( Đây là cảnh đền thời bây giờ )
Buổi chiều, chúng tôi mới từ trên núi Dùm xuống, trên vai mỗi người bó củi. Chị tôi còn thêm chùm dâu da, quả rất mọng. Anh tôi lần xuống bờ sông, chỗ giấu mảng sát mí nước, một lúc thấy anh hốt hoảng quay lên.
Buổi chiều, chúng tôi mới từ trên núi Dùm xuống, trên vai mỗi người bó củi. Chị tôi còn thêm chùm dâu da, quả rất mọng. Anh tôi lần xuống bờ sông, chỗ giấu mảng sát mí nước, một lúc thấy anh hốt hoảng quay lên.
Cái mảng không cánh, giờ chẳng thấy đâu?
Ba chị em vội vã sục tìm ven bờ không sót đám sú vẹt nào cũng
chẳng thấy. Chỗ có cây sung nhỏ buộc mảng chỉ còn lại sợi dây song cũ. Có thể
do dây đã ải, bị đứt, nên mảng bị nước cuốn đi. Cũng có thể ai đó muốn qua sông
hồi chiều, thấy cái mảng sẵn đấy đã lấy bơi sang bờ bên kia.
Rất nhiều khả năng mò đoán..
Nhưng lúc này cái quan
trọng hơn là làm cách nào để qua sông, về nhà?
Hồi bấy giờ nhà cửa thưa thớt, không như bây giờ. Bên này sông
nhà cửa càng ít. Ban ngày cũng không mấy khi gặp người qua lại. Muốn tới bến đò
phải đi vòng xuống một quãng khá xa mới có. Đò người ta chỉ chở ban ngày. Xuống
đến nơi đã gần tối, chưa chắc người ta đã chở, liệu có ích gì?
Giả dụ có đò ở đây, cả ba chị em đều không ai có tiền, muốn sang
bên kia, đi nhờ liệu người ta có cho đi không? Nhưng nếu có, năn nỉ người ta,
không ai nỡ để mấy đứa trẻ bơ vơ ở đêm lại bên bờ sông, biết đâu người ta sẽ
cho đi?
Ba chị em ngồi thừ ra chưa biết tính cách nào. Mùa này sông rộng
nước to, bơi bộ qua sông là chuyện không thể. Nhưng cứ ngồi đây chờ thì bao giờ
mới về được đến nhà. Và chờ cái gì kia chứ?
Không lẽ đêm nay phải ở lại bên bờ sông này. Ăn đâu? Ngủ đâu? Lần
đầu tiên trong đời cả ba chị em hiểu thế nào là sa cơ, không cửa không nhà.
Hiểu được mái ấm gia đình quan trọng như thế nào với đời sống con người.
Phía bên kia sông tuy không có bố mẹ tôi ở đấy nhưng có bác bá,
anh chị và những người thân. Dù sao thì đấy cũng là tổ ấm của chúng tôi lúc
này.
Về sau, ra trường đời tôi còn gặp nhiều thử thách gay go hơn. Có
những lúc đói cơm, rách áo, không chỗ trú thân.. Còn cơ cực hơn lúc bấy giờ rất
nhiều, lại không thấy lo sợ hoang mang như lúc này..Và không nhớ lâu trong ký
ức đậm nét đến như vậy.
Có thể là do sau đấy tôi đã cứng cỏi, đã trưởng thành. Đã quen với
khổ cực, khó khăn mà cuộc sống mang lại. Những khả năng tiềm tàng của con người
đã giúp tôi vượt qua để tồn tại, đấu tranh cùng số phận.
Chị tôi bảo “Chả có cách nào nữa. Hai đứa cứ ở đây chờ, chị đi
lên một quãng nữa xem sao? Nếu không, tối nay đành phải vào đền tìm chỗ ngủ
tạm. Sáng mai quay lại “lối” chặt thêm ít nứa làm mảng để sang sông. Bây giờ
sắp tối, không kịp nữa”. Nói rồi chị đi.
Anh tôi ngày thường tỏ ra cứng cỏi, nhưng thực ra lại dát. Tôi
thấy anh rơm rớm nước mắt. Không hiểu là tủi thân, hay lo sợ đêm nay không chỗ
ăn, chỗ ngủ? Tôi động viên:
- Mình có lửa mang theo sợ gì? Đốt một đống lửa thật to, rắn rết,
hùm beo đều sợ hết, anh không phải lo. Mà có nhỡ bữa anh em mình kiếm mấy củ
sắn nướng lên là xong bữa, chả sợ đói!
Lúc ở trên “lối” xuống, tôi thấy có vườn sắn xanh um, không biết
của dân hay bộ đội trồng. Có lấy một hai gốc trong hoàn cảnh này chắc chẳng ai
nói gì. Nhưng chắc chả phải đến nỗi ấy. Chị Nhiên đi thế nào không tìm được
mảng?
Đấy là tôi đoán nhầm. Khi chị tôi quay trở lại, mặt chị buồn
thỉu, biết chả có hy vọng gì.
Anh tôi lẩm bẩm: “ Biết thế này tao cứ ở nhà câu cá đổi củi cho
người ta có khi còn tốt hơn. Lại bảo cá nọ cá kia. Làm gì có chuyện cá ăn thịt
người? Người ta nói để dọa trẻ con để khỏi chết đuối, tao không tin..”
Anh tôi biết nghề cắm cần ngầm rất sát cá. Hồi còn ở quê chiều
nào anh cũng đi cắm cần ở đầm Vạc mé ngoài đình. Sáng sớm hôm sau anh dậy thật
sớm, vớt cần về. Không hôm nào về không. Hôm thì cá nheo, hôm cá quả, lưng lưng
một giỏ.
Bá tôi không muốn cho anh em tôi ra cái hồ gần nhà bà vì sợ chúng
tôi không may dẫm phải chông. Chông sắt lâu ngày gỉ sét dẫm phải rất độc. Mấy
lần anh tôi sắm cần bà đều giấu hoặc vất đi.
Chả hiểu thế nào bây giờ gặp phải tình huống này anh ấy lại nhớ
đến. Tôi bảo:
- Ừ, nếu anh muốn sẽ có cách.
- Cách gì?
- Đến lúc đó sẽ biết!
Nói thì nói vậy, thực ra tôi chưa biết cách gì, cốt nói để động
viên anh ấy vào lúc này.
Mặt trời đã lặn sau phía núi xa mờ.
Hy vọng gặp may mắn bất ngờ vào lúc này là rất khó xảy ra.
Ba chị em đã tính đến việc vào khu đền cổ tìm chỗ trú qua đêm.
Mùa này hay có những cơn mưa bất chợt, không thể ở ngoài trời.
Rất dễ bị mưa ướt và cảm lạnh. Dù sao vẫn còn có chỗ nương thân vào lúc này. Có
ngồi rầu rĩ ở đây mà than thở cũng không ích lợi gì. Chị tôi bảo thế, buộc lại
con dao cạnh sườn, chuẩn bị đi.
Chợt anh tôi nói như reo lên:
- Hình như có thuyền?!
Cả ba chúng tôi quay lại. Đúng là có thuyền thật. Từ phía thượng
nguồn có một chiếc thuyền con có mui che đang bơi dần về phía chúng tôi.
( Còn nữa..)
( một người chủ nhà quen)
|
Mấy tháng rồi trời mới chịu mưa
|
Mưa. Mấy tháng rồi trời mới chịu mưa. Tôi nghe mưa rớt trên mái tôn gắt gỏng. Giá như tôi có nhà. Tôi sẽ ngồi bên cửa sổ. Tôi sẽ ngắm mưa. Tôi không có nhà. Tôi có một phòng trọ. Buổi chiều ồn ã tiếng la gọi. Giá như tôi có vườn. Mưa sẽ đẫm các vòm lá. Tiếng mưa rơi từ các vòm lá nghe thật náo nức. Tôi không có vườn. Tôi có một phòng trọ. Tôi có một hành lang hẹp. Tôi có một bức vách. Tôi có những tin nhắn chừng mực ngắc ngứ của anh. Tôi có một đam mê đã nguội.
Mấy tháng rồi trời không mưa. Biển đã lùi xa tít. Biển đã từng cứu rỗi. Đã từng cưu mang. Giờ chối từ mọi buông thả vào mình. Biển lùi xa. Chỉ giới đỏ đã vây sát bờ cảnh báo.
Im lặng. Chỉ im lặng mênh mông. Và đớn đau như cái chết.
Buổi chiều ồn ã tiếng la gọi. Mấy tháng rồi trời mới chịu mưa. Bạn nói: Quên những cái tên đó đi. Những âm vang cần lắng. Bạn nói: Chúng ta cần sống lại từ tro cốt của chúng ta. Sau khi đã trút bỏ mọi nhỏ nhặt u mê. Bạn nói: Chúng ta phải đi qua cơn buồn nôn xanh xao buồn bã này. Bạn nói: Đã chìm đến đủ sâu chưa? Đủ để kết thúc mọi giấc mơ. Kết thúc. Chúng ta tự chán và mọi buồn vui tự rơi rụng.
Mưa. Mấy tháng rồi trời đã im lặng nắng. Tôi có một phòng trọ. Tôi có một dãy hành lang. Tôi có một con rắn bị đánh gù lưng. Tôi có một buổi chiều. Và biển. Và thuyền. Và những nụ hôn đằng sau con sóng dựng.
28.5.2013
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét