Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Trích TT của Ngố:



Đó là một ngày sau này bố tôi nhớ mãi. Ông bảo đó là hôm “trong cái rủi có cái may”. Rủi là bỏ lỡ buổi tôm cá kết quả hơn ngày thường. May ở chỗ bắt gặp chị Dung tôi bên chiếc phản thịt bỏ không chỗ cổng đình..

Lúc đó bố tôi khập khễnh đi qua cổng đình, nơi từng đám bông gạo từ trên cành cao bung ra trắng xóa như những vệt mây nhỏ, rơi xuống đất.
Lạ là hôm nay sao không thấy ai nhặt bông như mọi khi?
Thứ bông gạo này tuy không chuốt ra sợi dệt vải được vì nó không đủ dai, nhưng nhồi gối, bện chăn rất tốt. Nó vừa nhẹ, vừa ấm cần cho mùa đông. Thường thì người ta nhặt thứ bông đó vào cuối mùa thu, khi tiết trời còn ấm áp.. Đang nghĩ vơ vẩn thế, chợt bố tôi nhìn thấy từ xa có vật gì ngọ ngoạy trên phản thịt nhà mình kê ở góc chợ, bên trên lợp chài mái rạ sơ sài.
Hôm nay không là ngày chợ, trong chợ vắng hơ vắng hắt, sao lại có ai ra đây làm gì?

Thực ra nghề mổ lợn, sau này hay gọi là “batoa” mới là nghề chính của gia đình tôi. Khi đặt tên các con của mình ông tôi đã có ý định hướng cho các thế hệ sau này. Không phải ngẫu nhiên mà bố tôi cùng các chú các bác đều có tên “cúng cơm”: “Sâm, Nhung, Kỳ, Trọng”. Toàn tên những vị thuốc!
Mặc dù trong giấy khai sinh vẫn khai tên khác. Có lẽ do sự không nhất quán ấy, nghề thuốc gia truyền của ông nội tôi không ai theo. Hoặc giả có theo cũng chỉ là đá gà đá vịt.
Bố tôi vẫn lấy nghề giết mổ làm kế sinh nhai chủ yếu cho gia đình về sau này. Thời bấy giờ chưa có “cân tạ” như bây giờ. Mua “quạn” là chính. Tôi cũng chẳng hiểu “mua quạn” nghĩa là như thế nào? Ngay trong từ điển tiếng Việt về sau cũng không có từ này. Đó là cách mua ước lượng bằng con mắt, mua “vo” để định giá tiền. Ai giỏi người ấy ăn. Bố tôi đặc biệt có năng khiếu về việc này. Người ta bảo “Con mắt là mặt đồng cân” quả là không sai!
Ông nội tôi tuy không hào hứng lắm với lựa chọn của bố tôi, nhưng cũng không cấm cản. Ông cụ cho rằng giết mổ, máu me là chuyện không hay, không có hậu về sau. Nếu tránh được người ta không nên làm, sợ quả báo sau này.
Nhưng thời buổi khó khăn, có lúc người ta không thể làm theo lựa chọn hay ý muốn của mình. Chả thế làng tôi hay có câu: “Ai chả muốn đẹp, muốn giòn – Ai muốn đi ỉa cho mòn tia trôn”. Hơi tục một tí, nhưng chính xác cực kỳ!
Làm mãi đâm quen, đâm say vì đồng tiền kiếm được thuận lợi. Mãi sau này khi nạn tai xảy ra, bố tôi mới nghiệm ra, mới cảm thấy ân hận vì cái nghề “sát sinh” khốn kiếp của nhà mình và đoạn tuyệt hẳn!
Lại nói vật cựa quạy trên phản thịt hóa ra là một con người. Một cô bé bằng tuổi chị gái tôi, hơn tôi hai tuổi. Chính là chị Dung trong câu chuyện này. Chị đang vật vã vì đau bụng, có lẽ do ăn phải thứ gì đó nhặt được trong chợ không nên ăn. Chị mặt tái nhợt, mồ hôi bết cả tóc hai bên thái dương. Bố tôi hỏi, chị chỉ mấp máy môi, không ra hơi. Bố tôi vội lấy hộp dầu cù là, vật phòng thân luôn mang theo trong mình ra xoa cho chị. Lúc sau cơn đau dịu đi, chị nhìn bố tôi chỉ ứa nước mắt, rồi cui cúi không nói gì. Có lẽ trong đời chưa có ai cư xử như thế đối với chị.
Một con bé ăn xin hôi hám, không cửa không nhà, không cha không mẹ, phiêu bạt nay đây mai đó.
Hình dáng tiều tụy của chị đã khiến bố tôi động lòng. Bố tôi đỡ chị leo khỏi tấm phản thịt và đưa về nhà.
Bố tôi chỉ định cho chị tá túc vài hôm cho lại sức, rồi đi đâu thì đi. Sức vóc như chị có ở lại cũng chả giúp được việc gì vì chị quá yếu, chân tay run lẩy bẩy như bị ngã nước. Đi đứng xiêu vẹo, bọn trẻ con trong xóm gọi là “Con bé không có xương”. Nếu không có bọn chị em tôi, chị hẳn nào cũng bị chúng bắt nạt.
Thật là buồn cho thế giới này! Không cứ người lớn mới “ỷ mạnh hiếp yếu”. Ngay con trẻ còn trong trắng, ngây thơ đã có tính ác ấy rồi. Liệu đấy có phải do “Tội lỗi tổ tông” của giống người, hay chướng nghiệp có tính “ác” mang theo của nhân loại?

Chị như cái cây héo được tưới nước. Chỉ vài ngày sau tươi tỉnh nhanh nhẹn hẳn ra. Bộ quần áo cũ của chị tôi, mẹ tôi đưa chị mặc tạm, biến chị thành con người khác.
Không ai ngờ mấy năm sau chị thành hoa khôi của làng, mục tiêu theo đuổi của bao trai tráng. Toàn con cái những nhà có máu mặt, danh giá trong vùng!
Bố tôi cũng không ngờ cô bé lọ lem ấy về sau lại là cứu tinh của cả nhà thời kỳ khó khăn oan khuất.
Nếu không có chị, có lẽ cuộc đời tôi sẽ rẽ theo ngả khác. Chưa chắc tôi còn tồn tại trên đời, nói gì đến giàu sang, phú quý, được gọi “Đại gia” như ngày hôm nay?


( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: