Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Phẩm chất quan trọng nhất là trung thực và nhân ái

Nhà văn Dương Hướng trả lời PV.

Nguyễn Nghiêm (thực hiện) - 16-07-2013 05:39:46 PM
VanVN.Net - Nhà văn Dương Hướng tiếp bạn văn trong căn phòng nhỏ gắn bó mấy chục năm qua, nơi ông đã từng cặm cụi ngồi viết 6 tác phẩm theo trình tự thời gian: Gót Son (tập truyện ngắn – 1989); Bến không chồng (tiểu thuyết – 1990, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam); Trần gian đời người (tiểu thuyết – 1991); Người đàn bà trên bãi tắm (tập truyện ngắn); Tuyển chọn Dương Hướng  (1997); và gần nhất là Dưới chín tầng trời (tiểu thuyết – 2007). Bên cạnh một tủ sách văn học đồ sộ, “tài sản” quý giá của ông, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình, giản dị…
Nhà văn Dương Hướng (trích ảnh Văn Công Hùng)
* Thưa nhà văn Dương Hướng, mỗi tác phẩm ra đời đều là một đứa con tinh thần của nhà văn. Song chắc chắn không phải trong số đó đứa con nào cũng như đứa nào. Xin hỏi, trong số các tác phẩm của mình, ông thấy tâm đắc nhất với tác phẩm nào, và ý tưởng nào đã giúp ông viết nên những tác phẩm để đời ấy?
Nhà văn Dương Hướng: Chả biết có để đời hay không, nhưng với tôi, tất cả các tác phẩm của mình đã viết ra tôi đều tâm đắc và yêu mến nó. Còn về ý tưởng nào sáng tác ư, nó muôn màu muôn vẻ, là anh cầm bút đôi khi chỉ tình cờ gặp những chi tiết rất nhỏ nhưng cũng có thể nảy ra được ý tưởng lớn. Nó cũng giống như anh đi câu vậy, may gặp được cá lớn. Với tôi, ngày còn quân ngũ, chiến tranh liên miên đã viết lách gì đâu. Ngày thống nhất đất nước trở về làng, tôi giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con làng xóm, tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi hậu quả của cuộc chiến tranh đã qua. Rồi không biết bao câu chuyện tôi được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí mình…
* Bao giờ tên tuổi nhà văn cũng gắn liền với tác phẩm - Cụ thể với ông là tiểu thuyết “Bến không chồng”. Thậm chí có khi tên tác phẩm còn trở thành “biệt danh” của nhà văn, hoặc một danh từ chung khi muốn nói về một vấn đề gì đó, và “Bến không chồng” cũng vậy, đến nỗi lâu nay bạn đọc cả nước đã quen được đọc các bài viết về ông với nhiều “tít” nghe rất ấn tượng như “Người đàn ông ở Bến không chồng”, “gặp ông Bến không chồng ở Tây Nguyên”, “Bến không chồng đã có chồng?.”. “Bến không chồng  - bến đỗ văn chương”… Ông nghĩ thế nào về chuyện này?
Nhà văn Dương Hướng: Mừng! Mừng và khoái vì các đồng nghiệp và độc giả đã đồng cảm, hiểu thấu những gì mình viết ra. Thú thật khi nhà văn viết ra những gì mình tâm đắc, chẳng thể tưởng tượng nổi sau này nó hay dở ra sao. Nhưng điều quan trọng phải thật sự tỉnh táo khi được độc giả tán dương. Đừng vội tưởng bở, có những điều phải suy xét cho thấu đáo nguồn cơn. Có nhiều những lời khen thật, khen vì quý mến, động viên. Nhưng cũng có cả lời khen giả, nếu không muốn nói là khen mỉa mai. Và có cả những lời khen ác nữa đấy. Họ khen mà thấy sợ. Rõ là họ khen mà hoá ra hại mình. Thế đấy! Hãi lắm.
* Cụ thể là gì thưa ông?
Nhà văn Dương Hướng: Là gì à, là mình nói A họ lại bảo B. Trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời, nhân vật của mình là nhân vật của tiểu thuyết, họ lại vận vào ông nọ ông kia ở ngoài đời. Thế là nguy chứ. Hãi lắm (cười). Họ khen mình là dũng cảm, là anh hùng. Là anh cầm bút mình chỉ tâm niệm là viết sao cho trung thực. Trung thực nhưng phải nhân ái, bao dung, có tình. Là nhà văn phải nhìn ra cái cao hơn lẽ thường ở cả những vấn đề bình thường. Đã cầm bút phải chấp nhận mọi rủi ro. Giống như người đi biển, phải chịu được cả giông bão. Trong văn học mình nói là nói tới bản chất (cái sâu xa) thì có những người chỉ nhìn vào cái vỏ bên ngoài trần trụi ...
* Đúng là văn học là phải nói tới bản chất. Vậy theo ông, đó có phải là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tác?
Nhà văn Dương Hướng: Phẩm chất quan trọng nhất của nhà văn vẫn phải trung thực và nhân ái. Văn chương mà giả dối nịnh bợ và nhạt thì buồn và khó chịu lắm. Tôi không muốn dùng lại những từ to tát như trong các bài viết giới thiệu quảng cáo sách, hay các luận văn của các học viên cao học đã phân tích về những tác phẩm của tôi, nào là tư tưởng xuyên suốt thời đại mang tính nhân văn cao cả, nào là phản anh sâu sắc những vấn đề cốt lõi của cuộc sống…
* Nhưng thực sự với các nhân vật trong ba cuốn tiểu thuyết của ông đều là những nhân vật tốt. Đọc nó thấy ấm áp vô cùng. Và đằng sau đó là một cái nhìn sâu sắc, sinh động của nhà văn về đề tài nông thôn...
Nhà văn Dương Hướng: Đúng vậy! Đừng lầm lẫn, không chỉ cái xấu mới có xung đột, mà giữa người tốt với nhau vẫn có xung đột. Thậm chí xung đột dữ dội. Sự xung đột của họ là do hạn chế về nhận thức, hoặc nhận thức khác biệt nhau do yếu tố khách quan, chứ bản chất con người họ rất đáng yêu thương, trân trọng. Thú thực tất cả các nhân vật trong các tác phẩm của tôi đều là hình bóng của những người thân trong gia tộc, làng xóm, bạn bè tôi. Đến cái tên làng như làng Đông trong Bến không chồng, làng Đoài trong Dưới chín tầng trời, làng Nguyệt Hạ trong Trần gian đời người cũng vẫn chỉ là bóng dáng của cái xóm Đông, xóm Đoài của thôn An Lệnh, xã Thuỵ Liên quê tôi. Còn nói trong những tác phẩm đó có một cái nhìn sâu sắc, sinh động về đề tài nông thôn thì cũng đúng. Mình con nhà nông chính hiệu mà. Mình thuộc mảng nào thì viết về mảng đó. Thực chất tất cả các tác phẩm của Dương Hướng đều thiên về làng quê, về chiến tranh và người lính. Chiến tranh và người lính, vẫn là những chàng trai từ làng quê khoác ba lô ra mặt trận. Họ ra đi để lại vợ con cha mẹ người yêu ở lại hậu phương. Vì thế, làng quê, chiến tranh, và người lính là ba mối quan hệ gắn bó máu thịt. Nỗi nhớ nhung, sự phản bội, lòng căm thù và tình yêu thương cũng từ đó. Chính vì vậy mà cả ba tiểu thuyết của tôi cũng đều cùng mang chủ đề, ấy - chủ đề nông thôn, chiến tranh và người lính. Và nếu trời còn cho tôi sức khoẻ, thì làng An Lệnh quê tôi có thể viết hết đời mình vẫn không hết chuyện. Nhưng ai đã đọc cả ba cuốn tiểu thuyết của tôi đều nhận ra khung cảnh, tập tục quen thuộc của cái làng An Lệnh quê tôi, nhưng chủ đề tư tưởng của mỗi tác phẩm đều khác nhau.Bến không chồng nói tới một thế hệ phụ nữ không chồng, hoặc có chồng cũng như không bởi đàn ông ra mặt trận hết. Trần gian đời người thì khai thác sâu về tập tục văn hoá làng xã bị phá vỡ tới tận gốc rễ. Còn Dưới chín tầng trời thì mở rộng hơn cả về thời gian và không gian, nó bao trùm cả một giai đoạn của lịch sử trong suốt nửa thế kỷ qua....
* Trong ba cuốn tiểu thuyết, có lẽ cuốn Dưới chín tầng trời đã được ông đặt nhiều tâm huyết trăn trở nhất. Ông có thể nói sâu hơn về cuốn tiểu thuyết này để bạn đọc rõ, bởi tác phẩm này vừa được trao giải A giải Văn Nghệ Hạ Long 2013...
Nhà văn Dương Hướng: Đã có nhiều bài viết về tiểu thuyết này nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt đã có tới chục cái luận văn tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học, học viên cao học trong cả nước phân tích rất bài bản về tác phẩm Dưới chín tầng trời. Nhưng với tôi, hoàn thành để được tác phẩm này tôi đã phải đầu tư tương đối công phu trong suốt thời gian dài 15 năm. Quả thực với tiểu thuyết này tôi đã đi sâu vào những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong suốt nửa thế kỷ. Cụ thể là 5 bước ngoặt lớn của đất nước để làm khung sườn cho tiểu thuyết. Bởi lẽ 5 bước ngoặt đó đã tác động sâu sắc, tác động trực tiếp tới từng số phận của các nhân vật trong tác phẩm. Có lúc cao hứng bốc đồng lên (cười), tôi đã nói với bạn bè đồng nghiệp câu nói chả hiểu mình nghe được ở đâu là: Nhà tiểu thuyết phải như một vị tướng cầm quân ra trận. Là một tướng giỏi khi tung quân ra phải biết thu quân về. Nều để quân lính thất lạc hay ngoẻo hết thì là tướng tồi...
Trong Dưới chín tầng trời, thực lòng tôi mong muốn viết được cái gì đó phản ảnh thật trung thực đời sống xã hội Việt Nam ta trong gần nửa thế kỷ qua. Tôi viết bằng cái tâm của mình, tôi tin rằng bất kể ai đọc tác phẩm này đều nhận thấy cái tình người là cao quý và lớn lao nhất trong tác phẩm. Tư tưởng tốt của tác phẩm chính là ở đó, ở cái tình con người. Đọc xong tác phẩm, thiết nghĩ không ai nỡ đối xử ác với ai, ai cũng mong mình sống sao cho tốt đẹp hơn. Điều đó chẳng phải là tiêu chí cốt tử muôn đời của văn học đấy sao? Để nói được điều đó, tất nhiên các nhân vật trong tác phẩm Dưới chín tầng trời họ đã trải qua tất cả những bước thăng trầm của lịch sử. Kể cả nói tới những hạn chế, những lỗi lầm của lịch sử, tôi cũng phải hướng tới cái thiện, đó cũng là điểm sáng, là ý tưởng tốt đẹp của tác phẩm. Điều này tôi luôn tâm niệm và bảo đảm bằng chính lương tâm và tư cách của người cầm bút. Bởi tất cả những gì tôi muốn nói, đều đã được trải nghiệm qua cuộc sống của tôi, của đồng đội tôi trên chiến trường, cũng như của những người dân trong làng xóm quê hương tôi. Tôi muốn nói tới một điều, lẽ ra văn học nước nhà phải rộng mở từ lâu. Tôi tin rằng tác phẩm này đã giải toả được mọi vướng mắc, mọi hạn chế của lịch sử mà trong mọi tầng lớp xã hội ta ai cũng biết, cũng hiều. Là người cầm bút, tôi nghĩ cần phải có tấm lòng, cần có sự dự cảm và trách nhiệm trước nhân dân, trước thời đại mình đang sống để độc giả vững tin trên tinh thần đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới ở thế kỷ này - thế kỷ văn minh tiến bộ của đất nước Việt Nam nói riêng và của toàn nhân loại nói chung.
Tuy nhiên trong một tác phẩm văn học, mỗi người đọc có những cảm nhận riêng, những quan điểm đánh giá khác nhau, đó cũng là điều bình thường...
* Trải qua khá nhiều năm, tới nay, các tác phẩm của ông vẫn được bạn đọc yêu quý, nhất là tiểu thuyết Bến không chồng đã tái bản đến 11 lần. Không chỉ có thế, vừa qua bộ phim truyền hình Bến không chồng khi trình chiếu lại cũng được dư luận chú ý. Là tác giả tiểu thuyết Bến không chồng, ông thấy giữa tác phẩm văn học và điện ảnh có gì khác biệt?
Nhà văn Dương Hướng: Hai thể loại đương nhiên là khác nhau về cách thể hiện, phim thể hiện bằng hình ảnh, tiểu thuyết thể hiện bằng ngôn từ. Cái cốt lõi là ở đạo diễn và nhà văn gặp nhau ở tầm tư tưởng. Cả phim và tiểu thuyết đã đạt được vấn đề đó. Bữa trước gặp đạo diễn Lưu trọng Ninh, ông có đề xuất với tôi, nếu được, ông sẽ cho chuyển thể thành phim (100 tập) cả hai cuốn tiểu thuyết Dưới chín tầng trời và Bến không chồng. Tôi băn khoăn nói với đạo diễn Lưu Trong Ninh là để tôi sẽ thương lượng với tác giả biên kịch Huệ Ninh vì tôi đã ký hợp đồng từ năm 2010 với Huệ Ninh chuyển thể Dưới chín tầng trời rồi. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay Huệ Ninh vẫn chưa thực hiện được.
  * Đã hơn 5 năm từ khi Dưới chín tầng trời, cuốn tiểu thuyết gần nhất của ông ra đời, việc sáng tác của ông thế nào?
Nhà văn Dương Hướng: Đã hơn 5 năm rồi, tôi dự định viết một cuốn tiểu thuyết tạm đặt tên là Góc khuất, nhưng mới chỉ là dự định. Tôi vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ và phải lựa chọn một cách kỹ càng hơn nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cứ phải gác lại bởi lý do sức khoẻ. Trong ngực bây giờ phải đặt một cái sten rồi, chả biết khi nào mới viết lại được. Đề tài của Góc khuất, cũng là về chiến tranh, về những người lính đang sống trong thời hậu chiến. Nhưng khác ở chỗ là thân phận con người còn có những góc khuất không thể phơi bày. ở đó có những con người phải chịu đựng cả hai luồng tư tưởng, họ cứ lơ lửng giữa giời... Đó là bi kịch của chiến tranh, là góc khuất trong nhiều thân phận của con người mà chúng ta cần thấu hiểu.
* Thưa nhà văn, với kinh nghiệm của một nhà văn đã thành đạt, ông có suy nghĩ gì về lớp những người viết trẻ đang kể thừa sự nghiệp văn chương của thế hệ đi trước? Nhà văn có nhắn gửi và tâm tình gì đối với họ?
Nhà văn Dương Hướng: Lớp trẻ ngày nay được học, được đào tạo bài bản hơn lớp chúng tôi nhiều. Họ viết cũng hiện đại hơn, nhiều tác giả trẻ viết cũng nể lắm. Tôi đã biên tập một tập truyện ngắn cho mười tác giả trẻ vừa xong, in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, có nhiều tác giả viết rất khá. Với các bạn trẻ, điều cần quan tâm hơn chính là ở sự trải nghiệm. Trong sáng tác cần ở sự trải nghiệm hơn là sự học và đào tạo.
* Xin cảm ơn nhà văn Dương Hướng về cuộc trò chuyện này.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: