Nguyễn Trần Sâm
Nguồn: Quê Choa
Trong lĩnh vực đối ngoại, Tập Cận Bình, người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc, hiện đang đẩy chính sách bành trướng và đe dọa các nước khác mà giới cầm quyền Trung Hoa luôn theo đuổi lên một tầm mức mới.
Tiếp theo những vụ gây hấn trên biển Đông, Tập Cận Bình và thuộc hạ của ông ta một mặt vẫn nói về sự “tuân thủ luật pháp quốc tế” và về “tình hữu nghị”, mặt khác vẫn bóng gió hoặc thẳng thừng “răn đe” các nước, kể cả Mỹ.
Không biết Tập Cận Bình cùng thuộc hạ có thể tổ thực hiện được giấc mộng Trung Hoa đến đâu, nhưng chắc chắn ông ta sẽ gây được không ít khó khăn cho nhiều nước, từ nhỏ đến lớn. Có thể nói như vậy nếu quan sát những động thái gần đây của ông ta không chỉ trong đối ngoại, mà thậm chí là nhiều hơn trong chính sách đối nội, cụ thể là trong việc tạo vây cánh và thanh trừng phe cánh mà Giang Trạch Dân để lại.
Ở các quốc gia cộng sản, nói rằng toàn bộ quyền lực thuộc về đảng CS cầm quyền là không sai, nhưng còn quá chung chung. Nói chính xác hơn thì quyền lực được chia chủ yếu cho ba nhóm: công an, quân đội và khối kinh tế. Trong những chuyển động hàng ngày, khối kinh tế thường dùng tiền của để thao túng chính trường. Tuy nhiên, trong những tình huống có tranh chấp căng thẳng, các khối vũ trang dễ dàng dùng vũ khí đè bẹp mọi đối thủ. Chính vì thế mà người đứng đầu đảng muốn giữ được quyền lực thì phải nắm được các khối vũ trang. Ở Liên Xô trước đây, tổng bí thư đảng bao giờ cũng là người trực tiếp điều hành các hội đồng an ninh và quốc phòng, thậm chí đích thân nắm mật mã và chìa khóa kho vũ khí hạt nhân. Ở Trung Quốc, tổng bí thư, ngoài chức chủ tịch nước, còn kiêm luôn bí thư quân ủy trung ương để có thể ra các mệnh lệnh trực tiếp cho quân đội.
Với cơ cấu quyền lực như vậy, việc các lực lượng an ninh Nga và cũng là của Liên Xô khi đó, đã tuân lệnh Boris Yeltsin bắt gọn nhóm Yanayev sau vụ đảo chính Gorbachëv vào tháng 8 năm 1991 thực sự là một tin hoàn toàn bất ngờ! Không biết từ lúc nào và bằng cách nào Yeltsin đã nắm được toàn bộ lực lượng an ninh (và cả quân đội) vốn năm trong tay người khác. Điều đó chứng tỏ Yeltsin là một nhân vật đầy mưu lược.
Tuy nhiên, mưu lược Yeltsin có lẽ vẫn thua Tập Cận Bình – dù ông này hiện đang là kẻ gây ra không biết bao nhiêu rắc rối, kể cả tội ác, đối với dân Việt Nam ta, đến mức chúng ta muốn ông ta cùng thuộc hạ biến khỏi mặt đất này, thì vẫn phải thừa nhận ông ta là một nhà mưu lược hạng 1.
Sau khi Đặng Tiểu Bình chết, có thể nói toàn bộ quyền lực ở TQ tập trung vào tay Giang Trạch Dân và phe nhóm. Mặc dù có những tin đồn rằng vào năm 2004, quyền lực của Giang thực ra đã chấm dứt, nhưng thực tế là Chu Vĩnh Khang, người từng là cánh tay phải của Giang (Chu vốn là trưởng “phòng 610”, cơ quan “đứng trên pháp luật”), vẫn còn tại vị và kiểm soát toàn bộ các khối an ninh và lực lượng thực thi pháp luật. Khi Chu còn nắm quyền thì không một đối thủ chính trị nào có thể chống lại ông ta. Và thực tế là Hồ Cẩm Đào trong hai nhiệm kỳ làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đã không tạo ra được sự thay đổi lớn nào về nhân sự và về đường lối.
Với một mạng lưới quyền lực ngầm mà Chu Vĩnh Khang đã tạo ra, nhiều khả năng là người kế nhiệm vị trí tổng bí thư sẽ chỉ có ít thực quyền, ngay cả khi Chu đã nghỉ hưu vì quá tuổi. Vì quyền lợi, các nhân vật trong mạng lưới quyền lực ngầm đó sẵn sàng cấu kết với nhau để triệt hạ mọi phe nhóm khác. Tổng bí thư mới, nếu muốn an toàn để hưởng lạc và thực thi một số quyền hành, thì đừng dại dột đối đầu với bọn họ. Những việc như vậy đã từng xảy ra đối với lãnh đạo một số nước CS. “Lãnh tụ tối cao” được “miễn” họp bộ chính trị để giữ sức khỏe cho “cách mạng”, và quyền điều hành đất nước nằm trong tay những ông trùm mật vụ. Loại người này đủ sức, đủ điều kiện và đủ tàn ác để tạo hiện trường khép tội cho bất kỳ ai, nhằm loại bỏ hoặc vô hiệu hóa người đó.
Trong điều kiện như vậy, việc Tập Cận Bình đã sớm tổ chức được một mạng lưới ngầm khác còn mạnh hơn (trong số đó chắc chắn có những kẻ được lôi kéo từ mạng lưới bên kia sang) có thể nói là việc phi thường. Trong một xã hội và một đảng đầy rẫy những kẻ giả dối và phản phúc, chỉ cần hé răng nói với ai đó về ý đồ triệt hạ phe phái hiện đang kiểm soát xã hội kia là đã phải chịu nguy hiểm như tự tay kề dao vào cổ, một lưỡi dao do kẻ thù nắm đằng chuôi. Người làm được việc như vậy, ngoài mưu lược và sự tỉnh táo cực kỳ hiếm có, còn phải thực sự có lý tưởng và buồng gan rất lớn, sẵn sàng chịu chết vì cái lý tưởng đó.
Với quyền lực tạo ra bằng cách triệt hạ những loại đối thủ như vậy, Tập Cận Bình có điều kiện để thực thi các chính sách cả nội trị và ngoại giao. Về đối ngoại, sức mạnh quyền lực của ông ta trở thành điều đáng ngại cho các nước khác, nhất là các lân bang.
Dù Tập Cận Bình là kẻ đang đối đầu với dân tộc ta, vẫn phải nghiêm túc và buồn lòng mà thừa nhận rằng xã hội ta không có một ông đại quan kiểu đó. Nói ra xấu hổ!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét