Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Bàn kỹ với bạn thơ Xuân Lộc về bài “ Sao lại đi báng bổ thơ”?

Nguyễn Hoàng Đức

Mới đây nghe bạn bè chỉ, tôi vào blog Trần Nhương đọc bài “Sao lại đi báng bổ thơ” của nhà thơ Xuân Lộc. Lời lẽ anh giành cho tôi khá trọng thị, anh gọi tôi là triết gia, nhưng có phàn nàn về việc tôi đòi Việt Nam vứt thơ đi. Anh Xuân Lộc thân mến, nghệ thuật cũng như mọi thứ ở đời, khi đấu thì phải phân ra cân lạng, đấu sĩ hạng lông không thể đấu với đấu sĩ hạng nặng, trong bài này tôi không tìm cách đấu với anh, nhưng tôi muốn trả lời theo lối bàn với anh. Đó là một cách trọng thị để đáp lại một sự trọng thị. Khi tôi viết “Muốn có giải thưởng lớn Việt nam nên vứt thơ đi”, là đã suy nghĩ nung nấu nhiều chứ không thể ăn nói vu vơ.
Theo anh, tình yêu thơ của dân tộc Việt dày và sâu lắm, làm sao vứt được… Anh thử nhìn xem, thơ Việt làm sao dầy và sâu như Tầu. Tầu có cả vạn nhà thơ Đường, đi đâu cũng sẵn sàng vén tay áo lên phẩy mấy nét chữ làm thơ tức cảnh. Thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú, rồi song thất lục bát cũng đều là của Tầu cả. Ngay đến thơ Lục bát của chúng ta cũng là thơ Tầu, bằng cách xén hai câu song thất đi. Vậy mà người Tầu còn dám vứt thơ đi, còn chúng ta chỉ là thứ nhặt lại tại sao không dám vứt bản photo copy đi?Cuối bài anh viết: “Xin quý vị đừng báng bổ thơ hơn nữa và cứ để cho các loại nhà thơ tìm thấy thú vui của mình trong những bài thơ dù hay dù dỡ,đấy là quyền của họ mà cũng không ảnh hưởng gì đến quốc kế dân sinh ,không gây chết chóc cho ai .Đọc thơ hay không là quyền của người thưởng thức,chẳng nhẽ cứ đẩy những người có máu làm thơ và biết tìm kiếm niềm vui trong thơ ra đường để thành những kẻ lừa đảo,trộm cướp,lưu manh chỉ vì họ không làm được thơ hay ,thơ hàn lâm ,thì các ông mới vừa lòng ư?”
Có điều căn bản này xin được nói thẳng với anh Xuân Lộc. Một anh bạn vong niên của tôi đã nói cách đây hai chục năm: “Ở đời mọi việc đều vất vả thì mới được mọi người kính trọng. Chứ thứ việc như làm điếm vừa vui sướng lại vừa có tiền thì làm sao người ta kính trọng được?” Anh xem trong kết luận của mình, anh muốn nhắc việc nhà thơ tìm thú vui, nhưng thú vui đó đâu có dừng ở thú vui mà nó còn leo lên danh vọng cao nhất, lợi lộc nhiều nhất, thơ lại chủ yếu dựa trên cảm xúc. Trẻ con và người lớn đi học để làm gì? Để rèn luyện trí tuệ và lý trí, còn nếu chỉ cần cảm xúc thì ở nhà với mẹ cũng được. Một đội ngũ đông đảo thơ ca hò vè dựa trên cảm xúc lấy vui, thử hỏi dân tộc Viết Nam có biến thành chiếu đọc thơ không? Và con người chỉ sống bằng cảm xúc mua vui, không mang bổn phận trọng đại theo mình, thì có khác gì điếm?
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhân loại được chứng kiến các hệ thống lý thuyết đã dẫn dắt các dân tộc. Các chuyên gia mới đây tổng kết: mọi việc ở đời chỉ thành công khi lý thuyết song hành cùng hiện thực. Nghĩa là trong một việc dù nhỏ nhất nếu ý thức không có khái niệm về lý thuyết việc đó cũng không thể thành công. Vậy thơ Việt với cảm xúc ham vui được đưa lên hàng đầu có trở thành lý thuyết dẫn dắt con người được không?
Có ai cấm nhà thơ làm thơ, chơi thơ, và vui thơ. Cũng như có ai cấm trẻ nhỏ chơi bi đánh đáo. Nhưng sau khi cậy cơ số ưu tiên lên cướp micro và diễn đàn đọc vài bài thơ cảm xúc, người ta liền leo ghế, vào ban biên tập đè thơ người khác ra băm chặt, rồi ẵm giải, rồi gặt hái vinh quang, thử hỏi khi đó thơ có là thú vui nữa không hay nó biến thành bất công, thành giá áo túi cơm, thành một người làm quan cả họ được giải, cả tỉnh, cả đồng hương được giải theo?
Trong bài của anh, anh công nhận thơ từ phần lớn nông dân mà ra. Rồi anh bênh nông dân nghèo khổ có mỗi thú vui thơ này… Đó là cách anh yêu mặt bằng bình đẳng. Nhưng nghệ thuật cũng như những giá trị cao siêu đòi hỏi con người phải biết tuyển lựa tinh hoa. Anh thử hình dung, bán thóc của cả tỉnh ở Việt Nam chưa chắc đã đủ mua một con chíp điện tử. Trong nghệ thuật mà mình kêu gọi bình đẳng ngang bằng giữa chân tay và đầu óc siêu việt, đó là cách bất công như Mao Trạch Đông bắt các giáo sư về quê nghe nông dân giảng dạy về cuộc đời, Pôn-pôt Iêng –xa-ri lấy vồ đập chết trí thức, và Việt Nam từng “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”…
Tôi trao đổi với anh sơ sơ mong nói ít hiểu nhiều theo tinh thần đại ý chứ không theo tiểu tiết. Theo tôi Việt Nam sẽ mãi mãi nghèo đói và xơ xác về văn hóa nếu như chỉ có mấy bài thơ còi bám theo ít đường vụn của cảm xúc ham vui. Chừng nào Việt Nam có nhiều nhà khoa học, nhà lý luận hơn, khi đó chúng ta sẽ giầu mạnh hơn. Thơ là gì? Thơ không phải kiến thức cao siêu, vì thế trong lịch sử nó luôn đóng vai trò a dua, ăn theo nói leo, một đất nước mà có nhiều nô tài “đào kép” ham vui nhí nhảnh hát hò thì không bao giờ trở thành nhà hát lớn được, mà chỉ thành chiếu chèo ngả ngớn thôi.
Hãy lao động nghệ thuật cái đó mới dẫn đến tác phẩm lớn! Còn làm thơ cầu vui ư? Có ai cấm đâu, nhưng nó chỉ dẫn đến vài mẩu hò vè nhí nhảnh mà thôi.
Theo tôi, ai đó dũng cảm và trưởng thành hãy vứt thơ là thứ cảm xúc xun xoe vè vè bâu quanh cuộc sống đi!
Mong mấy lời trực ngôn không làm anh Xuân Lộc quá mếch lòng! Cám ơn.
NHĐ 18/07/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: