Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Tiên tri về tương lai Trung Quốc (II): Tiến lên Lưỡng Quảng sơn hà ngày xưa

  

Vua Quang Trung từng chuẩn bị xuất binh đòi lại hai vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ
Vua Quang Trung từng chuẩn bị xuất binh đòi lại hai vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ


Tào Khê và toàn tỉnh Quảng Đông ngày trước thuộc lãnh thổ Việt Nam: “Nếu (Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải) quả thật muốn trung thành với chủ trương phải giao hoàn các lãnh thổ bị lấn chiếm do chiến tranh võ trang (như Mao mong muốn) thì trước hết Trung Quốc phải giao hoàn cho Việt Nam toàn thể lãnh thổ nước Nam Việt do Triệu Vũ Vương thiết lập năm 207 trước C.N. bao gồm vùng trung nguyên Trung Quốc với các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam và Việt Nam” (Luật sư Nguyễn Hữu Thống – Hoàng Sa - Trường Sa theo Trung Quốc sử).
Tài liệu trên ghi: Năm 181 trước CN, sau khi đánh thắng quân Tây Hán tại quận Trường Sa “Triệu Vũ Vương xưng đế hiệu là Nam Việt hoàng đế, ngang hàng với Hán cao tổ tại miền Bắc Trung Quốc”.
Lam Giang Nguyễn Quang Trứ qua cuốn “Vua Quang Trung”, NXB Thanh Niên tái bản, Hà Nội 2004, viết: “Đất nước Nam Việt đã được vua Hán Văn Đế công nhận biên giới từ Ngũ Lĩnh trở về Nam. Thế mà, sau ngàn năm Bắc thuộc, đến khi khôi phục độc lập, người Việt vẫn không thu hồi được trọn vẹn phần đất Giao Châu, bỏ mất quận Hợp Phố, nói gì đến Quảng Châu gồm: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm”.
Khôi phục lại phần lãnh thổ của nước Việt ở Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) là chuyện “nghĩ còn chưa dám huống chi làm! Nhưng vua Quang Trung dám dự định việc ấy. Ngài cho rằng Mãn Thanh bất quá chỉ là một bộ tộc hậu Kim mà thống trị cả Trung Hoa rộng lớn, thế thì tại sao Đại Việt lại không thu lại nổi bản đồ nước Nam Việt ngày xưa”. Vua Quang Trung thường nói với các quan thị giảng: “Không ai làm thì để ta làm cho mà coi!” (sđd. tr. 115).
Gia Long và Quang Trung là hai vị hoàng đế thù địch nhau “một mất một còn”, song riêng việc Quang Trung - Nguyễn Huệ đòi Trung Quốc trả đất thì vua Gia Long ngỏ lời khâm phục hoài bão ấy: “Ngươi Huệ quả thật là một đấng anh hùng, việc không dám nghĩ tới mà y nghĩ tới!”. Hàng ngũ nho sĩ trí thức đương thời “cũng có nhiều người tán thành mưu đồ kỳ vĩ của vua Quang Trung, như Phạm Đình Hổ có câu: Vương sư bắc định Đông, Tây Việt – Gia miếu vô vong cáo nãi ông” (sđd. tr. 117). Lam Giang Nguyễn Quang Trứ phóng dịch:
Ngày nào quân Việt chúng ta
Tiến lên Lưỡng Quảng  sơn hà ngày xưa
Nén hương con cáo bàn thờ
Suối vàng cha vẫn đợi chờ tin vui
Để chuẩn bị “tiến lên Lưỡng Quảng”, vua Quang Trung không chỉ lo đường bộ mà còn nghĩ đến lợi thế đường biển. Sách Gia Khánh Đông Nam Tỉnh Hải Ký của Trung Quốc chép: Quang Trung “nhóm họp quân vong mệnh ở duyên hải, cấp cho binh thuyền, phong chức tước” thường đợi đến mùa hè nắng ráo kéo sang vùng Triết Giang, Phúc Kiến do thám, quấy phá: “mùa thu rút về, tông tích khôn lường, gây họa lớn cho tỉnh Quảng Đông”. Lại sai may 200.000 chiếc chiến bào, hẹn khi nào may đủ số sẽ xuất quân đánh sang Quảng Tây.
Vua Quang Trung sai danh tướng Võ Văn Dũng cầm đầu sứ bộ Đại Việt sang Trung Quốc (thời vua Càn Long) để: 1. Cầu hôn công chúa 2. Xin đất để lập kinh đô mới (thực ra là đòi trả lại vùng lãnh thổ Trung Quốc đã chiếm đoạt của Việt Nam ngày trước). Cả hai việc đều được chấp thuận “vua Càn Long bằng lòng gả một công chúa Mãn Thanh cho vua An Nam (Quang Trung) và cho đất Quảng Tây để đóng đô” (sđd. tr. 117). Chuyện đang dở dang, vua Quang Trung đột ngột qua đời nên sứ bộ Võ Văn Dũng phải dâng biểu báo tin buồn “rồi ôm hận trở về” vì chưa khôi phục được chủ quyền Đại Việt ở vùng Nam Trung Quốc trong đó có Quảng Đông.
Quảng Đông – nơi có thánh địa Tào Khê – và là nơi ngài Bồ-đề Đạt-ma (từ Ấn Độ sang Trung Quốc) đặt chân đến năm 520 (sau gần 3 năm lênh đênh trên biển).
Khi Bồ-đề Đạt-ma có mặt tại Quảng Đông, hoạt động thiên văn học và tiên tri thành văn đã xuất hiện tại Trung Quốc từ lâu đời. Vào cuối nhà Thương, các nhà thiên văn và tiên tri cổ đại ngạc nhiên khi quan sát thấy 5 ngôi sao: Kim tinhHỏa tinhThủy tinhThiên vương tinh vàDiêm vương tinh hội tụ nhau trên bầu trời ngày 28.5.1059 TCN. Họ tiên đoán một biến cố trọng đại sẽ xảy ra trong tương lai gần. Trong vòng chưa đầy hai thập niên sau, tiên tri đó phù hợp với sự xuất hiện của một danh nhân lịch sử kiệt xuất: Chu Vũ Vương.
Lần khác, cũng 5 ngôi sao trên hội tụ một lần nữa ngày 29.5.205 TCN “báo trước sự sụp đổ của nhà Tần và sự đăng quang của nhà Hán”. Khi một vẫn thạch rơi vào thành phố Lạc Dương ngày 29.11.620, các nhà tiên tri cho biết: “theo như kinh nghiệm đã được ghi chép trong sách vở, hiện tượng trên báo trước cái chết của một tên nghịch tặc đang sống trong khu vực ấy, năm 620 lời tiên tri ứng nghiệm khi quân của Cao Tổ bao vây Lạc Dương và giết chết Vương Thời Trung” (Ts. Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh – Lịch sử văn minh và các triều đại Trung Quốc, NXB Tổng hợp TP. HCM, quý IV – 2004, tr. 134-135). Với ngài Bồ-đề Đạt-ma, những tiên tri lưu xuất thẳng từ bổn tánh (không thông qua chiêm nghiệm thiên văn) – như lời kệ của ngài:
Ngô bổn lai tư độ
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành.
Phỏng dịch: Ta sang đất Trung Hoa. Truyền pháp cứu mê tình. Một hoa nở năm cánh. Kết quả tự nhiên thành.
Câu tiên tri: “Nhất hoa khai ngũ diệp” đã ứng vào lịch sử phát triển của thiền tông Trung Hoa với sự xuất hiện năm thiền phái: 1. Lâm Tế, 2. Tào Động, 3. Vân Môn, 4. Pháp Nhãn, 5. Quy Ngưỡng.
Trong năm thiền phái trên, phái thiền Quy Ngưỡng truyền đến đời Tổ thứ 8 là ngài Hư Vân (xem kỳ 49-50-51), rồi truyền trao Tuyên Hóa thượng nhân làm Tổ thứ 9.
Lúc Mao Trạch Đông đưa lực lượng công an chiếm giữ chùa Nam Hoa (1951) thì hòa thượng Tuyên Hóa đã ra khỏi chùa (từ 1949) đến Hương Cảng, sang Mỹ và tiếp nối mạng mạch hoằng pháp ngoài biên giới Trung Quốc theo đúng lời tiên tri và sứ mệnh được giao. (còn nữa)
GIAO HƯỞNG


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: