Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

TÁC PHẨM HOA LÁ CÓ TẠO RA TÁC GIẢ ĐẠI NGÀN ?



 Nguyễn Hoàng Đức
 3

Sống ở đời ai chẳng muốn vinh danh tên tuổi mình, như phương ngôn “Cọp chết để da, người chết để tiếng”. Bất hạnh lớn nhất của cuộc đời là “vô dấu vết” hoặc là “không có gì vọng lại” gọi tắt là “vô lại”. Vô lại nghĩa là bóng tối soi vào vật tối đã không hề phản xạ lại, trong khi đó một ánh sáng dù rất nhỏ soi vào vật phản quang đã phản xạ lại. Cái gì soi xuống nước đều có bóng của nó, vậy mà tối tăm bất hạnh nhường bao thứ vật nào vô hình đến mức soi xuống nước chẳng có hình?!
Tiếng hô lớn dội vào vách núi sẽ phản lại âm vọng lớn! Đó là điều tất nhiên. Chúng ta nên chấp nhận nguyên lý giản dị này. Như vậy, cách tự nhiên một tiếng hô nhỏ bé dội vào vách núi sẽ vọng lại một thứ u oa ong ong bé tẹo. Và cũng tất nhiên rằng: Nhìn quả sẽ biết cây. Cây tốt không thể ra trái xấu. Cây còi không thể ra trái to. Nhìn tác phẩm hiển nhiên sẽ phản ánh tầm vóc của tác giả. Tác phẩm lớn thì phải ra đời từ tâm hồn lớn. Còn tác phẩm nhỏ, tép riu thì làm sao chứng tỏ cha đẻ của nó là cá voi?
Họ đều là những nhà thơ
Họ đều là những nhà thơ
Nghệ thuật tiên quyết phải là sự thể hiện ra ngoài thành tác phẩm. Chỉ khi  đó người ta mới có thể đăng ký phát minh hay sáng tạo. Không có nghệ thuật còn ở trong óc, trong tim hay trong bụng. Triết gia Hegel nói rằng: Tự do là giá trị đầu tiên của con người. Nhưng tự do không thể có nếu không được thể chế ra bằng quyền tự do đầu tiên là tự do sở hữu. Tự do đó nói rẳng tôi ít nhất sở hữu thân thể tôi, rồi nhà tôi, của cải của tôi. Vậy thì không thể cách nào chối từ hay biện hộ, tác phẩm dù to hay bé kia lại không phải sản phẩm của chính tâm hồn mình.
Hình ảnh thường thấy của các nhà thơ đông như kiến ở Việt Nam là gì? Là họ đổ xuống từ vài chiếc xe buýt. Hội nghị nào họ cũng có mặt đông rinh ríc, họ biện hộ “chúng tôi là nhà thơ nhưng chúng tôi yêu lý luận, nên chúng tôi muốn đến hội nghị lý luận”, thật giống người Việt bảo đó là cách “tuần chay nào cũng có nước mắt”, không phải đám cháy, mà đám cỗ nào giấy mời cũng lan sang nhà họ. Một tư duy vé kèm, ăn theo, sau lưng luôn có một đàn long tong như vậy, thử hỏi, hội nghị karaoke họ có bảo, chúng tôi yêu ca hát, hội nghị rau sạch, họ bảo chúng tôi yêu rau, hội nghị thịt họ bảo chúng tôi yêu thịt, hội nghị “giá áo túi cơm” họ bảo chúng tôi cũng yêu, hội nghị đóng bàn ghế thì có thể chúng tôi không cần nhưng hội nghị leo ghế thì chúng tôi không thể nào không dự vì đó là nhu cầu tiến bộ của loài người, còn hội nghị ẵm giải thì họ cũng đòi có mặt vì cho rằng đeo huân chương là bản năng của cán bộ… như vậy thử hỏi có hội nghị nào mà họ có thể vắng mặt?
Dân gian có câu “Việt Nam có Đoàn giỏi mà không giỏi”. Có người bình rằng, trời ơi, người giỏi lấy đâu ra một đoàn như vậy, nhà thơ gì mà đi đâu cũng thấy vài xe buýt đổ xuống, kéo vào ngập hội trường? Còn thơ là nghệ thuật tinh hoa ư, sao cả triệu người làm được, từ cô buôn thúng đến bác nông dân, cả anh xe thồ cũng làm ngon ơ?!
Một lần tôi nghe một nhà thơ cán bộ say sưa ca tụng: Trời ơi, về làng đó mới thấy người ta yêu thơ thế nào, các cụ già kéo ra rưng rưng cảm động, nói rằng “chúng tôi chưa bao giờ được trọng thị đến thế!” Nghe thế tôi buồn quá. Trời ạ, có phương ngôn “tuổi già tương lai đã ở phía sau”. Người Việt nói “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Già không cần áo mới để mặc cho hôm nay và cả ngày mai, mà chỉ cần ăn bữa nay bữa mai không biết thế nào. Một thứ nghệ thuật phải đi tranh thủ người già, tức nghệ thuật mặt trận cho tổ hưu, thì làm sao còn có tương lai???
Tại sao chỉ có câu lạc bộ thơ phường, thơ khóm, thơ làng mà không có câu lạc bộ viết văn của tỉnh? Có phải vì thơ dễ quá không? Câu trả lời thật đã lộ ra quá rõ ràng: thơ hầu hết chỉ dựa trên cảm xúc được chăng hay chớ nên quá dễ làm. Có một nguyên lý làm thơ phổ biến mà chúng ta vẫn thường nghe nói đó là “tức cảnh sinh tình”. Nghĩa là đi đâu, làm việc gì, sinh hoạt ra sao người ta thấy hưng phấn lên thì liền “nặn chứng cá” ra mấy bài thơ.
Kiến trúc được xem là bộ môn nghệ thuật đầu tiên của nhân loại bởi vì nơi ở là nơi cần thiết đầu tiên của con người. Trong Kinh Thánh, Chúa Trời có nói, một người muốn xây dựng nhà, thì trước hết anh ta phải ngồi xuống tính toán, mình có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu nguyên vật liệu, có bao nhiêu công thợ… để rồi quyết định tầm vóc của nhà sẽ thế nào tùy vào những gì mình có thể.
Vậy muốn làm việc gì lớn ở đời, người ta đều phải tính toán, dự liệu và vạch dự án. Đó là việc to! Còn làm thơ, ngẩn ngơ ra ao thấy con cá quẫy, xốn xang một lúc khi bạn tình chưa đến, vu vơ bắt được một mùi hương bất chợt, hoặc thấy mây bay xếp hình ngang trời, rồi lá vàng rụng có vẻ xao xuyến… thế là việc to hay bé? Một việc do cảm xúc tức thì mang lại liệu có là việc lớn được không?
Cái mà quốc gia đông nhất thế giới Trung Quốc có là công trình Vạn Lý Trường Thành vĩ đại cả thế giới biết, bởi vì nó dài và rất dài. Nếu nó dài một mét hay chục mét có lẽ chẳng ai để ý?! Sáng tạo bằng cảm xúc tức thì, cũng có nghĩa là vụn vặt thì chẳng bao giờ có tác phẩm hoành tráng cả. Muốn có tác phẩm lớn nhất dứt khoát người ta phải dùng đến lý trí. Thử nhìn xem, Một con cá sau khi bị gắp hết thịt, nó sẽ trơ ra một cái xương sống gắn liền với cái đầu. Tất cả các động vật có xương sống thì đều vậy. Cái đầu là bộ não của hệ lập trình cũng như kiểm soát và ra lệnh, nó được nối với xương sống là trục dọc của hệ thần kinh, từ đó mới tỏa đi các chi thể. Như vậy cơ thể đó đã nói lên nó là một kiến trúc của lý trí. Những động vật thân mềm không có xương sống thì lạc hậu hơn vì chúng không có cột sống để làm quốc lộ thông tin cho bộ não.
Các nhà thơ vụn là thân mềm hay thân cột sống? Hàng nghìn nhà thơ không thể nghĩ ra cốt truyện cũng như nhân vật cho thơ của mình liệu đó có phải bằng chứng cho việc một cấu trúc chỉ có phần mềm không định hình mà không có nổi sự điều hành trục dọc của hệ thần kinh? Rất nhiều nhà thơ, phớt lờ điều kiện mỗi người chỉ đọc một bài, sau khi đọc xong bài thứ nhất liền bảo “tôi xin đọc ba bài”. Đọc xong cả ba bài ngắn tũn vẫn thòm thèm. Tại sao? Trời ơi, thơ chỉ có cảm xúc, không có thông điệp nên đọc bao nhiêu vẫn cảm thấy mình chưa nói gì?!
Tới đây, tôi sẽ bàn đến tài năng và nhân cách của những người sáng tạo bằng cảm xúc tức thì, không rõ nó có đồng nghĩa với “ma cà chớp” không? Mời các bạn xem. Xin cám ơn!
NHĐ  22/07/2013

( Bài viết là quan điểm riêng của người viết, không phải chủ ý của gia chủ! )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: