Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Để việc dùng người chỉ trọng “trí tuệ”, bỏ qua “hậu duệ, tiền tệ“?


Ngọc Thành
VOV - Nhiều ý kiến cho rằng thực trạng trên dẫn đến người thiếu đức, kém tài nhưng giỏi “chạy” ngày càng nhiều trong cơ quan công quyền.

Thực trạng ít được thừa nhận

Một vấn đề mà xã hội và cử tri lo ngại và phản ảnh là việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức, viên chức biểu hiện nhiều tiêu cực. Theo Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), đó là tình trạng chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn và có nơi còn như công khai “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”. Thực trạng là thế, nhưng ít người chịu thừa nhận.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu cho rằng, với chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ cần có tham mưu, giải pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên nhằm đảm bảo tính công bằng minh bạch và đảm bảo chất lượng trong công tác cán bộ, tránh để người thiếu đức, kém tài nhưng giỏi “chạy” ngày càng nhiều trong các cơ quan công quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng các quy định của pháp luật là tương đối kỹ và rõ ràng, nhưng để xử lý vấn đề trên cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên; bảo đảm chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình thi tuyển, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển…

“Tất cả phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu; xử lý nghiêm các vi phạm. Nếu làm tốt, nhất quán, chắc chắn sẽ phòng chống được tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn về bổ nhiệm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, để tránh tiêu cực, đối tượng được bổ nhiệm phải nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch này hàng năm phải được đánh giá để bổ sung hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những người không xứng đáng. Không quy hoạch mà bổ nhiệm là bất bình thường.

Việc phân cấp, phân quyền đã được thực hiện mạnh mẽ, tuy vậy, đối với công tác bổ nhiệm, ngoài đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm, đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, theo Bộ trưởng Nội vụ cấp trên cần thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm.

Làm sao để cơ cấu ngược lại “các vần Ệ”?

Ngoài việc cho rằng nạn bằng thật- học giả, bằng giả- học giả là vấn đề mà đang gây bức xúc, điều đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) băn khoăn là giải pháp gì để cơ cấu ngược lại thứ tự cụm từ mà người ta thường nói về công tác tuyển dụng cán bộ hiện nay là hậu duệ, quan hệ, tiền tệ và trí tuệ, để nâng cao chất lượng cán bộ, làm trong sạch bộ máy quản lý Nhà nước trong thời gian tới.

“Cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư để được tuyển dụng, được thăng tiến giống như đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh. Khi đạt được mục đích thì người ta tìm mọi cách để thu hồi vốn”, đại biểu này đặt vấn đề khi phản ánh ý kiến của cử tri tới người đứng đầu Ngành Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng thừa nhận bằng cấp là vấn đề xã hội đang quan tâm. Trước mắt, Bộ Nội vụ sẽ sửa thông tư về sử dụng, tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức để đảm bảo đầu vào. Theo đó, người tuyển có trách nhiệm thẩm tra văn bản, chứng chỉ đảm bảo tính hợp pháp trước khi ghi nhận trúng tuyển.

“Như vậy sẽ chặn bằng cấp giả lọt khâu tuyển dụng. Còn trong quá trình phát hiện tới đâu xử lý tới đó, vì các quy định của pháp luật đã tương đối kỹ”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

Về phòng chống tiêu cực, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động do Bộ Nội vụ xây dựng để thực hiện trong toàn ngành, nêu rõ: Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ; trách nhiệm giải trình của công chức, viên chức; nâng cao đạo đức công cụ của công chức.

Lãnh đạo chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp thông tin, tuyên truyền việc phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức; nâng cao hiệu quả các hoạt động, ngăn chặn, phòng chống để đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong mỗi cơ quan, đơn vị.

“Người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị có trách nhiệm gương mẫu và quản lý chặt chẽ quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; thường xuyên kiểm tra, đánh giá và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức…”, vị tư lệnh Ngành nội vụ nhấn mạnh./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: