Nở rộ những khóa đào tạo thôi miên và những hiểm họa trông thấy
Ảnh minh họa.
Trên thế giới, thôi miên là một bộ môn khoa học áp dụng nhiều trong y học và được người dân xem như một phương thức chữa bệnh hiệu quả. Tại Việt Nam, hiệu quả của phương thức này vẫn chưa được kiểm chứng, thế nhưng, có một điều lạ, các khóa học thôi miên vẫn mọc lên như nấm sau mưa, với những quảng cáo "nổ bung trời" và học phí đến hàng trăm triệu đồng.
Vậy, sự thật của những khóa học này đến đâu? Liệu "thầy thôi miên" có thể đánh thức mọi tiềm năng con người", chữa bệnh từ phương pháp mà dư luận vẫn còn bán tin bán nghi?
Câu hỏi đăt ra là nếu "học được thôi miên" thì ai dám chắc những người học thôi miên này không có hành vi phạm pháp? Và thực tế ở Việt Nam việc học và đào tạo thôi miên thời gian qua có bị thả nổi?
Chiều muộn 12/11, tại trụ sở Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), trước một số cơ quan báo chí, Tổng giám đốc, TS. Vũ Thế Khanh đã đưa ra một nghi vấn gây sốc: “Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân – giám đốc trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam liệu có thực tài như “tung hô”?
Theo TS. Khanh, sau khi thạc sĩ Quân từ Đức trở về Việt nam, qua một số mối quen biết, ông này đã về đầu quân cho UIA. Bản thân TS. Khanh từng bổ nhiệm thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân vào vị trí Viện trưởng viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên thuộc (UIA), nhưng cũng chính ông đưa ra quyết định giải thể Viện này vì cho rằng, thạc sĩ Quân không có thực tài.
Trong buổi làm việc, TS. Khanh đã cung cấp cho các phóng viên Quyết định số 1215 (ngày 15/2/2011) về việc giải thể viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên và buộc chấm dứt mọi hoạt động của Viện được ghi trong quyết định thành lập số 089/TC-LH (ngày 9/8/2010) của UIA.Theo TS. Khanh, trong thời gian hoạt động thực nghiệm theo quy định ( 6 tháng kể từ khi quyết định thành lập), ông Nguyễn Mạnh Quân không hề có hiểu biết về y khoa, chưa nắm được nguyên lý cơ bản cũng như chưa có năng lực thôi miên như trong hồ sơ đăng ký thành lập Viện.
“Chúng tôi yêu cầu phải làm 100 ca khảo nghiệm trực tiếp do chính UIA đặt ra, trước sự chứng kiến của các nhà khoa học nhưng trong quá trình khảo nghiệm, Quân đã không làm được. Như vậy, Quân không đủ năng lực để “ hành nghề” T.S Khanh nói.
Cũng theo TS. Vũ Thế Khanh, việc ông Quân chủ trương dùng “khả năng thôi miên” để quảng bá chữa bệnh là vi phạm luật hành nghề y tế, vì ông Quân chưa được đào tạo và chưa có hiểu biết về chuyên ngành y khoa cũng như khả năng thật sự về thôi miên.
Quyết định 1215 cũng cho biết, căn cứ theo số liệu thẩm tra lý lịch khoa học, ông Quân mới chỉ dự khoá học ngắn ngày về thôi miên của một tổ chức cá nhân, không nằm trong hệ thống đào tạo chính quy. Ông Quân cũng chưa từng học qua trình độ cử nhân. Được biết, sau khi Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên bị giải thể, ông Nguyễn Mạnh Quân đã sang “đầu quân” cho liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam. Tuy nhiên, điều chúng tôi không khỏi băn khoăn là tại sao quyết định này có từ năm 2011 mà đến nay nó mới được “chính thức” công bố?
Bỏ bao nhiêu tiền sẽ thành "nhà thôi miên”?
Tạm thời chưa bàn tới chuyện đúng sai từ những nhận định của TS. Vũ Thế Khanh, tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong thời gian qua, cái tên Nguyễn Mạnh Quân đã trở nên “nổi đình nổi đám”. Thời điểm cuối năm 2011, ông Quân từng khiến dư luận “dậy sóng” khi khẳng định: “Nếu ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ đúng, con số ấy không quá 3%” . Thậm chí, vị này từng tuyên bố: Nếu nhà ngoại cảm nào tìm mộ liệt sĩ đúng 3%, ông sẽ dâng cho họ toàn bộ tài sản, danh dự cả Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên. Còn nếu họ tìm không đúng 3% ông sẽ… cắt lưỡi nhà ngoại cảm đó?!
Rõ ràng “chuyên gia thôi miên” đã khéo lựa chọn đúng thời cơ để đánh bóng tên tuổi của mình. Thời điểm đó, hiện tượng nhà ngoại cảm “gọi hồn” tìm mộ, rêu rao mình có siêu năng lực, gọi được vong hồn liệt sĩ, thánh thần lên trò chuyện và làm những việc kinh thiên động địa… khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đánh trúng tâm lý, vị này đã xuất hiện với những tuyên bố hùng hồn khiến dư luận được phen thoả lòng.
Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện những khoá thôi miên với mức học phí mà chỉ nghe qua nhiều người đã thất kinh. Có khoá được đồn đoán đến 299 triệu đồng (đào tạo trong vòng 20 ngày) rồi 85 triệu đồng (đào tạo 16 ngày)…Hiện tại trên trang Web chính thức, trung tâm cũng đang và sắp tổ chức các khóa học: hành trang tâm lý hội nhập, khóa đào tạo: “ chuyên gia thôi miên trị liệu” (khai giảng tháng 1/2015), khóa Seminar: Haruva – khơi nguồn sức sống mới” và Haruva – Đọc siêu tốc, hiểu sâu, nhớ lâu”.
Cũng theo lời quảng cáo, sau khóa học, học viên có thể tự thôi miên để ổn định cơ thể, tinh thần và chữa bệnh cho mình, tự lập trình ngôn ngữ để giúp mình thực hiện mọi nguyện vọng trong cuộc sống; thôi miên được cho người khác.
Nhận biết được phép thuật của các thầy phù thủy, thầy bói, thầy cúng, lên đồng, áp vong, bùa, ngải…qua phương pháp thôi miên cổ điển; kỹ thuật thư giãn bản năng; biết chữa tất cả các bệnh bằng ám thị liệu pháp; được học và thực hành phương pháp giảm, cắt các cơn đau và chữa các bệnh đau mãn tính, chữa bệnh mất ngủ…
Học thôi miên để làm gì?
Cũng chẳng biết có sự trùng hợp hay không nhưng khoảng hai năm trở lại đây, trên các báo đài liên tục đưa tin về những vụ cướp tiệm vàng, đổi tiền giả lấy tiền thật, đánh tráo điện thoại mà người bị hại trình báo đều cho biết như bị thôi miên, mất hết lý trí, dẫn đến mất tiền, mất đồ. Hiện, dư luận đang nghi ngờ những đối tượng lừa đảo đó từng học thôi miên.
Vậy họ là ai, và ai dạy họ thôi miên? Đây là một câu hỏi lớn. Dư luận có quyền đặt câu hỏi với những khóa đào tạo thôi miên như vậy, sau khi kết thúc, các học viên sẽ sử dụng kỹ năng học được vào mục đích gì? Ai dám đảm bảo những chiêu trò đó không bị sử sụng vào những hành vi phạm pháp? Bởi thực tế không ai quản “ đầu ra” của những lớp học này.
Theo tìm hiểu của PV, trên mạng Web thoimien.net (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam – trường đào tạo thôi miên – NLP tiếng Việt đầu tiên) có đăng thông tin công khai giới thiệu về công dụng chữa bệnh của thôi miên. Theo đó, thôi miên được ứng dụng nhiều trong việc điều trị mất ngủ, trầm cảm, stress, giảm và cắt cơn đau, chữa trị các bệnh rối loạn lo âu, mất ngủ, rối loạn ám sợ..và hiệu quả trong việc chữa các triệu chứng nghiện rượu, thuốc lá, ma túy, các trạng thái tự kỉ, đau đầu đến công dụng làm đẹp da, giảm béo, cải thiện đời sống tình dục… Rất nhiều người tin theo phương pháp này đã không tiếc tiền chi 20 – 30 triệu đồng để chữa bệnh.
Một cộng tác viên từng có khoảng thời gian gần hai năm làm việc với “thầy thôi miên” nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ, khi sử dụng phương pháp thôi miên, bao giờ cũng có những điểm “ chống chỉ định” tuy nhiên, vị này không bao giờ nêu những điểm “chống chỉ định” đó.
Không phải thôi miên ai học cũng được, có những người có cấu trúc loạn tâm, khi thôi miên, ảo tưởng sẽ đẩy lên cao và rõ nét hơn, dẫn đến phản tác dụng. Chị này lại rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, những lúc phấn khích thái quá, không kiểm soát được bản thân.
Những vụ " thôi miên" và bị hại
Ngày 18/12/2013, tại cửa hàng 490 Xã Đàn, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội xảy ra vụ người phụ nữ xoã tóc " thôi miên" chủ cửa hàng, cướp đi hơn 1 tỷ đồng. Vào thời điểm trên, có một phụ nữ bước vào cửa hàng, vờ hỏi mua hàng, sau đó đột nhiên xoã tóc, rồi chị mê man. Khi tỉnh dậy, chị phát hiện mất khoảng 1,5 tỉ đồng. Công an quận Đống Đa cũng đã bắt được kẻ trộm.
Ngày 21/10/2011, tại Quãng Ngãi xảy ra một vụ án được cho là bị thôi miên cướp tiệm vàng giữa ban ngày, một thanh niên đã dùng thuật thôi miên lấy đi khoảng 100 cây vàng cùng 1,3 tỉ đồng trong két sắt của tiệm vàng Tín Huy (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ước tính tổng thiệt hại gần 5 tỉ đồng.
Khoảng 10h30, sáng 14/12/2013, tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) người dân đã bắt giữ ba đối tượng chuyên đi thôi miên để lừa đảo lấy tiền của người khác. Người dân cho biết, các đối tượng này lập nhóm và hoạt động có tổ chức. Công an huyện Từ Liêm đã có mặt để điều tra làm rõ.
Theo Nhóm Phóng viên
(Đời sống và Pháp Luật)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét