Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Trích TT của Ngố:

21.
Cái máy cán mì sợi là một phát minh vĩ đại của thời ấy. Nó vĩ đại ở chỗ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, kể cả thành thị lẫn thôn quê. Nhờ có nó việc phân phối, giao dịch và sử dụng trở nên đơn giản. Tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc của đại bộ phận dân chúng nửa nước thời bấy giờ..
Đối với tôi, nó đặc biệt “vĩ đại” và phải suốt đời “nhớ ơn” nó ở chỗ nó là cứu tinh trong lúc tôi bơ vơ. không biết tìm kiếm đâu ra việc làm.
Nó thật đơn giản, không cần đến sự chế tạo máy móc cầu kì. Chỉ cần hai trục thép to, hai trục thép nhỏ, mấy bánh xe răng khế..thế là xong. Là trọn vẹn. Nó không cần động cơ, bộ điều khiển phức tạp. Có điện hay không có điện cũng không quan trọng vì nó chuyển động bằng cơ bắp con người.
Cứ chịu khó cán, chịu khó quay, chịu khó kéo là ra sản phẩm!
Một trăm năm trước không có nó trên đời..
Một trăm năm sau chắc chắn cũng không có nó!
Nhưng mãi mãi, nó nằm sâu trong ký ức tôi. Gọi là kỷ niệm cũng đúng, gọi là tình yêu cũng không sai.
Tôi không biết gọi nó đúng nghĩa là gì? Thôi, cứ coi nó như một “chân lý huyền ảo”.. chưa thể đặt tên!
Thực ra thì bố mẹ tôi lên đây cũng tùng tiệm, cuộc sống không đến nỗi nào. Nghề “ba toa” là nghề nhà nước đang quản lý, không thể giở ra. Bố mẹ tôi đã có nghề khác.
Dân xứ Yên Lão vốn quen câu: “Cùng thì biến, biến thì thông”, thời nào và ở đâu cũng sống được. Hai ông bà lặn lội mua mật, mua đường về nấu kẹo. Người ta không cấm, nhưng phải kín đáo làm, nếu không muốn bị phiền phức.
Rồi thì kẹo lạc, kẹo bột, kẹo vừng ra đời.
Bố tôi mua được cái xe đạp cũ. Hai bên Poócbaga là hai cái thùng sắt tây gỉ được chế lại làm thùng đựng hàng.
Bố tôi đội chiếc mũ lá lên đầu. Kẹo lạc, kẹo vừng theo bố tôi đi hầu hết những quán nước nhỏ rải rác trong vùng. Đó là những quán được trên “chiếu cố” vì có hoàn cảnh đặc biệt, không phải ai muốn cũng mở ra được.
Kinh tế tập thể bao quát mọi ngành nghề và mọi nguồn nhân lực không bỏ sót một ai. Chỉ các cụ già, người tàn tật trong diện “chính sách thương binh, liệt sĩ”mới có được những cái quán như vậy.
Tuy vậy, đó cũng là nguồn sống quý báu của gia đình tôi. Nhờ có nó gia đình tôi tồn tại, qua được quãng thời gian dài.
Nhưng tôi không thể ỷ vào chỗ dựa là cha mẹ tôi mãi được.
Chưa nói tương lai, hy vọng..
Ngay thực tại, tôi cũng rất cần thể hiện và khẳng định mình. Tôi không nên và không thể trở thành gánh nặng của gia đình, của cha mẹ tôi mãi mãi..
Nếu tôi được gọi nhập học một trường nào đó, cha mẹ lo cho đã đành một nhẽ.. Chẳng lẽ cơm ngày hai bữa chỉ để hít thở, ăn rồi lại ngủ hay sao?
Cho dù ăn uống chả có gì đáng kể, chỉ là tương cà mắm muối, rau cháo qua ngày, nhưng vẫn phải lo. Đừng bảo “nó chẳng đáng gì”!
 Tích tiểu thành đại, “cứ mỗi bát cơm đơm một bát đất đổ ra trước mặt, chỗ ấy chả mấy thành non” bố tôi bảo vậy, và tôi thực sự lo lắng..

Tôi nhớ đến “xưởng mì sợi” của bà Ba béo. Bà không còn gầy guộc, một dóng như ngày tôi gặp bà ở bến sông. Cái ngày bà nhờ tôi kéo chiếc xe chở nứa lên dốc. Bà như đã thành con người khác.
Trong mắt tôi bà là người thành công, may mắn và hạnh phúc nhất thị xã thời buổi này. Người ăn kẻ làm đã có đến vài chục người.
Người ta không còn gọi xưởng cán mì của bà là “Cơ sở chế biến” mà thành “Hợp tác xã nghề phụ Vạn Thanh”. Cũng đủ “ban quản trị”, “ban kiểm soát”, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm như bất kì hợp tác xã thủ công nào thời đó.
Xưởng đã mở thêm xưởng làm bánh mì, bánh bích quy. Còn bánh bao chỉ làm thời gian ngắn phải bỏ. Thứ sản phẩm này khó bảo quản và nhu cầu không nhiều.
Cái chính vẫn là do chất lượng bột mì không thích hợp. Sau này trong kho chuyện cười dân gian của ta có câu chuyện tiếu lâm về một ông phó thủ tướng hồi đó. Cứ vài tháng một lần, ông bay qua các nước bầu bạn trong phe ta. Ông vận động rất giỏi với chính phủ và nhân dân nước bạn cung cấp cho ta loại bột mì phẩm chất không cao, về “giải quyết vấn đề chăn nuôi trong nước”. Nhờ thế các xưởng như xưởng của bà Ba mới có cơ thành lập và tồn tại hàng chục năm trời!

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: