CA HÁT HAY GÀO THÉT?
Một triển lãm ngoạn mục
Đầu tháng 03-20...., hoạ sĩ Đinh Quân triển lãm sắp đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Triển lãm có tên HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH.
Người đến dự có vẻ thích thú khi được mời thưởng thức một bộ phim ngắn sấm sét nổ đùng đùng dội xuống vô số những tượng đầu người sơn đỏ chót, mồm há hốc, cháy ngùn ngụt hay là đang tự thiêu) tung toé, vương vãi trên bãi cát sông Hồng.
Sau đó khán giả được dẫn ra để chiêm ngưỡng, thậm chí tận tay sờ mó vuốt ve vẫn những tượng đầu người đó, đỏ chót, mồm há hốc, đang nghiêng ngả xếp hàng đặt ở ngoài vườn nhà Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
Và cuối cùng thì lại rồng rắn kéo nhau vào hai phòng lớn ngắm nghía 18 bức tranh sơn mài ngoại cỡ, có bức cao tới 2 mét và dài tới 18 mét vẽ vẫn toàn những đầu người méo mó, đỏ chót, mồm há hốc gào thét hốt hoảng kinh sợ.
Có thật là HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH?
Bên cốc bia trong tiệc nhẹ cuối triển lãm mà hoạ sĩ khao người đến dự, một người xem đã tâm sự : Triển lãm này của ông Đinh Quân báo trước cái thảm hoạ sắp xẩy ra khi khai thác quặng bô-xít ở Tây nguyên.
Ông Phan Cẩm Thượng viết một bài dài tới trên nghìn chữ, “Nghệ thuật là đổi thay”, sau một hồi vòng vo rào trước chắn sau đã phải thốt lên:
... có sự hoang vắng, tội nghiệp, cái buồn mênh mông, và sự nản lòng không thể tưởng tượng được nằm bên trong sự ầm ĩ của tiếng gào. Những khuôn mặt của những con người không có khả năng trở thành cá nhân, tất cả đều giống nhau ngay cả sự méo mó.
Và ông kết luận:
... người họa sỹ này có những cảm giác rất điên rồ dưới vẻ hiền lành và rất an bình.
Không phải bị cái kiểu là lạ vừa phim vừa tượng vừa tranh của triển lãm này đánh úp, nhà phê bình mỹ thuật có thâm niên Trần Thức, năm nay gần 80 tuổi, hào hứng viết (trong sổ lưu niệm chứ chưa đăng báo):
Đây là một tâm hồn lớn, công trình lớn, sức lao động, tư duy sáng tạo thuộc loại đáng nể và đáng gờm mà ít đồng nghiệp cùng trang lứa hay trước ông (ông Đinh Quân) đâu dễ có được… nhằm lý giải những sự thật của hiện tượng thiên nhiên và xã hội.
Hiện tượng thiên nhiên gì? Môi trường bị tàn phá? Còn hiện tượng xã hội gì? Một xã hội quá bức bối khiến người ta phải há hốc mồm gào thét ?
Vậy thì xem ra cái tít mà ông Đinh Quân đặt cho triển lãm HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH vừa đậm chất thi ca lại vừa pha tính hài hước.
Có thể vì thế mà đã có người xem đã kêu lên rằng những nhân vật méo mó, ngoác mồm dị mọ gào thét, tăm tối trên tranh, tượng của hoạ sĩ Đinh Quân đúng là một đám đông có tâm trạng bầy đàn, kêu đòi cái gì đó (cơm ăn, nước uống, nhân quyền, hay chỉ là không khí sạch để thở hít). Chẳng có chút gì HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH cả. Vậy thì ông hoạ sĩ này nên đặt lại cái tên triển lãm là gào thét trên cánh đồng xám xịt đau khổ thì đúng hơn.
Triển lãm của ông Đinh Quân đang được dư luận không chỉ ở Hà Nội chú ý .
Ông giám đốc bảo tàng (người cho thuê địa điểm triển lãm) và ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam long trọng đến dự buổi khai mạc không (hay chưa) có ý kiến chê trách, phản đối hoạ sĩ Đinh Quân.
Ở Hà Nội vài năm nay, người yêu mỹ thuật cũng đang làm quen dần và xem ra lại còn có thiện cảm với loại hình nghệ thật cũ người mới ta này. Có thể họ tìm thấy ở các triển lãm này một cách làm mỹ thuật tự do, phóng khoáng, và ở một phương diện nào đó nó có tính chiến đấu ( đấm đá ) cười cợt, chế giễu sỗ sàng trực diện vào các góc tối (những vùng nhậy cảm) của xã hội luôn bị cấm đoán, bưng bít, che giấu.
Hồi sinh thuật ngữ đấu tranh trong... văn học nghệ thuật
Cùng thời gian triển lãm của hoạ sĩ Đinh Quân đang tưng bừng tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, thì nghe đâu cũng tại Hà Nội, ban tuyên giáo trung ương Đảng CS đã triệu tập một hội nghị với cái tiêu đề “đấu tranh chống những quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”.
Vậy là hiện nay ở Việt Nam, văn học nghệ thuật đang tồn tại những sáng tác và lý luận mang quan điểm sai trái cần phải đấu tranh để chống lại chúng!
Không biết trong một vài ngày tới cái triển lãm sắp đặt HÁT TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH này có bị xếp vào loại “Quan điểm văn học nghệ thuật sai trái” và bị đặt lên bàn để mấy nhà phê bình vẫn tự xưng là đao búa hăng hái mổ xẻ, đấu tranh, chấn chỉnh lại?
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, đúng như trong lịch sử phát triển của nghệ thuật, chả cứ gì trên thế giới, mà ở ngay tại Việt Nam, mỹ thuật vẫn là bộ môn nghệ thuật luôn tìm được cách đi tiên phong (đi một cách trót lọt) trong sự cách tân đổi mới đầy tai hoạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét