Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ những lo lắng của mình về những tác động của xu hướng này đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Kinh Đô mới bán 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelez International – một hãng thực phẩm của Mỹ, Berli Jucker Plc của Thái Lan mới mua lại Metro Việt Nam và đang có kế hoạch mua tiếp Bia Sài Gòn… Bà có nhận định gì về xu hướng mua bán sáp nhập đang diễn ra ngày một mạnh mẽ này?
Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra phổ biến trên thế giới. Việc mua lại một số doanh nghiệp đang thành công hoặc doanh nghiệp đang sở hữu những tài sản phù hợp với mục tiêu phát triển là điều bình thường với nhiều tập đoàn trên thế giới. Với trường hợp tập đoàn Kinh Đô của Việt Nam bán 80% cổ phần cho tập đoàn Mỹ là một trường hợp rất đáng chú ý, ở chỗ Việt Nam cũng đã có những thương hiệu lớn khiến các tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm. Với trường hợp Bia Sài Gòn, tôi cũng băn khoăn nếu họ đang tính toán tới bước bán cổ phần thì điều gì khiến họ phải bán, có nhất thiết phải bán không khi trên thị trường nội địa họ đang lãi lớn và có thị trường rất tốt như vậy?
Khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn vào cộng đồng kinh tế thế giới, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, dĩ nhiên có cả cơ hội và thách thức. Bà nghĩ gì về vận hội này?
Đây là một xu hướng đang diễn ra và đã có dự báo từ trước đây, là nó sẽ diễn ra mạnh mẽ gần vào thời điểm Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Thị trường của doanh nghiệp không còn là thị trường 90 triệu dân Việt Nam nữa, mà là thị trường 600 triệu dân ASEAN hay thị trường ASEAN+6 chiếm tới 40% dân số toàn cầu. Đó hoàn toàn là một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp phải tính toán những chiến lược lớn. Với những doanh nghiệp đã thành đạt, có tầm vóc thì họ có nhiều cơ hội để đẩy vị trí của mình tốt hơn nữa nhờ tham gia vào cuộc chơi lớn hơn, thoát khỏi “ao làng”. Việc bán cổ phần cho các tập đoàn lớn cũng là tính toán dài hơi của doanh nghiệp khi họ không còn phải đi một mình ra ngoài biển lớn nữa…
Theo bà, liệu doanh nghiệp Việt có mất thương hiệu và mất quyền kiểm soát không khi bán một lượng lớn cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài?
Đây là một câu chuyện khó và tôi không dám võ đoán về việc này. Những tập đoàn mua lượng lớn cổ phần nếu cùng ngành sẽ có những hỗ trợ lớn để doanh nghiệp phát triển về công nghệ, quản lý và thị trường. Đó cũng có thể là bước tiến mới để doanh nghiệp tham gia thị trường nước ngoài. Với thế mạnh am hiểu thị trường nội địa, chắc chắn những ý kiến của doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn, sau khi bán đi lượng lớn cổ phần như vậy, Kinh Đô sẽ phát triển theo hướng nào và với quyền quyết định không đủ lớn, liệu họ có giữ được thương hiệu hay không, các thương hiệu Việt sau này sẽ ra sao?
Trong thâm tâm, tôi vẫn mong muốn Việt Nam có được những thương hiệu mạnh có tuổi đời nhiều trăm năm, nhưng những tính toán riêng của doanh nghiệp tôi không bình luận.
Việc mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp cũng để lại những mối lo lớn. Đó là bức tranh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, quy mô không lớn và “teo” đi đáng kể. Chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh thành doanh nghiệp vừa. Như vậy, bức tranh ngày càng rõ là doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đi các doanh nghiệp cỡ trung và lớn để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu. Thêm nữa, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang rất mạnh, năm nay dự kiến sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta chiếm khoảng 70%, xuất khẩu họ chiếm khoảng 68%. Vậy thì phần còn lại cho Việt Nam là bao nhiêu?
Cảm ơn bà!
Lê Phượng (thực hiện)
http://thegioitiepthi.net/chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-lo-viet-nam-se-chi-con-cac-doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét