Thời nay không đọc là chết
Truyện ngắn Từ Sâm
Tôi có thằng bạn, lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp thì chào hỏi, bắt tay, bai bai không sao chứ năm mười phút tâm sự là bắt đầu sinh chuyện.
Y như vợ chồng thường cãi nhau thì sống với nhau cả đời, còn vợ chồng nào không cãi nhau một tiếng, mà đã cãi nhau rồi là to chuyện, có khi cãi nhau trước tòa không chừng. Tôi không bỏ nó, và nó cũng chẳng bỏ tôi. Nó làm ở Ban Tuyên giáo tỉnh. Đúng là trời sinh voi sinh cỏ. Nó học khoa Nuôi, tôi học Hàng hải cùng trường Đại học. Những năm tám mươi học nuôi trồng ra trường là thua vì người ta nuôi heo nuôi gà chứ làm gì nuôi tôm nuôi ốc như bây giờ.
Nó chạy thế nào mà vào được Ban Tuyên giáo (vợ hắn khoe là mất mấy ký đường, dăm hộp sữa và một năm phiếu thịt). Lúc đầu nó làm Phòng Tổ chức, sau đi học mấy khóa đào tạo gì đó, rồi học nữa… và như ngày nay. Thỉnh thoảng thấy bài nó đăng trên báo tỉnh, thường là chuyên mục lý luận. Gần đây nhất có bài Tính thực tiễn và sáng tạo trong văn học nghệ thuật tỉnh nhà, và Các văn nghệ sĩ vững vàng trước nền văn hóa ngoài luồng xâm nhập, vv. và v.v. Các bài viết của nó thường xuất hiện trước kỳ đại hội, đặc biệt là đại hội Đảng, Hội đồng nhân dân, v.v. nhưng, có khi lại xuất hiện trước đại hội Câu lạc bộ nuôi dê vài ngày (tôi biết tỏng là nó viết theo đặt hàng vì dê đang lên giá).
Gặp nhau, hắn thường cao giọng, “Xin chào, vững vàng chứ?”. Tôi không hiểu ý hắn chào tôi về kinh tế vững vàng hay tư tưởng vững vàng. Tôi thường buông nốt trầm: “Bình thường thôi”. “Nghe nói mày mới ra sách, đưa tao một cuốn, thời này mà không đọc là chết mày ạ. Nhưng tao nói thật bọn văn nghệ chúng mày phức tạp lắm”. Nó nửa vuốt nửa đe. Tôi mừng thầm, thằng vô danh tiểu tốt như tôi, viết được cuốn sách mỏng như lá lúa cực khổ hơn làm cái nhà, sách mới ra đã có người tìm đọc thì hạnh phúc nào bằng.
Tôi tự sướng, thế là may mắn hơn thằng bạn nhà thơ của tôi rồi. Hắn tặng tập thơ còn dúi vào tay tôi năm chục, còn rỉ tai: “Bát phở tái và hai chai Sài Gòn” gọi là có tí đạm, lấy sức mà đọc. Hắn còn đe “Không đọc là trả lại tiền đấy”.
Lấy một cuốn trong cặp, đề tặng Nguyễn Văn L… trưởng phòng. Phải viết chức vụ vào sách, nó thích thế. Tôi ký tên đưa nó rồi cười phân bua: “Tao là dân làm ăn, văn nghệ văn gừng cho vui. Đơn giản chứ không phức tạp đâu”. Nó nâng niu cuốn sách trên tay còn thơm mùi mực và hôn chụt một cái làm tôi cảm động: “Ai cũng như mày thì văn nghệ sĩ được nhờ”. Nó quả quyết, “Một câu thơ hơn sức mạnh sư đoàn của Hữu Loan mày biết rồi chứ. Không có những câu thơ như thế thì làm sao thắng Mỹ”. Trời ạ, câu đó của ai thì tôi chịu, còn Hữu Loan thì chắc chắn là không vì thời chống Mỹ ông đang thồ đá. Chưa nói hết nó giơ tay chào và bước nhanh như kết thúc buổi nói chuyện tại hội trường.
Nó chọn ngày tốt, nghe thầy bảo thế, vào nhà mới. Vợ chồng tôi đến mừng. Tôi đùa, từ tường gạch không tô, mái tôn, lên thẳng năm tầng lầu bỏ qua giai đoạn cấp bốn gác lửng. Phòng khách rộng hơn ba chục mét vuông như gian hàng trưng bày sản phẩm hội chợ triển lãm đa ngành. Đồi mồi, sừng nai, đại bàng lũa gỗ, tranh thêu XQ to tướng (chắc chắn đồ gia công ngoài chợ Đầm; hàng thật thì ai mua nổi mấy chục triệu mà tặng), hai bình gốm như hai cột đình không phải Giang Tây của Tàu mà Sơn Tây của nước Việt ta… kín bốn bước tường và chường ra lối đi. Tôi leo từng tầng và quan sát từng phòng như leo đỉnh Phan-xi-păng. Phòng nào cũng bày trí theo tiêu chuẩn Erô-guynh-đâu [Eurowindow], giường nệm hai mươi phân Kymdan, máy lạnh Nhật, bàn trang điểm Thái, tủ áo cẩm lai Đài Loan… Tôi băn khoăn, tại sao phòng hai vợ chồng mà không thấy bàn làm việc nhỉ. Máy tính cũng không, chỉ có ti vi 42 inch dán mỏng vào tường nối một cặp loa khủng. Sách vở tài liệu đâu cả rồi, nhà cũ của hắn có bao tải đựng sách để ở góc phòng cơ mà. Hiểu ý tôi, vợ hắn phân bua: “Tài liệu của ảnh và của cơ quan thì để phòng thờ, còn sách văn nghệ văn gừng vớ vẩn em dọn cho thoáng nhà chứ ảnh có bao giờ đọc đâu”.
Vợ hắn là người Bắc vào Nha Trang từ nhỏ, hiện giám đốc công ty Môi giới và tiếp thị, thực ra là cò, cò mua bán nhà đất, cò vay ngân hàng và cò học sinh vào trường điểm. Hắn làm Tuyên giáo nên vợ hắn quen nhiều hiệu trưởng lắm. Làm gì thì làm, có ích cho gia đình và xã hội là được, tôi thường động viên vợ hắn như thế.
Vợ tôi thường ra tiệm sách cũ. Một hôm, tôi đang lúi húi giặt đồ cho cả nhà, vừa xả xà bông thì bị mất điện. Định chửi đổng ông nhà đèn một câu cho bỏ tức thì cô ấy về, chưa kịp bỏ dép đã hớt hải chạy vào khoe như nhặt được của rơi: “Anh xem này, anh xem này” và dúi vào tay tôi cuốn sách. Sách của tôi, nó đây rồi, chữ tôi viết cách đây ba năm, màu mực còn mới, từng trang sách dính vào nhau chứng tỏ chưa có bàn tay nào mở ra, bìa sách nhòa chữ ẩm ướt. Tôi vuốt ve, ôm nó vào lòng như lâu ngày gặp lại đứa con lưu lạc rồi đưa lên môi hôn chụt một cái như thằng bạn đã làm. Tôi chợt nhớ câu nói: “Em dọn cho thoáng nhà…” rồi đặt vào tủ kính và tự an ủi: “Sách cũng biết tìm về với chủ”.
Mồng ba tết nó đến thăm tôi, nhìn tủ sách nó phán: “Nghe nói mày mới ra sách, tặng tao một cuốn, thời nay mà không đọc sách là chết mày ạ”.
Thật tình năm mới mà bực bội thì cả năm mất hên, tôi mở thùng sách mới lấy từ nhà in về hôm qua, còn nguyên đai, rút một cuốn và đề tặng Nguyễn Văn L… trưởng ban… vì nó đã lên chức trước tết một tuần, coi như lì xì tết vậy. Nó cầm cuốn sách trên tay còn thơm mùi mực…. nướng (vì tôi đang nướng mực đãi khách) và hôn chụt một cái làm mặt tôi nóng bừng như vừa xong ly đế. May mà bác sĩ bảo tôi có máu lạnh nên chỉ đứng im mà không khua tay động tác nào.
Ra về, nó giơ tay chào và bước nhanh như kết thúc buổi nói chuyện tại hội trường rồi dõng dạc: “Chúc vững vàng nhé”.
Tôi bảo vợ: “Em nhớ ra tiệm sách cũ mua lại sách của anh nhé”.
Nha Trang, mùa mưa bão 2011
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét