|
Hiện nay có tới 80,3% khoản vay trái phiếu ngắn hạn được dùng để đầu tư các dự án có thời hạn hoàn vốn dài, dẫn đến rủi ro tài chính rất lớn. Ảnh: MINH KHUÊ |
(TBKTSG) - “Không dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn” là một nguyên tắc trong kinh doanh. Song, với trái phiếu chính phủ, hiện có tới 80,3% các khoản vay trái phiếu ngắn hạn lại được dùng để đầu tư cho các dự án có thời gian hoàn vốn dài, khiến cho rủi ro tài chính rất lớn.
80,3% vay nợ trong nước là ngắn hạn
Tại cuộc thảo luận tổ ở Quốc hội giữa tuần trước, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giải thích với các đại biểu rằng áp lực nợ công lớn nhất nằm ở nợ trong nước. Bởi vì, tỷ lệ nợ nước ngoài ngày càng có xu hướng giảm, lãi suất thấp (bình quân 1,6 %/năm), kỳ hạn dài, còn nợ trong nước đang tăng cao - từ mức 18% tổng nợ công năm 2001 tăng lên 52% vào cuối năm 2013.
Tại sao nợ trong nước lại gây áp lực cho nợ công?
Mới hồi tháng 5-2014, tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, Bộ Tài chính còn khẳng định rằng, xu hướng nợ đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ vay nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng vay trong nước, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước, nhất là thị trường vốn trái phiếu bằng tiền đồng.
Vậy mà chỉ năm tháng sau, “sự chuyển dịch tích cực” trong báo cáo nói trên lại trở thành báo động, và nợ trong nước lại làm tăng rủi ro về thanh khoản.
Theo thống kê mới nhất của Chính phủ (10-2014), xét về kỳ hạn, cơ cấu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2013 như sau: dưới một năm (22,7% ), hai năm (33,7%), ba năm (23,9%). Phần còn lại là các kỳ hạn năm năm, 10 năm và 15 năm. Như vậy, tỷ lệ vay nợ ngắn hạn chiếm đến 80,3%. Điều này cho thấy cơ cấu vay nợ bị mất cân đối. Và với thời hạn vay - trả cận kề như thế, người đi vay nợ luôn đối mặt với áp lực phải có tiền để trả nợ. Điều này cũng giải thích vì sao Chính phủ luôn ở tình trạng bị động, “giật gấu vá vai” nhằm cân đối ngân sách.
Nếu phân tích sâu hơn thì cơ cấu vay nợ ngắn hạn bằng trái phiếu còn đáng lo hơn. Tính cả kỳ hạn trái phiếu từ dưới một năm đến năm năm (năm năm chiếm 13,6%), thì cơ cấu vay nợ trong nước là 93,9%. Mức vay kỳ hạn 10 năm và 15 năm chỉ chiếm một mức khiêm tốn là 6,1%.
Sự mất cân đối này cộng với lãi suất thị trường cao sẽ lý giải vì sao con số đảo nợ (giá trị tuyệt đối) năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013 đảo nợ 40.000 tỉ thì đến năm 2015 dự tính sẽ đảo nợ 130.000 tỉ, mức tăng là 325%.
Đó cũng là lý do vì sao Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt câu hỏi khi “đỉnh” nợ rơi vào năm 2016 thì phải xem lại việc có phát hành trái phiếu nữa hay không hoặc giới hạn mức phát hành thế nào để kéo nợ công xuống. Bởi áp lực luôn cần trữ một lượng vốn lớn để trả nợ sẽ kéo theo việc không có tiền để chi cho đầu tư là tất yếu.
Huy động ngắn, cho vay dài
Rủi ro không chỉ nằm ở chỗ các khoản vay ngắn hạn. Huy động ngắn nhưng cho vay dài (10-12 năm) mới là vấn đề. Nhất là khi hiệu quả sử dụng vốn vay lại của Chính phủ, chủ yếu đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và khối doanh nghiệp nhà nước luôn kém, ảnh hưởng rất nặng đến việc cân đối nguồn vốn để trả nợ. Thậm chí nhiều khoản vay được bảo lãnh không có khả năng trả.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển (VDB) gửi tới Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại hội nghị giải trình về vấn đề nợ công và quản lý nợ công ở Việt Nam (9-2014) cho biết, vốn tín dụng đầu tư tập trung chủ yếu vào các dự án có quy mô lớn nên càng làm cho khoản chênh lệch giữa thời hạn thu hồi vốn và thời hạn huy động vốn kéo dài hơn, làm gia tăng quy mô phát hành TPCP.
Theo nguyên tắc, vốn vay chỉ được sử dụng cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách trong lĩnh vực đầu tư phát triển, có khả năng thu hồi vốn và tạo nguồn để trả nợ đúng hạn. Song rất nhiều dự án không thuộc diện này, những dự án đầu tư thông thường của doanh nghiệp, lại dễ dàng vay được vốn trái phiếu hoặc được Chính phủ bảo lãnh để vay vốn. Hậu quả là các dự án không trả được nợ khiến Chính phủ phải trả thay ngày càng tăng.
Một số dự án sau khi được cơ cấu lại nợ vẫn khó khăn trong việc thu xếp nguồn trả nợ. Trong số này có tên hàng loạt dự án xi măng, giấy, thủy điện. Dự án xi măng Hải Phòng, dự án xi măng Tam Điệp, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là các dự án vay vốn trong nước được Chính phủ bảo lãnh trong năm 2013 đã gặp khó khăn về việc trả nợ, phải xin kéo dài thời hạn vay và thời hạn bảo lãnh. Thậm chí, Quỹ Tích lũy trả nợ đã ứng trả thay cho Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) 607 tỉ đồng trái phiếu đến hạn năm 2013 mà không trả được. Số tiền này sau đó chuyển sang ngân sách nhà nước cấp phát, tức là ngân sách trả thay nợ doanh nghiệp.
Còn trước đó, năm 2012, theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã phải ứng trả thay cho năm dự án với tổng số tiền là 1.206 tỉ đồng, tăng 603,4 tỉ đồng (mức tăng 100,1%) so với năm trước đó.
Hiện nay, Luật Quản lý nợ công đã có song lại thiếu các quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và biện pháp chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý nợ công, sử dụng vốn vay thất thoát, không trả được nợ.
Ví dụ các chủ đầu tư dự án vay vốn nước ngoài muốn được cấp bảo lãnh chính phủ thì tại thời điểm vay phải bố trí vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư theo quy định. Song luật lại chỉ quy định chủ đầu tư phải cam kết về tỷ lệ này chứ không bắt buộc thực nộp nên phần lớn các đơn vị vay vốn không đáp ứng điều kiện mà vẫn được vay. Khi vay rồi lại không có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rủi ro, trách nhiệm của cơ quan ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư khi rủi ro xuất hiện, ảnh hưởng đến chính sách tài khóa...
Với hàng loạt rủi ro như vậy thì mặc dù thị trường TPCP của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh về quy mô và giao dịch, trở thành thị trường có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á trong vòng năm năm qua thì đó cũng không hoàn toàn là tín hiệu đáng mừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét