Cả buổi chiều hôm qua, mạng xã hội, báo chí tràn ngập các thông tin về vụ việc này. Và cảm tưởng chung của dư luận là sửng sốt, là tức giận.

Nào là thửa đất 351m2 ở Phú Khương. Nào là căn nhà tại Lê Quý Đôn. Nào là căn nhà phố ở TPHCM. Nào là nhà công vụ ở Hà Nội. Và tất nhiên không thể không kể đến “ngôi biệt thự khủng” với nhà gỗ và hơn 16.000m2 ở Bến Tre…
Những quân nhân cả đời không dám ước mơ một ngôi nhà tức giận là phải, bởi trong số đó có những ngôi nhà mà dù không phải là cán bộ quân đội, nhưng ông Truyền vẫn được cấp mà không có cả đơn đề nghị, không có cả xác nhận của cơ quan đơn vị công tác.
Những thương binh, những gia đình có công với cách mạng đang phải vất vả, bươn chải đâu đó tức giận là đúng thôi, khi trong đó, có ngôi nhà trục lợi chính sách người có công.
Và người lao động chân chất, người nghèo, người bất hạnh với ước mơ bé mọn một ngôi nhà xã hội, không tức giận không được, khi trong đó có những ngôi nhà gian dối, khi đó là ngôi nhà công vụ 3 năm không chịu trả, và khi đó là biệt thự “khủng” “cô em nuôi giúp đỡ”.
Không thể gọi khác hơn: Đó là sự tham lam. Tham lam trên cương vị một cán bộ cao cấp. Tham lam trên sự khốn khó của nhiều người dân lương thiện. Và tham lam bằng sự dối trá.
Còn nhớ tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra, ĐBQH Lê Nam đã cho rằng, chỉ cần một vụ Trần Văn Truyền, nếu không nghiêm minh, không công khai “có khi nhân dân mất lòng tin với Đảng”. Bởi vì chỉ nói suông thì dân không tin. Bởi không làm đến đầu đến não, mà chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân cũng không tin.
Việc xử lý nghiêm minh và công khai vụ ông Trần Văn Truyền hôm nay đã giải tỏa rất nhiều niềm tin trong nhân dân. Bởi đó chính là câu trả lời xác đáng nhất quyết tâm của Đảng trong việc xử lý sai phạm, bất kể đó là ai, ở cương vị nào.
Chỉ có điều, một điều thôi, là nhân dân vẫn đang chờ đợi việc xử lý kỷ luật cũng như việc thu hồi những tài sản bất minh, để thực sự xóa đi dư luận cứ “hạ cánh” là an toàn, để không còn những lời đàm tiếu làm nửa chừng, tắm từ vai trở xuống.