Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

“Công lý” khóc cười và dao trâu mổ… dự án


Kỳ Duyên
VNN - Từ vụ việc Thần Công lý đến vụ việc Dự án của Thừa Thiên- Huế cho thấy sự nhạy cảm chính trị, sự sáng suốt lẫn trách nhiệm quản lý của các quan chức có trách nhiệm ở các ngành, các cấp cũng rất cần được dùng “dao trâu” … mổ xẻ.

I-Tuần qua, dư luận xã hội có phần gay gắt với vụ VTV24 quyết làm cho ra nhẽ việc Đội trưởng bóng đá U19 Công Phượng có gian lận tuổi (19 hay 21) hay không. Ngạc nhiên là số đông ý kiến trên các trang mạng XH lại… chê cách đấu tranh chống tiêu cực của nhà đài “hiếu thắng, quyết năm ăn năm thua” với một cái lỗi không lớn, khiến thiên hạ bảo dao trâu mổ gà. Thì có một vụ việc nghiêm trọng bỗng trở nên hài hước, khiến ai cũng buồn cười. Người Việt đúng là dân tộc lạc quan nhất thế giới.

Đó là trên bìa cuốn sách Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động –Xã hội có in hình biểu tượng vị Thần Công lý ở nước Việt. Nhưng rất khác với biểu tượng Thần Công lý quen thuộc mà nhân loại thường được chiêm ngưỡng.

Đó là tượng Nữ thần Công lý, cầm thanh gươm thể hiện cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của tòa án; một chiếc cân phân định cái thiện cái ác, biểu tượng cho sự nghiêm minh không thiên vị; một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý mù lòa, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài (theo Wikipedia mở Tiếng Việt)

Còn biểu tượng Thần Công lý nước Việt có gương mặt của một diễn viên hài quen thuộc- cũng có cái tên giống biểu tượng- Công Lý. Nhưng khác hẳn biểu tượng Nữ thần, “Nam thần” này mình trần trụi, cơ bắp cuồn cuộn hai “múi”, mặc độc chiếc quần xà lỏn, đang gắng cân bằng trên đôi vai chiếc cân giống… đôi quang gánh, đứng trên quả địa cầu. Hệt một anh gánh lúa, đứng trên sân khấu xiếc, và gương mặt tươi cười như trước mặt có các phóng viên ảnh tác nghiệp.

Khỏi phải nói. Sau phút ngỡ ngàng, người Việt nào nhìn biểu tượng Thần Công lý nước Việt cũng phì cười.

Và cũng khỏi phải nói, sau phút phì cười một cách bản năng, nhiều người bỗng bất bình.

Vì nhìn vào cái hình ảnh khiên cưỡng và thiếu thẩm mỹ lẫn biểu cảm của biểu tượng, người đọc có quyền suy luận bởi “thông điệp” của hình ảnh khá phản cảm, khi nó được in trên một cuốn sách về luật Dân sự. Không phải vô lý khi nhiều ý kiến đa chiều của chính giới luật sư, những người đang trên hành trình gắng sức xây dựng một nền tư pháp nghiêm cẩn, có chất lượng, bất bình trước hình ảnh như nhạo báng nghề nghiệp giới luật, đặt câu hỏi: Công lý ở đây chỉ là tên một diễn viên hài?

Giờ thì đúng là dao trâu mổ… Thần Công lý

Thẩm phán Phạm Công Hùng (TAND tối cao), Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) bức xúc: “Đó là sự thiếu văn hóa của người thực hiện cuốn sách này khi đưa một hình ảnh hài không ra hài, bi không ra bi. Luật sư Đức còn cho rằng đó là sự nhạo báng và bôi bác (TT, ngày 17/11).

Trong khi đó, luật sư Vũ Thái Hà “nghiêm trọng” hơn: Việc đưa hình ảnh phản cảm này trên trang bìa không thể được gọi là thiếu sót mà hẳn là có dụng ý nào đó?

Còn ở góc nhìn sâu sắc, có phần suy ngẫm không kém, luật sư Bùi Quang Nghiêm điềm tĩnh: Dưới góc độ những người làm văn hóa, họ có cách nhìn nhận về ngành luật khác với chúng tôi chăng?

Chỉ một hình minh họa, mà đã cho bạn đọc cách nhìn đa chiều, và nó “đụng chạm” đến cả sự nghiêm cẩn lẫn những sự hạn chế, bất cập của một nền tư pháp.

Tuy nhiên, sự hạn chế, hay bất cập của một nền tư pháp là một chuyện. Việc danh chính ngôn thuận ra đời một cuốn sách về luật pháp, phổ biến kiến thức cho người dân am hiểu và thực thi pháp luật theo bổn phận và trách nhiệm công dân lại là một việc khác. Nó đòi hỏi chuẩn xác, mô phạm và tường minh đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Đây là việc tối thiểu mà bất cứ ai làm nghề dính líu đến chữ nghĩa, xuất bản hẳn phải nắm rất vững. Nó cho thấy tính chuyên nghiệp hay ngược lại…Đủ biết xuất bản văn hóa phẩm đòi hỏi sự chỉn chu, chuẩn mực và văn hóa đến thế nào.

Còn nhân vật trung tâm- nghệ sĩ hài Công Lý thì … dở khóc dở cười. Chuyên đóng vai hài trên sân khấu, để lại cho đời những tiếng cười vừa khoáng đạt, vừa thâm thúy, và cứ ló mặt ra là thiên hạ đã cười; nhưng khi bất đắc dĩ đóng vai hài trong đời, Công Lý chả cười nổi, ngược lại, anh rất … khó chịu.

Bởi anh này đã không được NXB hỏi ý kiến, không biết tý gì kể cả khi diện mạo của mình “chường” trên trang bìa cuốn sách với đủ sự đàm tiếu lẫn suy diễn này nọ- một cách ứng xử rất thiếu tôn trọng. Công Lý chỉ được NXB gọi điện đánh tiếng xin lỗi khi cuốn sách đã tai tiếng. Nhưng Công Lý cho biết, anh sẽ ủy quyền cho luật sư làm việc chứ không gặp NXB.

Và điều này mới là đáng chú ý. Khi mọi việc được tìm hiểu ngọn nguồn, càng thấy cái tính thiếu chuyên nghiệp, sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngang nhiên và mặt trái của cơ chế xuất bản sách liên kết hiện nay, vô cùng lỏng lẻo, trôi nổi, trong khi đồng tiền thì được người ta nắm… rất chặt. Đây chính là nguồn gốc của mọi sự lình xình xung quanh câu chuyện “Thần Công Lý”.

Theo tìm hiểu của báo Tuổi trẻ (ngày 17/11), anh NVL (23 tuổi), chính là tác giả của bức hình Thần Công lý trên bìa sách cho biết, đó là một sản phẩm đồ họa được đăng tải trên diễn đàn Vietdesigner.net cách đây 02 năm, với chủ đề của diễn đàn “cán cân Công lý”. Bức hình đó ra đời và tồn tại trên diễn đàn này đến sáng 17-11.

Vậy mà ngay cả khi bức hình đó chễm chệ trên bìa cuốn sách, anh NVL cũng chẳng thấy ai ở NXB Lao động- XH hỏi ý kiến mình.

Vậy ai là người đưa Thần Công lý “lên ngôi”? Trả lời Một thế giới, ngày 17/11, đại diện NXB Lao động- XH cho biết, đó là phía đối tác của họ- Nhà sách Lao động (t/p HCM) cho thêm vào. Nhà sách này chính là đối tác liên kết để làm sách liên kết với NXB Lao động- XH, mà cuốn sách có hình Thần Công lý chỉ là một sản phẩm “cộng sinh” của hai bên.

Cũng theo vị đại diện này, maquette bìa sách được NXB Lao động- XH duyệt hoàn toàn không có hình ảnh nghệ sĩ hài Công Lý, tên cuốn sách cũng bị thay đổi so với bản duyệt. Như vậy hình ảnh Thần Công lý do chính Nhà sách Lao động đưa vào. Nhưng đó chưa phải kết thúc. Một cuốn sách nữa về luật Hình sự cũng mang tên của NXB Lao động- XH, cũng đụng chạm vấn đề cán cân công lý, khác chăng cán cân công lý lần này, một bên đựng chiếc đồng hồ, một bên đựng cả xấp tiền đô (la). Có lẽ chỉ NXB mới hiểu được thông điệp bí hiểm của họ.

Mặc dù quy chế xuất bản, quy chế làm sách liên kết đã được ban hành từ rất lâu, nhưng cái sợi dây liên kết “cộng sinh” này, tiếc thay không phải dây tơ hồng, nên một khi NXB bán cho đơn vị liên kết cái giấy phép thì tiếp theo đó sẽ là Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôita có thế thôi. Chỉ khi phạm luật, họ mới gặp nhau trước … Thần Công lý.

Vì thế, nói như báo Lao động, ngày 18/11, “Ở VN, Xuất bản cũng là một diễn viên hài”. Giật dây cho diễn viên hài này, là vị đạo diễn tài ba và ma quỷ, có tên- đồng tiền.

Nhưng tham thì thâm và tùy tiện, cẩu thả cũng … thì thâm. Mới đây, NXB Lao động – XH bị phạt 252 triệu đồng cho việc xuất bản hai cuốn sách đều liên quan đến công lý nói trên.

Cứ tưởng Thần Công lý đã là chuẩn mực của chân lý. Hóa ra, để đạt tới sự chuẩn mực ở nước Việt này, thần cũng … long đong lắm!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: