của chị tôi.
Thời bấy giờ là thời người ta tôn trọng tổ chức hơn mọi tình nghĩa trên đời. Cu Tý báo cáo với tổ chức gia đình tôi “có nguồn gốc bóc lột, từng làm tay sai cho đế quốc phong kiến”. Vậy là mối nhân duyên chưa thành.
Chị tôi khóc thầm hàng tháng trời, người rạc đi như vừa trải qua cơn bạo bệnh. Bá tôi an ủi thế nào cũng không được.
Thật may, kỳ ấy có cuộc họp ở dưới Tân Ca, ông Tú Ất ở dưới xuôi lên. Ông đã thành nhân vật quan trọng, có uy tín. Ông đứng ra bảo lãnh, người ta mới chấp nhận.
Đám cưới chị tôi cha mẹ tôi không có mặt, chỉ có bà bá đứng ra làm đại diện. Tổ chức theo đời sống mới, chỉ có liên hoan bánh kẹo, chủ yếu vui bằng vỗ tay..

Nhưng đấy là chuyện một năm nữa mới xảy ra. Còn sáng nay gánh hàng xong ra chợ chị tôi về rủ cả tôi và người anh trai tôi sang bên kia sông lấy củi.
Chúng tôi đi nhờ mảng qua chỗ bến đò hơn ba mươi năm sau xây cây cầu bê tông qua sông Lư bây giờ.
Đang mùa nước lũ, nước chảy rất xiết. ba chị em phải đi ngược lên trên bến đò một đoạn, mảng dạt xuống mé dưới là vừa. Đánh vật với dòng nước mấy tiếng đồng hồ, gần trưa chúng tôi mới sang tới bờ bên kia. Ba chị em men theo bờ sông, tới cổng đền Thượng bây giờ ngồi nghỉ. Ở đây có cây đa cổ thụ bóng xòa râm mát che một khoảng phiến đá nhẵn, phẳng, rất rộng.
Ba chị em lấy cơm nắm ra ăn với cá nướng, anh tôi câu được để dành từ chiều hôm trước. Vừa ăn vừa khoái chí nhìn ra mặt sông nước đang cuồn cuộn chảy. Chúng tôi biết dòng sông từ đây sẽ xuôi về ngang qua nhà chúng tôi ở dưới xuôi. Chị gái tôi lấy lá gấp làm thuyền, viết chữ vào bảo “gửi thư về cho bố mẹ”. Chả hiểu sao lúc đấy chúng tôi lại tin là thể nào bố mẹ tôi cũng nhận được?
Đằng nào thì mặt trời đã lên cao, phải nghỉ trưa ở đây. Đang đầu mùa hạ, nắng gắt, không thể leo núi vào lúc này. Chúng tôi đi quanh khu đền bỏ hoang, dây dợ chằng chịt. Những lối đi lâu ngày đã xanh rêu. Có đoạn cỏ rác, cỏ lông vực đan dày. Nếu không mang theo dao, rất khó lòng để đi qua.
“Đây là ngôi đền có từ lâu lắm rồi. Ngày trước thường có hội rước từ bên này sông sang bên kia sông. Xuôi bên hữu ngạn một quãng chừng hơn cây số còn có đề Hạ. Hai ngôi đền theo truyền thuyết kể rằng rất linh thiêng. Đời vua Hùng Vương thứ mười tám có hai nàng công chúa con gái vua Hùng ngược lên, vãng cảnh thượng du. Lên mãi cọc đá thề trên Nà Hang quốc, đến quãng sông này thì hóa. Dân chúng bởi vậy mới lập đền thờ. Hàng năm dịp đầu xuân hội mở rất to, dân chúng náo nức về trảy hội. Người ta rước kiệu hai nàng công chúa qua sông. Chiêng trống vang lừng, thuyền kết hoa rộn rã một khúc sông.
Chỉ có mấy năm chiến tranh loạn loạn, giờ thành ra thế này”.
Không biết nghe ai kể, chị tôi bảo thế. Tôi thì tôi cứ phân vân. Tôi nghĩ có thể bấy giờ hai người công chúa không may gặp phải trận lũ bất chợt.  Những cơn mưa đường rừng, lũ rất khủng khiếp. Hoặc là gặp thú dữ hồi ấy còn khá nhiều..
Nghĩ thì nghĩ vậy, có một nỗi sợ mơ hồ nào đó trong lòng, khiến tôi không dám nói ra.
Tôi chưa học sử nên tôi còn rất mơ hồ.
Cũng không ngờ rằng kể cả sau này, học lên đến đại học rồi, cũng chẳng hiểu được gì hơn. Sử sách nước mình còn bao nhiêu điều vẫn là huyền thoại, chẳng rõ ràng.
Làm sao dòng giống Lạc Hồng lại là dòng giống tiên rồng đẻ ra từ một bọc trăm trứng? Cho dù triều đại các vua Hùng là có thật. Triều đại vinh quang, hiển hách đó  chắc chắn là phải sinh ra và tồn tại như thế nào đấy, chứ không thể hoàn toàn như những câu chuyện kể, tôi từng được nghe.
Liệu có phải một tai nạn nào đó rất nặng nề của dân tộc mình đã làm thất lạc sử sách ghi chép truyền cho đời sau? Hay có một thế lực bạo tàn, đen tối nào đó đã cướp bóc, hủy hoại nó, chỉ còn lại mờ mịt, mung lung đến tận bây giờ?
Câu hỏi đó mãi sau này, lúc nào cũng bứt dứt trong tôi mỗi khi nhân việc nào đó gợi nhớ lại.
Sau này tôi càng cố công tìm hiểu lại càng thấy thật quá sức mình!

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang


Góc cười tủm:
Chợt nhớ chuyện hồi xưa nghe được nên post cho vui:

Có ông suốt ngày uống rượu say khướt, vợ tức lắm! không cho tiền mua rượi nữa, anh ta không biết cách nào đành … không “phục vụ” vợ nữa.
Lâu không thấy “ động tĩnh gì ” vợ thấy lạ, hỏi: “cái đấy đâu rồi?”
“Thèm rượu, mang cắm quán lấy tiền mua rượu uống rồi!”

Một ngày, hai ngày rồi… đến ngày thứ ba, bà vợ không chịu được nữa liền quẳng cho ông chồng nắm tiền rồi quát: “Cầm lấy tiền mà đi chuộc nó về đi…à mà này tiện thể chọn cái to vào nhé!”

(Chị ta tưởng ở đó nhiều người cầm cố cái đấy để vay tiền)

P/S: Qua câu chuyện mới biết chị em rất thích “ăn To nói lớn”

Không có nhận xét nào: