Sự thờ ơ của bộ máy quản lý trước những sáng chế của công dân cho thấy nhân tố con người chưa được xem trọng, sự chủ động phát kiến của người dân nhằm làm giàu cho đất nước chưa được trân quý
Chuyện cha con ông Trần Quốc Hải ở Tây Ninh sửa chữa và chế tạo thành công xe bọc thép cho quân đội Campuchia và được nhà nước Campuchia trao tặng Huân chương Đại tướng quân và nhiều biệt đãi về nhà ở, chế độ sinh hoạt đã làm nóng dư luận trong thời gian qua.
“Hai Lúa” có nhiều phát minh giá trị
Trước đó, ở trong nước, ông Hải từng được mệnh danh là “ông vua sáng chế máy nông nghiệp” khi chế tạo máy trồng mì, nhổ củ mì, làm cỏ, trồng đậu phộng, máy phun thuốc trừ sâu cho vườn cao su. Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - ông Võ Đức Trong - cho biết ông Hải có niềm đam mê lớn dành cho máy móc, đã chế tạo thành công nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp không chỉ ở Tây Ninh mà còn nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Trần Quốc Hải (giữa) bên những chiếc xe bọc thép do ông sáng chế cho Campuchia Ảnh: LÂM NGỌC
Nhân vụ này, dư luận cũng nhắc lại nhiều trường hợp nông dân và dân thường tự mày mò chế tạo máy móc công nghiệp, nông nghiệp trước đây. Cùng đam mê sáng chế có ông Bùi Hiển - 60 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - làm máy bay trực thăng; anh thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng ở quận Long Biên, TP Hà Nội cũng chế tạo máy bay trực thăng nhưng bị cấm, bắt viết cam kết không được chế tạo máy bay nữa; ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Quốc Hòa ở tỉnh Thái Bình - tự chế chiếc tàu ngầm mini với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Thành công hay chưa thành công, tất cả họ đều bộc lộ niềm đam mê sáng chế, chế tạo không mệt mỏi.
Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về giá trị công nghệ, giá trị kinh tế của những sáng chế, chế tạo của các nhà phát minh “Hai Lúa” này nhưng những gì ông Trần Quốc Hải đã làm và được công nhận, được vinh danh, được trả công xứng đáng ở Campuchia cho thấy rõ ràng không phải những “Hai Lúa” của chúng ta không có khả năng làm ra những thứ có giá trị thực tiễn. GS Nguyễn Văn Tuấn - Trung tâm Y khoa Garvan (Úc) - cho rằng: Những gì các ông như Trần Quốc Hải, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Thắng làm không phải là “nghiên cứu” hiểu theo nghĩa sáng tạo tri thức mới nhưng họ có tìm đọc tài liệu, nghiền ngẫm trước khi bắt tay vào chế mấy cái máy, kể cả trực thăng. Những việc tìm tài liệu và nghiền ngẫm có thể xem là research (nghiên cứu). Thật sự, tôi nghĩ những gì họ làm được có thể nói theo Tây là “development” (phát triển).
Không hỗ trợ mà cứ kêu ca
Trong câu chuyện về những mày mò, thử nghiệm sáng chế, chế tạo của họ, ta tuyệt nhiên không nghe thấy bất cứ lời động viên, khuyến khích hay hướng dẫn, góp ý nào để họ làm tốt hơn, để phát huy tài năng và đam mê của họ từ phía các cơ quan chức năng có liên quan, như sở khoa học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, nói gì đến việc nhà nước hay những vườn ươm công nghệ tài trợ cho họ nghiên cứu hay những công ty công nghiệp, công ty cơ khí lớn mời họ cộng tác, sử dụng tay nghề của họ. Điều đó vừa cho thấy một não trạng trọng bằng cấp hơn thực nghiệp, xem thường đầu óc sáng tạo và khả năng phát kiến nơi những người dân thường; lại vừa cho thấy sự quan liêu, thờ ơ của các cơ quan nhà nước có liên quan trước những sáng tạo của người dân. Trong khi đó, lúc nào ta cũng có thể nghe những lời than thở của quan chức và doanh nghiệp về sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, về việc doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi con ốc vít cho Samsung!
Trả lời câu hỏi “Sau những sáng chế của ông, có cơ quan nhà nước nào tiếp cận ông không?”, ông Trần Quốc Hải trả lời thành thật: “Cũng có tiếp cận, rồi thưởng bằng khen. Thế nhưng, cơ chế của Việt Nam nó rất là ngộ. Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong, họ công nhận anh là nhà khoa học. Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận…”. Rõ ràng, trước những sáng kiến, sáng chế của công dân, phản ứng đầu tiên của các cơ quan chức năng là không tin tưởng, không khuyến khích mà là cấm đoán, cản trở thay vì hỗ trợ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một quốc gia về cơ bản công nghiệp hóa. Các văn kiện, phát biểu chính thức của lãnh đạo cũng thường nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của nhân tố con người, rằng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nền văn hóa mới. Thế nhưng, sự thờ ơ của bộ máy quản lý trước những sáng chế của công dân, cho dù là nông dân, công nhân, dân thường hay bất cứ ai mà không dựa chút nào vào ngân sách công, cho thấy nhân tố con người chưa được xem trọng, sự chủ động phát kiến của công dân nhằm làm giàu cho đất nước chưa được trân quý.
Bảo sao nền khoa học công nghệ, nền công nghiệp, nền kinh tế của ta không èo uột? Bảo sao nói mãi nền công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa hình thành? Bảo sao đến cái ốc vít cho Samsung cũng chưa làm được (với giá bán phù hợp)?
Phải biết lượng sức chứ!
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động “Tại sao nhiều sáng chế của người dân Việt Nam được nước ngoài sử dụng, thậm chí mua với giá cao, song trong nước lại có vẻ thờ ơ”, ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng không nên phân biệt là trong nước hay nước ngoài sử dụng, vấn đề là phải tìm được người sử dụng phù hợp và phải chứng minh sản phẩm đó hữu dụng.
Cho rằng người dân nào cũng có quyền sáng tạo để đáp ứng nhu cầu bản thân, những người xung quanh hoặc doanh nghiệp, địa phương... song ông Phạm Phi Anh cũng nhắc lại trường hợp một sáng chế của người dân từng được Bộ Khoa học và Công nghệ thưởng “nóng” tiền nhưng sau đó gây ra một loạt tai nạn và nói: “Chúng ta khuyến khích sáng tạo, nhà nước có cả chương trình khuyến khích sáng tạo nhưng khuyến khích phải trong một khuôn khổ nhất định. Thứ nhất là phải bảo đảm an toàn cho người dân, thứ hai là mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội... Nếu sáng tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của cơ quan nào đó thì hoàn toàn là tốt, khuyến khích nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu thì cũng không nên đầu tư nhiều vào đấy làm gì. Người dân cứ nghĩ ra những cái viển vông, không thiết thực cho cuộc sống là rất nguy hiểm”.
Cũng theo ông Anh, cần tuyên truyền để người dân sáng tạo những gì thiết thực. Sáng tạo là tốt nhưng phải biết sức của mình và làm sao cho phù hợp với điều kiện, đem lại lợi ích cho chính họ, gia đình và xí nghiệp của họ đi đã. Đối với khoa học công nghệ, ít khi đi tắt đón đầu được, phải có một nền tảng nhất định rồi mới sáng tạo được...
D.Ngọc
Hãy tôn vinh “Hai Lúa”
Khi nghe tin ông Trần Quốc Hải chế tạo thành công xe bọc thép ở Campuchia, cảm giác chung của nhiều người là thú vị, ngạc nhiên, phấn khởi, tự hào nhưng cũng buồn, xấu hổ và chua xót. Xem ra, đây là những cảm giác trái ngược nhau nhưng lại có thật trong mỗi chúng ta, những người đang mong đợi hằng ngày những đóng góp của giới trí thức, khoa học nước nhà cho sự phát triển của đất nước, nhất là khi đối chiếu những người có bằng cấp cao giữa Việt Nam với ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tình trạng học giả, bằng thật, học giả, bằng giả, thừa thầy, thiếu thợ, mua quan bán chức dẫn đến tình trạng đáng hổ thẹn là ngay cả từ cái kim, con ốc theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa làm được. Vậy mà chỉ 6 năm nữa, chúng ta phải cơ bản trở thành “nước công nghiệp” - một danh hiệu mà chúng ta tự đặt ra rồi tự phấn đấu trong cuộc đua marathon chỉ có một mình!
Tuy nhiên, cũng không ít các nhà khoa học có năng lực, muốn cống hiến cho đất nước nhưng thay vì tập trung trí tuệ, sức lực cho công việc chuyên môn thì phải vật vã đối phó với các thủ tục tài chính rất nhiêu khê, phiền toái...
Những nhà khoa học “Hai Lúa” chân đất dù không được đào tạo bài bản nhưng thường có những ý tưởng hay xuất phát từ thực tế. Họ không có điều kiện để biến ý tưởng của mình thành hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học có cơ sở lý luận. Lẽ ra, các cơ quan có trách nhiệm và các nhà khoa học liên quan cần ngồi lại, cùng giúp “Hai Lúa” thẩm định và hoàn thiện các ý tưởng thành đề tài khoa học thay vì chê bai, gạt bỏ.
Quyền có trí tuệ (sở hữu trí tuệ) cũng luôn nằm gọn trong phạm trù dân chủ của mỗi người dân. Có nghĩa là không được quy định rằng ai hoặc giới nào trong xã hội thì mới được quyền có trí tuệ. Albert Einstein từng nói: “Imagination is more important than knowledge” (Trí tưởng tượng quan trọng hơn sự hiểu biết). Sự sáng tạo chính là cốt lõi của ý nghĩa đó. Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO) cũng không quan tâm tới gốc gác và trình độ của các tác giả sáng chế.
Rất cần nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, “đại gia” thành lập quỹ mạo hiểm rủi ro để hỗ trợ các “Hai Lúa” thực thi các nghiên cứu vì sự phát triển của đất nước. Chúng ta vừa có Luật Khoa học - Công nghệ sửa đổi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực cải tiến để hỗ trợ các nhà khoa học thực thi nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, đừng quên chúng ta phải làm gì đây để có thêm nhiều “Hai Lúa” để họ cống hiến trí tuệ và công sức của mình, không phải bươn chải đi làm ăn ở xứ người.
Tiến sĩ TÔ VĂN TRƯỜNG
ĐOÀN KHẮC XUYÊN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét