Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Trích TT "Sống không màu" của Ngố:

Nửa năm. Tôi đã dần quen với việc châm nhóm lò, bổ củi, xúc than... Lúc rỗi rãi hộ mấy bà chị “nuôi”, chị kết nghĩa” nhào bột, khía bánh trước khi đưa vào lò. Quen với mùi bánh mì mới ra lò ngầy ngậy, thơm thơm. Quen với cả mỗi lần nhào than, nắm than chân tay đen nhẻm. Bùn than có lúc dính bết cả lên mặt, lên tóc.
Cùng làm với tôi còn có hai cô bé nhà ở bên kia sông. Có hôm nhỡ đò các cô ngủ lại xưởng không về nhà. Những buổi tối ba chúng tôi chả biết làm gì, rủ nhau thả bộ vu vơ quanh thành nhà Mạc, hoặc ra mom đá ngoài bến sông. Chúng tôi chuyện gẫu cho đến khuya mới về. Thường là ông bảo vệ cằn nhằn vì lỡ giấc ngủ.
Sách báo gần như không có, là thứ không phù hợp và xa xỉ với chốn này. Cả xưởng chỉ có mỗi một tờ báo “Nhân Dân” thì bà chủ nhiệm thường hay mang về nhà. Có đến tay số người như chúng tôi thì nó đã hết tính thời sự từ cả tháng rồi.
Tuy vậy chúng tôi vẫn chuyền tay nhau đọc nó đến nhũn ra, không rõ nét, mờ hết chữ mới thôi.
Thực ra các số báo gần như giống nhau, quanh đi quẩn lại vẫn vài chủ đề “Tội ác Mỹ Diệm”, “Đấu tranh thống nhất nước nhà”, “Xây dựng HTX nông nghiệp ở miền bắc”. Lâu lâu mới có tin về “Khu gang thép Thái Nguyên”, hay “nhà máy nhựa Hải Phòng đã chính thức đi vào sản xuất”.
Nói chung là tin tức không có gì nhiều. Ngay cả vụ “Nhân văn giai phẩm” ồn ào cả nước khi ấy, mà mãi sau này chúng tôi mới biết. Qua những bài đăng trên báo đảng lên án những sai lầm ghê gớm của phong trào này.
Thời sự quốc tế ngoài Liên Xô, Trung Quốc ra, tin tức các nước khác gần như rất ít nói đến. Có một lần báo đưa tin “vụ bạo loạn Hung ga ri” chỉ có vài dòng. “Phe ta đã thắng lợi rực rỡ trong việc trấn áp bọn phản động quốc tế hòng lật đổ chế độ XHCN ở đất nước này”. “Xe tăng của Hồng quân Liên Xô chỉ trong hai ngày đã giúp nước bạn Hung ga ri ổn định tình hình. Bọn phiến loạn đã bị đánh tan, bị bắt sống, một số chạy ra nước ngoài”.
Thời bấy giờ dân chúng không có số đông người thờ ơ với thời sự như bây giờ. Ngoài các buổi “nói chuyện thời sự” ở các hội nghị, do cán bộ “tuyên giáo” của trên về, người ta thường trao đổi, bàn tán với nhau khi có dịp. Đói tin tức thời sự, đói văn hóa là biểu hiện phổ biến ở nhiều nơi. Chính sự thiếu thốn này đã làm người ta đặc biệt chú ý cả những tin tức không lấy gì gọi là quan trọng. Không thừa mứa, bão hòa thông tin như thế kỷ 21 sau này. Thông tin nhiều đến nỗi nếu ai không có “bộ lọc” tốt nhất là không quan tâm để tránh khỏi bị hoang mang, bị nhiễu dễ dẫn đến mắc bệnh tâm thần, hoặc mắc vạ vì những lý do vô cớ!
Cả xưởng chúng tôi chỉ có duy nhất một cái đài bán dẫn hai bóng của ông Khẩn thương binh, làm bảo vệ.
Theo ông kể phải khó khăn lắm mới nhờ mua được từ dưới Hà Nội lên. Lại nhờ ưu đãi thương binh, được giảm thuế và làm thủ tục cấp giấy đăng ký nhanh chóng hơn người ta.
Ông thuê hiệu may, may hẳn một cái túi vừa khít với cái đài, có dây đeo như dây xà cột, lúc nào cũng đeo sát bên mình. Nhờ có nó, ông như là trung tâm tin tức, thời sự của của cả xưởng. Những tin “chính thức”, “không chính thức”, nửa kín nửa hở từ ông, tôi rất phục và rất mê.
Hóa ra phe ta cái gì cũng tốt, cũng giỏi, hăn hẳn bọn đế quốc dã man và phe tư bản thối nát!
Thứ bảy nào tôi cũng cố công tìm cho được mấy điếu “Điện Biên” hay “Cửu long” để lấy lòng và được ông cho ở lại chỗ ông. Đó là những buổi tối cuối tuần có “Sân khấu truyền thanh” của đài tiếng nói Việt Nam.
Phải mỗi tội, sóng chập chờn, nhiều đoạn bị mất. Thế là hai chú cháu lại cùng nhau đoán đoạn ấy vở kịch nói, hay định nói gì?
Hôm nào đài hỏng hoặc chưa mua được pin, mặt ông ủ dột như bánh đa nhúng nước, như người mất sổ gạo. Ai hỏi gì ông cũng không thèm trả lời!
Với tôi, cái đài bán dẫn là cái gì quý giá. Tôi quyết bằng cách nào đó phải sở hữu nó thoải mái, cho thỏa thuê!
Cảm giác làm chủ cái vật nho nhỏ ấy sao mà ghê gớm thế? Đến nỗi bây giờ, đã nửa thế kỷ trôi qua, công nghệ thông tin đã san bằng mọi khoảng cách, ký ức ấy vẫn chưa mờ phai, quên hẳn!
Cuộc sống nhàn nhạt, mung lung, vừa giản đơn vừa phức tạp đưa đẩy, khiến tôi quên dần mục đích, khát khao học tập ngày nào thì đột nhiên xảy ra một việc..
( Còn nữa..)




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: