Khả là con thứ ông Đoàn Nhiêu, người cùng bố tôi “đánh hàng” ra
vùng tự do, bị tây bắt năm nào. Đến CCRĐ ông tố bố tôi làm “lôbê” cho địch,
ngầm báo những người mang hàng ra vùng tự do.
Bao vây cấm vận là chủ trương của người Pháp trong thời gian này,
hòng làm suy yếu lực lượng của Việt Minh. Vì thế tội bố tôi ngày ấy xem ra rất
nặng. Nếu bố tôi không cùng bác Hai Hìu đào thoát, không biết sự thể sẽ như thế
nào?
Kỳ ấy có nhiều người bị xử lý rất oan uổng, khi lệnh từ trên đưa
về “dừng lập tức các vụ hành quyết”thì đã chậm mất mười lăm, hai mươi phút rồi!
Mới biết “thông tin liên lạc” có ý nghĩa sống chết như thế nào!
Nếu như ngày nay, chỉ cần một cái nhấn chuột, một cú điện thoại, thì
mấy phút sau, những việc đáng tiếc đã không xảy ra!
Có những tháng năm công văn “hỏa tốc” phải chạy bằng sức ngựa,
chạy bằng chân người, rất ít nơi trong nước có ô tô để chuyển tin “cực kỳ quan
trọng” này!
Rồi thì những người sai trái sau sửa sai chỉ bị đình chỉ công tác
một thời gian. Xét cho cùng lỗi cũng không hẳn bởi tại họ. Tại một cái gì vu vơ
khó hiểu từ trên trời nào đó? Tại trình độ cán bộ từ trên xuống dưới còn non.
Tại bối cảnh học hỏi kinh nghiệm quốc tế bấy giờ có những cái áp dụng sai lầm..
Dẫu sao chuyện cũ cũng đã
qua. Người ta nhắc lại không phải để gây oán thù, khắc sâu thêm vết thương đã
lên da non, đã quên, chìm vào dĩ vãng. Chỉ là để cảnh tỉnh cho những bước đường
sau này. Có làm, có sai, có sửa, cốt đừng lặp lại những sai lầm không đáng có.
Ông Đoàn Nhiêu nghỉ một thời gian, lại ra làm việc tiếp. Ông công
tác tích cực mãi đến sau này, được về hưu, được danh hiệu “lão thành cách mạng”và
“Năm mươi năm tuổi Đảng”.
Bác Hai Hìu sau về làm chủ tịch huyện. Ông lấy lại tên thật của
mình là Vũ Mạnh Thường. Có một thời gian ông công tác cùng với ông Kim Ngọc bí
thư tỉnh Vĩnh Phú. Người có công tìm con đường giải thoát bế tắc, khó khăn của
thời bao cấp. Nghe nói bác ấy cũng gặp rắc rối một thời gian vì có liên quan đến sáng kiến của
ông bí thư này.. Nhưng đấy là câu chuyện khác..
Khu nhà ủy ban tọa lạc trên khu đất cao, quay mặt ra sông, chỉ
cách trường “Thi Sách” của chúng tôi một quãng. Ngày thường đi học tôi vẫn qua
đây, nhưng không để ý lắm. Thỉnh thoảng thấy bên trong tấp nập đông người.
Đấy là những hôm có hội họp hay mít tinh gì đó.
Nhưng hôm nay vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng mới thấy vài người đầu
đội mũ lá, vai đeo xà cột, tay cầm tờ báo hay giấy tời gì đấy ra vào.
Những người đàn ông nét mặt hốc hác, gò má cao, môi thâm thâm
chưa hết triệu chứng của bệnh sốt rét.
Những người đàn bà ăn mặc cũ kỹ, tóc để dài, cặp ba lá, buông về
phía sau. Có chị còn chưa khô vệt quết trầu, tay đeo vòng bạc..
Những công chức của nhà nước non trẻ chưa khác biệt với nhân quần
bao nhiêu. Khó nhận ra họ là cán bộ giữa đám đông người. Có người may mắn thêm
duy nhất chiếc xe đạp “Phượng Hoàng” Trung Quốc. Phần đông là xe cũ cọc cạch,
phụ tùng nửa tây nửa ta. Thâm chí có người không có cả xe, đi bộ hay tếu táo rằng:
“Đi xe căng hải”.
Không thấy ai to béo, bệ vệ, trắng trẻo, xe lớn xe nhỏ các kiểu
như bây giờ. Lương bổng chế độ chẳng là bao, vì nhiệt tình cách mạng mà làm
việc. “Cơm nhà vác tù và hàng tổng” là chính. Vì thế được dân tôn trọng. Ông bà
nào vẻ mặt cũng nghiêm. Có việc gặp họ cứ sờ sợ thế nào ấy.
Tôi đánh bạo bước vào. Khả không nhìn tôi, chỉ hất tay ra hiệu cứ
chờ đấy. Tôi đi lại chiếc ghế băng kê sát tường kiên nhẫn ngồi đợi.
Hóa ra công việc của ủy ban không đơn giản. Một lúc sau đã có hơn
chục người đến xin được giải quyết đủ thứ sự việc.
Một ông khèo tay, đôi mắt gian xảo, mồm như tép nhảy:
- Báo cáo anh, em chờ đã ba ngày nay xin anh giải quyết để em
xuôi. Ở lại đây chờ em hết cả, không còn tiền ăn, tối chả biết ngủ đâu, mong
anh thông cảm..
- Việc gì?
- Em chỉ có mấy cân phân đạm, quản lý thị trường giữ đưa vào
đây.. Số phân này của chú em họ không dùng đến, chú ấy bảo đất sườn đồi có bỏ,
cũng bị trôi mất. Em tiếc rẻ xin về bón cho đám ruộng phần trăm của nhà.. Có
buôn bán gì đâu.. Xin anh xét cho..
- Bác có biết phân đạm là hàng chiến lược nhà nước quản lý không?
Tha phạt là tốt rồi, còn kêu gì nữa? Mà hình như lần trước bác đã vào đây một
lần rồi?
- Dạ anh nhầm em với ai chứ em vào đây lần đầu. Em thề đúng như
thế ạ. Nếu sai em chết bỏ vợ bỏ con, xin anh chiếu cố cho, đội ơn anh lắm lắm..
- Bác ngồi đấy, đợi tôi xem lại..
Khả đi lại phía chiếc tủ đứng lấy ra cái cặp ba dây. Anh ngồi
xuống ghế giở ra xem. Trong lúc Khải cắm cúi vào mớ tài liệu, tôi thấy ông Khèo
tay len lén đi ra ngoài. Khi Khải tìm được tờ biên bản gọi, không thấy ông ta
đâu nữa.
Khải cằn nhằn mấy câu, anh ra cửa ngó nghênh một lúc không thấy
người ấy đâu, buông một câu: “Rõ là miệng lưỡi con buôn. Bon này không trị
không được”!
Một bà chột bên mắt phải, đầu chít khăn mỏ quạ tiến lên:
- Chú cho chị cái giấy!
- Giấy gì?
- Chị có đứa con gái, cháu nó ở cữ chị muốn lên chơi với cháu.
- Giấy “thông hành” của bà đâu? Đi trong tỉnh việc gì phải giấy?
- Hôm nước lụt, lại gặp mưa không may nát mất rồi. Chú cứ cho chị
cái giấy giới thiệu. Kẻo như hôm nọ, ông ấy nhà này lên thăm con ở đấy xã người
ta cứ vặn hỏi mãi, suýt nữa còn bị giữ lại đấy. Lôi thôi lắm..
Lại một ông xin phép được mổ lợn vì lợn chê cám mấy ngày nay rồi.
Một bà đâm đơn kiện ông hàng xóm nghi oan con nhà bà lấy cắp cái bơm xe đạp,
đánh nó chảy máu đầu..Một anh bị đội phục viên nộp đơn xin ly hôn. Anh ta trình
bày khi còn trong quân ngũ ở nhà bố mẹ tự ý cưới vợ vắng mặt mình. Người vợ này
anh ta không được tìm hiểu và yêu bao giờ! vv
Khi đám người xin giải quyết giấy tờ tàm tạm, Khả mới quay sang
tôi, đưa mắt hỏi:
- Còn cậu, vấn đề gì?
Tôi đưa anh tờ giấy báo học. Anh cầm lấy, nét cau cau, hồi lâu
mới nói:
- Về việc này phải chờ ý kiến của đảng ủy, ủy ban, tôi chưa thể
trả lời cậu dứt khoát ngay bây giờ được. Cậu cứ về có gì tôi sẽ báo sau, thế
nhé!
- Bây giờ cũng đã quá hạn rồi, em chờ nữa nhỡ mất. Anh thông cảm,
chiếu cố cho em không muộn mất ạ!
- Đấy là việc của cậu, tôi không biết. Nếu tôi toàn quyền tôi đã
giải quyết. Đừng nhiều lời, tôi đang có việc xuống cơ sở.
Miệng nói, tay anh ta sắp xếp giấy tờ để vào tủ. Anh bảo tôi ra
ngoài để đóng cửa phòng làm việc. Tôi biết có nói thêm nữa cũng không kết quả
gì, lặng lẽ quay ra. Tôi nghĩ việc này cách giải quyết chẳng có gì phức tạp để
phải xin ý kiến nọ kia rắc rối như thế nhưng chẳng biết nói gì hơn. Không thể
nói trắng ra rằng anh ta có thành kiến với gia đình mình. Chẳng có căn cứ nào
để nói như vậy cả. Nói ra càng thêm bất lợi cho mình.
Về nhà nghe chuyện, mẹ tôi bảo:
- Đã có giấy rồi sao không sang tận nhà trường mà nộp? Nhà mình
với nhà nó từ xưa có vào nhau. Đến xin làm gì cho mất công?
Tôi không cãi lại mẹ. Có nói mẹ tôi cũng chưa chắc đã hiểu.
Giấy tờ xin nhập học đâu có đơn giản thế? Cần phải có bộ hồ sơ: “Lý
lịch tự thuật” có xác nhận của địa phương, giấy “cắt chuyển hộ tịch hộ khẩu”,
giấy khai sinh và vài thứ khác.
Không có trường nào nhận học sinh, sinh viên nhập trường chỉ có
mỗi cái giấy gọi như thế này cả!
Tôi biết nói ra mẹ tôi sẽ buồn. Mấy năm qua đã xảy ra bao nhiêu
chuyện.. Mẹ tôi chịu đựng đã quá sức rồi..
Buổi trưa hôm đó tôi không ăn cơm nhà. Tôi cần một nơi vắng vẻ,
chỉ một mình..
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét