Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Bao nhiêu người Trung Quốc loại này đang ở Việt Nam?


Sân bến xe khách Giáp Bát một buổi trưa hè nóng như rang, đi sau một trung niên tay xách nách mang cùng 2 con nhỏ đang lơ ngơ giữa đám đông, tôi bèn ngỏ lời vác giúp đồ để anh có thể dắt 2 đứa trẻ. Thật may là chúng tôi lại cùng chuyến xe trật như nêm về Hà Tĩnh. Khó có thể đoán anh bạn đồng hành người tỉnh nào vì giọng nói pha chút Hà Tĩnh nhưng tiếng Việt lại na ná như người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua cách mặc cả rất thành thạo của anh với nhà xe thì tôi lại tự quả quyết anh này là người Kinh chắc đi làm ăn xa mạn Lai Châu, Hà Giang gì đó. Quê tôi Hà Tĩnh vẫn vậy mà, ruộng đất ít, cả làng tứ tán khắp nơi. Có khi anh em ruột cùnggia đình mà gần 10 năm mới gặp nhau vì kẻ thì đi làm cửu vạn chui tận Thái Lan còn người thì đi thợ đào vàng tận miền núi phía Bắc… Anh chàng ngồi cạnh có vẻ kiệm lời nên tôi chủ động hỏi chuyện.
Hóa ra anh họ Từ, quê ở rất xa tận một làng tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Quê anh kinh tế cũng rất khó khăn. Dân làng phần lớn phiêu bạt đi kiếm ăn tận Phúc Kiến, Quảng Đông, đảo Hải Nam … Phận làm thợ nên chỉ đủ ăn mà không có tích lũy. Tuy là con một nhưng đã gần 40 mà anh không lấy nổi vợ vì gia cảnh khó khăn và ở Trung Quốc thì ít con gái. Cách đây 8 năm, đang bơ vơ thất nghiệp vì nhà máy anh làm tại Quảng Đông sa thải công nhân, lại không có tiền về quê với bố mẹ già, anh được một tay bạn cùng quê dắt theo sang Việt Nam làm việc chui. Cùng đi còn có gần 50 người khác, toàn bộ đều chưa lập gia đình. Điểm đầu tiên anh đến là làm thợ phụ xây dựng cho nhà thầu Trung Quốc tại một nhà máy điện ở Quảng Ninh. Công việc vất vả, thu nhập thì bèo bọt như bên Trung Quốc nhưng đổi lại – như anh nói – có cơ hội lấy được vợ Việt Nam. Nói đến đây anh khì khì cười rất khoái.
Sau đó, anh phiêu bạt đến làm thợ tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), tính chuyện ở đây ít bữa rồi theo lũ bạn cùng quê vào Đắc Nông vì nghe nói trong đó trả công hậu hơn. Ban đầu anh làm xây dựng, sau đó chuyển sang làm thợ cho một doanh nghiệp Trung Quốc tại Vũng Áng. Duyên phận thế nào mà anh se duyên được với một cô gái Hà Tĩnh nhà ở ngay Kỳ Anh, thế là ở lỳ đến nay. Mới gần 6 năm mà vợ chồng anh sinh liền 2 đứa con trai. Nhà vợ lại cho đất làm nhà. Hộ khẩu cho cả nhà đã xong. Đứa lớn sắp đi học. Chỉ mất ít “thủ tục” cho cán bộ địa phương –
như anh nói – là đâu vào đó. Bố mẹ đẻ của anh bên Hồ Nam vui lắm. Anh bảo về bên Trung Quốc, không những khó lấy vợ mà lại còn không được sinh thêm con thứ 2. Nhỡ mà có thai con thứ 2, chính quyền địa phương cưỡng chế đi phá thai ngay. Nói đến đây anh khoe thêm là vợ anh đang mang bầu đứa thứ 3 nên chuyến đi về quê Hồ Nam lần này chỉ có anh và 2 con. Tới đây, anh có kế hoạch đưa bố mẹ già sang Việt Nam để tiện phụng dưỡng. Hóa ra anh vừa dắt con về thăm quê và sang lại Việt Nam. Anh cũng “bật mí” là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang tốt đẹp nên ngày càng có nhiều trai làng Trung Quốc như anh chọn sang Việt Nam theo cách này. Ngay làng của anh ở Hồ Nam bây giờ có hơn 20 người đang ở Đắc Nông và đều đã may mắn kiếm được vợ. Anh nói đi lại giữa hai nước qua biên giới bây giờ tiện lắm. Chỉ mất phí hơn trăm tệ (Nhân dân Tệ) là có đường dây đưa qua biến giới rất an toàn đến tận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà chẳng cần giấy tờ nhiêu khê gì cả.
Nghe chuyện của anh Từ, tôi chợt chạnh lòng bởi 2 đứa em tôi dời bỏ quê Hà Tĩnh phiêu bạt sang Thái Lan cõng hàng thuê ở chợ đã hơn 4 năm nay chưa về. Chúng kém may hơn anh Từ nhiều lần vì ở ngay chính Tổ quốc của mình chúng đã bị cắt hộ khẩu khi Công an xã rà soát, phát hiện chúng vắng mặt tại địa phương trên 6 tháng. Không có hộ khẩu sẽ không có chứng minh thư, không có hộ chiếu, không được xã xét cấp đất giãn dân (thực ra là phải mua), không cho đăng ký kết hôn … còn sinh con đẻ cái nữa chứ … Lũ trẻ sinh ra sẽ trở thành vô thừa nhận ngay trên chính quê hương mình …

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: