Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Mỹ nới cấm vận vũ khí với VN: Thái độ Trung Quốc


(Bình luận quân sự) - Xung quanh Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, báo Trung Quốc đã đưa rất nhiều thông tin về việc này.

Báo Trung Quốc suy diễn
Việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, theo dõi và bình luận của truyền thông Trung Quốc.
Ngày 11/10, tờ Tin sớm Bắc Kinh và chuyên mục bình luận quân sự "Giảng Võ đường" của QQ News cho rằng, việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng Mỹ có thể bán cho Việt Nam các thiết bị phòng thủ trên biển, bao gồm cả vũ khí sát thương sẽ đồng nghĩa với danh sách các mặt hàng không dừng lại ở máy bay trinh sát P-3C.
Báo Trung Quốc bình luận không loại trừ khả năng Washington đang cân nhắc bán chiến đấu cơ F-16 và hệ thống tên lửa không đối không, không đối đất cùng các loại bom thông minh cho Việt Nam.
Theo Tin sớm Bắc Kinh, để thực hiện chiến lược hiện đại hóa quân sự, quân đội Việt Nam đã mua 11 chiếc Su-27SK, Su-27UBK, Su-27PU và 32 chiếc Su-30MK2.
Đến năm 2015 lô hàng này mới được bàn giao hết, tính năng số vũ khí này cũng chỉ tương đương với Su-27SK và Su-30MK2 mà Nga đã bán cho Trung Quốc trước đây.
Về lực lượng tàu ngầm, Việt Nam mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, 2 chiếc đã bàn giao, 4 chiếc còn lại đến năm 2019 sẽ bàn giao toàn bộ.
Trước đó, Trung Quốc cũng mua 2 chiếc tàu ngầm Kilo loại 877, 636 và 8 chiếc tàu ngầm 636M của Nga, cái cuối cùng đã được Moscow giao cho Bắc Kinh vài năm trước.
Tàu hộ vệ Lý Thái Tổ của Việt Nam
Tàu hộ vệ Lý Thái Tổ của Việt Nam
Xét về tương quan chiến hạm mặt nước, Việt Nam mua 6 chiếc tàu mang tên lửa loại P1241 của Đông Âu, 2 chiếc tàu mang tên lửa loại P1241.8 của Nga và được chuyển giao kỹ thuật đóng mới 6 chiếc trong nước.
Ngoài ra hải quân Việt Nam sẽ nhận được 4 chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ đời 3.9, tính năng tương đương với dòng P1241.8.
Báo chí Trung Quốc cho rằng, muốn thôn tính Trường Sa phải kiểm soát được bầu trời. Uy hiếp lớn nhất với Trung Quốc ở Trường Sa không phải tàu ngầm Việt Nam, mà là lực lượng không quân Việt Nam. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh phải "khắc phục khó khăn" để có được tàu sân bay Liêu Ninh với khả năng mang theo các chiến đấu cơ J-15 và trực thăng vũ trang Z-18.
Tới năm 2017, tàu sân bay Liêu Ninh có thể được trang bị khoảng 24 chiếc J-15, nhưng lúc đó Nga cũng bàn giao xong cho Việt Nam 32 chiếc Su-30MK2. Tờ báo Trung Quốc cho rằng tính năng của Su-30MK2 hay Su-27 cũng chỉ tương đương với J-15, cho nên đến lúc đó tương quan sức mạnh không quân Trung Quốc so với Việt Nam ở Trường Sa là "cân bằng".
Báo Trung Quốc cho rằng, hiện tại Mỹ đang tồn dư rất nhiều chiến đấu cơ F-16C/D, một khi Washington bán chúng cho Việt Nam thì không chỉ mang lại cho người Mỹ món lợi nhuận khổng lồ mà còn đạt được mục tiêu kiềm chế (dã tâm bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc. Mặc dù là máy bay cũ, nhưng nếu được tân trang và hiện đại hóa hệ thống vũ khí thì sức chiến đấu của nó sẽ ưu việt hơn hẳn J-15 hay Su-30MK2 trong khi giá lại rẻ hơn.
Báo Trung Quốc cho rằng J-15 của họ có thể
Báo Trung Quốc cho rằng J-15 của họ có thể "ăn đứt" SU-30 của Việt Nam
Gần đây nhất Mỹ đã bán cho Indonesia một lô F-16C/D theo dạng vừa bán vừa cho, sau khi tân trang lại cũng chỉ có giá 50 triệu USD 1 chiếc. Giá thành như vậy rẻ hơn nhiều so với Su-30MK2 của Nga trong khi chi phí vận hành và duy tu bảo dưỡng lại rẻ hơn máy bay Nga. Indonesia năm 2011 đã đặt mua 24 chiếc F-16C/D cũ của Mỹ.
Do đã từng có tiền lệ với Indonesia nên giới phân tích Trung Quốc không loại trừ khả năng Washington sẽ bán F-16 cho Việt Nam. Chỉ cần Việt Nam mua được 30 chiếc F-16 cũ của Mỹ để thay thế hệ thống Mig-21 đã lỗi thời thì sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến cục diện Biển Đông. Lúc đó hệ thống tàu sân bay Trung Quốc cũng chỉ mới bắt đầu chế tạo, thời gian mất ít nhất 6 năm, sức chiến đấu của J-15 thì lại kém hẳn F-16, vì vậy theo 2 tờ báo này Trung Nam Hải phải "hết sức cảnh giác"?!
Không phải bất ngờ có cảm hứng
Cũng theo phân tích từ các tờ báo Trung Quốc, họ đã chỉ ra những thứ vũ khí mà Việt Nam có thể mua ngay của Mỹ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với truyền thông Pháp rằng, Mỹ quyết định bán vũ khí cho Việt Nam hoàn toàn không phải là "bất ngờ có cảm hứng", mà là cân nhắc tới "nhu cầu cụ thể của khu vực này", bao gồm Việt Nam thiếu năng lực hành động ở khu vực tranh chấp và lợi ích an ninh quốc gia của bản thân Mỹ.
Quan chức này cho rằng, tăng cường năng lực quân sự trên biển của nước đối tác có lợi cho Mỹ xử lý tranh chấp lãnh thổ khu vực Biển Đông.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong tương lai Mỹ sẽ lần lượt xem xét đề nghị mua vũ khí của Chính phủ Việt Nam, đồng thời duy trì phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Mỹ. Quan chức Mỹ tiết lộ, loại vũ khí xuất khẩu sẽ bao gồm tàu và máy bay, chủ yếu dùng để trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Nguồn tin Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ có thể cuối cùng bán máy bay trinh sát P-3 Orion của hãng Lockheed Martin cho Việt Nam. Hiện nay, Quân đội Mỹ đang sử dụng máy bay tuần tra P-8A do hãng Boeing sản xuất, thay thế loại máy bay này.
Báo Trung Quốc phân tích, Việt Nam không thể sớm hiện đại hóa sức mạnh quân đội của mình. Việc đơn giản đó là mỗi năm quốc gia này phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua khí tài, và chi phí cho việc nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa, cũng như trang bị vũ khí trên khí tài cũng là một vấn đề tiêu tốn rất nhiều tiền bạc.
Và truyền thông Trung Quốc khẳng định Mỹ chẳng có gì tốt đẹp ngoài việc kiếm lời.
Tuyên bố chính thức
Trong khi đó, cả phía Việt Nam và Mỹ đã có những tuyên bố rõ ràng chính thức về động thái dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
“Bộ Ngoại giao đã tiến hành các bước đi cho phép việc chuyển giao các điều khoản quốc phòng liên quan tới lĩnh vực an ninh hàng hải của Việt Nam trong tương lai” – Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Jen Psaki nói trên Reuters ngày 2/10.
Những quan chức này đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ tập trung cung cấp các hệ thống phòng thủ cho Việt Nam và “đây không phải là hành động chống Trung Quốc”.
Trước đó, trả lời Reuters trước thông tin cho hay Washington đang tiến gần hơn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để giúp Việt Nam đối phó với những thách thức trên biển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 24/9 nói, Việt Nam hoan nghênh Mỹ tiến tới chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
"20 năm trước, chúng tôi bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ và vào năm 2013 hai nước thiết lập mối quan hệ toàn diện. Mối quan hệ trở lại bình thường, nhưng lệnh cấm vũ khí với Việt Nam là điều không bình thường", ông khẳng định.
Theo ông Phạm Bình Minh, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một bước đi thông thường trong các bước nối lại dần dần các mối liên kết giữa Mỹ và Việt Nam.
Đỗ Phong (Tổng hợp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: