..Nhờ có bà Ba béo, tôi được ông tổ trưởng phân công làm việc ở lò
bánh mì. Phải nói ngay rằng đây là loại lò cổ điển, theo lối thủ công xây bằng
gạch, có hai cửa chính. Cửa phía trên để đưa bánh vào, lấy bánh ra, có cánh cửa
gắn bản lề sắt. Cửa phía dưới không có cánh, than và củi sẽ qua cửa này để xếp
vào. Ngăn cách giữa hai tầng cửa đó là lớp bê tông dày ngăn khói, lửa ám vào
bánh.
Công việc của tôi là xếp than vào lò, chất củi, nhóm lửa. Thỉnh
thoảng mở cửa lò phía trên kiểm tra bánh xem đã được chưa. Mỗi ngày bánh
vào lò, ra lò bốn lượt. Công việc tương đối vất vả, nhưng cũng có lúc nhàn..
Ấy là lúc than đã bén, củi không cần đun nữa, than cũng không cần
nhào thêm. Mấy ngày đầu mùi than cứ làm tôi váng vất, đến bữa bụng đói mà không
muốn ăn. Sau quen dần, thậm chí lại thấy quen, mùi than, mùi bánh chín thơm
thơm, ngầy ngậy rất khó tả. Mùi của no đủ, mĩ mãn, ưng ý. Mùi của khíu giác tối
thiểu cho đời sống con người. Mùi sự sống. Bụi bặm tro than, mùi mẫm.. làm tôi
như mê đi.. quên cả chuyện thất học của mình.
Lại được ông tổ trưởng hay tính. Ông này đáng lý ra phải làm việc
ở ty văn hóa tỉnh hay huyện mới đúng chức năng bẩm sinh. Chứ không phải ở cái
lò bánh mì vừa đánh yêu vừa quỷ quái này!
Lần đầu tiên trong đời tôi được gần gũi, ở lâu với một người sính
thơ ca đến thế. Cứ rảnh ra là ông làm thơ! Nếu không bận giao bánh cho các cửa
hàng cho người đến nhận, là ông chúi mũi vào cuốn sổ nhỏ.
Ông viết nhiều thơ lắm. Thơ ông đại loại là:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên,
gặp anh giặc Pháp phát điên phát khùng,
hoan hô chiến sĩ Đoan Hùng,
một phen anh bắn cháy bùng tàu tây..”
Hoặc là:
“Bánh mì thị xã chúng ta,
toàn dân đón nhận tiếng ca lẫy lừng,
Bích quy có rắc nhân vừng,
trẻ già trai gái thơm lừng trên tay..”
Thật là hợp thời thế, trong cuộc vận động “văn hóa quần chúng” nở
rộ khắp nơi.
Có người giới thiệu ông với ban tuyên giáo tỉnh, ông lịch sự từ
chối. Với lý do là “phải gắn bó với cơ sở, đi sâu vào đời sống công, nông,
binh, thơ mới có cơ hội phát triển”.
Có vài ý kiến cho rằng chẳng qua ông không muốn xa rời cái lò
bánh yêu quý của mình. Vào thời điểm này của “quá trình quá độ”, lò bánh mì là
điểm sáng, thu hút sự chú ý của mọi người.
Chả gì cũng “giàu nhà kho, no nhà bếp”. Tôi là người gần gũi ông,
tôi biết. Đó chẳng qua là cách nhận xét hời hợt của những anh hay ghen tỵ. Ông
gắn bó với chúng tôi, thực chất là vì thói quen không muốn thay đổi.
Tự nhiên đang yên đang lành, xáo trộn lên làm gì? Văn chương xét
cho cùng là thứ mung lung, khó làm chủ, chưa xét đến yếu tố viển vông trong ý
nghĩ của người đương thời.
Mỗi người có một suy nghĩ cho cách sống của bản thân mình, có rỗi
hơi đâu mà áp đặt, mà suy nghĩ thay cho người khác?
Mỗi mẻ bánh thường dư ra chút bột. Ông chỉ đạo nhóm “ra bánh” làm
thêm ít bánh ngoài số lượng theo kích thước riêng. Đó là những chiếc bánh hình nấm, hình con chó
con mèo, hình con cá.. ai nghĩ ra hình gì thì nặn kiểu ấy.
Cũng không nhiều nhặn gì, chỉ hơn kém nửa cân bột, chả thấm tháp
với số hàng tạ bánh chúng tôi “gia công” hàng ngày. Nhờ số “ba via” này, tôi và
mấy người buổi trưa ở lại trông lò không phải lo lắng đến cái ăn. Chỉ buổi tối
mới ăn đến cơm của nhà.
Lắm lúc, tôi cứ mủm mỉm nghĩ: “Được ở gần một “nhà thơ” cũng có
cái hay. Ít ra người đó có "lòng nhân", biết nghĩ đến người khác, không khắt khe,
vụn vặt..”
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét